Bên cạnh những kết quả đã đạt được, Luật Bảo hiểm y tế hiện hành cũng cho thấy những bất cập, vướng mắc, đòi hỏi phải tiếp tục sửa đổi để đáp ứng yêu cầu từ thực tiễn...
>> Bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế là những trụ cột an sinh
Được ban hành năm 2008, sửa đổi, bổ sung năm 2014, Luật Bảo hiểm y tế (BHYT) về cơ bản đã đáp ứng được việc thực hiện chính sách an sinh xã hội của Đảng và Nhà nước, nguyện vọng của bệnh nhân. Thế nhưng, sau 6 năm thi hành, một số nội dung trong Luật BHYT hiện hành đã bắt đầu bộc lộ những hạn chế, bất cập cần phải sửa đổi cho phù hợp với xu thế hiện nay.
Tại phiên họp Chính phủ chuyên đề xây dựng pháp luật vừa qua, đề nghị xây dựng Luật BHYT (sửa đổi) cũng được đưa ra thảo luận, và nhận được nhiều ý kiến đóng góp tích cực từ các đại biểu tham dự.
Trong đó, để đảm bảo mục tiêu vừa thuận tiện trong quá trình triển khai, vừa nâng cao trách nhiệm và quyền lợi của người tham gia… Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính yêu cầu, quá trình xây dựng Luật cần phân tích kỹ thêm tác động của các chính sách trên cơ sở bảo đảm tiến bộ, công bằng xã hội, thực hiện mục tiêu BHYT toàn dân gắn với bảo đảm an sinh xã hội. Cùng với đó, cần đẩy mạnh hiện đại hóa công tác quản lý, chuyển đổi số, tăng cường kiểm tra, giám sát, phân cấp, phân quyền, bảo đảm công khai, minh bạch.
Đồng thời, theo Thủ tướng, cần quán triệt, bám sát các quan điểm mới về an sinh xã hội trong Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng và Nghị quyết 20 của Trung ương khóa XII về tăng cường công tác bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khoẻ nhân dân trong tình hình mới, nhất là bảo đảm nguyên tắc đóng - hưởng, nguyên tắc chia sẻ rủi ro, tính đúng, tính đủ giá dịch vụ y tế; huy động hệ thống y tế tư nhân tham gia khám chữa bệnh cho người dân…
Thực tế, tính đến 31/12/2020, kết quả thực hiện các chính sách, pháp luật về BHYT rất khả quan khi số người tham gia BHYT là 87,96 triệu người (đạt tỷ lệ bao phủ 90,85% dân số), trong đó, ngân sách Nhà nước đóng và hỗ trợ mức đóng cho trên 51 triệu người, chiếm 58%. Tổng số chi do ngân sách Nhà nước đóng, hỗ trợ mức đóng năm 2020 là 39.953 tỷ đồng (bằng 37% tổng số thu tiền đóng BHYT).
Thế nhưng, trong quá trình áp dụng vào thực tiễn, Luật BHYT hiện hành cũng đã bộc lộ một số tồn tại, hạn chế như: Một số quy định về thanh toán, quyết toán chi phí khám chữa bệnh còn chưa thực sự rõ ràng, đầy đủ, dẫn đến việc chưa thống nhất trong quá trình giám định, thanh toán chi phí khám chữa bệnh bảo hiểm y tế; vẫn còn chênh lệch về chất lượng giữa các tuyến, các vùng, đặc biệt là giữa tuyến y tế cơ sở với tuyến trên nên chưa đáp ứng nhu cầu ngày càng cao và đa dạng của người dân; việc xây dựng, cập nhật, điều chỉnh định mức, giá dịch vụ y tế khó khăn, mất nhiều thời gian trong điều kiện thay đổi liên tục về khoa học, kỹ thuật, công nghệ trong chuẩn đoán, điều trị, thuốc, trang thiết bị;...
