Minh bạch hệ thống thuế để củng cố môi trường đầu tư

GIA NGUYỄN 06/03/2022 04:10

Xoay quanh Hội nghị “Triển khai Nghị quyết số 02/NQ-CP: Thúc đẩy phục hồi và phát triển kinh tế – xã hội”, đại diện AmCham cho rằng, minh bạch hệ thống thuế để củng cố môi trường đầu tư…

>>Cần xây dựng một môi trường đầu tư mang tính dự báo

Theo đó, tham luận tại Hội nghị, bà Virginia Foote - Phó chủ tịch Hiệp hội Thương mại Mỹ tại Việt Nam (AmCham) cho biết, AmCham và các Công ty thành viên của mình rất tin tưởng vào tương lai tại Việt Nam. Đặc biệt là những nỗ lực cải cách của Chính phủ sẽ cho phép phục hồi kinh tế một cách vững chắc và bền bỉ.

Minh bạch hệ thống thuế để củng cố môi trường đầu tư - Ảnh minh họa

Minh bạch hệ thống thuế để củng cố môi trường đầu tư - Ảnh minh họa

Bà Virginia Foote cho rằng, Việt Nam đã làm rất tốt việc duy trì chuỗi cung ứng trong suốt hai năm vô cùng khó khăn vừa qua. Trong tương lai tăng trưởng, khi tất cả các quốc gia đang cạnh tranh về chuỗi cung ứng, thì một môi trường pháp lý công bằng, minh bạch và có thể dự đoán được, coi trọng sự đổi mới là con đường tốt nhất không chỉ để thu hút đầu tư mới mà còn để duy trì và tăng trưởng đầu tư đã có ở Việt Nam.

“Tính minh bạch và khả năng dự đoán cao hơn trong hệ thống thuế của Việt Nam sẽ củng cố môi trường đầu tư của Việt Nam, đặc biệt là tránh các phán quyết và quyết định đánh thuế có hiệu lực hồi tố và những quyết định kiểm toán mang tính quá mạnh”, bà Virginia Foote chia sẻ.

>>> Nghị quyết 02/NQ-CP: Cải cách cần sự đồng bộ giữa các bộ ngành

Đại diện AmCham cũng cho rằng, tương tự, cần thiết phải có Thỏa thuận trước về giá tính thuế (APA) bởi đây là điều rất quan trọng khi các nguyên liệu đầu vào của chuỗi cung ứng có thể đi qua nhiều biên giới. Đây là một khái niệm mà Việt Nam đã thông qua về mặt lý thuyết nhưng cần phải được triển khai trên thực tế, các địa phương cần hiểu và thống nhất thực hiện APA.

Từ đó, AmCham khuyến nghị, Việt Nam cần tìm kiếm, ký kết và phê chuẩn chung một hiệp định thuế song phương với Hoa Kỳ, đồng thời để tránh đánh thuế hai lần đối với các công dân và các khoản đầu tư của Hoa Kỳ tại Việt Nam.

“AmCham kêu gọi Chính phủ ổn định chính sách thuế trong những năm tới để giúp doanh nghiệp phục hồi và tăng trưởng bền vững, và hiện tại không phải là thời điểm thích hợp để tăng hoặc mở rộng thuế đối với doanh nghiệp”, bà Virginia Foote nói.

bà Virginia Foote - Phó chủ tịch, Hiệp hội Thương mại Mỹ tại Việt Nam (AmCham) phát biểu tại Hội nghị

Bà Virginia Foote - Phó chủ tịch Hiệp hội Thương mại Mỹ tại Việt Nam (AmCham) phát biểu tại Hội nghị

Xoay quanh Hội nghị, góp ý về xây dựng môi trường kinh doanh theo tinh thần Nghị quyết số 02/NQ-CP, đại diện AmCham cũng cho rằng, ngày nay, chuyển đổi kỹ thuật số làm giảm đáng kể chi phí, cung cấp nhiều sản phẩm, dịch vụ hơn cho nhiều người tiêu dùng và doanh nghiệp, đồng thời tăng khả năng tiếp cận các thị trường mới và lớn hơn. Việt Nam đã có sự phát triển mạnh mẽ trong lĩnh vực thương mại điện tử, fintech, edtech và nền kinh tế sáng tạo.

“Để phát huy hết tiềm năng của mình, Việt Nam cần đảm bảo một môi trường pháp lý thuận lợi, phù hợp với các thông lệ quốc tế vì việc dịch chuyển xuyên biên giới của hàng hóa, dịch vụ và dữ liệu ngày nay càng ngày càng tăng với độ bảo mật cao. Tất cả chúng ta đều đang tìm kiếm các tiêu chuẩn toàn cầu - Việt Nam hiện có yếu tố rủi ro bị xâm nhập rất cao và việc nâng cấp hệ thống là điều hết sức quan trọng”, AmCham khuyến nghị.

