Không chỉ “gỡ” khó cho môi trường kinh doanh, tạo động lực mới cho phát triển, Dự án một luật sửa 10 luật còn được cho là giải pháp khơi thông “điểm nghẽn” về mâu thuẫn, chồng chéo pháp luật…
>> Một luật sửa 10 luật: Tháo gỡ ách tắc, tạo động lực mới cho phát triển
Theo các chuyên gia, thời gian qua, dù đã có những thay đổi rất tích cực nhưng chất lượng văn bản quy phạm pháp luật vẫn chưa thực sự đáp ứng được nhu cầu từ thực tiễn, đặc biệt, không ít văn bản dù chỉ mới ban hành đã cho thấy sự mâu thuẫn, chồng chéo. Điều này không chỉ làm mất thời gian, lỡ cơ hội đầu tư của doanh nghiệp mà còn làm tăng chi phí và rủi ro đối với hoạt động kinh doanh.
Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của 10 luật liên quan đến sản xuất, kinh doanh (Dự án một luật sửa 10 luật) ra đời được cho là giải pháp phù hợp khơi thông “điểm nghẽn” về mâu thuẫn, chồng chéo pháp luật hiện nay.
Thực tế, Báo cáo số 411/BC-CP ngày 07/9/2020 của Chính phủ về kết quả rà soát văn bản quy phạm pháp luật thuộc các lĩnh vực quản lý Nhà nước cho thấy, hệ thống pháp luật vẫn còn cồng kềnh, phức tạp với số lượng lớn văn bản dưới luật, nhất là văn bản của các bộ, cơ quan ngang bộ. Một số quy định còn chồng chéo, mâu thuẫn; tính khả thi, tính dự báo chưa cao, ảnh hưởng đến tính ổn định của hệ thống pháp luật.
Một số quy định chưa đáp ứng yêu cầu “chính xác, phổ thông, rõ ràng, dễ hiểu” theo quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật, dẫn đến việc hiểu, áp dụng không thống nhất. Một số cơ quan soạn thảo văn bản chưa quan tâm đúng mức đến việc rà soát đầy đủ, kỹ lưỡng quy định trong các văn bản quy phạm pháp luật liên quan khi sửa đổi, bổ sung, ban hành quy định mới, dẫn đến mâu thuẫn, chồng chéo giữa các quy định.
Như Luật Đầu tư công 2019, dù được kỳ vọng sẽ tháo được nút thắt trong việc giải ngân đầu tư công, tuy nhiên, dù vừa mới ban hành Luật này đã bộc lộ sự bất cập, dẫn đến giải ngân vốn đầu tư công mới đạt 36,71% (tính đến tháng 7/2021) so với kế hoạch năm 2021, thấp hơn so với cùng kỳ năm 2020 (40,67%); đặc biệt tỷ lệ giải ngân vốn ODA và vay ưu đãi của các nhà tài trợ nước ngoài rất thấp (7,52%); thậm chí còn nhiều cơ quan chưa giải ngân (0%)…
Một số ý kiến cho rằng, nguyên nhân dẫn đến những tồn tại hiện nay trong đầu tư công (như giải ngân chậm, hiệu quả thấp) xuất phát từ việc luật đang đưa ra một quy trình ngược: chia vốn trước, chọn dự án sau, trong khi lẽ ra nên làm ngược lại.
Hay như Luật Đầu tư 2020, dù mới có hiệu lực thi hành từ đầu năm, với kỳ vọng khơi thông hết “điểm nghẽn” về điều kiện kinh doanh.
Tuy nhiên, theo Báo cáo về cải cách môi trường kinh doanh của VCCI cho thấy, dù đã đạt được kết quả đáng kể về tỷ lệ doanh nghiệp gặp khó khăn khi xin giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh (giảm xuống chỉ còn 32% trong năm 2020). Tuy nhiên, dư địa cải cách trong lĩnh vực này vẫn còn rất lớn, các điều kiện đầu tư kinh doanh không minh bạch, định tính, có thể hiểu theo nhiều cách khác nhau vẫn còn tồn tại trong nhiều văn bản pháp luật.
Các chuyên gia cho rằng, một trong những nguyên nhân dẫn đến hiện trạng đã nêu xuất phát từ hoạt động cắt giảm điều kiện kinh doanh mới chỉ được tiến hành ở các văn bản cấp Nghị định. Trong khi đó, rất nhiều điều kiện kinh doanh chưa phù hợp khác đang nằm tại Luật Đầu tư sửa đổi 2020 vẫn chưa được “đụng tới” (khoản 2 Điều 7) khiến việc rà soát, cắt bỏ điều kiện kinh doanh chưa được triệt để.
>> Dự án một luật sửa 10 luật "gỡ" khó cho môi trường kinh doanh
Trong đó, nhiều ngành nghề đã được các Bộ có chức năng cắt giảm, không cần “áp” điều kiện kinh doanh nhưng trong Luật này vẫn còn xác định đây là các ngành, nghề kinh doanh có điều kiện. Cụ thể, như: Ngành “kinh doanh dịch vụ làm thủ tục hải quan” (số thứ tự 21 Phục lục IV Danh mục ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện kèm theo); ngành “kinh doanh dịch vụ kế toán” (số 18 Phụ lục IV); ngành “kinh doanh dịch vụ làm thủ tục về thuế” (số 20 Phụ lục IV)…. Do đó, dù đã chỉ ra những điểm vướng, bất cập trong việc kiểm soát các ngành nghề này bằng điều kiện kinh doanh nhưng các Nghị định cũng không thể giải quyết được vấn đề.
Chưa kể Luật Đầu tư 2020 còn đã và đang cho thấy sự chồng chéo, mâu thuẫn với Luật Đất đai, Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh Bất động sản, Luật Lâm nghiệp,…
Ngoài những tồn tại đã nêu, thì thực trạng mâu thuẫn, chồng chéo cũng được cho đã và đang tồn tại ở các luật còn lại trong số 10 luật liên quan đến sản xuất, kinh doanh của Dự án Luật sửa đổi, bổ sung.
Từ đó, các chuyên gia cho rằng, Dự án một luật sửa 10 luật lần này không chỉ cắt bỏ những thủ tục hành chính không cần thiết nhằm giảm chi phí, thủ tục cho doanh nghiệp; khơi thông mọi nguồn lực cho đầu tư, kinh doanh; hỗ trợ phòng chống COVID-19, thực hiện thắng lợi mục tiêu kép;… mà còn giải quyết dứt điểm những mâu thuẫn còn tồn tại giữa các luật, bảo đảm sự thống nhất, khắc phục những vướng mắc trong thực hiện; tăng cường phân cấp, phân quyền đi liền với công tác kiểm tra, giám sát, quản lý Nhà nước.
Có thể bạn quan tâm
Một luật sửa 10 luật: Tháo gỡ ách tắc, tạo động lực mới cho phát triển
06:34, 02/12/2021
Dự án một luật sửa 10 luật "gỡ" khó cho môi trường kinh doanh
04:10, 30/11/2021
Sửa đổi Luật Giao dịch điện tử để xây dựng nền kinh tế số
04:10, 28/11/2021
Sửa đổi Luật Giá, tháo gỡ những “điểm nghẽn” của thị trường
04:10, 27/11/2021
Sửa đổi Luật Bảo hiểm xã hội để bảo đảm an sinh xã hội bền vững
04:10, 26/11/2021
Sửa đổi Luật Bảo hiểm y tế đáp ứng yêu cầu từ thực tiễn
04:20, 25/11/2021