Dù đã có nhiều sửa đổi nhưng một số quy định của Dự thảo Luật Điện ảnh (sửa đổi) chưa hợp lý, nếu đi vào thực tế, các quy định này sẽ cản trở lĩnh vực điện ảnh phát triển trong tương lai.
Đó là quan điểm của ông Nguyễn Quang Đồng, Viện trưởng Viện Nghiên cứu chính sách và phát triển truyền thông (IPS) khi trao đổi với Diễn đàn Doanh nghiệp về Dự thảo Luật Điện ảnh sửa đổi (Dự thảo).
- Ông có thể giải thích rõ hơn về điều này?
Công bằng mà nói, cho đến nay, Dự thảo đã có nhiều sửa đổi nhưng dường như những sửa đổi như vậy vẫn chưa thể tạo được sự thuận lợi cho doanh nghiệp. Xin lấy ví dụ về vấn đề cấp phép.
Hiện nay, Dự thảo quy định tất các các loại dịch vụ sản xuất phim được cung cấp cho tổ chức, cá nhân nước ngoài đều phải được cấp phép bởi Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch.
Tuy nhiên, quy định có điểm chưa hợp lý khi gộp tất cả các loại dịch vụ sản xuất phim vào một hình thức quản lý. Nguyên lý của việc cấp phép là bởi hoạt động của chủ thể nào đó dễ gây ra những tác động nghiêm trọng đến quyền lợi chính đáng của các chủ thể khác trong xã hội, lợi ích quốc gia, dân tộc nên nhà nước phải quản lý hoạt động đó chặt chẽ hơn. Do đó việc cấp phép dịch vụ sản xuất phim chỉ nên xem xét để dành cho dịch vụ nào ảnh hưởng nghiêm trọng đến lợi ích chính đáng nêu trên.
Có thể thấy, trong dịch vụ sản xuất phim gồm tiền kỳ và hậu kỳ với rất nhiều loại: xây dựng kịch bản, dựng bối cảnh, thiết kế trang phục, quay phim, âm thanh, ánh sáng, kỹ xảo, phụ đề,… Chẳng hạn, giao dịch cung cấp dịch vụ kỹ xảo hay phụ đề cho bất cứ một phim nước ngoài nào hoàn toàn có thể diễn ra trên môi trường mạng trong thời gian nhanh chóng. Nếu buộc cơ sở điện ảnh phải nộp hồ sơ cấp phép với kịch bản bằng tiếng Việt và đợi 30 ngày kể từ khi hồ sơ hợp lệ để được cấp phép cung cấp dịch vụ, đây là điều không thực sự cần thiết, khiến doanh nghiệp, cá nhân cung cấp dịch vụ này tốn chi phí thời gian, tiền bạc và cơ hội kinh doanh.
Do đó, tôi đề nghị chỉ cấp phép cung cấp dịch vụ sản xuất phim cho tổ chức, cá nhân nước ngoài đối với phim lấy bối cảnh lịch sử, chính trị Việt Nam. Trong trường hợp này, việc nộp hồ sơ xin cấp phép với kịch bản tiếng Việt là hợp lý bởi trong kịch bản đó có chứa nội dung về bối cảnh lịch sử, chính trị Việt Nam, ảnh hưởng trực tiếp đến lợi ích quốc gia, dân tộc.
-Có ý kiến cho rằng nên coi phân loại phim là một dịch vụ, ông nghĩ sao về điều này?
Tôi tán đồng với ý kiến này. Hiện tại, Điều 28 Dự thảo quy định về thẩm quyền và thủ tục cấp giấy phép phân loại phim đối với phim phổ biến trong hệ thống rạp và địa điểm công cộng. Điều 22 Dự thảo quy định cho phép chủ thể phổ biến phim trên không gian mạng được tự phân loại phim và hiển thị kết quả phân loại phim theo quy định tại Điều 33 Luật này và chịu trách nhiệm trước pháp luật về kết quả phân loại phim. Các tiêu chí phân loại phim sẽ được Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch quy định chi tiết.
