Cần chế tài đủ sức “răn đe” đối với vi phạm trong thẩm định giá

GIA NGUYỄN 19/03/2022 04:10

Mặc dù là một trong những tác nhân gây thiệt hại rất lớn về kinh tế, thế nhưng, theo các chuyên gia, hành vi vi phạm trong thẩm định giá vẫn chưa được xử lý tương xứng, chưa đủ sức “răn đe”…

>>Dự thảo Thông tư thẩm định giá chưa đảm bảo tính hợp lý

Theo các chuyên gia, thẩm định giá là khâu quan trọng trong các hoạt động đấu thầu, đấu giá, cổ phần hoá,… những sai phạm trong hoạt động này thường gây thiệt hại rất lớn về kinh tế, đặc biệt là trong vụ việc liên quan đến hoạt động mua sắm các thiết bị y tế, đấu giá quyền sử dụng đất,… như vụ “thổi giá” kit xét nghiệm COVID-19 của Công ty Cổ phần Công nghệ Việt Á;  vụ “thổi giá”, nâng khống thiết bị y tế xảy ra ở Bệnh viện Tim Hà Nội, Bệnh viện Bạch mai, CDC Hà Nội…

Hành vi vi phạm trong thẩm định giá chủ yếu liên quan đến hoạt động mua sắm các thiết bị y tế, đấu giá quyền sử dụng đất,... - Ảnh minh họa

Hành vi vi phạm trong thẩm định giá chủ yếu liên quan đến hoạt động mua sắm các thiết bị y tế, đấu giá quyền sử dụng đất,... - Ảnh minh họa

Trong đó, các thẩm định viên và tổ chức thẩm định giá đã lợi dụng những “kẽ hở” của pháp luật để xác định mức giá cao hoặc thấp nhằm nâng khống hoặc dìm giá tài sản tùy theo lợi ích của các cá nhân, đơn vị liên quan.

Trước thực trạng đã nêu, vừa qua, Bộ Tài chính cũng đã có văn bản gửi các bộ, cơ quan ngang bộ và UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương về việc tăng cường giám sát hoạt động thẩm định giá của Nhà nước. Đây được cho là một trong những giải pháp cần thiết của cơ quan quản lý trong nỗ lực ngăn chặn các hành vi sai phạm đối với lĩnh vực thẩm định giá nhằm hạn chế thiệt hại, thất thoát tài sản.

>>> Bịt lỗ hổng thẩm định giá

Tuy nhiên, theo các chuyên gia, tăng cường giám sát sẽ là chưa đủ, nếu những hành vi sai phạm đó chưa bị xử lý bằng một chế tài đủ sức “răn đe”, tương xứng với những hậu quả đã gây ra.

Thực tế hiện nay, chế tài xử lý đối với những hành vi sai phạm trong thẩm định giá được quy định tại Nghị định số 109/2013/NĐ-CP về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực quản lý giá, phí, lệ phí, hóa đơn được cho còn quá nhẹ như các hành vi: Thông đồng với chủ tài sản, khách hàng, người có liên quan khi thực hiện thẩm định giá nhằm làm sai lệch kết quả thẩm định giá; Làm sai lệch hồ sơ tài sản thẩm định giá hoặc sai lệch thông tin liên quan đến tài sản thẩm định giá dẫn tới sai lệch kết quả thẩm định giá… Thẩm định viên về giá cũng chỉ bị xử phạt tối đa đến 70.000.000 đồng.

Ngoài ra, có thể chịu hình thức xử phạt bổ sung là tước Thẻ thẩm định viên về giá có thời hạn cao nhất đến 90 ngày (Điều 19).

những sai phạm trong hoạt động này thường gây thiệt hại rất lớn về kinh tế

Những sai phạm trong hoạt động thẩm định giá thường gây thiệt hại rất lớn về kinh tế như vụ việc của Công ty Cổ phần Công nghệ Việt Á - Ảnh minh họa

Còn đối với doanh nghiệp thẩm định giá, nếu có hành vi thông đồng với chủ tài sản, khách hàng thẩm định giá, người có liên quan khi thực hiện thẩm định giá làm sai lệch kết quả thẩm định giá sẽ bị phạt tiền đến 220 triệu đồng. Nếu có hành vi làm sai lệch hồ sơ tài sản thẩm định giá hoặc sai lệch thông tin liên quan đến tài sản thẩm định giá, sẽ bị phạt tiền lên đến 260 đồng.

Ngoài ra, còn có thể chịu hình thức xử phạt bổ sung là đình chỉ hoạt động kinh doanh dịch vụ thẩm định giá lên đến 60 ngày, trong trường hợp doanh nghiệp thẩm định giá bị đình chỉ 02 tháng mà không khắc phục được vi phạm thì bị thu hồi Giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh dịch vụ thẩm định giá theo quy định (Điều 18).

Theo các chuyên gia, dù những sai phạm trong các quy định có thể gây ra hậu quả vô cùng nghiêm trọng, gây thiệt hại, thất thoát tài sản Nhà nước hàng trăm, thậm chí hàng nghìn tỷ đồng, nhưng chế tài xử phạt đối với hành vi sai phạm cao nhất cũng chỉ là 260 triệu. Điều này sẽ khiến nhiều thẩm định viên, doanh nghiệp thẩm định giá sẵn sàng chấp nhận bị phạt, thông đồng cấu kết với chủ tài sản, khách hàng thẩm định giá,… làm sai lệch kết quả thẩm định giá để đổi lại những khoản lợi ích bất hợp pháp lớn hơn nhiều so với tiền phạt.

