Nghị định không thể “đè” luật
VCCI vừa có kiến nghị bãi bỏ “Danh mục hàng hóa, dịch vụ cấm kinh doanh, hạn chế kinh doanh và kinh doanh có điều kiện” được quy định tại Nghị định 59/2006.
>>Dự thảo Luật Đầu tư (sửa đổi): Còn nhiều điểm chồng chéo pháp luật
Chia sẻ với DĐDN, ông Đậu Anh Tuấn – Phó tổng Thư ký, Trưởng ban Pháp chế VCCI cho rằng, kiến nghị trên nhằm mục tiêu giảm rủi ro pháp lý cho doanh nghiệp.
- Ông có thể phân tích những cơ sở pháp lý kiến nghị trên của VCCI?
Xét về tính pháp lý, Nghị định 59/2006 ban hành Danh mục hàng hóa, dịch vụ cấm kinh doanh, hạn chế kinh doanh là chưa phù hợp về mặt thẩm quyền nếu chiểu theo quy định tại Hiến pháp 2013 và Bộ Luật dân sự 2015.
Nghị định 59/2006 hướng dẫn Luật Thương mại 2005 ban hành trước Hiến pháp 2013 và Bộ Luật dân sự 2015. Ngoài ra, Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật 2015 quy định thẩm quyền quy định về hạn chế quyền của công dân sẽ áp dụng theo quy định tại Hiến pháp 2013, Bộ Luật dân sự 2015.
Thêm nữa, Nghị định 59/2006 quy định Danh mục hàng hóa, dịch vụ cấm kinh doanh, hạn chế kinh doanh, kinh doanh có điều kiện thế nhưng điều kiện để được kinh doanh các loại “hàng hóa” trong danh mục này được áp dụng trên “chủ thể kinh doanh”.
Luật Đầu tư 2020 quy định Danh mục ngành nghề cấm đầu tư kinh doanh, kinh doanh có điều kiện. Trong đó, Luật xác định điều kiện để được kinh doanh các ngành nghề trong Danh mục được áp dụng trên “chủ thể kinh doanh”.
Như vậy, tính chất của hai loại Danh mục của Nghị định 59/2006 và Luật Đầu tư 2020 là giống nhau, đều ràng buộc điều kiện đối với chủ thể kinh doanh. Theo Luật Đầu tư 2020, trường hợp có quy định khác nhau giữa Luật Đầu tư và luật khác đã được ban hành trước ngày Luật Đầu tư có hiệu lực thi hành về ngành, nghề cấm đầu tư kinh doanh hoặc ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện thì sẽ thực hiện theo quy định của Luật Đầu tư. Như vậy, danh mục tại Nghị định 59/2006 là thừa và chồng lấn lên Luật Đầu tư 2020.
>>Có thể bãi bỏ thêm ngành nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện
- Những tồn tại trên sẽ khiến doanh nghiệp phải chịu rủi ro ra sao, thưa ông?
Thực tế, một số hàng hóa, dịch vụ quy định tại Nghị định 59/2006 không có hoặc đã được sửa đổi trong Luật Đầu tư. Vì vậy, việc tồn tại danh mục tại Nghị định này, có thể đưa đến những rủi ro pháp lý cho doanh nghiệp. Bởi, Nghị định vẫn đang có hiệu lực, nếu kinh doanh những loại hàng hóa, dịch vụ không có trong danh mục của Nghị định nhưng lại có trong danh mục của Luật Đầu tư thì doanh nghiệp sẽ phải đáp ứng điều kiện gì? Hay nếu theo quy định tại Nghị định, nhưng lại phải đáp ứng điều kiện kinh doanh theo quy định tại Luật Đầu tư và ngược lại.
