Sửa Luật Giá: Đề xuất bỏ quỹ bình ổn giá xăng dầu
Trước sự mờ nhạt trong điều tiết giá, góp ý Luật Giá (sửa đổi), chuyên gia đề xuất, không nên duy trì Quỹ bình ổn xăng dầu, nên để thị trường tự điều tiết, doanh nghiệp cạnh tranh sòng phẳng...
>> Dự thảo Luật Dầu khí (sửa đổi): Cần có đánh giá cụ thể về rủi ro môi trường
Luật giá 2012 được Quốc hội thông qua tại kỳ họp thứ 3 Quốc hội khóa XIII, có hiệu lực thi hành từ ngày 01/01/2013. Tuy nhiên, sau gần 10 năm thi hành, bên cạnh những kết quả đạt được, thực tiễn Luật Giá cũng đã phát sinh một số tồn tại, hạn chế cần phải sửa đổi.
Theo đánh giá của Bộ Tài chính, nội dung một số Điều, khoản tại Luật Giá hiện hành còn có cách hiểu khác nhau, gây khó khăn cho áp dụng thực hiện; hoặc một số quy định không còn phù hợp với thực tiễn; hoặc hiện đã có một số vấn đề mới phát sinh đòi hỏi phải được thể chế tại Luật.
Mới đây, nhằm xây dựng và hoàn thiện sửa đổi Luật Giá, Bộ Tài chính cũng đang lấy ý kiến góp ý đối với dự thảo Luật Giá (sửa đổi), trong đó, nội dung đề xuất bỏ các quy định về lập và sử dụng Quỹ bình ổn giá, trong đó có quỹ bình ổn giá xăng dầu, ngay lập tức nhận được sự quan tâm từ phía chuyên gia, doanh nghiệp.
Nhiều ý kiến cho rằng, đề xuất này là cần thiết, bởi về cơ bản, Quỹ hoạt động theo nguyên tắc “lấy nó nuôi nó”. Khi giá xăng dầu ở mức thấp, người mua trả thêm một khoản nộp vào quỹ, sau đó dùng tiền này để bù vào khi giá tăng cao. Vì là “lấy nó nuôi nó” nên tiền thu vào quỹ là của dân, doanh nghiệp xăng dầu chỉ thu và giữ hộ, cơ quan điều hành giá sẽ điều tiết quỹ để can thiệp nhằm giữ giá xăng dầu không tăng sốc, giảm sâu...
Và thực tế, một số thương nhân phân phối xăng dầu cũng cho biết, theo quy định tại Nghị định 83/2014/NĐ-CP của Chính phủ về kinh doanh xăng dầu, mỗi lít xăng dầu trước khi bán ra thị trường được trích lập Quỹ bình ổn xăng dầu 300 đồng. Việc trích lập quỹ thế này đang khiến người tiêu dùng thiệt thòi, bởi bản chất của vấn đề là chính người dân đang phải ứng tiền túi trước cho quỹ.
Việc duy trì Quỹ bình ổn xăng dầu, cũng được cho sẽ triệt tiêu cơ hội kinh doanh của thương nhân phân phối. Bởi, những thương nhân phân phối xăng dầu không thể phán đoán được doanh nghiệp đầu mối sẽ sử dụng quỹ như thế nào, cho nên doanh nghiệp trung gian không dám mua. Ví dụ, ngày hôm nay, doanh nghiệp mua xăng dầu vào, nhưng ngày mai doanh nghiệp đầu mối lại sử dụng Quỹ bình ổn, điều này gây ra thiệt thòi cho các doanh nghiệp.
>> Dự thảo Luật Dầu khí (sửa đổi): "Đánh thức" đầu tư vào dầu khí phải có cách nhìn mới
Trước vấn đề đã nêu, thông tin với báo chí, PGS.TS Phạm Thế Anh - Kinh tế trưởng Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách (VEPR) cho rằng, về cơ bản, quỹ bình ổn xăng dầu không giúp người tiêu dùng giảm chi phí. Bởi, cách thức hoạt động của quỹ là “chỉ lấy tiền trước, rồi sau đó trả lại cho bà con vào một lúc nào đó”. Mục tiêu của quỹ, theo chuyên gia, như tên của chính nó, đó là “bình ổn” hay làm giảm sự truyền tải biến động (volatility) của giá thế giới vào giá trong nước. Các mục tiêu khác, nếu có, chỉ là phụ.