Thực tế hiện nay, nhiều đài truyền hình đang có các hội đồng duyệt phim riêng, tôi đề nghị nên cho phép hiệp hội nghề nghiệp trong lĩnh vực điện ảnh tham gia cung cấp dịch vụ phân loại nội dung phim. Điều này sẽ giúp giảm áp lực công việc và chia sẻ trách nhiệm với Hội đồng Trung ương về thẩm định và phân loại phim.
Lúc này, Hội đồng thay vì trực tiếp xử lý một khối lượng khổng lồ các đầu phim, sẽ chỉ đóng vai trò “cầm cân nảy mực” khi có tranh chấp, khiếu nại về phân loại phim.
Do đó, ở vấn đề này, tôi đề nghị đưa phân loại phim từ một thủ tục hành chính trở thành một dịch vụ (tương tự như dịch vụ công chứng) mà nhiều chủ thể khác nhau trong xã hội có thể tham gia cung cấp. Cùng với đó, dịch vụ phân loại phim nên được xem xét là một ngành kinh doanh có điều kiện, chủ thể tham gia cung cấp dịch vụ phải đáp ứng các tiêu chí về nhân sự, kĩ thuật để phân loại phim và tham gia cung cấp dịch vụ phân loại nội dung phim.
-Cuối cùng, ông có góp ý như thế nào để hoàn thiện Dự thảo Luật này hơn, thưa ông?
Luật Điện ảnh sửa đổi cần làm được hai việc: Thứ nhất, “cởi trói” cho doanh nghiệp thông qua gỡ bỏ các thủ tục hành chính không cần thiết, và tạo cơ chế kiểm soát nội dung thuận lợi thông qua ưu tiên xây dựng cơ chế hậu kiểm với quy định cho phép tự phân loại phim dưới hình thức dịch vụ phân loại phim.
Với vấn đề này, tôi đề xuất bỏ hoặc sửa một số điều, khoản trong Dự thảo. Đầu tiên là bỏ Điều 14 với những quy định cho doanh nghiệp cung cấp dịch vụ sản xuất phim cho tổ chức, cá nhân nước ngoài. Lý do là Luật Doanh nghiệp, Bộ luật Dân sự hiện tại đã đủ điều chỉnh và nhiều quy định trong điều này không xác đáng, mang tính “hành” doanh nghiệp.
Ngoài ra, cũng phải bỏ một số quy định khác trói buộc doanh nghiệp, trong đó có những quy định xâm phạm bí mật kinh doanh của doanh nghiệp và thêm chi phí cho doanh nghiệp.
Thứ hai là cơ chế hậu kiểm đối với phim trên truyền hình, theo yêu cầu Việt Nam hiện chưa thể giao trực tiếp cho doanh nghiệp tự phân loại phim của mình trình chiếu, mà nên có một bước đệm đó là cơ quan quản lý cấp phép cho một số công ty chuyên cung cấp dịch vụ thẩm định phân loại phim (các đài truyền hình…) giống như mô hình văn phòng công chứng tư nhân hiện nay.
Khi đó phải có công cụ “report” để người dùng tự báo cáo vi phạm. Và Hội đồng thẩm định phim quốc gia sẽ đóng vai trò đưa ra những phán quyết khi có những báo cáo vi phạm của người dân.
-Xin cảm ơn ông!
Có thể bạn quan tâm
Dự thảo Luật Điện ảnh (sửa đổi): Phân quyền địa phương kiểm duyệt phim là không hợp lý
04:20, 31/10/2021
Luật Điện ảnh (sửa đổi): Điện ảnh cần có không gian sáng tạo
13:22, 23/10/2021
Sửa đổi Luật Điện ảnh: Các chính sách hỗ trợ phát triển điện ảnh cần được lượng hóa cụ thể
11:05, 23/10/2021
Hôm nay, Quốc hội họp về dự án Luật Điện ảnh (sửa đổi)
05:00, 23/10/2021
Dự thảo Luật Điện ảnh sửa đổi: Băn khoăn quỹ hỗ trợ phát triển điện ảnh
04:20, 21/10/2021