VCCI nhấn mạnh, Danh mục ngành nghề kinh doanh có điều kiện đang tồn tại sự không công bằng và tạo gánh nặng về thủ tục hành chính.
Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) vừa công bố Báo cáo Dòng chảy Pháp luật kinh doanh 2020.
Bình luận về những điểm nhấn đáng chú ý của Báo cáo này, ông Đậu Anh Tuấn, Trưởng ban Pháp chế VCCI cho biết, dù có cùng cơ chế quản lý nhưng lại có ngành nghề lại được bỏ ra khỏi Danh mục ngành nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện, có ngành nghề lại được giữ lại.
“Chẳng hạn: “kinh doanh thực phẩm thuộc quản lý chuyên ngành của Bộ Y tế” đã được đưa ra khỏi Danh mục, nhưng “kinh doanh thực phẩm thuộc quản lý chuyên ngành của Bộ Công Thương”, “kinh doanh thực phẩm thuộc quản lý chuyên ngành của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn”, ông Tuấn lấy ví dụ.
Ngoài ra, Trưởng ban Pháp chế, VCCI cho biết kinh doanh thực phẩm cùng cơ chế quản lý theo quy định tại Luật An toàn thực phẩm, vì vậy việc bỏ kinh doanh thực phẩm thuộc quản lý của ngành này nhưng giữ lại kinh doanh thực phẩm của ngành khác trong Danh mục đưa đến sự thiếu nhất quán trong chính sách quản lý đối với ngành nghề kinh doanh có điều kiện.
Cũng theo Trưởng ban Pháp chế VCCI, việc quản lý ở một số ngành, nghề kinh doanh có điều kiện – chồng lấn và tạo gánh nặng về thủ tục cho doanh nghiệp Ngành, nghề kinh doanh có điều kiện sẽ do cơ quan nhà nước tương ứng quản lý trên cơ sở chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn được giao, trong đó cơ quan này sẽ kiểm soát việc đáp ứng điều kiện kinh doanh của các chủ thể kinh doanh.
Ngoài ra, quá trình rà soát của VCCI còn cho thấy có sự chồng lấn về mặt quản lý giữa các cơ quan nhà nước khác nhau khi thực hiện vai trò quản lý đối với một số ngành, nghề kinh doanh có điều kiện.
Dẫn chứng cho quan điểm này của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, ông Tuấn lấy ví dụ, theo quy định tại Nghị định 96/2016/NĐ-CP quy định điều kiện về an ninh, trật tự đối với một số ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện và Nghị định 87/2018/NĐ-CP về kinh doanh khí thì “kinh doanh khí” là ngành nghề kinh doanh có điều kiện.
Để được kinh doanh ngành nghề này, thương nhân phải có hai loại giấy phép: Giấy chứng nhận đủ điều kiện về an ninh trật tự và Giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh khí.
Trong hồ sơ để được cấp hai loại giấy phép này, thương nhân đều phải có “tài liệu chứng minh đáp ứng điều kiện về phòng cháy và chữa cháy”.
“Như vậy, đối với hoạt động “kinh doanh khí”, có hai cơ quan quản lý khác nhau sẽ cùng đánh giá về điều kiện phòng cháy và chữa cháy. Điều này tạo gánh nặng về thủ tục hành chính cho các chủ thể kinh doanh”, ông Tuấn nhấn mạnh.
Tương tự như vậy, trong hoạt động “du lịch mạo hiểm” và “hoạt động thể thao mạo hiểm” VCCI cũng nhận thấy sự chồng lấn về mặt quản lý.
Theo quy định tại Thông tư 04/2019/TT-BVHTTDL về danh mục hoạt động thể thao bắt buộc có người hướng dẫn tập luyện, danh mục hoạt động thể thao mạo hiểm và Nghị định 168/2019/NĐ-CP về công tác quốc phòng ở Bộ, ngành trung ương, địa phương thì có một số môn thể thao trùng lặp với các sản phẩm du lịch có nguy cơ ảnh hưởng đến sức khỏe, tính mạng (xe đạp địa hình, ô tô thể thao địa hình, dù lượn, leo núi, lặn biển).
Theo quan điểm của ông Tuấn, cơ chế quản lý đối với sản phẩm du lịch có nguy cơ ảnh hưởng đến tính mạng, sức khỏe của khách du lịch sẽ là, các tổ chức, cá nhân trực tiếp kinh doanh các sản phẩm này sẽ phải thông báo cho Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch và các cơ quan có thẩm quyền này sẽ “tổ chức kiểm tra và công bố trên Cổng thông tin điện tử Danh mục tổ chức, cá nhân đáp ứng đầy đủ các biện pháp bảo đảm an toàn”.
Còn đối với kinh doanh hoạt động thể thao mạo hiểm, doanh nghiệp sẽ phải thực hiện thủ tục để được cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh hoạt động thể thao, trong đó cơ quan chuyên môn về thể dục, thể thao thuộc UBND cấp tỉnh sẽ thẩm định và cấp Giấy chứng nhận này.
Từ các lập luận trên, ông Tuấn nhấn mạnh quan điểm doanh nghiệp kinh doanh hoạt động thể thao mạo hiểm trùng lặp với các sản phẩm du lịch có nguy cơ ảnh hưởng đến sức khỏe, tính mạng sẽ phải thực hiện hai thủ tục để được phép hoạt động (cấp giấy phép ở phía bên cơ quan quản lý về thể thao; thông báo và chịu sự kiểm tra đáp ứng các điều kiện của cơ quan quản lý về du lịch).
“Điều này sẽ tạo ra gánh nặng về thủ tục và chi phí cho doanh nghiệp khi khởi sự và trong quá trình hoạt động kinh doanh”, ông Tuấn nhận định.
Có thể bạn quan tâm
04:43, 12/01/2021
14:20, 26/12/2019
05:20, 26/12/2019