Tránh xa thực phẩm chức năng quảng cáo trị dứt điểm bệnh
Bất chấp đạo đức kinh doanh, dùng đủ “chiêu trò” gian dối để bán hàng, đó là tình trạng “loạn”quảng cáo thực phẩm chức năng hiện nay, những loại “thần dược” đang được “tung hô”, quảng cáo vô tội vạ…
>>Vi phạm về quảng cáo, Bộ Y tế "gọi tên" Dược phẩm Hoàng Hường
“Nổ” không có điểm dừng
Thời gian qua, tình trạng có nhiều nghệ sĩ, diễn viên, người nổi tiếng… quảng cáo thực phẩm chức năng bị thổi lên quá mức về công dụng, thậm chí còn quảng cáo như thuốc chữa bệnh. Bên cạnh đó, có người còn được thuê quay các clip quảng cáo mắc đủ các loại bệnh và đã khỏi bệnh nhờ uống “thần dược” thực phẩm chức năng. Những quảng cáo này không những câu like mà còn khiến nhiều người xem tin tưởng mua về sử dụng. Bộ Y tế vừa có động thái mới nhất, đề nghị các bộ liên quan, các địa phương phối hợp chấn chỉnh ngay hoạt động này.
Hiện nay, một số loại thực phẩm chức năng, mỹ phẩm, sản phẩm làm đẹp, giảm cân đã mời diễn viên, ca sĩ, nghệ sĩ, người nổi tiếng quay quảng cáo và nhiều trong số đó đã bị thổi phồng về công dụng, thậm chí có quảng cáo giống như thuốc chữa bệnh. Diễn viên, người nổi tiếng là người của công chúng nên dễ dàng thu hút lượng fan cũng như niềm tin của người hâm mộ, người tiêu dùng.
Vì vậy, khi những thực phẩm chức năng, sản phẩm làm đẹp được thực hiện bởi những người nổi tiếng đăng bài viết, video clip trên mạng xã hội giới thiệu, thì mức độ tiêu thụ rất cao bởi niềm tin và danh tiếng của những nghệ sĩ đó. Hoặc đang xem một bộ phim trên mạng, lại nhảy ra một đoạn quảng cáo của một nghệ sĩ về các loại sản phẩm làm đẹp, trẻ hóa làn da, da trắng bóc, căng mịn…giống như một sản phẩm “thần thánh” nhưng sự thực nó không thần kỳ như vậy.
Đã có nghệ sĩ lên tiếng xin lỗi người hâm mộ, khán giả khi có clip bị một nhãn hàng lấy về chia sẻ trên kênh Youtube, trong đó nghệ sĩ này giới thiệu và dùng thử sản phẩm đó được quảng cáo có chức năng hỗ trợ điều trị các bệnh về dạ dày, nhưng thực chất công dụng của sản phẩm lại không phải như vậy.
Sử dụng mạng xã hội như Facebook, Zalo… để quảng cáo bán thực phẩm chức năng, mỹ phẩm, thuốc đã trở nên phổ biến. Họ sử dụng ngôn ngữ hoa mỹ để thuyết phục người tiêu dùng. Thậm chí, có người còn giả vờ mắc bệnh, quay clip uống thực phẩm chức năng… và khỏi bệnh.
Gây bức xúc cho người tiêu dùng thời gian qua phải nói đến các sản phẩm viên xương khớp Hoàng Hường. Chỉ cần tra tên sản phẩm trên Google, sẽ xuất hiện hàng loạt trang web đăng bán với video quảng cáo công dụng từ "doanh nhân" Hoàng Hường, "đảm bảo không có một thành phần nào cấm, không có một chút thuốc Tây nào, dám chắc sản phẩm tốt"...
Trước đó, vào năm 2021, trên các fanpage, YouTube có tên: Nha khoa quốc tế Hoàng Hường, Nhà thuốc Hoàng Hường, Dược phẩm Hoàng Hường, Hoàng Hường - Thẩm mỹ 24, Hoàng Hường Số 1 Nha Khoa Đẹp... liên tục đăng tải các video quay bà Hoàng Thị Hường quảng cáo sản phẩm nước súc miệng, súc họng điều trị dứt điểm hôi miệng, viêm lợi và nhiều bệnh lý răng miệng khác tại nhà.
Đáng chú ý khi trong các video liên tục sử dụng các từ ngữ "diệt", "đặc trị", "trị", "loại bỏ", "chữa được hôi miệng lâu năm, hôi từ kiếp trước sang kiếp này, hôi miệng cỡ nào cũng hết"... để quảng cáo, thổi phồng công dụng sản phẩm khiến không ít người tiêu dùng "sập bẫy". Mặc dù Nha khoa quốc tế Hoàng Hường bị tước giấy phép hoạt động do không đảm bảo các điều kiện khám chữa bệnh từ năm 2019.
Do những vi phạm trong quảng cáo cáo sản phẩm thực phẩm bảo vệ sức khỏe viên xương khớp Hoàng Hường gây hiểu nhầm có tác dụng như thuốc chữa bệnh, mới đây, Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế) đã xử phạt hành chính đối với Công ty cổ phần Dược phẩm Hoàng Hường 65 triệu đồng.
