Xoay quanh những tồn tại của Luật Đấu giá tài sản, ngoài “kẽ hở” tiền đặt trước, thẩm quyền hủy kết quả đấu giá, thì quy định về phí và thù lao trong đấu giá cũng là vấn đề cần được rà soát, xem xét…
>> Rà soát Luật Đấu giá tài sản: Bất cập về thẩm quyền hủy kết quả đấu giá
Nhằm hướng dẫn thực hiện quy định tại khoản 2 Điều 66 và khoản 1 Điều 4 Luật Đấu giá tài sản, Bộ Tài chính đã ban hành Thông tư số 45/2017/TT-BTC quy định khung thù lao dịch vụ đấu giá tài sản và Thông tư số 48/2017/TT-BTC quy định chế độ tài chính trong đấu giá tài sản.
Và tại thời điểm 2 Thông tư này ra đời, nhiều ý kiến đánh giá là rất cần thiết, tuy nhiên, từ thực tế triển khai, các tổ chức đấu giá lại cho rằng, 2 Thông tư đã nêu còn bất cập dẫn đến những hệ lụy rất lớn, không chỉ làm thất thoát tài sản Nhà nước, gây phiền toái cho người tham gia đấu giá, mà còn làm phát sinh không ít tiêu cực trong khâu bán tài sản.
Cụ thể, mức thu (bao gồm tất cả chi phí cho một cuộc đấu giá) của các tổ chức bán đấu giá không đủ bù chi. Trong khi đó, quy định phần thưởng bán vượt giá khởi điểm quá thấp, chỉ là 1% (bán vượt giá khởi điểm 1 tỷ đồng chỉ được trích thưởng 10 triệu đồng) nên rất khó chống tiêu cực. Bên cạnh đó, người được giao nhiệm vụ bán tài sản thuộc đơn vị có tài sản bán đấu giá “không được gì” trong quá trình bán tài sản, kể cả khi bán vượt giá khởi điểm.
>> Rà soát Luật Đấu giá tài sản: Sớm bịt “kẽ hở” tiền đặt trước
Theo các chuyên gia, những bất cập trong cơ chế trả thù lao bán vượt giá khởi điểm như vậy đã làm nảy sinh tiêu cực thông qua hành vi thông đồng giữa đơn vị có tài sản với tổ chức bán đấu giá, như không đăng thông tin lựa chọn tổ chức bán đấu giá theo quy định tại Điều 56 Luật Đấu giá tài sản. Trong khi, các doanh nghiệp, tổ chức đấu giá chân chính, làm nghiêm túc, làm tốt và không có tiêu cực thì thường ít được lựa chọn, mặc dù các cuộc đấu giá trước đã bán thành công và bán được giá cao hơn giá khởi điểm rất nhiều.
Ngoài ra, còn phát sinh tiêu cực, tổ chức bán đấu giá tạo điều kiện cho khách hàng thông đồng, liên kết dìm giá, chia nhau phần chênh lệch và tổ chức bán đấu giá sẽ được chia một phần lợi nhuận đó.
Thông tin với báo chí, Luật gia Lê Công Tâm – nguyên Giám đốc Trung tâm Dịch vụ đấu giá tỉnh Bình Định cho biết: Điểm b khoản 1 Điều 3 Thông tư số 45/2017/TT-BTC quy định, mức tối đa thù lao dịch vụ đấu giá tài sản của một hợp đồng dịch vụ đấu giá tài sản là không quá 300 triệu đồng.
“Như vậy, với hợp đồng có giá khởi điểm khoảng 3.000 tỷ đồng, sau khi bán thành công, giá trúng đấu giá chênh lệch so với giá khởi điểm khoảng 2.000 tỷ đồng thì thù lao dịch vụ đấu giá chỉ là 300 triệu đồng. Trong khi đó, nếu hợp đồng có giá khởi điểm 200 tỷ đồng, giá trúng đấu giá vượt giá khởi điểm khoảng 100 tỷ đồng thì mức thù lao cũng vẫn là 300 triệu đồng. Như vậy là quá bất hợp lý”, Luật gia Tâm phân tích.
