“Không hình sự hóa quan hệ kinh tế - dân sự” là quan điểm đã được người đứng đầu Chính phủ khẳng định. Tuy nhiên, thực tế, nhiều doanh nhân vẫn bị khởi tố và bị treo án… “suốt đời”.
Thời gian vừa qua, Diễn đàn Doanh nghiệp liên tục nhận được đơn kêu cứu của các doanh nghiệp phản ánh về việc thường xuyên bị các cơ quan tố tụng nâng cao quan điểm, chuyển vụ việc từ dân sự sang hình sự đã khiến cho vụ việc càng trở lên phức tạp. Và đáng lo ngại hơn, diễn biến của những vụ việc này không chỉ đơn thuần là xuất hiện dấu hiệu “hình sự hoá quan hệ kinh tế - dân sự”, mà còn khiến nhiều doanh nhân phải mang thân phận bị cáo suốt thời gian dài.
Điển hình, vụ ông Nguyễn Văn Lý – Giám đốc Công ty TNHH Đầu tư Thương mại Đại Phú Hưng – Bình Dương (nạn nhân trong đại án Hứa Thị Phấn): Năm 2005, ông Lý chỉ là “Giám đốc đền bù” với mức lương 5 triệu đồng/1 tháng cho dự án Khu công nghiệp Tân Đông Hiệp B của nữ đại gia Hứa Thị Phấn. Mọi ký kết giấy tờ tái định cư đều do ông Hồ Văn Tân – em rể của bà Phấn đứng ra ký giấy. Do vậy, năm 2012, việc Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Bình Dương khởi tố, bắt tạm giam ông với tội danh “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” là không đủ căn cứ.
Cũng bởi vậy, 8 năm đã trôi qua, phiên tòa sơ thẩm xét xử không thể đưa ra tuyên án vì TAND tỉnh Bình Dương trả hồ sơ điều tra bổ sung 4 lần…
Những lá đơn kêu oan vẫn được Ông Nguyễn Văn Lý gửi đi mỗi ngày. Trong khi chờ công lý, ông Lý hàng ngày phụ vợ bán hàng nước. Đến việc thành lập công ty ông cũng không thể đứng tên, phải lấy tên người vợ.
Hay mới đây, Diễn đàn Doanh nghiệp có nhận được theo đơn kêu oan của bà Ngô Minh Chiến – Giám đốc Công ty TNHH Phòng khám Đa khoa Tâm Đức – Bình Phước, với nội dung: năm 2010, Công ty của bà có ký hợp đồng vay ông Nguyễn Văn Tuệ số tiền 9 tỷ đồng để đáo hạn ngân hàng, trong đó, 8,3 tỷ là tiền gốc vay, 700 triệu là tiền lãi ông Tuệ lấy trước với lãi suất là 5% 1 tháng. Tuy nhiên, với những lý do suy thoái kinh tế, ngân hàng không giải ngân cho Công ty Tâm Đức theo hợp đồng tín dụng. Năm 2013, ông Tuệ tố cáo bà Chiến lên Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Bình Phước. Trong quá trình này, bà Chiến vẫn nhận nợ và đề nghị được giải quyết tại tòa án dân sự. Tuy nhiên, cơ quan công an vẫn đề nghị Tòa án truy tố tội danh “Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản”.
Cũng theo đơn kêu oan, bà Ngô Minh Chiến cho rằng, vụ án đang có dấu hiệu bị cơ quan điều tra hình sự hoá quan hệ kinh tế - dân sự, và suốt nhiều năm không thể đưa ra xét xử khiến bà có nguy cơ mang thân phận bị cáo… “suốt đời”.
Cụ thể, với 11 lần Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Bình Phước trả hồ sơ điều tra bổ sung, 05 lần gia hạn thời hạn truy tố, 05 lần Toà án trả hồ sơ điều tra bổ sung, nhưng không thể đưa ra xét xử, đang để nhiều hệ luỵ, và gây bức xúc dư luận trong suốt thời gian qua.
Bình luận và nhận định về những vụ việc này, các chuyên gia pháp lý cho rằng: Ranh giới giữa dân sự - hình sự trong nhiều vụ án kinh tế khá mong manh. Để xác định ranh giới này, đòi hỏi cơ quan cảnh sát điều tra phải xác định rõ là “con người đó có tội hay không có tội, từ đó mới định khung, định khoản”. Giải pháp quan trọng nhất đó là tinh thần trách nhiệm của người thực thi công vụ…
Theo Luật sư Vũ Luân - Đoàn Luật sư Thành phố Hà Nội: Do khách quan, chủ quan dẫn đến không ít những trường hợp để xảy ra những vụ hình sự hóa quan hệ dân sự. Để tránh việc này, Quốc hội ban hành nghị quyết chống oan sai để quy kết trách nhiệm, nêu cao trách nhiệm của cán bộ. Chỉ có nêu cao tinh thần trách nhiệm mới làm tốt.
Nhìn từ những vụ việc nêu trên cho thấy, những dấu hiệu về hình sự hoá quan hệ kinh tế - dân sự, không chỉ là nỗi ám ảnh cho người dân và cộng đồng doanh nghiệp, doanh nhân nói chung mà còn là nguy cơ khiến cho các doanh nhân này phải mang thân phận bị can, bị cáo… “suốt đời”.
Hơn tất cả, những người quản lý doanh nghiệp như ông Lý, bà Chiến mong đợi: Đó là ngày họ kết thúc thân phận bị can, bị cáo… để họ tiếp tục sự nghiệp kinh doanh của mình.
Có thể bạn quan tâm
04:30, 19/09/2020
04:50, 18/09/2020
04:50, 18/08/2020
04:50, 12/08/2020
04:50, 04/08/2020
06:10, 01/08/2020
05:30, 24/07/2020