Nguồn nước thô của Hải Phòng đang đứng trước nguy cơ gia tăng ô nhiễm do phải hứng chịu nước thải sinh hoạt từ các hoạt động sản xuất công nghiệp, nông nghiệp, các làng nghề, trang trại chăn nuôi…
>>>Hải Phòng: Chuyển vốn đầu tư công sang các dự án có khả năng hoàn thành
>>>Hải Phòng: Tăng cường chống buôn lậu hàng giả dịp cuối năm
Nguy cơ ô nhiễm nặng
Theo kết quả quan trắc trong thời gian qua cho thấy, nguồn nước ngọt tại các sông Đa Độ, sông Giá, sông Rế, sông Chanh Dương cung cấp cho sản xuất nước sinh hoạt trên địa bàn TP Hải Phòng ngày càng gia tăng ô nhiễm. Hàm lượng các chất hữu cơ trong nước nguồn luôn biến động thất thường và chỉ tiêu hầu hết cao hơn QCVN 08 – MT: 2015/BTNMT - Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về chất lượng nước mặt – với mức độ gia tăng ngày càng nhanh gây suy thoái trầm trọng chất lượng nước nguồn.
Nguyên nhân được xác định là do các hoạt động hoạt động sản xuất nông nghiệp, công nghiệp, các làng nghề, bệnh viện, nghĩa trang, trang trại chăn nuôi, bãi rác… cũng như một lượng lớn nước thải sinh hoạt thường xuyên xả vào nguồn nước trong bối cảnh hệ thống thoát nước chưa được quy hoạch đồng bộ và phân tách, xử lý trước khi đổ vào hệ thống sông ngòi. Cùng với đó là việc biến đổi khí hậu với các hiện tượng nước biển dâng và thiếu hụt nước đầu nguồn bổ cập về hạ lưu dẫn tới tình trạng mặn xâm nhập sâu vào hệ thống các sông cung cấp nước thô cho sản xuất nước sạch. Tình trạng trên đã diễn biến ở tất cả các sông cung cấp nước ngọt tại Hải Phòng, điển hình như cuối năm 2019 trên sông Đa Độ đã có lúc đã xâm nhập tới 40km.
Cụ thể, trên hệ thống An Kim Hải hiện có 430 điểm xả thải, trong đó có 372 điểm xả của doanh nghiệp và mới có 36 doanh nghiệp được cấp phép xả thải. Còn với hệ thống sông Đa Độ, có 364 đơn vị đang hoạt động xả nước thải vào công trình thủy lợi, nhưng mới có 44 đơn vị được cấp phép xả thải trong tổng số 168 đơn vị thuộc đối tượng phải cấp phép xả thải.
Chia sẻ với Diễn đàn Doanh nghiệp, ông Trần Việt Cường - Chủ tịch HĐQT công ty CP Cấp nước Hải Phòng cho biết, tại Hải Phòng, nguồn nước ngọt ngày càng bị suy thoái cả về số lượng và chất lượng, dẫn đến nguy cơ thiếu nước vào mùa kiệt, ô nhiễm nguồn nước thô, độ mặn có nhiều lúc xâm nhập sâu vào nội địa đã ảnh hưởng và gây áp lực cho việc tiếp nhận nguồn nước thô để sản xuất nước sạch phục vụ nhu cầu ăn uống, sinh hoạt và sản xuất của thành phố.
“Với tình trạng một số chỉ tiêu ô nhiễm đang ở mức cao, đặc biệt với tốc độ gia tăng ô nhiễm rất đáng báo động, kết hợp với xâm nhập mặn ngày càng diễn biến phức tạp… chất lượng nước thô cung cấp cho sản xuất nước ăn uống, sinh hoạt trong thời gian tới là rất đáng báo động, nguy cơ vượt quá khả năng của các dây chuyền xử lý nước của các nhà máy nếu chúng ta không có những giải pháp quyết liệt, đồng bộ và kịp thời”, ông Cường cho biết.
>>>Hải Phòng: Phải hoàn thành sân đỗ máy bay trước tháng 3/2022
>>>Hải Phòng - Quảng Ninh: Đồng loạt kích hoạt hệ thống hoá đơn điện tử
Còn ông Trần Quang Hoạt - Giám đốc công ty TNHH MTV khai thác công trình thuỷ lợi An Hải cho rằng, nguồn nước thượng nguồn của hệ thống (sông Rạng, sông Lạch Tray, sông Cấm) đang bị suy giảm chất lượng, trữ lượng nên nguồn nước thô phục vụ cho sản xuất nước sạch bị ảnh hưởng, gặp khó khăn. Hiện nay, đa số các doanh nghiệp đã chấp hành các quy định của pháp luật về xả thải vào công trình thuỷ lợi. Tuy nhiên, vẫn còn một số doanh nghiệp chưa chấp hành nghiêm quy định về xả thải; một số doanh nghiệp thuộc đối tượng phải cấp phép xả thải nhưng chưa chấp hành. Đặc biệt, trên tuyến sông Rế có 65 điểm xả thải gồm: 50 điểm xả thải của doanh nghiệp, 15 điểm xả thải của khu chung cư, dân cư. Trong số 50 điểm xả thải của doanh nghiệp trên sông Rế có 8 doanh nghiệp thuộc diện phải xin cấp phép xả thải vào công trình thuỷ lợi, tuy nhiên đến nay mới có 5 doanh nghiệp được cấp phép.
Cũng theo ông Hoạt, qua rà soát trên sông Rế, lượng nước thải sinh hoạt của các khu đân cư, chợ dân sinh chưa được thu gom, xử lý, xả thải trực tiếp xuống kênh là tác nhân chính gây ô nhiễm cho nguồn nước hệ thống.
Cần nhiều giải pháp đồng bộ
Nguồn nước phục vụ sản xuất nước sinh hoạt của Hải Phòng chủ yếu được lấy từ sông Rế thuộc hệ thống thủy lợi An Kim Hải và sông Đa Độ. Nguồn nước thuộc 2 sông này đang cung cấp nước thô sản xuất nước sạch phục vụ 80% dân số khu vực nội thành Hải Phòng. Yêu cầu đảm bảo nguồn nước sinh hoạt đạt tiêu chuẩn cho Hải Phòng ngày càng trở nên cấp bách khi các con sông cung cấp nguồn nước thô phục vụ nước sinh hoạt của Hải Phòng đều đang bị ô nhiễm nặng.
Theo đại diện công ty CP Cấp nước Hải Phòng, tình trạng ô nhiễm nguồn nước thô ảnh hưởng không nhỏ đến hoạt động sản xuất, cung cấp nước sạch của công ty. Tuy vậy, toàn bộ kết quả phân tích mẫu nước sau xử lý của công ty đều đạt theo Quy chuẩn QCVN 01-1:2018 của Bộ Y tế. Thời gian qua, phía công ty đã có nhiều biện pháp, hoạt động để bảo vệ nguồn nước thô của thành phố. Tuy nhiên, những giải pháp đang thực hiện chưa giải quyết được tận gốc vấn đề. Về lâu dài, nếu không có sự vào cuộc mạnh mẽ của cơ quan quản lý nhà nước, chính quyền các cấp thì tình trạng ô nhiễm nguồn nước thô ngày càng nghiêm trọng, nhiều khả năng vượt quá khả năng xử lý của công nghệ hiện nay, gây ảnh hưởng đến an ninh, an toàn cấp nước.
Để kiểm soát chất lượng nước trước nguy cơ ô nhiễm môi trường ngày càng tăng cao, phía công ty CP Cấp nước Hải Phòng đã đề nghị các cơ quan chức năng TP Hải Phòng quan tâm, quy hoạch, đầu tư đồng bộ hệ thống thoát nước, thu gom và xử lý nước thải tập trung cho các khu dân cư, làng nghề, đưa các điểm xả thải ra khỏi hệ thống; điều tiết, vận hành hệ thống sông, kênh nội đồng chỉ làm nhiệm vụ cấp nước, quy hoạch, thu gom thoát nước nội đồng, đưa các điểm xả ra khỏi hệ thống; tăng cường kiểm tra, giám sát tiến độ thực hiện nhiệm vụ bảo vệ nguồn nước được triển khai từ các công trình, dự án được cấp phép; nâng cao chất lượng bảo vệ công trình thuỷ lợi dọc các sông bị lấn chiếm, ngăn chặn, giải toả kịp thời, cắm mốc hành lang bảo vệ các nguồn nước chưa hoàn thành. Đồng thời, xây dựng cơ chế kiểm soát nước thải đồng bộ, kiên quyết xử lý, giải phóng mặt bằng với cá nhân, đơn bị lấn chiếm đất thuộc hành lang công trình thuỷ lợi.
Còn về phía công ty TNHH MTV khai thác công trình thuỷ lợi An Hải đề nghị UBND TP Hải Phòng và các sở ban ngành quan tâm, sớm triển khai thi công chuyển nguồn nước thải của kênh Bắc Nam Hùng tiêu ra sông Cấm, nâng cấp, mở rộng cống Kim Xá dưới quốc lộ 5; nạo vét, đắp bờ, kè mái kênh Hoà Phòng, kênh Kim Xá để quản lý, khai thác công trình, bảo vệ công trình và nguồn nước ngọt sông Rế.
“Công ty TNHH MTV khai thác công trình thuỷ lợi An Hải đề nghị huyện An Dương sớm triển khai 7 dự án bảo vệ nguồn nước sông Rế đã được UBND TP Hải Phòng giao làm chủ đầu tư”, ông Trần Quang Hoạt chia sẻ.
Có thể bạn quan tâm
Hải Phòng: Tăng cường chống buôn lậu hàng giả dịp cuối năm
15:10, 30/11/2021
Hải Phòng phát hiện ổ dịch lớn từ công trường xây dựng
00:00, 30/11/2021
Hải Phòng - Hải Dương: Phủ rộng tiêm vaccine cho học đường
08:19, 29/11/2021
Hải Phòng: Chuyển vốn đầu tư công sang các dự án có khả năng hoàn thành
00:05, 29/11/2021
Hải Phòng triển khai tiêm vaccine COVID-19 cho học sinh
13:22, 24/11/2021