Theo các chuyên gia, để loại bỏ các bất cập, vướng mắc, tạo hành lang pháp lý thuận lợi hơn cho nhà đầu tư trong lĩnh vực dầu khí, Dự thảo Luật Dầu khí (sửa đổi) phải có cách nhìn mới…
>> Dự thảo Luật Dầu khí (sửa đổi): Bổ sung quy định về đầu tư dự án dầu khí
Được Quốc hội thông qua ngày 6/7/1993, Luật Dầu khí là bước khởi đầu hình thành khung pháp lý cho hoạt động tìm kiếm, thăm dò và khai thác dầu khí trên phạm vi lãnh thổ, vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam. Dù đã qua 2 lần sửa đổi vào năm 2000 và 2008, tuy nhiên, tại thời điểm hiện nay, khi ngành công nghiệp dầu khí đã có sự thay đổi toàn diện, Luật Dầu khí được cho không còn phù hợp với tình hình mới và thông lệ công nghiệp dầu khí quốc tế, khiến việc kêu gọi đầu tư gặp nhiều khó khăn. Chưa kể, xung đột Nga - Ukraine khiến giá dầu hết sức phức tạp, tiềm ẩn khá nhiều rủi ro...
Vì thế, theo Chính phủ, việc sửa Luật Dầu khí hiện hành, không chỉ nhằm tăng cường hiệu quả, hiệu lực trong quản lý Nhà nước, mà còn loại bỏ rào cản, tạo hành lang pháp lý thuận lợi cho nhà đầu tư, góp phần cải thiện mức độ hấp dẫn của môi trường đầu tư trong lĩnh vực dầu khí.
Thông tin về Dự thảo luật, Bộ Công Thương cho biết, lần sửa đổi này đã bổ sung quy định về nguyên tắc xác định các lô dầu khí được hưởng các chính sách ưu đãi đầu tư và ưu đãi đầu tư đặc biệt (giao Chính phủ quy định chi tiết).
Đối với các lô dầu khí được hưởng chính sách ưu đãi đầu tư đặc biệt, dự thảo Luật quy định mức ưu đãi thấp hơn để thu hút đầu tư vào hoạt động dầu khí, cụ thể mức thuế suất thuế thu nhập doanh nghiệp là 25%, thuế suất thuế xuất khẩu dầu thô là 5% và mức thu hồi chi phí tối đa 80% sản lượng dầu khí khai thác được trong năm. Riêng đối với mức thuế suất ưu đãi thuế thu nhập doanh nghiệp (25%) áp dụng cho hợp đồng dầu khí của lô dầu khí được hưởng chính sách ưu đãi đầu tư đặc biệt, để có thể áp dụng được ngay sau khi Luật Dầu khí (sửa đổi) có hiệu lực.
>> Dự thảo Luật Dầu khí (sửa đổi): Thêm quy định điều tra cơ bản về dầu khí
Đáng chú ý, thuế suất thuế thu nhập doanh nghiệp đối với hoạt động tìm kiếm, thăm dò, khai thác dầu khí từ 25% đến 50% và tài nguyên quý hiếm khác từ 32% đến 50% phù hợp với từng dự án, từng cơ sở kinh doanh.
Bên cạnh đó, Dự thảo luật (sửa đổi) cũng quy định thời hạn hợp đồng theo hướng linh hoạt cho nhà thầu đang thực hiện hợp đồng, thống nhất thời hạn hợp đồng dầu khí đối với khai thác dầu và khai thác khí.
Cụ thể, quy định thời hạn hợp đồng dầu khí là 30 năm đối với cả dầu và khí, các lô dầu khí được hưởng chính sách ưu đãi đầu tư và ưu đãi đầu tư đặc biệt, thời hạn hợp đồng dầu khí không quá 35 năm (tăng thêm 5 năm so với Luật hiện hành). Thời hạn của giai đoạn tìm kiếm, thăm dò dầu khí có thể được gia hạn thêm, nhưng không quá 5 năm (tăng thêm 3 năm) để tương đồng với các nước trong khu vực, nhằm tăng tính thu hút đối với các nhà đầu tư.