Chưa kể, theo một số chuyên gia, chính sách BHYT bắt buộc; chính sách cùng chi trả; cân đối mức đóng và mức hưởng… có nên có mô hình BHYT thương mại hay không? Có kích thích, khuyến khích người đóng mức cao hơn để hưởng lợi cao hơn không? Mô hình về tham gia BHYT theo hộ gia đình hay cá nhân sẽ như thế nào? Là những vấn đề hết sức quan trọng cần phải nghiên cứu, xem xét và tính toán lại, đây cũng là những yêu cầu bắt buộc đòi hỏi Luật BHXH tiếp tục phải sửa đổi mới có thể đáp ứng được.
>> Chính phủ ưu tiên cao nhất cho xây dựng và hoàn thiện thể chế
Được biết, dự thảo Luật BHYT (sửa đổi) đang được Bộ Y tế xây dựng sẽ tập trung vào các điểm chính như: Điều chỉnh quyền lợi BHYT theo hướng công bằng, hiệu quả; đồng thời giảm chi phí điều trị, chi phí nằm viện, giảm tải bệnh viện; Kiểm soát chi phí theo hướng đảm bảo sử dụng dịch vụ y tế hợp lý, nâng cao trách nhiệm của cơ sở y tế và người sử dụng dịch vụ, tránh lãng phí, cân đối quỹ BHYT; Điều chỉnh đảm bảo sự công bằng trong mối quan hệ giữa cơ sở cung ứng dịch vụ và cơ quan bảo hiểm xã hội (BHXH)...
Thông tin với báo chí, TS Nguyễn Văn Tiên - nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội, chuyên gia tổ biên tập dự thảo Luật BHYT (sửa đổi) cho biết, nội dung Luật BHYT (sửa đổi) sắp tới dự kiến sẽ đưa ra nhiều quy định mới để bảo đảm cân đối quỹ BHYT cũng như quyền lợi của bệnh nhân.
Theo ông Tiên, điểm mới đáng chú ý trong nội dung xây dựng Luật BHYT (sửa đổi) lần này là quy định tổ chức BHYT được quyền kiểm tra các cơ sở khám chữa bệnh BHYT về việc bảo đảm quyền lợi của người có thẻ BHYT, nhằm tránh tình trạng bớt xén quyền lợi của người có thẻ BHYT, cũng như khuyến khích bệnh nhân sử dụng và tự chi trả các thuốc/dịch vụ y tế khác, dù các dịch vụ này đã được quỹ BHYT chi trả. Cùng với đó, về chống lạm dụng quỹ BHYT, cũng có nhiều biện pháp phù hợp cho các đối tượng khác nhau.
Cũng theo ông Tiên, những lỗ hổng và quy định chưa hợp lý trong chính sách quản lý, sử dụng quỹ BHYT từ các vụ vi phạm về mua sắm thuốc, thiết bị, vật tư y tế ở một số cơ sở khám chữa bệnh trong thời gian vừa qua, cũng sẽ được khắc phục và đưa vào nội dung xây dựng Luật BHYT (sửa đổi).
Cụ thể, quá trình sửa đổi Luật BHYT sẽ bổ sung nguyên tắc, những thuốc, vật tư, hóa chất sử dụng số lượng lớn, chi phí cao trong khám chữa bệnh BHYT sẽ do Chính phủ quyết định giá và áp dụng trên toàn quốc.
“Việc quy định như vậy sẽ tạo hành lang pháp lý cho việc mua sắm thuốc, vật tư, hóa chất phục vụ khám chữa bệnh BHYT thuận lợi, hiệu quả và tiết kiệm chi phí nguồn lực cho công tác đấu thầu của hàng nghìn cơ sở khám chữa bệnh...”, ông Tiên nêu quan điểm.
Có thể bạn quan tâm
Sửa đổi Luật Phòng, chống rửa tiền “lấp” khoảng trống quản lý tiền ảo
04:10, 24/11/2021
Sửa đổi Luật Phòng, chống rửa tiền khắc phục những bất cập, hạn chế
04:30, 22/11/2021
Sửa đổi Luật Đấu thầu: Tiếp sức cho hàng Việt
04:20, 09/11/2021
Đề xuất sửa đổi Luật Thủ đô: Tháo gỡ điểm nghẽn về thể chế
04:30, 07/11/2021
Luật Điện ảnh sửa đổi cần “cởi trói” cho doanh nghiệp
03:50, 06/11/2021