Theo bà Virginia Foote, AmCham sẽ tiếp tục đối thoại với các Bộ, Chính phủ để đảm bảo các quy định mới khuyến khích các chính sách mở, minh bạch và nhất quán toàn cầu về thông tin, quyền riêng tư dữ liệu, bảo vệ sở hữu trí tuệ, an ninh mạng - và thương mại tự do, công bằng, đảm bảo nguyên tắc có đi có lại trong các dịch vụ kỹ thuật số phù hợp với các tiêu chuẩn toàn cầu cho cả nước ngoài và các Công ty trong nước.

Bên cạnh đó, đánh giá về việc tiếp cận với năng lượng sạch, đại diện AmCham cho rằng, những tiến bộ của Việt Nam trong việc chuyển đổi năng lượng sẽ tạo ra lợi ích to lớn không chỉ đối với môi trường ở Việt Nam mà còn giúp đỡ nền kinh tế nói chung cũng như giúp Việt Nam thực hiện các cam kết đã đưa ra về khí hậu toàn cầu ở Glasgow.

“Chính sách năng lượng sạch cần phản ánh cách tiếp cận của Chính phủ một cách toàn diện và xem xét việc tăng trưởng năng lượng từ nhiều góc độ. Bất kỳ kế hoạch nào cũng phải áp dụng những cải tiến, phát minh mới, chẳng hạn như năng lượng hydro, khả năng lưu trữ và các loại năng lượng tái tạo khác”, đại diện AmCham khuyến nghị.

Theo vị đại diện này, Việt Nam được thiên nhiên ưu đãi với khí ga ngoài khơi, mặt trời, gió và thủy điện - và nhân tài trong việc đổi mới, đây là những tài nguyên cần được tận dụng tối đa, môi trường pháp lý hạn chế hiên nay đã kiềm chế sự phát triển và thành công của năng lượng tái tạo.

Tương tự, đối với nước và chất thải, đây là yếu tố quan trọng đối với các doanh nghiệp, vì vậy, họ cần phải được đảm bảo về nguồn nước sạch và việc quản lý chất thải cần được điều chỉnh một cách chặt chẽ và cẩn thận ở các địa phương nơi doanh nghiệp hoạt động.

Cùng với đó, cơ sở hạ tầng con người cũng rất quan trọng trong việc thúc đẩy nền kinh tế, các thành viên AmCham cam kết sẽ giúp phát triển lực lượng lao động cạnh tranh toàn cầu cho Việt Nam, bằng việc ủng hộ nâng cấp các chương trình đào tạo nghề như là chìa khóa giải quyết nhu cầu tuyển dụng lao động có kỹ năng.

Ngoài ra, AmCham cũng khuyến khích, Chính phủ cần hợp lý hóa các yêu cầu về giấy phép lao động và loại bỏ yêu cầu về giấy phép nhập cảnh cho các chuyên gia, đảm bảo rằng Việt Nam có thể tiếp tục thu hút và giữ chân nhân tài hàng đầu từ nước ngoài để giúp phát triển nền kinh tế.

“Hiệp hội và các thành viên của chúng tôi rất coi trọng việc đóng góp ý kiến với Chính phủ và chúng tôi tin rằng, những cuộc đối thoại thẳng thắn giữa Chính phủ và khu vực tư nhân sẽ giúp tối ưu hóa chính sách công cho nền kinh tế Việt Nam trong điều kiện bình thường mới”, đại diện AmCham nhấn mạnh.

Có thể bạn quan tâm

  • Nghị quyết 02/2022/CP:

    Nghị quyết 02/2022/CP: "Tăng tốc" cải cách môi trường kinh doanh

    04:10, 09/01/2022

  • Cơ quan tư pháp đang lỡ nhịp quá trình cải cách môi trường kinh doanh

    Cơ quan tư pháp đang lỡ nhịp quá trình cải cách môi trường kinh doanh

    04:00, 26/04/2021

  • Thủ tướng giao các bộ, ngành thúc đẩy cải cách môi trường kinh doanh

    Thủ tướng giao các bộ, ngành thúc đẩy cải cách môi trường kinh doanh

    21:01, 06/09/2019

  • Cải cách môi trường kinh doanh phải thêm lửa

    Cải cách môi trường kinh doanh phải thêm lửa

    10:20, 22/04/2019

  • Cải cách môi trường kinh doanh: Thời gian và đột phá là yếu tố quyết định thành công

    Cải cách môi trường kinh doanh: Thời gian và đột phá là yếu tố quyết định thành công

    13:38, 19/06/2018

GIA NGUYỄN