Đấu tranh với “truyền thông bẩn”!
Vấn nạn “truyền thông bẩn” đang trở nên nhức nhối trong các cộng đồng doanh nhân.
>>Làm giáo dục sao lại dùng truyền thông “bẩn”?
Luật sư Nguyễn Văn Lộc (Hãng Luật LPVN) - một chuyên gia xử lý khủng hoảng pháp lý trong kinh doanh - có trao đổi độc quyền với Diễn đàn Doanh nghiệp về vấn đề này nhân ngày Báo chí Cách mạng Việt Nam (21/06).
Sự phát triển của mạng xã hội là một phần trong tiếng nói xã hội nói chung và cộng đồng đầu tư - kinh doanh nói riêng khi phát hiện các hành vi sai phạm. Một khi môi trường thể hiện tính dân chủ, cái tôi và nhiều phạm vi pháp luật không thể điều chỉnh thì tiêu cực hoàn toàn có thể xảy ra trong dòng chảy thông tin.
- Thưa Luật sư, ông đánh giá như thế nào về các sự việc ồn ào trên mạng xã hội tác động xấu (tiêu cực) đến đến doanh nghiệp thời gian gần đây?
Doanh nghiệp hiện nay dùng mạng xã hội như một công cụ truyền thông, bán hàng. Mặt lợi ích thì ai cũng nhận ra nhưng mặt trái cũng không ít. Đặc biệt là khi doanh nghiệp vướng phải sai sót, có dấu hiệu vi phạm pháp luật hay một doanh nhân nào đó bị điều tra bởi cơ quan chức năng.
Chúng ta đang chứng kiến mạng xã hội tạo ra quá nhiều “cơ quan tài phán” và “cơ quan điều tra” ảo đối với cộng đồng kinh doanh, đặc biệt khi có sự cố xảy ra với doanh nghiệp nào đó. Tôi lấy ví dụ, Bộ Công an phải ra văn bản vào đầu năm nay về việc xử lý người tung tin đồn ảnh hưởng đến thị trường chứng khoán. Không chỉ nhà đầu tư mà bản thân doanh nghiệp cũng chịu ảnh hưởng bởi “truyền thông bẩn” trên thị trường chứng khoán mà cơ quan chức năng phải can thiệp.
- Tức là theo ông, thông tin trong hoạt động kinh doanh phải chính thống, kể cả khi có sự cố pháp lý. Vậy chúng ta cần nhìn nhận thế nào cho đúng ở góc độ pháp lý?
Doanh nghiệp cũng là một thực thể điều hành bởi con người, luôn có đúng sai. Việc xử lý phải có trình tự, kết quả thấu tình đạt lý thì đó là điều hướng tới. Nguyên tắc cơ bản của luật là “không ai bị xem là có tội khi chưa có phán quyết của Tòa án có thẩm quyền”, nhưng hiện nay, việc xác định một người nào đó sai phạm trở thành “tội phạm” quá dễ dàng trong không gian mạng.
Chúng ta dễ dàng nhận ra mỗi cư dân mạng tự cho mình quyền phán xét, phán quyết và thậm chí là buộc tội người khác từ các thông tin không chính thống từ mạng xã hội.
Khi sự việc xảy ra với doanh nghiệp (có thể là do doanh nhân trực tiếp gây ra), hãy để cơ quan chức năng lên tiếng và báo chí chính thống đưa tin theo đó, có cơ sở và khách quan.
Mức độ nghiêm trọng do hậu quả tiêu cực từ việc truyền thông sai sự thật, “truyền thông bẩn” là gì, thưa ông?
Trong hoạt động kinh doanh, có những hành vi mà người ngoài (hoặc đối thủ, hoặc người mua hàng…) cho rằng hành vi đó có dấu hiệu vi phạm. Nhưng từ chỗ “cho rằng” đến chỗ “có kết luận của cơ quan chức năng” là cả một quá trình. Việc doanh nghiệp có thể đối mặt rủi ro và áp lực dư luận là một hậu quả tiêu cực tác động trực diện lên mọi mặt của bên bị cáo buộc vi phạm cho dù chưa có kết luận chính thức. Nếu họ vi phạm, bị xử lý là đúng, nhưng phải đúng đối tượng, và đúng mức độ.