>>Quảng cáo thực phẩm chức năng: “Nổ” không có điểm dừng
Trị dứt điểm “căn bệnh mãn tính”
Theo Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế), 90% quảng cáo thực phẩm chức năng hiện nay là sai sự thật. Tuy nhiên, các quảng cáo sai sự thật này vẫn diễn ra hàng ngày, thổi phồng công dụng và coi thực phẩm chức năng như “thuốc tiên” để đánh vào tâm lý của người bệnh.
Vấn đề quảng cáo thực phẩm chức năng như thuốc chữa bệnh tồn tại đã lâu, nhưng xử lý còn nhiều khó khăn. Cần phải có những quy định trong việc sử dụng hình ảnh cá nhân nghệ sĩ vào những dạng quảng cáo liên quan trực tiếp đến sức khỏe người dân. Nhiều nghệ sĩ đã lợi dụng tên tuổi của mình để giới thiệu thực phẩm chức năng không đúng với công dụng. Cục Nghệ thuật biểu diễn (Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch) đã xử phạt những trường hợp quảng cáo không đúng sự thật và đề nghị cơ quan truyền thông phải phối hợp chấn chỉnh tình trạng đó. Tuy nhiên, việc này đến giờ vẫn chưa xử lý được dứt điểm.
Trước tình trạng loạn quảng cáo thực phẩm chức năng nói trên, ngày 31/3 vừa qua, Bộ Y tế đã có công văn gửi Bộ Thông tin và Truyền thông; Bộ Công thương; Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch; Bộ Kế hoạch và Đầu tư; Bộ Công an; UBND các tỉnh/thành phố về việc tăng cường phối hợp quản lý hoạt động quảng cáo thực phẩm bảo vệ sức khoẻ.
Theo Bộ Y tế, trong thời gian vừa qua, còn tồn tại rất nhiều tổ chức, cá nhân vi phạm quy định về quảng cáo, chủ yếu tập trung vào các hành vi như: Quảng cáo không đúng bản chất của sản phẩm, quảng cáo khi chưa được thẩm định nội dung và quảng cáo không đúng nội dung đã được thẩm định.
Bộ Y tế đề nghị Bộ Thông tin và Truyền thông xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân phát hành quảng cáo sai sự thật, quảng cáo chưa có thẩm định của cơ quan chuyên môn hoặc không đúng với nội dung đã được thẩm định. Có biện pháp xử lý mạnh với các trang mạng xã hội như Facebook, Tiktok, Twitter… Các nền tảng quảng cáo trên Google ads như Youtube, Coccoc, Chrome… và yêu cầu thực hiện nghiêm túc pháp luật của Việt Nam về quảng cáo.
Bộ Y tế cũng đề nghị rà soát quản lý chặt điều kiện cho phép mở các trang website, tên miền hoạt động nhằm đảm bảo khi phát hiện sai phạm về quảng cáo cần kịp thời tạm đóng tên miền hoặc đóng vĩnh viễn tên miền vi phạm. Tăng cường quản lý hoạt động quảng cáo xuyên biên giới.
Bộ Công Thương tăng cường thanh tra, kiểm tra hoạt động quảng cáo thực phẩm bảo vệ sức khỏe trên các sàn giao dịch thương mại điện tử, các công ty bán hàng đa cấp kinh doanh các sản phẩm thực phẩm bảo vệ sức khoẻ. Có biện pháp giám sát các hoạt động đa cấp, đặc biệt là các buổi hội thảo phát triển thành viên của các công ty, để tránh việc quảng cáo truyền miệng sai sự thật. Có biện pháp, chế tài xử lý mạnh các sàn giao dịch thương mại điện tử.
Tránh xa thực phẩm chức năng quảng cáo trị dứt điểm bệnh PGS Nguyễn Thanh Phong lưu ý, TPCN là sản phẩm chỉ có tác dụng nâng cao sức đề kháng và giảm nguy cơ mắc bệnh; hoàn toàn không được quảng cáo, ghi nhãn công dụng là điều trị, thay thế thuốc chữa bệnh hay thậm chí quảng cáo chữa dứt điểm bệnh; không được dùng hình ảnh, uy tín, danh nghĩa của cán bộ y tế, của cơ sở y tế để quảng cáo... Do vậy, khi thấy các sản phẩm đang quảng cáo có những nội dung quảng cáo nêu trên, người dân không nên mua, không tin, không sử dụng các sản phẩm như vậy bởi đây là những quảng cáo sai sự thật. |
Có thể bạn quan tâm
Vi phạm về quảng cáo, Bộ Y tế "gọi tên" Dược phẩm Hoàng Hường
20:20, 13/04/2022
Quảng cáo thực phẩm chức năng: “Nổ” không có điểm dừng
03:50, 10/12/2021
“Đặc trị” quảng cáo thực phẩm chức năng vi phạm – Đừng “chặt cành, tỉa lá”
04:50, 29/05/2021
“Nhận diện” vi phạm quảng cáo thực phẩm chức năng
11:56, 18/12/2020
Chấn chỉnh quảng cáo thực phẩm chức năng vi phạm: Lời giải cho bài toán quản lý
11:11, 18/12/2020