Trong khi, các hàng hóa, dịch vụ được liệt kê trong danh mục tại Nghị định 59/2006 được dẫn chiếu tới các văn bản quy định chi tiết, rất nhiều văn bản này đã hết hiệu lực hoặc thay đổi cơ chế quản lý. Ví dụ như các dịch vụ liên quan đến hàng hải gồm: kiểm đếm hàng hóa; dịch vụ vệ sinh tàu biển; dịch vụ xếp dỡ hàng hóa tại cảng biển; hay như pháp luật về hàng hải không còn quy định chi tiết về các dịch vụ này nữa.
- Giảm thiểu rủi ro pháp lý cho doanh nghiệp cũng là một trong những mục tiêu được VCCI đặc biệt quan tâm trong việc bảo đảm quyền tự do kinh doanh, thưa ông?
Qua nghiên cứu, VCCI nhận thấy rằng, không rõ Nghị định 59/2006 có tập hợp tất cả các hàng hóa, dịch vụ cấm kinh doanh, hạn chế kinh doanh, kinh doanh có điều kiện không? Khi Luật Đầu tư 2020 đã có quy định danh mục trên thì không cần thiết phải có một văn bản dưới luật quy định danh mục này. Chưa kể, các hàng hóa, dịch vụ trong Danh mục quy định tại Nghị định 59/2006 chưa thể hiện rõ vai trò, ý nghĩa hay mục tiêu chính sách.
Đặc biệt, trong giai đoạn doanh nghiệp và nền kinh tế đang rất cần các động lực để phục hồi hiện nay, mọi rào cản, trở ngại dù nhỏ nhất nhưng bất hợp lý và không phù hợp với quy định pháp luật đều phải được kịp thời bãi bỏ.
- Xin cảm ơn ông!
Ông Nguyễn Văn Khôi - Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản Việt Nam: Thị trường bất động sản Việt Nam nói chung chưa thực sự phát huy hết tiềm năng, khai thác và đầu tư có hiệu quả. Một trong những nguyên nhân dẫn đến tình trạng này là do cơ chế và chính sách đối với thị trường bất động sản Việt Nam trong thời gian qua chưa thực sự rõ nét. Nhiều vấn đề pháp lý mới đặt ra cho các loại hình bất động sản du lịch, bất động sản văn phòng kết hợp nhà ở, trung tâm thương mại… chưa được kịp thời xử lí. Các quy trình, thủ tục pháp lý về cơ chế bảo đảm phòng ngừa rủi ro cho các chủ thể tham gia thị trường còn hạn chế nên tiềm ẩn nguy cơ của rủi ro, tranh chấp. LS Trương Thanh Đức - Giám đốc Công ty Luật ANVI, trọng tài viên VIAC: Việc bải bỏ ngay những quy định thừa, chồng lấn lên cả luật như Nghị định 59/2006 là rất cấp thiết. Luật pháp hiện nay quá phức tạp, nhiều chồng chéo, mâu thuẫn, bất hợp lý và không rõ ràng. Nếu vướng phải các rủi ro khác, doanh nghiệp vẫn có thể vượt qua và làm lại nhưng với một số rủi ro về mặt pháp lý, doanh nghiệp có thể mất trắng nếu liên quan đến luật hình sự. |
Có thể bạn quan tâm
Dự thảo Luật Đầu tư (sửa đổi): Còn nhiều điểm chồng chéo pháp luật
05:30, 17/06/2020
Nhiều ngành, nghề kinh doanh có điều kiện đang tạo gánh nặng cho doanh nghiệp
11:01, 15/02/2021
Có thể bãi bỏ thêm ngành nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện
04:30, 10/02/2021
Đề xuất cắt giảm 17 ngành nghề kinh doanh có điều kiện: Mơ hồ, chung chung
11:50, 07/06/2019
Một luật sửa nhiều luật – Phá bỏ "rào cản" về điều kiện kinh doanh
15:30, 03/12/2021
Cắt giảm điều kiện kinh doanh: Cần đột phá mới, hướng tới hậu kiểm
04:30, 12/03/2021