Và đa phần đối tượng “dễ bị tổn thương” nhất trong lĩnh vực đầu tư kinh doanh là các doanh nghiệp SME hay Startup, khi hơn 90% doanh nghiệp Việt thuộc nhóm này. Họ cần được bảo vệ! Hãy rà soát các vụ việc trong quá khứ như Cơm tấm Kiều Giang, hệ thống shop Con Cưng, hàng điện tử Asanzo … họ đã chịu nhiều thiệt hại từ dư luận cho đến khi cơ quan chức năng kết luận họ không sai. Giả sử các doanh nghiệp tôi vừa nêu không đủ tài chính, kinh nghiệm để xử lý thì hậu quả ra sao đối với họ.
Nếu chúng ta không nhận thấy được mức độ nghiêm trọng của “truyền thông bẩn” đang làm “vấy bẩn” môi trường kinh doanh hiện nay ra sao, môi trường đầu tư kinh doanh sẽ tiếp tục chịu các tác động tiêu cực từ không gian mạng do chính con người gây ra, tất cả là do chủ ý. Lợi ích (nếu có) từ cạnh tranh không lành mạnh hay xâm phạm uy tín, danh dự của tổ chức, cá nhân như vậy sẽ vào tay một nhóm người nào đó, tiếc là họ đang đứng ngoài vòng pháp luật và luôn thách thức những người làm ăn chân chính.
- Từ góc nhìn của một chuyên gia nổi tiếng về xử lý khủng hoảng pháp lý, theo ông doanh nghiệp quan ngại “truyền thông bẩn” vì lý do gì? Tại sao họ không quyết liệt đấu tranh?
Khi đối mặt với “truyền thông bẩn” trong các sự việc của thân chủ, tôi nhận thấy bức xúc từ các doanh chủ, và đôi khi là tâm lý bất lực. Không phải ai cũng dũng cảm đối mặt với “truyền thông bẩn”. Vì có thể họ cũng có sai sót trong kinh doanh, nhưng doanh nhân thường cần kết luận của cơ quan chức năng trước khi cư dân mạng kết luận rằng họ sai.
Họ thường bỏ qua, chấp nhận thỏa hiệp, chưa hẳn là họ sai. Doanh nhân thường mong muốn mọi chuyện êm xuôi, vì họ phải lo cho miếng cơm manh áo của hàng trăm hàng ngàn người chứ không phải chấp nhận theo thắng – thua trong một sai sót pháp lý nào đó.
- Để đối phó với “truyền thông bẩn”, ông có lời khuyên nào cho các bên?
Việc đối phó với vấn nạn “truyền thông bẩn” thường được các bên cho rằng đó là công việc của cơ quan chức năng. Điều đó đúng, nhưng chưa đủ.
Điều kiện đủ phải hội tụ ba yếu tố: một là doanh nghiệp tuân thủ pháp luật và doanh nhân am hiểu luật pháp kinh doanh, hai là khi có sự việc thì doanh nghiệp luôn công khai thông tin minh bạch rõ ràng, và cuối cùng là vai trò hỗ trợ của báo chí chính thống và các chuyên gia bảo vệ doanh nghiệp.
Tăng cường vai trò của báo chí chính thống trong thông tin kinh doanh, trong đó bao gồm cả khả năng tuyên truyền pháp luật kinh doanh từ những sự việc theo dòng thời sự. Báo chí chính thống cần đấu tranh với “truyền thông bẩn” một cách quyết liệt. Việc đấu tranh đó để bảo vệ doanh nghiệp chính là trực tiếp góp phần bảo vệ và phát triển môi trường kinh doanh tốt đẹp mà Chính phủ và cộn đồng doanh nghiệp đang kiến tạo tại Việt Nam.
Tôi cho rằng Diễn đàn Doanh nghiệp đã và đang hành động tốt trong việc tuyên truyền pháp luật đến doanh nhân, doanh nghiệp.
Anh chị em nhà báo, phóng viên hãy mạnh dạn hơn nữa trong cuộc chiến chống “truyền thông bẩn” để góp phần giúp Việt Nam có môi trường đầu tư, kinh doanh lành mạnh.
- Xin cảm ơn ông!
Có thể bạn quan tâm