Sửa đổi Luật Giao dịch điện tử để xây dựng nền kinh tế số

GIA NGUYỄN 28/11/2021 04:10

Trước đòi hỏi của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4, Luật Giao dịch điện tử hiện hành đã cho thấy những tồn tại, bất cập, việc sửa đổi Luật được cho là cần thiết để xây dựng nền kinh tế số…

>> Sửa đổi Luật Giá, tháo gỡ những “điểm nghẽn” của thị trường

Tại phiên họp Chính phủ chuyên đề xây dựng pháp luật vừa qua, Luật Giao dịch điện tử là một trong những Luật được đề nghị xây dựng Luật (sửa đổi) được đưa ra thảo luận, lấy ý kiến.

Luật Giao dịch điện tử hiện hành được cho đã bộc lộ nhiều hạn chế, bất cập trong áp dụng vào thực tiễn hiện nay - Ảnh minh họa

Luật Giao dịch điện tử hiện hành được cho đã bộc lộ nhiều hạn chế, bất cập trong áp dụng vào thực tiễn hiện nay - Ảnh minh họa

Trong đó, chỉ đạo về đề nghị xây dựng Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giao dịch điện tử, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính nêu rõ, đây là lĩnh vực có những thay đổi rất nhanh trong thời gian qua nên việc sửa đổi, bổ sung Luật là hết sức cần thiết. Tuy nhiên, phạm vi giao dịch điện tử rất rộng, do đó, phạm vi điều chỉnh của luật cần cân nhắc phù hợp, hiệu quả trên cơ sở rà soát các luật khác có liên quan.

Thủ tướng cũng lưu ý với cơ quan soạn thảo một số vấn đề như tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc trong quy định hiện hành, xử lý các khoảng trống pháp lý; các vấn đề liên quan an ninh mạng, hoàn chỉnh và chia sẻ cơ sở dữ liệu, quản lý các nền tảng số, trong đó có các nền tảng số của nước ngoài đang hoạt động tại Việt Nam…

>>> Sửa đổi Luật Giá, tháo gỡ những “điểm nghẽn” của thị trường

Thực tế, Luật Giao dịch điện tử được Quốc hội thông qua ngày 29/11/2005 với 8 chương, 54 điều và có hiệu lực thi hành từ ngày 01/3/2006, Luật ra đời đã tạo cơ sở pháp lý, tác động tích cực đến phát triển kinh tế, xã hội, tuy nhiên, sau hơn 16 năm ban hành, thực thi, Luật đã bộc lộ nhiều hạn chế, bất cập, chưa đáp ứng được thực tiễn và xu hướng phát triển mới.

Những hạn chế, tồn tại của Luật Giao dịch điện tử hiện hành trong quá trình áp dụng thực tiễn cụ thể như: Quy định đảm bảo giá trị pháp lý của giao dịch điện tử (chữ ký điện tử và chứng thực chữ ký điện tử, định danh và xác thực điện tử); Quy định về giao dịch điện tử của cơ quan Nhà nước; Quy định về an ninh, an toàn, bảo vệ, bảo mật trong giao dịch điện tử; Quy định về tranh chấp và xử lý vi phạm…

Từ đó cho thấy, việc xây dựng Luật (sửa đổi) Luật Giao dịch điện tử là hết sức cần thiết, đặc biệt trong bối cảnh của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 như hiện nay.

Nội dung xây dựng Luật Giao dịch điện tử (sửa đổi) được cho đáp ứng tốt những đòi hỏi từ thực tế hiện nay - Ảnh minh họa

Nội dung xây dựng Luật Giao dịch điện tử (sửa đổi) để đáp ứng những đòi hỏi phát triển nền kinh tế số hiện nay - Ảnh minh họa

Theo Bộ Thông tin và Truyền thông, mục tiêu đặt ra trong xây dựng Luật Giao dịch điện tử (sửa đổi) là xây dựng Luật theo hướng mở rộng phạm vi và đối tượng điều chỉnh để phù hợp với sự phát triển của nền công nghiệp 4.0, kinh tế số. Đồng thời quy định cụ thể các cơ chế pháp lý phù hợp với điều ước quốc tế liên quan đến thương mại tự do mà Việt Nam là thành viên để tạo thuận lợi thúc đẩy sự phát triển cũng như bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho các đối tượng tham gia vào hoạt động giao dịch điện tử.