Theo ông PGS.TS Phạm Thế Anh, việc xả quỹ thường được thực hiện khi giá thế giới kỳ liền trước tăng, trích lập quỹ khi giá thế giới kỳ liền trước giảm.
“Tất nhiên, cách làm này không nhất thiết làm giảm được sự biến động (volatility) của giá trong nước. Ví dụ, nếu giá kỳ trước tăng, nhưng vẫn đang ở dưới mức giá trung bình trong dài hạn, thì việc xả quỹ lại càng làm giá trong nước chậm hội tụ về mức giá trung bình, do vậy làm tăng “volatility”.
Tương tự, nếu giá kỳ trước giảm, nhưng vẫn đang cao hơn mức giá trung bình trong dài hạn, thì việc trích lập quỹ càng làm cho nó chậm tiến về mức giá trung bình.
Nhìn chung, theo vị chuyên gia này, để làm giảm tính biến động của giá trong nước, quỹ phải được sử dụng sao cho giá trong nước xoay quanh càng gần mức giá trung bình. Kết quả tính toán hệ số biến thiên (coefficient of variation), một thước đo mức độ biến động giá của các loại xăng dầu cũng cho thấy rõ điều này”, PGS.TS Phạm Thế Anh chia sẻ.
Cũng theo PGS.TS Phạm Thế Anh, mặc dù giá các loại xăng dầu luôn có biến động cùng nhau (cùng tăng, cùng giảm) trong kỳ, nhưng không phải tất cả chúng đều phải trích nộp hay được xả quỹ cùng lúc. Trong cùng một kỳ, việc có loại xăng dầu phải trích nộp, có loại không, có loại được xả quỹ diễn ra thường xuyên, tương đối là tùy hứng.
“Tính toán cho thấy, trong giai đoạn 01/01/2020 đến 01/4/2022, có tất cả 56 lần điều chỉnh giá thì xăng E5 RON 92 có 43 lần được xả quỹ và chỉ có 13 lần phải trích nộp quỹ; xăng RON 95 có 33 lần được xả quỹ trong khi chỉ phải trích nộp 20 lần.
Ngược lại, các mặt hàng dầu diesel có 24 lần được xả, 32 lần phải trích nộp; dầu hỏa có 21 lần được xả, 29 lần phải trích nộp; dầu mazut có 20 lần được xả, 27 lần phải trích nộp, còn lại là những lần không có thay đổi.
Từ đó cho thấy, việc điều hành quỹ làm giảm biến động giá RON 95, dầu diesel và dầu hỏa nhưng lại làm tăng biến động giá E5 RON 92 và dầu mazut. Tuy nhiên, chênh lệch giữa biến động giá nếu sử dụng quỹ và không sử dụng quỹ là khá nhỏ”, PGS.TS Phạm Thế Anh dẫn chứng.
Được biết, liên quan đến vấn đề Quỹ bình ổn xăng dầu, Nghị quyết số 25/NQ-CP phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 2/2022, Chính phủ cũng đã yêu cầu Bộ Công Thương chủ trì, phối hợp với các bộ, cơ quan, địa phương rà soát, làm rõ vai trò, sự cần thiết của Quỹ Bình ổn giá xăng dầu;
Kịp thời báo cáo, đề xuất việc sửa đổi, bổ sung các cơ chế, chính sách nhằm nâng cao hiệu quả công tác quản lý, cấp phép, điều hành cung ứng xăng dầu theo cơ chế thị trường, bảo đảm sản lượng sản xuất trong nước và nhập khẩu đáp ứng nhu cầu thực tế tiêu thụ.
Có thể bạn quan tâm
Dự thảo Luật Kinh doanh bảo hiểm tạo ra gánh nặng quản lý
04:00, 23/05/2022
Dự thảo Luật Dầu khí (sửa đổi): Cần có đánh giá cụ thể về rủi ro môi trường
04:00, 20/05/2022
Một số quy định của Dự thảo Luật Kinh doanh bảo hiểm còn chưa phù hợp thực tế
03:30, 17/05/2022
Một số quy định trong dự thảo Luật Tần số vô tuyến điện (sửa đổi) còn bất cập
03:30, 16/05/2022
Dự thảo Luật Dầu khí (sửa đổi): "Đánh thức" đầu tư vào dầu khí phải có cách nhìn mới
04:00, 15/04/2022