Theo Luật gia Tâm, bản chất của chi phí dịch vụ là tiền công dịch vụ mà người có tài sản đấu giá phải trả cho tổ chức đấu giá tài sản, còn các chi phí thực tế khác mà tổ chức đấu giá tài sản đã bỏ ra để thực hiện việc bán đấu giá thì người có tài sản phải trả lại cho tổ chức đấu giá là hợp lý.
“Tuy nhiên, khoản 2 Điều 3 Thông tư số 45/2017/TT-BTC lại quy định: “Thù lao dịch vụ đấu giá tài sản quy định tại khoản 1 Điều này chưa bao gồm thuế giá trị gia tăng nhưng bao gồm các chi phí hợp lý, hợp lệ mà người có tài sản đấu giá trả cho tổ chức đấu giá để thực hiện đấu giá tài sản theo quy định”, là không hợp lý…”, vị Luật gia này nêu quan điểm.
Từ thực tế đã nêu với những bất cập trong quy định tại Thông tư số 45/2017/TT-BTC và Thông tư số 48/2017/TT-BTC của Bộ Tài chính, các chuyên gia đề xuất, Luật Đấu giá tài sản nên cân nhắc giải pháp khi sửa đổi, bổ sung: Không quy định mức tối đa thù lao dịch vụ đấu giá của một hợp đồng đấu giá tài sản; thù lao dịch vụ đấu giá tài sản chưa bao gồm thuế giá trị gia tăng và chưa bao gồm các chi phí thực tế hợp lý, hợp lệ đã được hai bên thỏa thuận trong hợp đồng dịch vụ đấu giá;… Cùng với đó, việc sửa đổi, bổ sung Luật Đấu giá tài sản cần đảm bảo cho các doanh nghiệp hành nghề đấu giá tài sản chân chính “sống được”.
Theo các chuyên gia, nếu Luật Đấu giá tài sản được sửa đổi, bổ sung theo hướng đảm bảo sự thỏa đáng về mức phí và thù lao sẽ không chỉ góp phần hạn chế được tệ nạn tiêu cực, nhóm lợi ích trong lĩnh vực đấu giá tài sản, mà còn góp phần hướng tới một thị trường đấu giá chuyên nghiệp đúng nghĩa, phù hợp với xu thế hội nhập.
Liên quan đến những bất cập trong Luật Đấu giá tài sản hiện hành, trước đó, UBND tỉnh Lào Cai, UBND tỉnh Bình Phường cũng đề nghị sửa đổi quy định về thời gian tiếp nhận hồ sơ tham gia đấu giá tại khoản 2 Điều 38 Luật Đấu giá tài sản vì cho rằng, mức thời gian 02 ngày là quá ngắn, không đáp ứng với tình hình thực tế. Theo đó để tránh gây ảnh hưởng đến hoạt động của các tổ chức đấu giá tài sản, các đơn vị này đề xuất, nên quy định thời gian tiếp nhận hồ sơ tham gia đấu giá trùng với thời gian nộp tiền đặt trước và đều trong thời hạn 03 ngày làm việc trước ngày mở cuộc đấu giá.
Có thể bạn quan tâm
Rà soát Luật Đấu giá tài sản: Bất cập về thẩm quyền hủy kết quả đấu giá
04:00, 26/03/2022
Rà soát Luật Đấu giá tài sản: Sớm bịt “kẽ hở” tiền đặt trước
04:00, 25/03/2022
Nghị quyết về hoạt động chất vấn: Cân đối cung cầu xăng dầu, rà soát Luật Đấu giá tài sản
14:14, 24/03/2022
Yên Bái: Vì sao Giám đốc Trung tâm Dịch vụ bán đấu giá tài sản bị bắt?
15:00, 10/11/2021
Rà soát pháp luật: Luật Đấu giá tài sản còn nhiều vướng mắc
04:20, 14/09/2021