Giải quyết tranh chấp hợp đồng tín dụng liên quan đến gốc và lãi suất ngân hàng

NGUYỄN NGỌC THÀNH-Chánh Toà án Kinh tế-Toà án Nhân dân Hà Nội 25/06/2022 04:30

Việc giải quyết các tranh chấp hợp đồng tín dụng (HĐTD) tại Toà án hiện có rất nhiều vụ tranh chấp bên vay tài sản cũng như cho vay đã vi phạm ngay từ khi ký kết hợp đồng. Vậy tháo gỡ theo hướng nào?

>>Hạn mức tín dụng - Công cụ kiểm soát rủi ro đã "lỗi thời"

Các hợp đồng tín dụng

Các hợp đồng tín dụng liên quan đến gốc và lãi suất đang xảy ra tranh chấp khá nhiều tại các Toà án kinh tế

Hiện phần lớn các vụ tranh chấp là do quá trình xem xét và cấp tín dụng của cán bộ tín dụng và Ngân hàng chưa tốt, thẩm định và giám sát các khoản tiền vay còn lỏng lẻo dẫn đến việc bên vay không trả được tiền cho Ngân hàng. Đây là vấn đề đặc biệt quan trọng quyết định đến việc giảm nợ xấu cho Ngân hàng.

Thẩm quyền thụ lý và giải quyết các tranh chấp HĐTD

Theo thủ tục sơ thẩm thuộc thẩm quyền Tòa án nhân dân cấp quận, huyện trừ những trường hợp trong vụ án có yếu tố nước ngoài và phải thuộc trường hợp ủy thác tư pháp ra nước ngoài, những vụ án có căn cứ rõ ràng Quyết định cá biệt của cơ quan hành chính là trái pháp luật mà theo Luật Tố tụng hành chính thuộc thẩm quyền của TAND cấp tỉnh (tham khảo Giải đáp số 02/GĐ-TATC ngày 19/9/2016 và Công văn số 64/TATC-PC ngày 03/4/2019, Công văn số 79/TATC-PC ngày 12/4/2019 và Giải đáp số 01/2017/GĐ-TATC ngày 07/4/2017) hoặc những vụ án phức tạp mà TAND cấp tỉnh lấy lên xét xử sơ thẩm.

Hiện việc xác định có yếu tố nước ngoài, được quy định tại Phần thứ 8 BLTTDS và Nghị quyết số 04/2017/NQ-HĐTP ngày 05/5/2017. Đối với doanh nghiệp 100% vốn nước ngoài, chi nhánh doanh nghiệp nước ngoài, văn phòng đại diện của doanh nghiệp nước ngoài được thành lập theo pháp luật của Việt Nam, hoạt động tại Việt Nam thì không được coi là yếu tố nước ngoài. Người đại diện theo pháp luật của những doanh nghiệp này tuy là người nước ngoài, nhưng đang thực hiện nhiệm vụ của doanh nghiệp tại Việt Nam, ký tên đóng dấu của doanh nghiệp mình thì không coi là yếu tố nước ngoài và không phải làm thủ tục hợp pháp hóa lãnh sự.

Trường hợp đương sự là bị đơn, người đại diện theo pháp luật của bị đơn, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan sau khi ký HĐTD và đã vay tiền của Ngân hàng, sau đó không trả nợ, tự ý bỏ ra nước ngoài mà không thông báo địa chỉ ở nước ngoài cho Ngân hàng, cho doanh nghiệp và những người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan khác biết. Gia đình cố tình giấu địa chỉ của đương sự ở nước ngoài, trường hợp này căn cứ vào các điều 5, 6 Nghị quyết số 04/2017/NQ- HĐTP coi là cố tình giấu địa chỉ và trường hợp này Tòa án tiếp tục giải quyết vụ án theo thủ tục chung và niêm yết văn bản tố tụng tại nơi cư trú cuối cùng và tiến hành xét xử vụ án.

Cần tôn trọng sự thỏa thuận của các bên tham gia HĐTD

Về thẩm quyền giải quyết của Tòa án, về bản chất HĐTD là một dạng hợp đồng dân sự mà quan hệ dân sự là quan hệ mang tính thỏa thuận, tự định đoạt giữa các bên. Do đó, kể cả đối với việc giải quyết tranh chấp phát sinh từ HĐTD thì các bên cũng có quyền thỏa thuận để đạt được hiệu quả tối ưu nhất trong trường hợp có tranh chấp xảy ra.

Việc thỏa thuận Tòa án nơi nguyên đơn có trụ sở giải quyết, vấn đề này được hiểu như thế nào trong trường hợp chi nhánh Ngân hàng ký hợp đồng. Theo quy định tại điểm b khoản 1 Điều 40 BLTTDS, Ngân hàng có quyền lựa chọn Tòa án nơi có Chi nhánh Ngân hàng đóng là nơi giải quyết tranh chấp. Như vậy, Chi nhánh Ngân hàng ký hợp đồng mà trong HĐTD thỏa thuận là Tòa án nơi Ngân hàng đóng trụ sở thì có thể hiểu là trường hợp này Ngân hàng có thể lựa chọn Tòa án nơi Chi nhánh đóng trụ sở hoặc nơi Ngân hàng có trụ sở chính để khởi kiện cũng không sai.

Giải quyết tranh chấp HĐTD liên quan đến khoản nợ gốc và lãi

Trên thực tế giải quyết các tranh chấp HĐTD, các bên trong quan hệ tín dụng ít khi tranh chấp về khoản nợ gốc vì việc giải ngân của Ngân hàng thường chặt chẽ và có ký nhận hoặc chuyển khoản một cách rõ ràng. Tuy nhiên, các ngân hàng khi thu nợ gốc và lãi phải rõ ràng trong các giấy tờ về nghiệp vụ ngân hàng, tránh việc sau này khi xảy ra tranh chấp, bên vay tiền thường cho rằng ngân hàng thu tiền không đúng, đáng lẽ phải thu vào nợ gốc lại thu vào lãi trước là không đúng thỏa thuận trong HĐTD mà hai bên đã ký kết.

Về các cách xác định lãi suất trong HĐTD: trước khi có hướng dẫn tại Nghị quyết số 01/2019/NQ-HĐTP ngày 11/01/2019 của Hội đồng thẩm phán, TAND tối cao đã có án lệ hướng dẫn thống nhất áp dụng một số quy định của pháp luật về lãi, lãi suất, phạt vi phạm trong HĐTD tại Án lệ số 08/2016/AL. Chúng tôi xin nêu ra lưu ý như sau:

Thứ nhất, lãi suất được áp dụng trong HĐTD hai bên có thể thỏa thuận là lãi suất cố định hoặc lãi suất thay đổi (hay còn được gọi là lãi suất thả nổi). Nếu các bên thoả thuận áp dụng lãi suất cố định, thì lãi suất sẽ không thay đổi trong suốt thời hạn vay, bất kể lãi suất thị trường có tăng lên hay giảm xuống thì không điều chỉnh lãi suất. Nếu các bên thoả thuận trong HĐTD là áp dụng lãi suất thay đổi thì sẽ điều chỉnh lãi suất lên, xuống dựa vào lãi suất thị trường thì các Ngân hàng phải xuất trình các quyết định tăng giảm lãi làm căn cứ cho Tòa án xem xét về lãi suất tính đúng hay sai. Hiện nay có một số Ngân hàng cho rằng khi bên vay đã bị chuyển sang nợ quá hạn, thì Ngân hàng có quyền không điều chỉnh lãi, quan điểm này của Ngân hàng không đúng với thỏa thuận trong HĐTD dẫn đến một số Bản án của TAND TP Hà Nội đã tuyên chỉ chấp nhận nợ gốc, còn lãi sẽ tách ra trong một vụ án khác khi Ngân hàng có đầy đủ các tài liệu điều chỉnh lãi suất cho Tòa án làm cơ sở cho việc tính lãi.

Với lãi suất quá hạn, hầu hết các Ngân hàng vẫn thoả thuận trong HĐTD về lãi suất quá hạn bằng 150% lãi suất cho vay trong hạn đối với chính HĐTD đó. Hiện nay vẫn còn có đơn khởi kiện của Ngân hàng đề nghị Tòa án chấp nhận cho Ngân hàng nhập lãi vào gốc và tính cả lãi trên số lãi, yêu cầu này của Ngân hàng đối với các tranh chấp HĐTD ký trước ngày 01/1/2017 là không đúng.

Thứ hai, Tòa án có chấp nhận khoản tiền phạt vi phạm do bên vay chậm thanh toán tiền lãi hay không. Về vấn đề này là không chấp nhận khoản tiền này vì khi chuyển sang lãi quá hạn bằng 150% lãi trong hạn là đã một hình thức phạt hợp đồng rồi nên không chấp nhận thêm khoản tiền phạt kia nữa.

Có thể bạn quan tâm

  • Chuyên gia nói gì về cơ chế hạn mức tín dụng hiện nay?

    Chuyên gia nói gì về cơ chế hạn mức tín dụng hiện nay?

    12:00, 07/06/2022

  • Kiểm soát tín dụng vào lĩnh vực rủi ro: Chủ trương và thực tiễn

    Kiểm soát tín dụng vào lĩnh vực rủi ro: Chủ trương và thực tiễn

    11:30, 06/06/2022

  • Kiểm soát chặt chẽ tín dụng ở lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro

    Kiểm soát chặt chẽ tín dụng ở lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro

    20:09, 04/06/2022

  • Phó Thống đốc NHNN: Chưa bao giờ phát ngôn “siết” hay “cắt” tín dụng vào bất động sản

    Phó Thống đốc NHNN: Chưa bao giờ phát ngôn “siết” hay “cắt” tín dụng vào bất động sản

    18:57, 04/06/2022

NGUYỄN NGỌC THÀNH-Chánh Toà án Kinh tế-Toà án Nhân dân Hà Nội