Dường như cơ quan tư pháp đang lỡ nhịp quá trình cải cách môi trường kinh doanh. Hai chỉ số tư pháp của Việt Nam là thực thi hợp đồng và phá sản doanh nghiệp, không có nhiều cải thiện.
Phòng Thương mại và công nghiệp Việt Nam vừa công bố Báo cáo “Chương trình cải cách môi trường kinh doanh của Việt Nam: Góc nhìn từ doanh nghiệp”. Theo đánh giá của các doanh nghiệp trong lĩnh vực thực thi hợp đồng và phá sản doanh nghiệp có sự tăng điểm trong năm 2020, đặc biệt là vấn đề phá sản doanh nghiệp .
Cụ thể, trong bối cảnh dịch bệnh COVID-19 hoành hành khiến rất nhiều doanh nghiệp gặp khó khăn, trong đó không ít trường hợp lâm vào tình trạng mất khả năng thanh toán. Số lượng các vụ phá sản tăng mạnh trong năm 2020. Song, phản ứng của các cơ quan tư pháp còn nhiều lúng túng. Tới cuối năm 2020, Tòa án nhân dân tối cao mới có một số hoạt động hướng dẫn chuyên môn nghiệp vụ, đối với các tòa án cấp dưới về việc giải quyết phá sản.
Dù về phía tòa án đã có một số hành động, biện pháp nhằm tháo gỡ khó khăn cho công tác giải quyết các vụ phá sản, nhưng theo phản ánh của nhiều luật sư thì vấn đề vướng mắc vẫn nằm tại giai đoạn thi hành án dân sự
Cụ thể, Luật Thi hành án dân sự hiện mới đang trong giai đoạn nghiên cứu để sửa đổi. Còn trên thực tế, trong năm 2020, cứ 100 đồng cần thu hồi thì chỉ có 17 đồng được thu hồi, còn lại 47 đồng không có khả năng thi hành và 36 đồng còn tài sản nhưng không thu hồi được.
Nhìn rộng hơn sang môi trường kinh doanh, Báo cáo của VCCI nhận định về cải thiện môi trường kinh doanh, loạt nghị định cắt giảm, đơn giản hóa thủ tục điều kiện kinh doanh năm 2018 đã tạo một cú hích quan trọng, khi tỷ lệ doanh nghiệp phải xin giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh giảm từ mức 58% năm 2017 xuống 48% năm 2018, tỷ lệ gặp khó khăn khi thực hiện thủ tục giảm từ 42% xuống còn 34%.
Nghị quyết năm 2019 và 2020 tập trung vào nhiệm vụ duy trì, tránh phát sinh các điều kiện đầu tư kinh doanh mới. Số liệu khảo sát cho thấy, tỷ lệ doanh nghiệp xin giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh có xu hướng tăng lên 52% năm 2019 và 59% năm 2020. Điều này chứng tỏ đang có sự chuyển dịch xu hướng kinh doanh sang cả các ngành nghề cần điều kiện, mà một phần nguyên nhân có thể do việc xin các giấy phép đủ điều kiện kinh doanh đã trở nên dễ dàng hơn.
Tỷ lệ doanh nghiệp gặp khó khăn khi xin giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh tiếp tục có xu hướng giảm xuống còn 32%. Tuy nhiên, dư địa cải cách trong lĩnh vực này còn rất lớn với sự tồn tại của các điều kiện không minh bạch, định tính, có thể hiểu theo nhiều cách khác nhau.
Trong bối cảnh dịch bệnh COVID-19, nhiều địa phương đã nhanh chóng tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong việc tổ chức đối thoại. Hình thức đối thoại này sẽ được diễn ra theo hướng doanh nghiệp gửi câu hỏi (trước hoặc trong khi đối thoại), sau đó đại diện chính quyền đọc và phân công trả lời. Các bản ghi âm hoặc ghi hình có thể được đăng tải tại một số địa phương.
Hình thức này có ưu điểm về tiết kiệm thời gian, gia tăng số lượng được tham gia, trả lời được nhiều câu hỏi hơn. Nhưng nhược điểm là khả năng tương tác lại không cao, doanh nghiệp không có cơ hội tranh luận và chính quyền bỏ qua câu hỏi khó.
Do vậy, hình thức này phù hợp hơn trong tình huống phổ biến chính sách mới, còn hình thức gặp và tranh luận trực tuyến vẫn mang lại hiệu quả cao hơn khi cần đối thoại để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc.
Có thể bạn quan tâm
04:10, 24/04/2021
08:00, 23/04/2021
04:30, 21/04/2021
18:13, 20/04/2021