Thông tư không được ban hành điều kiện kinh doanh cho trung tâm thương mại
Trọng tâm của dự thảo Thông tư là yêu cầu các siêu thị, trung tâm thương mại, cửa hàng tiện lợi phải tự phân loại theo tiêu chí và sẽ bị xử phạt nếu phân loại không chính xác.
>>Bộ áp tiêu chí với siêu thị, cửa hàng tiện lợi: Can thiệp quyền tự do kinh doanh
Góp ý về Dự thảo này, Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) đề nghị cơ quan soạn thảo làm rõ cơ sở pháp lý của việc ban hành văn bản này. Trong trường hợp không có cơ sở pháp lý trực tiếp thì đề nghị cơ quan soạn thảo không ban hành Thông tư này.
Việc đưa ra các quy định tại Dự thảo không chỉ “đẻ” thêm quy trình, thủ tục và tạo ra những “điểm nghẽn”, rào cản trong môi trường kinh doanh, mà còn can thiệp sâu vào hoạt động kinh doanh của người dân, doanh nghiệp.
Theo VCCI, Nhà nước chỉ nên can thiệp khi người bán lợi dụng sự nhập nhèm gọi tên để gây nhầm lẫn cho người mua, từ đó giúp bán được sản phẩm hoặc tăng giá của sản phẩm.
>>Tranh cãi xoay quanh Dự thảo của Bộ Y tế về tiêu chí dinh dưỡng lành mạnh
Thực tế, các loại hạ tầng thương mại, trên thị trường hiện không thấy biểu hiện nào tương tự như vậy. Việc một cửa hàng tạp hoá nhỏ treo biển “siêu thị” cũng không vì thế mà giúp bán thêm được hàng hoặc bán giá cao hơn. Người tiêu dùng hoàn toàn không hề bị lừa hay hiểu nhầm trong trường hợp này.
Trong trường hợp việc phân loại chỉ nhằm mục đích thống kê của Nhà nước thì không cần thiết phải có quy định xử phạt khi doanh nghiệp gọi tên không đúng. Hơn nữa, nếu vì lý do này thì không cần thiết ban hành văn bản dưới dạng Thông tư, mà chỉ cần hình thức Công văn hướng dẫn là đủ.
Phân tích vấn đề này, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu và Quản lý kinh tế trung ương (CIEM) - Nguyễn Đình Cung cho rằng, Luật Doanh nghiệp đã chỉ rõ doanh nghiệp được tự do làm những gì mà pháp luật không cấm. Trong khi những quy định về cửa hàng tiện lợi nêu trong Dự thảo đã vô hình chung khiến doanh nghiệp không được triển khai mô hình cửa hàng tiện lợi.
“Quy định tại Luật Doanh nghiệp năm 2005 nêu rõ, Thông tư không được ban hành điều kiện kinh doanh. Quy định này được tiếp tục duy trì trong Luật Đầu tư năm 2014 và 2020. Còn theo Luật Ban hành Văn bản quy phạm pháp luật, Thông tư không được ban hành thủ tục hành chính, trừ trường hợp được ủy quyền trong luật. Trường hợp này, Thông tư không được ủy quyền. Do đó, Ban soạn thảo khó có căn cứ để đưa ra các điều kiện đối với các siêu thị, trung tâm thương mại...”, ông Cung đặt vấn đề.
Mới đây, trước sức nóng của dư luận, đại diện Bộ Công Thương cho biết, Bộ sẽ lắng nghe các ý kiến góp ý với tinh thần cầu thị và sửa đổi hợp lý hơn.
Có thể bạn quan tâm
Bộ áp tiêu chí với siêu thị, cửa hàng tiện lợi: Can thiệp quyền tự do kinh doanh
04:00, 17/07/2022
Đại hội đồng cổ đông 2022: NCB đặt mục tiêu chiến lược lên vị thế mới
04:00, 20/06/2022
Phát triển khu công nghiệp sinh thái: Cần các tiêu chí rõ ràng
01:00, 18/06/2022
Chờ thông tư hướng dẫn tiêu chí phân loại các khu công nghiệp
09:01, 10/06/2022
Tranh cãi xoay quanh Dự thảo của Bộ Y tế về tiêu chí dinh dưỡng lành mạnh
09:40, 30/12/2021
Bức thiết nhà ở công nhân (KỲ V): Cần các tiêu chí rõ ràng
11:00, 30/10/2021