Không hình sự hóa quan hệ dân sự, kinh tế: Bảo vệ các nhà đầu tư… chân chính
Lành mạnh hóa thị trường vốn, nhưng “không hình sự hóa các quan hệ dân sự, kinh tế”, không chỉ thể hiện chủ trương xuyên suốt, mà còn là động thái tích cực bảo vệ các nhà đầu tư chân chính…
>> Lành mạnh thị trường, nhưng không… “hình sự hóa”
Hình sự hóa quan hệ dân sự, kinh tế bấy lâu nay vẫn luôn là nỗi ám ảnh với các doanh nghiệp, các nhà đầu tư chân chính, quan điểm “không hình sự hóa các quan hệ dân sự, kinh tế” được Thủ tướng Chính phủ nhấn mạnh tại Hội nghị phát triển thị trường vốn an toàn, minh bạch, hiệu quả, bền vững nhằm ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế vừa qua, sau hàng loạt các vụ việc các tập đoàn lớn bị bắt giữ để điều tra, làm rõ những vi phạm liên quan đến thao túng thị trường chứng khoán, trái phiếu doanh nghiệp. Không chỉ thể hiện chủ trương nhất quán, vi phạm nghiêm trọng phải xử lý… mà còn là động thái tích cực để bảo vệ nhà đầu tư, doanh nghiệp chân chính.
Thực tế, trong thời gian qua, thị trường vốn và thị trường tiền tệ đã có sự phát triển mạnh mẽ cả về quy mô, năng lực tài chính, quản trị, công nghệ... đóng góp quan trọng trong việc huy động nguồn lực phục vụ phát triển của đất nước.
Chỉ riêng về trái phiếu doanh nghiệp, theo Hiệp hội Thị trường trái phiếu Việt Nam (VBMA), đây là thị trường tăng trưởng rất mạnh 10 năm qua, số lượng nhà phát hành tăng 8 lần, khối lượng tăng 23 lần. Năm 2021, có gần 400 doanh nghiệp phát hành, khối lượng phát hành là 635.283 tỷ đồng với tổng dư nợ thị trường trái phiếu doanh nghiệp chiếm khoảng 14,1% GDP của Việt Nam.
>> Vi phạm trên thị trường chứng khoán: Vì đâu nên nỗi?
Và nhu cầu phát hành trái phiếu để huy động vốn hiện nay là rất lớn, nhất là việc phát hành trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ, khi chỉ trong năm 2021, khối lượng trái phiếu phát hành riêng lẻ chiếm tới hơn 95,1% tổng giá trị phát hành trong năm 2021, đạt 605 nghìn tỷ đồng. Quý I/2022, khối lượng trái phiếu phát hành riêng lẻ tiếp tục tăng tỷ trọng trong tổng giá trị phát hành, chiếm hơn 95,4%.
Bên cạnh những mặt tích cực, thực tế vẫn còn những tồn tại, cần có những giải pháp mạnh để lành mạnh hóa thị trường. Từ cuối tháng 3 đến nay, dư luận xã hội liên tục “xôn xao” khi hàng loạt các lãnh đạo của các tập đoàn lớn bị bắt giữ để điều tra, làm rõ những vi phạm liên quan đến thao túng thị trường chứng khoán, trái phiếu doanh nghiệp.
Tuy nhiên, các trường hợp tiêu cực vừa qua không phải là đại diện của thị trường chứng khoán, trái phiếu doanh nghiệp, cũng như là đại diện các tổ chức hay nhà tư vấn phát hành, mà đó là những trường hợp vi phạm pháp luật mang tính cá biệt, riêng lẻ. Không thể nhìn vào đó mà đánh giá rất nhiều tổ chức phát hành, nhà tư vấn khác trên thị trường.
Như khẳng định của Thủ tướng Chính phủ - Phạm Minh Chính: “Nếu chúng ta không làm quyết liệt, “con sâu làm rầu nồi canh” sẽ ảnh hưởng đến việc huy động vốn trung và dài hạn, đến thị trường trái phiếu, cổ phiếu, chủ trương phát triển thị trường vốn, đến niềm tin nhà đầu tư trong và ngoài nước và ảnh hưởng đến nền kinh tế. Chúng ta phải suy nghĩ và hành động về việc đó”.
Thủ tướng cũng khẳng định: “Ai vi phạm phải xử lý nhưng quan trọng nhất là bảo vệ các nhà đầu tư chân chính chiếm đại đa số trên thị trường, xử một người để cứu nhiều người, bảo vệ đa số các nhà đầu tư”.
“Ai cố tình vi phạm pháp luật thì phải cương quyết xử lý nhưng không hình sự hóa các quan hệ dân sự, quan hệ kinh tế”, Thủ tướng nhấn mạnh.
Theo các chuyên gia, quan điểm của Thủ tướng không chỉ thể hiện chủ trương xuyên suốt, nhất quán, mà còn là động thái tích cực để bảo vệ nhà đầu tư, doanh nghiệp chân chính trước những “sóng gió” của thị trường thời gian qua.
Và con số có 38 đoàn thanh kiểm tra và ban hành 471 quyết định xử lý trong năm 2021 tập trung là hành vi công bố thông tin không đúng sự thật, thao túng giá chứng khoán… đều chưa đến mức phải xử lý hình sự liên quan đến lĩnh vực chứng khoán và trái phiếu doanh nghiệp là minh chứng xuyên suốt, nhất quán từ sau Nghị quyết số 35/NQ-CP năm 2020, với mục tiêu và nguyên tắc rất rõ: “không hình sự hóa các quan hệ dân sự, kinh tế”.
Bên cạnh đó, để xây dựng thị trường vốn hiệu quả, bền vững, Thủ tướng cũng yêu cầu Bộ Tài chính cần khẩn trương rà soát, sửa đổi các quy định bất cập hiện hành, đặc biệt là liên quan đến quy định việc minh bạch thông tin doanh nghiệp, quyền và trách nhiệm của các chủ thể quản lý, tham gia thị trường. Chỉ đạo khắc phục ngay tình trạng nghẽn lệnh và đầu tư đổi mới công nghệ, ứng dụng công nghệ số, khẩn trương triển khai các biện pháp cần thiết để nâng hạng thị trường chứng khoán Việt Nam.
Về xử lý sai phạm, Thủ tướng giao Bộ Công an, Thanh tra Chính phủ phối hợp với các Bộ, ngành liên quan kịp thời phát hiện, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm đối với thị trường trái phiếu, thị trường chứng khoán và tiền tệ, với quyết tâm cao lành mạnh hóa thị trường, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của nhà đầu tư, nhất là các nhà đầu tư có hiệu quả.
Có thể bạn quan tâm
Lành mạnh thị trường, nhưng không… “hình sự hóa”
04:15, 24/04/2022
Hình sự hoá quan hệ kinh tế, dân sự: Nguy cơ doanh nhân mang thân phận bị cáo… "suốt đời”
04:30, 06/10/2020
Hình sự hóa quan hệ kinh tế, dân sự: 9 năm đi tìm, lời giải vẫn bằng không?
04:30, 19/09/2020
Hình sự hóa quan hệ kinh tế, dân sự: Gần 8 năm, 1 nỗi oan “lơ lửng”?
04:50, 18/09/2020
Hình sự hóa quan hệ kinh tế, dân sự: Thiếu kiến thức hay… “lạm quyền”?
04:50, 18/08/2020