Bên cạnh đó, các chuyên gia cũng cho rằng, Bộ luật Hình sự hiện nay chưa có chế tài hình sự nào xử lý về tội danh vi phạm quy định về thẩm định giá. Mặc dù, thời gian qua, đã có nhiều thẩm định viên vi phạm bị khởi tố hình sự.

Như vụ “thổi giá”, nâng khống thiết bị y tế xảy ra ở bệnh viện Tim Hà Nội, có 3 bị can thuộc Công ty cổ phần Đầu tư và Định giá AIC bị bắt gồm Trần Phú Hưng - Chủ tịch Hội đồng quản trị, kiêm Tổng Giám đốc; Nguyễn Hồng Dũng - Phó Tổng Giám đốc, kiêm Kế toán trưởng và Nguyễn Trung Dũng - chuyên viên thẩm định.

nâng khống thiết bị y tế xảy ra ở bệnh viện Tim Hà Nội, có 3 bị can thuộc Công ty cổ phần Đầu tư và Định giá AIC bị bắt - Ảnh minh họa

Vụ nâng khống thiết bị y tế xảy ra ở bệnh viện Tim Hà Nội, có 3 bị can thuộc Công ty cổ phần Đầu tư và Định giá AIC bị bắt - Ảnh minh họa

Hay như trong vụ án vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng xảy ra tại Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Thanh Hóa và các Công ty liên quan đến 2 gói thầu cung cấp đồ dùng dạy học lớp 1 năm 2020-2021, gây thiệt hại tài sản Nhà nước, có 2 bị can là người của Công ty cổ phần Thẩm định giá BTC VALUE gồm: Nguyễn Quốc Việt - thẩm định viên và Hồ Thị Sáu - Giám đốc khối thẩm định III…

Các bị can trong các vụ án này chủ yếu mới bị truy tố với vai trò là đồng phạm, giúp sức về một trong 3 tội danh: vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng; vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản nhà nước gây thất thoát lãng phí; lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ.

Từ đó, các chuyên gia nhận định, những sai phạm trong hoạt động thẩm định giá thường gây thiệt hại rất lớn về kinh tế nhưng nếu chỉ bị xử lý về hành chính mà chưa bị xử lý về trách nhiệm hình sự hoặc chỉ bị xử lý vai trò là đồng phạm, giúp sức là quá nhẹ không đủ sức “răn đe”, chưa tương xứng với hậu quả nghiêm trọng mà hành vi vi phạm đã gây ra cho xã hội.

Và đây cũng là một phần nguyên nhân dẫn đến tình trạng các doanh nghiệp và những tổ chức, cá nhân hành nghề định giá cố tình lợi dụng “kẽ hở” của pháp luật để “lách luật” thực hiện hành vi sai phạm.

Từ đó, để ngăn chặn thất thoát tài sản Nhà nước từ thẩm định giá, các chuyên gia kiến nghị, bên cạnh việc kịp thời chấn chỉnh các hoạt động thẩm định giá như: hoàn thiện quy định pháp luật về thẩm định giá; kiên quyết thu hồi giấy phép hành nghề, xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật đối với hành vi thông đồng, trục lợi, làm thất thoát tài sản Nhà nước… cơ quan chức năng cần tăng nặng chế tài đối với hành vi vi phạm trong lĩnh vực thẩm định giá.

Đặc biệt, những nhà làm luật cần nghiên cứu bổ sung chế tài hình sự về tội danh vi phạm quy định về thẩm định giá, đảm bảo những hành vi sai phạm có thể được xử lý bằng một chế tài pháp luật nghiêm minh, đủ sức “răn đe”.

Có thể bạn quan tâm

  • Bịt lỗ hổng thẩm định giá

    Bịt lỗ hổng thẩm định giá

    11:00, 23/11/2021

  • Dự thảo Thông tư thẩm định giá chưa đảm bảo tính hợp lý

    Dự thảo Thông tư thẩm định giá chưa đảm bảo tính hợp lý

    04:30, 09/04/2021

  • Nghị định số 12/2021/NĐ-CP: Quản chặt hoạt động kinh doanh dịch vụ thẩm định giá

    Nghị định số 12/2021/NĐ-CP: Quản chặt hoạt động kinh doanh dịch vụ thẩm định giá

    14:17, 03/03/2021

  • TIN NÓNG CHÍNH PHỦ: Siết chặt điều kiện hành nghề của doanh nghiệp thẩm định giá

    TIN NÓNG CHÍNH PHỦ: Siết chặt điều kiện hành nghề của doanh nghiệp thẩm định giá

    19:15, 25/02/2021

  • VCCI: Xem xét lại điều kiện của người đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp thẩm định giá

    VCCI: Xem xét lại điều kiện của người đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp thẩm định giá

    05:00, 06/11/2019

  • Siết chặt điều kiện hành nghề của doanh nghiệp thẩm định giá

    Siết chặt điều kiện hành nghề của doanh nghiệp thẩm định giá

    10:10, 07/10/2019

GIA NGUYỄN