Đề xuất sửa đổi Luật Thủ đô: Tháo gỡ điểm nghẽn về thể chế

GIA NGUYỄN 07/11/2021 04:30

Việc sửa Luật Thủ đô được cho là vô cùng bức thiết để có thể tháo gỡ những vướng mắc, điểm nghẽn về thể chế, tạo khuôn khổ pháp lý phù hợp với vị trí, vai trò của Thủ đô.

Theo đó, Tham luận tại Hội nghị triển khai thực hiện Kết luận số 19-KL/TW của Bộ Chính trị về định hướng Chương trình xây dựng pháp luật nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV mới đây, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch HĐND TP. Hà Nội - Nguyễn Ngọc Tuấn cho biết, Thành ủy Hà Nội đang chỉ đạo các cơ quan của Thành phố thực hiện tổng kết thi hành Luật Thủ đô, xây dựng hồ sơ đề nghị xây dựng Luật Thủ đô (sửa đổi). Đây là 1 trọng 3 nhiệm vụ đặc biệt quan trọng nhằm kịp thời triển khai thực hiện chủ trương, định hướng của Trung ương Đảng về xây dựng, phát triển Thủ đô trong giai đoạn mới.

Luật Thủ đô sau nhiều năm thi hành đã bộc lộ nhiều bất cập, hạn chế - Ảnh minh họa

Luật Thủ đô sau nhiều năm thi hành đã bộc lộ nhiều bất cập, hạn chế - Ảnh minh họa

Theo ông Tuấn, Luật Thủ đô năm 2012 được Quốc hội khóa XIII thông qua tại kỳ họp thứ 4, với kỳ vọng là một đạo luật quan trọng có tính chất đột phá, mở đường về mặt thể chế cho sự phát triển của Thủ đô. Tuy nhiên, qua 8 năm thi hành, Luật Thủ đô đã bộc lộ nhiều bất cập, hạn chế; hiệu lực, hiệu quả trong tổ chức thi hành Luật không cao, dẫn đến chưa thực sự phát huy giá trị để đi vào cuộc sống.

“Cụ thể, Luật Thủ đô còn mang tính nguyên tắc, mục tiêu, định hướng giao cơ quan chức năng ở Trung ương hoặc HĐND Thành phố mà chưa quy định cụ thể nội dung chính sách để áp dụng trực tiếp xử lý các vấn đề phát sinh trong từng lĩnh vực quản lý, phát triển Thủ đô dẫn đến việc triển khai thực hiện Luật còn gặp nhiều khó khăn, vướng mắc.

Bên cạnh đó, Luật Thủ đô cũng chưa có những quy định mang tính đột phá nhằm tạo thể chế thuận lợi để xây dựng, phát triển Thủ đô nhanh và bền vững. Tác động của việc thực hiện cơ chế, chính sách của Luật đến sự phát triển, đời sống kinh tế - xã hội của Thủ đô còn rất khiêm tốn. Nhiều vấn đề trong phát triển Thủ đô chưa được Luật dự liệu để giải quyết bằng các quy định phù hợp, không ít trường hợp, phải “chờ” các quy định pháp luật chuyên ngành mới được cụ thể hóa và thực thi trên thực tế….”, ông Tuấn chia sẻ.

Về lộ trình, Thành ủy Hà Nội dự kiến sẽ chỉ đạo các cơ quan của thành phố khẩn trương chuẩn bị hồ sơ và đề nghị xây dựng dự án Luật Thủ đô (sửa đổi) để ngay sau khi Bộ Chính trị cho ý kiến chỉ đạo về kết quả thực hiện Nghị quyết số 11-NQ/TW, sẽ khẩn trương báo cáo Chính phủ xem xét kiến nghị Quốc hội đưa vào Chương trình xây dựng Luật, pháp lệnh năm 2023 (dự kiến thông qua dự án Luật vào kỳ họp cuối năm 2023).

Thực tế hiện nay, nhiều văn bản là căn cứ pháp lý ban hành Luật Thủ đô như Hiến pháp, Luật Đất đai, Luật Xây dựng, Luật Nhà ở, Luật Chính quyền địa phương, Luật Ngân sách, Luật Đầu tư công và các văn bản quy định chi tiết đã sửa đổi, bổ sung, thay thế nên việc thực hiện một số quy định của Luật Thủ đô bị hạn chế bởi các quy định của văn bản quy phạm pháp luật ban hành sau.

Đáng nói, theo quy hoạch chung xây dựng Thủ đô, khu vực nội đô lịch sử được xác định là hạn chế phát triển nhà ở, công trình cao tầng, giảm mật độ xây dựng và mật độ cư trú. Tuy nhiên, trong thời gian qua ở những khu vực này, nhiều dự án chung cư cao tầng vẫn tiếp tục được xây dựng, tạo thêm áp lực về gia tăng dân số, quá tải về hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội trong khu vực nội thành Hà Nội.

Cùng với đó, công tác di dời và quản lý quỹ đất sau di dời đối với một số cơ quan, tổ chức, các cơ sở y tế, giáo dục,… chưa thực hiện nghiêm theo Quyết định của Thủ tướng, tiến độ di dời rất chậm, quỹ đất sau di dời chưa được bàn giao lại cho Thành phố để ưu tiên xây dựng, phát triển công trình công cộng…

Sửa đổi Luật Thủ đô được cho là nhiệm vụ cấp thiết để tháo gỡ những bất cập, hạn chế đang tồn tại - Ảnh minh họa

Sửa đổi Luật Thủ đô được cho là nhiệm vụ cấp thiết để tháo gỡ những bất cập, hạn chế đang tồn tại - Ảnh minh họa

Nhằm giải quyết những hạn chế, bất cập đã nêu, việc sửa Luật Thủ đô được cho là vô cùng bức thiết để có thể tháo gỡ những vướng mắc, điểm nghẽn về thể chế, tạo khuôn khổ pháp lý phù hợp với vị trí, vai trò của Thủ đô.