Cụ thể, nội dung xây dựng Luật (sửa đổi), bổ sung quy định về hành vi bị cấm liên quan tới: định danh điện tử và xác thực điện tử, dịch vụ tin cậy, giao dịch điện tử giữa cơ quan Nhà nước với nhau, giao dịch điện tử giữa cơ quan Nhà nước với cơ quan, tổ chức, cá nhân.

Sửa đổi Bộ Thông tin và Truyền thông là cơ quan chịu trách nhiệm trước Chính phủ trong việc chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành có liên quan thực hiện quản lý nhà nước về hoạt động giao dịch điện tử.

Bổ sung hình thức mới của thông điệp dữ liệu: văn bản điện tử,... quy định về thông điệp dữ liệu an toàn; Sửa đổi quy định về địa điểm gửi, địa điểm nhận thông điệp dữ liệu để tránh hiểu sai gửi, nhận thông điệp dữ liệu phải ở nơi cư trú hoặc trụ sở; Bổ sung quy định về chuyển đổi tài liệu giấy sang tài liệu điện tử: phương thức chuyển đổi, điều kiện đáp ứng của tài liệu điện tử sau khi chuyển đổi, giá trị của tài liệu điện tử sau khi chuyển đổi từ tài liệu giấy; Bổ sung quy định về chữ ký điện tử an toàn; Bổ sung quy định về định danh điện tử, xác thực điện tử, dịch vụ tin cậy và nhà cung cấp dịch vụ tin cậy.

Nội dung đề nghị xây dựng Luật (sửa đổi), được cho đã tập trung giải quyết được một số vướng mắc, bất cập và phù hợp với thực tế hiện nay.

Theo các chuyên gia, trong bối cảnh cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 và phát triển kinh tế số tại Việt Nam, việc hướng đến các tiêu chí là bối cảnh xung quanh công đoạn ký, làm rõ danh tính, ý định ký và thao tác thêm chữ ký vào thông điệp dữ liệu của chủ thể, cùng với đó là việc cân đối giữa rủi ro của giao dịch điện tử và tiện ích, chi phí đối với các chủ thể tham gia giao dịch là hoàn toàn phù hợp và đáp ứng được yêu cầu trong việc xây dựng nền kinh tế số.

Có thể bạn quan tâm

  • Sửa đổi Luật Giá, tháo gỡ những “điểm nghẽn” của thị trường

    Sửa đổi Luật Giá, tháo gỡ những “điểm nghẽn” của thị trường

    04:10, 27/11/2021

  • Sửa đổi Luật Bảo hiểm xã hội để bảo đảm an sinh xã hội bền vững

    Sửa đổi Luật Bảo hiểm xã hội để bảo đảm an sinh xã hội bền vững

    04:10, 26/11/2021

  • Sửa đổi Luật Bảo hiểm y tế đáp ứng yêu cầu từ thực tiễn

    Sửa đổi Luật Bảo hiểm y tế đáp ứng yêu cầu từ thực tiễn

    04:20, 25/11/2021

  • Sửa đổi Luật Phòng, chống rửa tiền “lấp” khoảng trống quản lý tiền ảo

    Sửa đổi Luật Phòng, chống rửa tiền “lấp” khoảng trống quản lý tiền ảo

    04:10, 24/11/2021

  • Sửa đổi Luật Phòng, chống rửa tiền khắc phục những bất cập, hạn chế

    Sửa đổi Luật Phòng, chống rửa tiền khắc phục những bất cập, hạn chế

    04:30, 22/11/2021

(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
Sửa đổi Luật Giao dịch điện tử để xây dựng nền kinh tế số
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO