Rà soát Luật Đấu giá tài sản: Bất cập trong lựa chọn tổ chức đấu giá tài sản

GIA NGUYỄN 28/03/2022 04:00

Bên cạnh những “kẽ hở” trong quá trình thực hiện, theo chuyên gia, Luật Đấu giá tài sản hiện hành còn bất cập trong lựa chọn tổ chức đấu giá tài sản, tiềm ẩn tiêu cực, thất thoát…

>> Rà soát Luật Đấu giá tài sản: Phí và thù lao chưa… thỏa đáng

Theo khoản 1 Điều 56 Luật Đấu giá tài sản năm 2016, việc lựa chọn tổ chức đấu giá tài sản được quy định: “Sau khi có quyết định của người có thẩm quyền về việc đấu giá tài sản, người có tài sản đấu giá thông báo công khai trên trang thông tin điện tử của mình và trang thông tin điện tử chuyên ngành về đấu giá tài sản về việc lựa chọn tổ chức đấu giá tài sản”.

Cùng với đó, khoản 5 Điều 56 cũng quy định: “Trường hợp pháp luật quy định việc lựa chọn tổ chức đấu giá tài sản thông qua đấu thầu thì thực hiện theo quy định của Luật này và pháp luật về đấu thầu”.

Bất cập trong lựa chọn tổ chức đấu giá tài sản - Ảnh minh họa

Luật Đấu giá tài sản được cho còn bất cập trong lựa chọn tổ chức đấu giá tài sản - Ảnh minh họa

Như vậy, có thể thấy văn bản pháp lý cao nhất về đấu giá tài sản hiện hành không quy định thời gian về lựa chọn tổ chức đấu giá tài sản. Pháp luật đấu giá tài sản chỉ dừng lại ở việc phải “thông báo công khai trên trang thông tin điện tử của mình và trang thông tin điện tử chuyên ngành về đấu giá tài sản” mà không quy định cụ thể thời gian đăng tải thông báo công khai, nộp hồ sơ tham gia lựa chọn là bao nhiêu lâu.

Theo các chuyên gia, việc không có quy định cụ thể, rõ ràng về thời gian nộp hồ sơ lựa chọn tổ chức đấu giá tài sản dễ dẫn đến sự tùy tiện trong việc thông báo lựa chọn tổ chức đấu giá tài sản, mỗi nơi làm một kiểu. Điều này tiềm ẩn nguy cơ phát sinh tiêu cực trong việc nộp hồ sơ tham gia việc lựa chọn tổ chức đấu giá tài sản để tổ chức cuộc đấu giá.

>> Rà soát Luật Đấu giá tài sản: Bất cập về thẩm quyền hủy kết quả đấu giá

Thực tế cho thấy, việc thông báo bán đấu giá tài sản trên trang thông tin điện tử là một bước tiến lớn của Luật Đấu giá tài sản, bảo đảm tính công khai, minh bạch trong trình tự, thủ tục; là kênh thông tin về tài sản đấu giá cho phép các khách hàng có thể lựa chọn mua tài sản đấu giá ở mọi lúc, mọi nơi trong thời đại công nghệ thông tin.

Tuy nhiên, đến thời điểm hiện nay vẫn chưa có trang thông tin điện tử để các tổ chức đấu giá đăng tải thông báo về bán đấu giá, đã làm giảm tính chất công khai, minh bạch trong thủ tục đấu giá tài sản. Vì vậy, theo các chuyên gia, việc xây dựng và vận hành trang thông tin điện tử là vấn đề cần phải thực hiện ngay để đảm bảo hoạt động đấu giá tài sản công khai, minh bạch.

Việc lựa chọn được tổ chức đấu giá tài sản có đủ năng lực, kinh nghiệm, uy tín, có phương án đấu giá khả thi,... rất quan trọng - Ảnh minh họa

Việc lựa chọn được tổ chức đấu giá tài sản có đủ năng lực, kinh nghiệm, uy tín, có phương án đấu giá khả thi,... rất quan trọng - Ảnh minh họa

Chưa kể, nhiều trường hợp người có tài sản đấu giá thông báo thời gian rất ngắn, chỉ 2 - 3 ngày là chốt hồ sơ nên nhiều tổ chức đấu giá tài sản dù có năng lực, kinh nghiệm vượt trội nhưng không được lựa chọn vì… chưa kịp nộp hồ sơ tham gia thì đã hết hạn.

Việc lựa chọn được tổ chức đấu giá tài sản có đủ năng lực, kinh nghiệm, uy tín, có phương án đấu giá khả thi, hiệu quả và thù lao dịch vụ, chi phí đấu giá phù hợp là rất quan trọng, quyết định sự thành công của cuộc đấu giá. Đây là cơ sở quan trọng để tăng giá trị tài sản đưa ra đấu giá, tiết kiệm được chi phí cho ngân sách Nhà nước, đảm bảo tính công khai, minh bạch, nhất là hạn chế tối đa tiêu cực, thất thoát, khiếu nại, khiếu kiện liên quan đến cuộc đấu giá về sau.

Trước tình trạng tiêu cực, tham nhũng, thất thoát tài sản nhà nước thông qua hoạt động đấu giá xảy ra rất nghiêm trọng ở nhiều địa phương, nhất đối với các tài sản có giá trị rất lớn như đất đai, trụ sở công nhà cửa, tài nguyên, khoáng sản... hiện nay. Các chuyên gia đề xuất, bên cạnh tăng cường chấn chỉnh, phát hiện, điều tra, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm thì cần tiếp tục hoàn thiện cơ sở pháp lý, quy định chặt chẽ hơn nữa đối với việc lựa chọn tổ chức đấu giá tài sản, bởi có như vậy mới có thể ngăn chặn, hạn chế tiêu cực, tham nhũng, thất thoát tài sản Nhà nước thông qua đấu giá.

Bên cạnh đó, để tạo điều kiện, đảm bảo đủ thời gian cần thiết cho nhiều tổ chức đấu giá tài sản có thể chuẩn bị hồ sơ và tham gia lựa chọn đấu giá tài sản, đồng thời tăng tính cạnh tranh, minh bạch trong hoạt động đấu giá tài sản, các chuyên gia cũng cho rằng, cần kéo dài thời gian nộp hồ sơ tham gia lựa chọn tổ chức đấu giá, ít nhất phải là 10 ngày làm việc. Điều này được cho sẽ tránh tùy tiện hoặc quy định thời gian quá ngắn gây khó khăn cho tổ chức đấu giá tài sản có năng lực, kinh nghiệm khi tham gia nộp hồ sơ lựa chọn tham gia đấu giá khi mà trên thực tế đã và đang tồn tại không ít trường hợp như vậy.

Có thể bạn quan tâm

  • Rà soát Luật Đấu giá tài sản: Phí và thù lao chưa… thỏa đáng

    Rà soát Luật Đấu giá tài sản: Phí và thù lao chưa… thỏa đáng

    04:00, 27/03/2022

  • Rà soát Luật Đấu giá tài sản: Bất cập về thẩm quyền hủy kết quả đấu giá

    Rà soát Luật Đấu giá tài sản: Bất cập về thẩm quyền hủy kết quả đấu giá

    04:00, 26/03/2022

  • Rà soát Luật Đấu giá tài sản: Sớm bịt “kẽ hở” tiền đặt trước

    Rà soát Luật Đấu giá tài sản: Sớm bịt “kẽ hở” tiền đặt trước

    04:00, 25/03/2022

  • Rà soát pháp luật: Luật Đấu giá tài sản còn nhiều vướng mắc

    Rà soát pháp luật: Luật Đấu giá tài sản còn nhiều vướng mắc

    04:20, 14/09/2021

  • Dự án Tropicana: Liên doanh không thực hiện đấu giá tài sản của Nhà nước?

    Dự án Tropicana: Liên doanh không thực hiện đấu giá tài sản của Nhà nước?

    04:30, 24/11/2020

GIA NGUYỄN