Tạo nền tảng cho thương mại hiện đại: Quy định làm khó doanh nghiệp
Bộ Công Thương đang lấy ý kiến Dự thảo Thông tư về các tiêu chí để phân loại và quản lý một số loại hình hạ tầng thương mại của siêu thị, trung tâm thương mại, cửa hàng tiện lợi, trung tâm outlet…
Bộ áp tiêu chí với siêu thị, cửa hàng tiện lợi: Can thiệp quyền tự do kinh doanh
Chia sẻ với DĐDN, ông Vũ Vinh Phú, nguyên Chủ tịch Hiệp hội Siêu thị Hà Nội cho rằng, dự thảo Thông tư nên hướng vào nội dung, thay vì hình thức.
- Việc quy chuẩn các loại hình hạ tầng thương mại trên nên tập trung vào vấn đề gì, thưa ông?
Quyết định số 1371/2004 của Bộ trưởng Bộ Thương mại (nay là Bộ Công Thương) về việc ban hành Quy chế Siêu thị, Trung tâm thương mại đến nay đã lạc hậu so với sự phát triển của siêu thị, trung tâm thương mại, cửa hàng tự chọn... Các cửa hàng tự chọn và siêu thị mini đang phát triển tự phát và chưa có quy chuẩn để đáp ứng yêu cầu phát triển của một nền kinh tế thị trường đầy đủ và hiện đại.
Bộ Công Thương đã tham khảo kinh nghiệm tại Nhật Bản và Hàn Quốc một cách “máy móc”. Ví dụ, quy định cửa hàng nhỏ chỉ bán cho khách hàng trong phạm vi 500m. Điều này dẫn đến sự hiểu nhầm là những khách hàng chỉ trong phạm vi này mới được vào mua hàng, còn không phải mua chỗ khác. Như vậy, việc này đã vô tình “thủ tiêu” sự cạnh tranh và vi phạm quyền lợi người tiêu dùng.
Nhưng bên cạnh đó, Ban soạn thảo lại quá chú trọng vào mặt hình thức như phải có chỗ đỗ xe, nhà vệ sinh, chỗ để đồ… Những quy định chi tiết về mặt hình thức như vậy là không cần thiết, nó sẽ gây tốn phí và bó chặt sự hoạt động và sự mở rộng của doanh nghiệp.
Trong khi thị trường đang cần những quy định về nội dung như an toàn thực phẩm, truy xuất nguồn gốc, mua bán có hoá đơn, chứng từ, nối mạng máy tính… Những vấn đề này rất quan trọng, nhưng Dự thảo chỉ “lướt qua”. Đây mới là những quy định cần phải chi tiết và làm rõ để tránh trốn lậu thuế và cạnh tranh không bình đẳng. Thực tế, hiện tượng “chân trong, chân ngoài”, “hàng trong, hàng ngoài”, hàng dởm hàng giả “ra vào” là những vấn đề phải kiểm soát chặt chẽ và xử lý nghiêm.
Ngoài ra, vấn đề đào tạo đội ngũ nhân lực của hệ thống siêu thị, trung tâm thương mại, từ văn hoá kinh doanh, văn hoá phục vụ là những điều kiện cho sự phát triển của các mô hình thương mại tương lai. Không thể bán hàng xong là hết trách nhiệm bằng việc niêm yết biển thông báo “mua xong miễn đổi hoặc trả lại”.
>>Tranh cãi xoay quanh Dự thảo của Bộ Y tế về tiêu chí dinh dưỡng lành mạnh
- Ngoài việc xây dựng văn hóa phục vụ khách hàng, thì quy chuẩn các mô hình thương mại trên còn cần hài hòa lợi ích các bên, thưa ông?
Chúng ta cần có các quy định để hạn chế được tối đa hiện tượng chèn ép trong mua bán, giao dịch. Không để xảy ra tình trạng “cá lớn nuốt cá bé”. Vì trên thực tế có những siêu thị “đòi” nhà cung ứng hàng hoá phải chiết khấu 30%, con số này còn lớn hơn cả lợi nhuận của người sản xuất.
Tại Hàn Quốc, một mớ rau muống khi vào sàn đấu giá thì giá tăng gấp 3 lần, lợi nhuận này người nông dân được hưởng. Cách làm này đã được nhiều nước áp dụng từ hàng chục năm nay. Tại Việt Nam, mô hình này chưa được triển khai.
Việc đầu tư hệ thống siêu thị, trung tâm thương mại cần đồng bộ với các hệ thống hậu cần khác, như kho dự trữ, sàn giao dịch công khai, nhất là nhóm hàng nông sản, thực phẩm.
Những quy định về mặt nội dung mới là cách thức để xây dựng uy tín thương hiệu bán lẻ Việt Nam và năng lực cạnh tranh của bán lẻ Việt Nam.
- Một thông tư không thể giải quyết được tất cả các vấn đề trên, trong khi, lĩnh vực kinh doanh siêu thị, trung tâm thương mại của Việt Nam vẫn còn khá sơ khai, và cần sự quan tâm đúng mức để phát triển, thưa ông?
Trước tiên, để quy chuẩn các mô hình thương mại trên cần có sự chung tay của các Hiệp hội Bán lẻ, Hiệp hội Bảo vệ người tiêu dùng, Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam và đặc biệt là VCCI cùng vào cuộc để tham gia xây dựng khung khổ pháp lý. Qua đó, hệ thống bán lẻ Việt Nam đảm bảo yêu cầu hiện đại, văn minh, cạnh tranh bình đẳng. Quan trọng nữa là người yếu thế phải được bảo vệ. Muốn làm được điều này, Nhà nước cần sớm xây dựng những sàn giao dịch, đấu giá nông thủy sản, thực phẩm… cung cấp cho siêu thị. Chính phủ đề xuất Quốc hội xây dựng Luật bán lẻ.
Ngoài ra, cần bổ sung nội dung bảo vệ hợp lý những quyền kinh doanh của hàng Việt. Tại một số nước quy định, khi kinh doanh siêu thị ở nước sở tại phải bán tối thiểu 30-40% hàng hoá của nước đó. Cùng với đó là yêu cầu về kinh tế xanh, kinh tế số như việc số hóa hoạt động siêu thị, nối mạng liên thông...
- Trân trọng cảm ơn ông!
Có thể bạn quan tâm
Bộ áp tiêu chí với siêu thị, cửa hàng tiện lợi: Can thiệp quyền tự do kinh doanh
04:00, 17/07/2022
Phát triển khu công nghiệp sinh thái: Cần các tiêu chí rõ ràng
01:00, 18/06/2022
Chờ thông tư hướng dẫn tiêu chí phân loại các khu công nghiệp
09:01, 10/06/2022
Tranh cãi xoay quanh Dự thảo của Bộ Y tế về tiêu chí dinh dưỡng lành mạnh
09:40, 30/12/2021
Bức thiết nhà ở công nhân (KỲ V): Cần các tiêu chí rõ ràng
11:00, 30/10/2021