Trên tinh thần này, vừa qua, Thành ủy Hà Nội cũng đề nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội quan tâm xem xét, nhất trí đưa dự án Luật Thủ đô (sửa đổi) vào chương trình xây dựng luật, pháp lệnh của Quốc hội với những định hướng lớn như: Tạo cơ chế để hoàn thiện tổ chức, bộ máy chính quyền thành phố theo hướng tinh gọn, hiện đại; tăng cường phân quyền, phân cấp cho Thủ đô trên các lĩnh vực như tài chính – ngân sách, văn hóa, giáo dục và nhiều lĩnh vực khác cũng như xây dựng những cơ chế chính sách mới có tính chất đặc thù, vượt trội về mặt thể chế để Thủ đô phát triển nhanh và bền vững…

Phát biểu tại Hội nghị lấy ý kiến của các Ủy viên Thường vụ Quốc hội vào nội dung dự án Luật Thủ đô (sửa đổi), Chủ tịch Quốc hội – Vương Đình Huệ lưu ý việc xây dựng dự án Luật Thủ đô (sửa đổi) cần xác định được vị trí của Thủ đô Hà Nội là trung tâm chính trị - hành chính quốc gia, sau đó là trung tâm giáo dục, văn hóa, khoa học công nghệ, kinh tế, trung tâm giao dịch quốc tế của cả nước. Hà Nội vừa là Thủ đô, vừa là kinh đô ngàn năm văn hiến với những yếu tố văn hóa đậm nét, tỷ lệ đô thị hóa của Hà Nội còn thấp, Hà Nội còn dư địa, lợi thế của địa phương đi sau trong lĩnh vực này; 80% các trường đại học trên cả nước đóng trên địa bàn, cùng 65% đội ngũ giáo sư, tiến sĩ, nhà khoa học của cả nước tại Hà Nội. Thủ đô có nhiều làng nghề với xấp xỉ 1.000 sản phẩm OCOP (mỗi xã, phường 1 sản phẩm)...

Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh, trên cơ sở đó Hà Nội nghiên cứu thiết kế điều luật trong dự án Luật Thủ đô (sửa đổi) phù hợp với đặc trưng của Thủ đô Hà Nội.

Bên cạnh đó, Chủ tịch Quốc hội cũng đề nghị Hà Nội rà soát thực tiễn để trả lời câu hỏi vì sao đạo luật quan trọng với nhiều quy định có tính mở đường, đột phá nhưng chưa phát huy được, chưa đáp ứng kỳ vọng ban đầu. Hà Nội tìm hiểu nguyên nhân, nhất là do quy định của pháp luật hay do khâu tổ chức thực hiện… để từ đó khi thiết kế dự án luật khắc phục được những nội dung này.

Về nghiên cứu đề xuất các chính sách để bổ sung trong dự án Luật Thủ đô (sửa đổi), theo Chủ tịch Quốc hội, Hà Nội cũng cần rà soát để xác định phạm vi điều chỉnh của dự án Luật Thủ đô (sửa đổi), làm sao có tầm nhìn bao quát hơn, rộng hơn so với luật hiện hành để tương xứng với vị trí, vai trò của Thủ đô trong tiến trình phát triển đi lên của đất nước, đồng thời cũng tạo điều kiện cho Thủ đô phát triển mạnh mẽ và toàn diện hơn trong giai đoạn mới theo phương châm “Hà Nội vì cả nước, cùng cả nước”.

Do đó, ngoài những vấn đề cơ chế có tính chất đặc thù trên các lĩnh vực, Hà Nội cần nghiên cứu các thiết chế quy định tổ chức bộ máy và nhiệm vụ, quyền hạn và tính đặc thù, phương thức hoạt động, cơ chế vận hành, quản trị thành phố theo hướng xanh, thông minh, hiện đại và theo mô hình chính quyền đô thị.

Có thể bạn quan tâm

  • Sửa Luật Sở hữu trí tuệ: Nâng cao mức độ bảo hộ

    Sửa Luật Sở hữu trí tuệ: Nâng cao mức độ bảo hộ

    04:20, 26/10/2021

  • Sửa Luật Sở hữu trí tuệ: Khuyến khích đổi mới sáng tạo

    Sửa Luật Sở hữu trí tuệ: Khuyến khích đổi mới sáng tạo

    04:20, 23/10/2021

  • Chủ tịch Quốc hội: Cần sớm sửa Luật Bảo hiểm xã hội

    Chủ tịch Quốc hội: Cần sớm sửa Luật Bảo hiểm xã hội

    20:55, 22/10/2021

  • Sửa luật để thúc đẩy thương mại hóa quyền sở hữu trí tuệ

    Sửa luật để thúc đẩy thương mại hóa quyền sở hữu trí tuệ

    04:10, 22/10/2021

  • Sửa Luật Kinh doanh bất động sản: Siết bán nhà

    Sửa Luật Kinh doanh bất động sản: Siết bán nhà "trên giấy"

    05:00, 05/10/2021

(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
Đề xuất sửa đổi Luật Thủ đô: Tháo gỡ điểm nghẽn về thể chế
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO