Còn trở ngại trong phổ biến thông tin, hướng dẫn doanh nghiệp thực thi các FTA
Lợi ích từ các hiệp định thương mại tự do (FTA) mang lại là rất lớn, tuy nhiên, vẫn còn những trở ngại nhất định trong việc phổ biến thông tin, hướng dẫn doanh nghiệp thực thi các FTA đã ký kết…
>> "Cải cách thể chế, ban hành văn bản thực thi các FTA vẫn còn chậm"
Trong xu thế toàn cầu hóa, các quốc gia trên thế giới đã và đang đẩy mạnh hợp tác kinh tế thông qua việc đàm phán và ký kết các hiệp định thương mại tự do (FTA).
Thực tế, theo thống kê của Tổ chức Thương mại thế giới (WTO), tính tới tháng 12/2021, số FTA đang có hiệu lực là 352, tăng đáng kể so với con số 214 vào năm 2010 hoặc trước đó là 98 vào năm 2000. Các FTA này, dù tồn tại dưới hình thức song phương hoặc đa phương đều xác lập lộ trình giảm dần và tiến tới xóa bỏ hàng rào thuế quan hoặc hàng rào phi thuế quan. Điều này mở rộng cơ hội kinh tế cho mỗi nước thành viên, từ đó thúc đẩy thương mại quốc tế.
Những lợi ích do các FTA đem lại là rất lớn và vô cùng quan trọng, đặc biệt, trong bối cảnh các quốc gia cần đẩy mạnh hoạt động giao thương trở lại và phục hồi hoạt động kinh tế sau những ảnh hưởng nghiêm trọng của đại dịch COVID-19.
Việt Nam cũng không đứng ngoài cuộc của xu thế đã nêu, tính đến hết năm 2021, Việt Nam đã tham gia 15 FTA và đang đàm phán 2 FTA với các đối tác thương mại. Trong đó, các hiệp định đáng chú ý có thể kể đến như: Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP); Hiệp định Thương mại tự do giữa Việt Nam và Liên minh Châu Âu (EVFTA); và Hiệp định Thương mại tự do giữa Việt Nam và Liên hiệp Vương quốc Anh và Bắc Ai-Len (UKVFTA);...
Đây đều là những hiệp định FTA thế hệ mới với những cam kết sâu rộng, toàn diện về thương mại, đầu tư và một số lĩnh vực liên quan khác như lao động, môi trường, doanh nghiệp Nhà nước, mua sắm Chính phủ, sự minh bạch và các cơ chế giải quyết tranh chấp về đầu tư.
Và thực tế, việc tham gia các FTA đã và đang mở rộng cánh cửa thị trường cho hàng xuất khẩu của Việt Nam, là cơ hội để Việt Nam kết nối, tham gia sâu hơn vào chuỗi giá trị và mạng lưới sản xuất toàn cầu. Đặc biệt, trong bối cảnh dịch COVID-19, các FTA thế hệ mới đã tiếp sức cho hàng hóa vươn tới hầu hết các thị trường trên thế giới. Nhiều sản phẩm đã dần có chỗ đứng vững chắc và nâng cao được khả năng cạnh tranh trên nhiều thị trường có yêu cầu cao về chất lượng, như: EU, Nhật Bản, Mỹ, Australia...
Trong đó, kim ngạch xuất khẩu năm 2021 sang các khu vực thị trường đều đạt mức tăng trưởng dương, tăng cao ở những thị trường có FTA với Việt Nam, như: Trung Quốc tăng 15%, Hoa Kỳ tăng 24,2%, ASEAN tăng 25,8%, Hàn Quốc tăng 15,8%, Ấn Độ tăng 21%, New Zealand tăng 42,5%,...
>> Rào cản kỹ thuật khiến doanh nghiệp khó tận dụng FTA thế hệ mới
Đặc biệt, kim ngạch xuất khẩu sang các thị trường là thành viên CPTPP đạt mức tăng tốt, cho thấy hiệu quả cam kết từ hiệp định này để thúc đẩy xuất khẩu, đa dạng hóa thị trường xuất khẩu (xuất khẩu sang Canada đạt 5,2 tỷ USD, tăng 19,5%; xuất khẩu sang Mexico đạt 4,6 tỷ USD, tăng 46,1%;…).
Mặc dù đóng góp lớn trong phát triển nền kinh tế như đã nêu, tuy nhiên, việc phổ biến thông tin, hướng dẫn doanh nghiệp thực thi các FTA đã ký kết vẫn gặp những trở ngại nhất định.
Kết quả phân tích trong báo cáo chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI 2021) cho thấy, mức độ nhận biết của các doanh nghiệp Việt Nam về các hiệp định thương mại tự do là khá khiêm tốn như: CPTPP có tỷ lệ doanh nghiệp nhận biết là 30,19%; EVFTA tỷ lệ nhận biết là 28,98%; và UKVFTA có tỷ lệ nhận biết là 13,80%;...
Đặc biệt, mối quan tâm đến các hiệp định này cũng có sự khác biệt rõ rệt giữa doanh nghiệp có định hướng xuất khẩu với doanh nghiệp kinh doanh ở thị trường trong nước. Chẳng hạn, 39,04% doanh nghiệp định hướng xuất khẩu biết đến CPTPP và 38,17% biết đến EVFTA, trong khi đó, tỷ lệ doanh nghiệp có định hướng kinh doanh trong nước biết đến hai hiệp định này lần lượt là 27,96% và 26,67%.
Bên cạnh đó, việc sửa đổi, bổ sung, xây dựng mới các quy định pháp luật nội địa nhằm thực thi các cam kết trong các FTA cũng được cho còn nhiều tồn tại trong thời gian qua. Kết quả khảo sát PCI 2021 cho thấy, khoảng 49% doanh nghiệp đã từng gặp vướng mắc trong quá trình thực hiện các văn bản pháp luật liên quan đến thực thi các FTA.
Thực tế, trong nghiên cứu về hoạt động xây dựng pháp luật thực thi CPTPP của Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cũng cho thấy việc sửa đổi, bổ sung, xây dựng mới các quy định pháp luật nội địa nhằm thực thi các cam kết trong các FTA vẫn còn những tồn tại:
Thứ nhất, đó là chất lượng tham vấn doanh nghiệp trong quá trình soạn thảo các văn bản quy phạm pháp luật chưa cao. Do tính chất gấp rút của việc thực thi FTA, các văn bản quy phạm pháp luật về triển khai FTA (ví dụ như CPTPP) thường được soạn thảo và ban hành trong thời gian ngắn hơn so với quy trình thông thường. Dù các cơ quan soạn thảo đã có những cố gắng nhưng việc lấy ý kiến công khai về dự thảo các văn bản này thường không đem lại hiệu quả rõ rệt do thời gian chuẩn bị ngắn, các dự thảo công khai trên website của cơ quan soạn thảo thường không đi kèm với các tài liệu giải trình cần thiết (ví dụ như các tờ trình hoặt báo cáo đánh giá tác động pháp luật). Điều này khiến việc tìm hiểu và góp ý của các chủ thể có liên quan, đặc biệt là cộng đồng doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn;
Thứ hai, tốc độ ban hành các văn bản hướng dẫn thực thi dù nhanh hơn trung bình các văn bản pháp luật thông thường thì vẫn khá chậm so với tiến độ thực thi FTA. Ví dụ, với 11 văn bản quy phạm pháp luật để thực hiện CPTPP, mỗi văn bản được ban hành chậm trung bình 246 ngày so với mốc 14/01/2019 khi hiệp định này có hiệu lực;
Thứ ba, hoạt động tuyên truyền về các cam kết FTA còn hạn chế. Các doanh nghiệp khi tiếp cận với những văn bản quy phạm pháp luật về thực thi FTA còn mất nhiều thời gian để tự tìm hiểu các vấn đề kỹ thuật trong các cam kết FTA, chẳng hạn như quy tắc xuất xứ và biểu thuế quan. Ở đây, chính quyền các địa phương sẽ cần đóng vai trò lớn hơn trong việc tuyên truyền rộng rãi về chính sách, cũng như thiết lập các kênh tiếp nhận nhanh phản hồi của doanh nghiệp để có giải pháp hỗ trợ.
Theo VCCI, 3 vấn đề đã nêu tồn tại trong thời gian qua đã gây ra những trở ngại nhất định cho cộng đồng doanh nghiệp trong quá trình tìm hiểu, nắm bắt thông tin và tận dụng lợi ích từ CPTPP nói riêng và các FTA nói chung.
Từ đó VCCI đề nghị, trong bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế ngày một sâu rộng, các cơ quan quản lý trung ương và địa phương cần đẩy mạnh việc tuyên truyền, quảng bá các nội dung trong các cam kết FTA đến cộng đồng doanh nghiệp. Các cơ quan Nhà nước cần chủ động đẩy nhanh hơn nữa quá trình xây dựng các văn bản pháp lý thực hiện các cam kết FTA để đáp ứng yêu cầu về thời gian.
Bên cạnh đó, cần tiếp tục cải thiện chất lượng công tác lấy ý kiến thực chất và hiệu quả hơn thông qua nâng cao chất lượng các tài liệu giải trình và tham vấn rộng rãi cộng đồng doanh nghiệp. Đồng thời, các quan Nhà nước nói chung và chính quyền các tỉnh, thành phố nói riêng cần thiết lập và duy trì các cơ chế riêng phù hợp để tiếp nhận, giải quyết các khó khăn, vướng mắc của doanh nghiệp trong quá trình thực hiện các cam kết FTA. Các cơ chế này nếu được triển khai hiệu quả có thể góp phần hỗ trợ doanh nghiệp chuẩn bị năng lực để có thể tận dụng tốt nhất các lợi ích từ các FTA.
Có thể bạn quan tâm
Rào cản kỹ thuật khiến doanh nghiệp khó tận dụng FTA thế hệ mới
04:10, 06/04/2022
1 năm thực thi UKVFTA: Vẫn còn nhiều dư địa
03:50, 17/03/2022
1 năm thực thi UKVFTA: Tận dụng cơ hội để tăng tốc
00:30, 16/03/2022
Nông sản Việt cần nắm vững ưu đãi thuế FTA
11:00, 14/02/2022
FTA tiếp tục là xung lực cho kinh tế Việt Nam tăng trưởng
05:30, 01/02/2022