Nước sạch thiếu “kênh dẫn” pháp lý
Việt Nam chưa đáp ứng tốt quyền tiếp cận nước sạch cho người dân khi tỷ lệ hộ tiếp cận được nước sạch trên toàn quốc chỉ đạt 52,2%.
>>Tình trạng "tranh tối, tranh sáng" khiến thị trường nước sạch khó phát triển
Để đạt mục tiêu Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng đặt ra là đến năm 2025, tỷ lệ sử dụng nước sạch, nước hợp vệ sinh của dân cư thành thị đạt 95 - 100%, nông thôn đạt 93 - 95%, phải gỡ vướng chính sách cho các nhà đầu tư tư nhân tham gia thị trường nước sạch.
Chỉ hơn 50% dân số được tiếp cận nước sạch
Nước sạch để dùng trong sinh hoạt, ăn uống hàng ngày đóng vai trò đặc biệt quan trọng với mỗi hộ gia đình, và do đó, được dùng nước sạch là một quyền cơ bản của công dân. Mặc dù vậy, tỷ lệ dân số tiếp cận nước sạch ở Việt Nam, đặc biệt ở khu vực nông thôn vẫn còn thấp.
Xét trên toàn quốc, Báo cáo Tổng điều tra dân số và nhà ở của Tổng cục Thống kê năm 2019 cho thấy, tỷ lệ hộ tiếp cận được nước máy trên toàn quốc chỉ đạt 52,2%. Xét theo khu vực, báo cáo cho thấy chỉ có khoảng 84% dân cư đô thị và khoảng 35% dân cư nông thôn tiếp cận được nước máy - nguồn nước sạch và an toàn theo tiêu chuẩn.
Ngay như tại Hà Nội, năm 2019, tỷ lệ hộ dân tiếp cận được nước máy của vùng nông thôn mới đạt khoảng 35%, tương đương mức trung bình toàn quốc. Như vậy, có thể nói, Việt Nam chưa đáp ứng được tốt quyền tiếp cận nước sạch cho người dân nói chung; và tình trạng bất bình đẳng về sử dụng nước máy giữa khu vực nông thôn và thành thị là rất đáng lưu tâm. Một trong những nguyên nhân có thể là do sự thiếu hụt các nhà đầu tư trong khâu sản xuất và hệ thống ống dẫn đến các vùng xa trung tâm.
>>Doanh nghiệp FDI đầu tư nguồn nước sạch vào Tây Nguyên
Nhà đầu tư đối mặt rủi ro
Thứ nhất, khung chính sách pháp luật về lĩnh vực đầu tư kinh doanh cấp nước chưa đầy đủ. Trong khi lĩnh vực điện đã có Luật Điện lực, thì cho đến nay mới chỉ có Nghị định 117/2007/NĐ-CP về sản xuất, cung cấp và tiêu thụ nước sạch và các văn bản sửa đổi là điều chỉnh trực tiếp về vấn đề này.
Về việc tổ chức thị trường: quá trình cung cấp nước máy đến người tiêu dùng thường trải qua 2 giai đoạn với sự tham gia của bên kinh doanh sản xuất nước và bên phân phối/bán lẻ.
Tuy nhiên, Nhà nước đảm nhiệm khâu nào, tư nhân đảm nhiệm khâu nào cũng không được quy định rõ ràng. Điều này dẫn đến một số nơi, hệ thống phân phối do Nhà nước độc quyền đảm nhiệm; còn tư nhân chỉ tham gia vào khâu sản xuất nước.
Nhưng cũng có địa phương, khâu sản xuất, phân phối lẫn bán lẻ đều có doanh nghiệp công và tư. Điều này phá vỡ sự mạch lạc trong cấu trúc thị trường; khâu điều tiết nước lúng túng và thậm chí có tình trạng mập mờ, gây tổn hại cho nhà đầu tư tư nhân. Môi trường pháp lý và thực thi quy định thiếu rõ ràng khiến các doanh nghiệp e ngại khi gia nhập thị trường, cũng như gặp lúng túng nếu muốn mở rộng hoạt động kinh doanh.
Thứ hai, trên thực tiễn, để đầu tư kinh doanh sản xuất nước cần quy mô vốn đầu tư ban đầu rất lớn. Tuy nhiên, hiện nay, việc xác định giá cung cấp giữa bên sản xuất và bên phân phối thường được ấn định bởi UBND địa phương và chậm được điều chỉnh.
Điều này đã khiến các công ty kinh doanh sản xuất nước chưa thể cạnh tranh bình đẳng và được đảm bảo đầy đủ quyền lợi khi tham gia thị trường. Nhìn vào thị trường tại Hà Nội, mảng kinh doanh này hiện mới chỉ tập trung vào một số tập đoàn có tiềm lực tài chính lớn như Gelex Energy, Aqua One hay REE Corp, nhưng ngay cả các công ty này cũng đối mặt nhiều khó khăn lớn trong thời gian qua.
Cụ thể, cả hai phương diện, tỷ lệ mua nước theo thực tế của Hà Nội với doanh nghiệp; lẫn mức giá thực tế so với cam kết đều thấp hơn khi ký hợp đồng với chính quyền địa phương. Họ cũng đối mặt với rủi ro pháp lý khi cần xây dựng đường ống phân phối nước ra địa bàn mới, nơi không có sẵn đường ống. Điều này dẫn đến nghịch lý là công suất sản xuất của doanh nghiệp, đơn cử như Nhà máy nước Sông Đuống thì dư thừa; nhưng người dân ngoại thành Hà Nội lại không có nước sạch.
Sớm hoàn thiện khung pháp lý
Có thể nói, trong quy trình cung cấp nước sạch đến người tiêu dùng, vai trò của các doanh nghiệp nhà nước trong khâu phân phối/bán lẻ là cần thiết để bảo đảm toàn bộ người dân tiếp cận được nước sạch với chi phí hợp lý. Tuy nhiên, trong giai đoạn đầu, ở khâu kinh doanh và sản xuất nước, các nhà đầu tư tư nhân lại có vai trò quan trọng với tiềm lực về tài chính, công nghệ.
Do vậy, để thu hút được nhà đầu tư vào thị trường nước sạch, Chính phủ cần sớm hoàn thiện khung pháp lý điều chỉnh lĩnh vực này, đảm bảo lợi nhuận, cam kết với nhà đầu tư; các địa phương cần đề ra quy hoạch cấp nước ổn định, hợp lý theo từng thời kỳ.
Chỉ khi có một thị trường vận hành ổn định, hợp lý, minh bạch, bảo đảm được hài hoà lợi ích giữa các nhà đầu tư tư nhân lẫn người sử dụng nước sạch, thì khi đó hoạt động cung cấp dịch vụ nước sạch ở Việt Nam mới đi vào ổn định qua đó đáp ứng được quyền căn bản của người dân với dịch vụ thiết yếu này.
Có thể bạn quan tâm
Tình trạng "tranh tối, tranh sáng" khiến thị trường nước sạch khó phát triển
16:00, 26/04/2022
Doanh nghiệp FDI đầu tư nguồn nước sạch vào Tây Nguyên
03:50, 23/03/2022
Công ty CP Nước sạch và vệ sinh nông thôn Nam Định: Đặt chất lượng nước lên hàng đầu
14:23, 03/12/2021
Báo động nguồn cung cấp nước sạch cho Hải Phòng bị ô nhiễm
01:56, 01/12/2021