Đây là nhấn mạnh của VCCI trong công văn gửi Bộ Tài chính.
Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) vừa có văn bản trả lời Bộ Tài chính về việc đề nghị góp ý Dự thảo Thông tư sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 38/2014/TT-BTC ngày 28/3/2014 hướng dẫn một số điều của Nghị định số 89/2013/NĐ-CP ngày 06/8/2013 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật giá về thẩm định giá.
Khoản 1 Điều 3 Dự thảo quy định: “thẩm định viên về giá chỉ được đăng ký hành nghề tại 01 (một) doanh nghiệp thẩm định giá tại một địa điểm. Trường hợp thẩm định viên về giá đã đăng ký hành nghề tại chi nhánh thẩm định giá của doanh nghiệp đó thì không được ký Chứng thư thẩm định giá và Báo cáo kết quả thẩm định giá tại trụ sở chính của doanh nghiệp”.
VCCI cho rằng quy định trên cần được cân nhắc trên một số phương diện.
Về tính thống nhất, yêu cầu thẩm định viên về giá đã đăng ký hành nghề tại chi nhánh thẩm định giá của doanh nghiệp đó thì không được ký Chứng thư thẩm định giá và Báo cáo kết quả thẩm định giá tại trụ sở chính của doanh nghiệp là chưa phù hợp với quy định tại Luật Giá. Điểm b khoản 4 Điều 10 Luật Giá chỉ cấm thẩm định viên về giá không được thực hiện đăng ký hành nghề thẩm định giá trong cùng một thời gian cho từ hai doanh nghiệp thẩm định giá trở lên, chứ không hạn chế thẩm định viên về giá hoạt động trong các bộ phận trong doanh nghiệp;
Tính hợp lý thì việc thẩm định viên về giá đăng ký hoạt động tại chi nhánh nhưng ký Chứng thư thẩm định giá và Báo cáo kết quả thẩm định giá tại trụ sở chính trong một doanh nghiệp là hoạt động mang tính nội bộ của doanh nghiệp. Pháp luật về giá không quy định và không nên can thiệp về vấn đề này.
Từ phân tích trên, đề nghị Ban soạn thảo giữ nguyên quy định tại khoản 1 Điều 3 Thông tư 38/2014/TT-BTC “thẩm định viên về giá không được thực hiện đăng ký hành nghề thẩm định giá trong cùng một thời gian cho từ hai doanh nghiệp thẩm định giá trở lên”.
VCCI cho rằng so với Thông tư 38/2014/TT-BTC thì Dự thảo đã có một số sửa đổi liên quan đến hình thức của tài liệu trong hồ sơ đăng ký, cụ thể chuyển từ “bản sao chứng thực” thành “bản sao công chứng”. “Công chứng” là việc chứng nhận tính xác thực, hợp pháp của hợp đồng, giao dịch hoặc tính chính xác, hợp pháp của bản dịch (khoản 1 Điều 2 Luật Công chứng 2014). “Chứng thực” là việc chứng thực bản sao đúng với bản chính (khoản 2 Điều 2 Nghị định 23/2015/NĐ-CP). Với tính chất của các khái niệm này, thì sử dụng khái niệm “bản sao chứng thực” là phù hợp hơn với “bản sao công chứng”. Đề nghị Ban soạn thảo điều chỉnh lại các thuật ngữ này tại khoản 2 Điều 3 (sửa đổi, bổ sung).
Điểm g khoản 2 Điều 3 (sửa đổi, bổ sung) quy định phải cung cấp “bản sao công chứng hoặc sao y bản chính Hợp đồng lao động và Phụ lục hợp đồng lao động (nếu có) tại doanh nghiệp thẩm định giá của thẩm định viên về giá đăng ký hành nghề …”. Yêu cầu công chứng hoặc sao y bản chính hợp đồng này là chưa hợp lý, tạo gánh nặng về thủ tục cho doanh nghiệp, bởi vì bản thân hợp đồng lao động đã có chữ ký của người đại diện theo pháp luật và con dấu của doanh nghiệp và doanh nghiệp sẽ phải chịu trách nhiệm đối với tính hợp pháp của hợp đồng này.
Vì vậy, VCCI đề nghị Ban soạn thảo bỏ cụm từ “Bản sao công chứng hoặc sao y bản chính” tại điểm g khoản 2 Điều 3 (sửa đổi, bổ sung).
Đồng thời, VCCI cũng đề nghị Ban soạn thảo rà soát lại toàn bộ Dự thảo để điều chỉnh lại khái niệm “bản sao công chứng” thành “bản sao chứng thực”.
Đáng chú ý, Dự thảo đã có điều chỉnh về phương thức giải quyết thủ tục hành chính về đăng ký hành nghề thẩm định giá đối với thẩm định viên về giá, cụ thể:
Thông tư 38/2014/TT-BTC quy định: 15 ngày làm việc kể từ ngày nhận đủ hồ sơ, Bộ tài chính ban hành Thông báo đủ điều kiện hành nghề thẩm định giá;
Dự thảo quy định: định kỳ vào ngày làm việc cuối cùng hàng tháng, Bộ Tài chính ban hành Thông báo công bố Danh sách thẩm định viên về giá đủ điều kiện hành nghề thẩm định giá tại doanh nghiệp đã gửi đủ 01 bộ hồ sơ do doanh nghiệp lập theo quy định.
Đáng chú ý, việc cơ quan nhà nước có thẩm quyền công bố Danh sách thẩm định viên về giá đủ điều kiện hành nghề thẩm định giá tại doanh nghiệp vào ngày làm việc cuối cùng hàng tháng sẽ dẫn tới hiện tượng:
Thứ nhất, doanh nghiệp nộp hồ sơ từ đầu tháng, cuối tháng mới có kết quả, thời gian giải quyết thủ tục là 30 ngày, dài hơn rất nhiều quy định của Thông tư 38/2014/TT-BTC; Doanh nghiệp nộp hồ sơ vào ngày liền kề trước ngày cuối tháng, cơ quan có thẩm quyền đủ nhân lực và thời gian để xem xét điều kiện của thẩm định viên về giá không?; Tạo ra sự không công bằng giữa các doanh nghiệp khi thời gian giải quyết thủ tục hành chính khác nhau dựa vào thời điểm nộp hồ sơ của doanh nghiệp khác nhau.
Do đó, để đảm bảo tính hợp lý và đảm bảo tính cải cách thủ tục hành chính, VCCI đề nghị Ban soạn thảo thiết kế phương thức giải quyết tương tự như quy định tại Thông tư 38/2014/TT-BTC, nhưng thời hạn được rút xuống khoảng 07 ngày làm việc kể từ ngày nhận hồ sơ hợp lệ.