Ngoài ra, chính sách mới cũng mở rộng diện tích, việc hoàn trả, giữ lại diện tích hợp đồng dầu khí theo hướng linh hoạt hơn, nghĩa vụ tài chính về chuyển nhượng quyền lợi tham gia (trực tiếp, gián tiếp) trong hợp đồng dầu khí theo hướng rõ ràng hơn...
Tuy nhiên, trước khi được Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến trong phiên họp thứ 10 (giữa tháng 4/2022), Dự thảo Luật Dầu khí (sửa đổi) đã được Ủy ban Kinh tế của Quốc hội chủ trì thẩm tra cuối tuần vừa qua.
Tại buổi thẩm tra, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội - Vũ Hồng Thanh và nhiều ý kiến tham gia thẩm tra cho rằng, trong bối cảnh mới đòi hỏi Dự thảo luật phải có cách nhìn mới. Mới không chỉ là đề xuất cơ chế ưu đãi đặc biệt để “đánh thức” đầu tư vào lĩnh vực kinh tế từng có năm đóng góp đến 25% GDP của cả nước, mà quan trọng hơn là vừa đảm bảo được tính đặc thù của ngành dầu khí, nhưng vẫn bảo đảm tính thống nhất của hệ thống pháp luật, hài hòa thông lệ quốc tế.
Vì thế, yêu cầu đặt ra là phải xác lập một quy trình thực hiện riêng biệt cho dầu khí và đó phải là một quy trình đủ rõ, đủ cụ thể để có thể thực hiện ngay, chứ không nhắc lại, hoặc viện dẫn quy định chung chung ở luật khác, hoặc thiết kế quá nhiều quy định có tính định tính như tại Dự thảo.
Cụ thể, theo ý kiến thẩm tra, cần xử lý thật tốt mối quan hệ giữa Luật Dầu khí với quy định của Luật Đầu tư, Luật Đấu thầu và nhiều luật khác có liên quan. Chẳng hạn, khoản 4 Điều 4 Luật Đầu tư - đạo luật gốc về hoạt động đầu tư, đã quy định về nguyên tắc, trường hợp luật khác ban hành sau ngày Luật Đầu tư có hiệu lực thi hành, thì các luật này sẽ phải xác định nội dung cụ thể thực hiện hoặc không thực hiện theo Luật Đầu tư.
Trong đó, bà Trần Hồng Nguyên - Phó chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội cho rằng, Dự thảo Luật Dầu khí (sửa đổi), phải xác định cụ thể thẩm quyền, trình tự, thủ tục điều kiện thực hiện điều tra cơ bản về dầu khí và hoạt động dầu khí nào thực hiện theo Luật Dầu khí, hoạt động nào vẫn thực hiện theo Luật Đầu tư.
Tổng hợp ý kiến của cộng đồng doanh nghiệp, Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cũng chỉ ra nhiều quy định mang tính định tính tại Dự thảo luật, như những cụm từ “không thuận lợi”, hiệu quả kinh tế “rất hạn chế”, các biện pháp kỹ thuật “thông thường”... Từ đó, VCCI đề nghị, cần có điều khoản riêng quy định về sự cố dầu khí, bởi đây là một chế định rất quan trọng.
Bên cạnh đó, các đại biểu của Ủy ban Tư pháp, Hội đồng Dân tộc, Ủy ban Kinh tế của Quốc hội cũng đồng tình rằng, cần bổ sung và hoàn thiện các quy định liên quan đến hợp đồng dầu khí, điều tra cơ bản về dầu khí, đặc biệt là địa vị pháp lý của Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam (PVN) bảo đảm nguyên tắc giao quyền, phân cấp, ủy quyền gắn với trách nhiệm khắc phục tiêu cực thời gian qua.
Có thể bạn quan tâm
PVN đề xuất sớm ban hành Luật Dầu khí sửa đổi
14:59, 24/03/2022
Dự thảo Luật Dầu khí (sửa đổi): Bổ sung quy định về đầu tư dự án dầu khí
03:50, 04/01/2022
Dự thảo Luật Dầu khí (sửa đổi): Thêm quy định điều tra cơ bản về dầu khí
04:00, 27/12/2021
Đã đến lúc phải sửa Luật Dầu khí
04:00, 25/12/2021
Petrovietnam tích cực đóng góp ý kiến vào Dự thảo Luật Dầu khí (sửa đổi)
18:21, 04/11/2021