Đổi tên Trung tâm đào tạo lái xe: Tốn kém… không cần thiết
Trước yêu cầu đổi tên các Trung tâm đào tạo lái xe thành Trung tâm Giáo dục Nghề nghiệp của Tổng cục Giáo dục Nghề nghiệp, các chuyên gia cho rằng, đây là việc làm gây tốn kém, không cần thiết…
>> Chuyển sát hạch giấy phép lái xe sang Bộ Công an: Quan ngại sự… xáo trộn
Theo đó, Tổng cục Giáo dục Nghề nghiệp - Bộ Lao động, Thương Binh và Xã hội đang yêu cầu các Trung tâm đào tạo lái xe đổi tên thành Trung tâm giáo dục nghề nghiệp, bởi theo đơn vị này, Luật Giáo dục nghề nghiệp, không có “Trung tâm đào tạo lái xe”.
Yêu cầu đã nêu, ngay lập tức nhận được hàng loạt các ý kiến trái chiều, trong đó, Hiệp hội Vận tải ô tô Việt Nam đã có văn bản đề nghị Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp xem xét không yêu cầu đổi tên các “Trung tâm đào tạo lái xe” thành “Trung tâm giáo dục nghề nghiệp”.
Cụ thể, theo Hiệp hội Vận tải ô tô Việt Nam, các quy định của pháp luật hiện hành không có điều khoản yêu cầu các cơ sở đào tạo đang hoạt động theo mô hình là các trung tâm đào tạo nghề (trong đó có đào tạo lái xe) phải đổi tên thành “Trung tâm giáo dục nghề nghiệp”. Quá trình hoạt động vừa qua không có vướng mắc gì liên quan đến việc đặt tên gọi đang được sử dụng phổ biến.
Bên cạnh đó, tên gọi ngoài đảm bảo tuân thủ quy định của pháp luật, đồng thời phải ngắn gọn, dễ đọc, dễ nhớ, phù hợp với phong tục tập quán của mỗi địa phương, vùng miền và gắn với ngành nghề đào tạo. Cách đặt tên như trên cũng đã phân định rõ theo quy mô và trình độ đào tạo là “Trường Cao đẳng…”, “Trường Trung cấp” và “Trung tâm…” theo quy định của pháp luật, còn đào tạo ngành nghề gì, quy mô, lưu lượng bao nhiêu... được ghi cụ thể trong giấy phép hoạt động do cơ quan quản lý Nhà nước có thẩm quyền cấp phép.
Ngoài ra, mỗi cơ sở đào tạo đều phải triển khai thực hiện nhiều giao dịch dân sự như vay vốn ngân hàng, bảo hiểm các loại, giấy kiểm định xe, thủ tục sang nhượng hoặc mua bán tài sản; phiên hiệu cơ sở đào tạo được in trên các xe tập lái. Nếu thay đổi, hàng trăm trung tâm đào tạo lái xe, hàng chục ngàn xe phải chuyển đổi tên trong đăng ký sở hữu trên cả nước sẽ phải bỏ ra chi phí, thời gian để điều chỉnh…
>> Tách Luật Giao thông đường bộ bị phản đối – vì đâu nên nỗi?
Thông tin với báo chí, ông Nguyễn Văn Quyền - Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ô tô Việt Nam cho biết, hiện khoản 1 Điều 5 Luật Giáo dục nghề nghiệp có quy định, các cơ sở giáo dục nghề nghiệp bao gồm ba mô hình là Trung tâm giáo dục nghề nghiệp, Trường Trung cấp và Trường Cao đẳng. Tuy nhiên, Luật Giáo dục nghề nghiệp không hề có từ nào yêu cầu nào buộc đổi tên các “Trung tâm đào tạo lái xe” thành “Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp”.
Theo ông Quyền, khi ban hành chính sách cơ quan chức năng cần phải căn cứ vào thực tiễn. Và trên thực tiễn, tên gọi “Trung tâm đào tạo lái xe” ngắn gọn, dễ đọc, dễ nhớ, phù hợp với phong tục tập quán của mỗi địa phương, vùng miền; quá trình thực thi không hề gây nhầm lẫn hay bị các bên liên quan yêu cầu đổi tên.
“Còn về pháp luật, nếu Luật Giáo dục nghề nghiệp không nêu thì chí ít phải được quy định trong Thông tư của Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội, công văn của Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp không thể đặt ra yêu cầu này”, ông Quyền chia sẻ.
Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ô tô Việt Nam khẳng định, Luật Giáo dục nghề nghiệp có hiệu lực từ tháng 7/2015, sau 7 năm thực hiện ổn định không ai động chạm đến vấn đề này, nay bỗng dưng Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp lại ra văn bản chỉ đạo đổi tên là không phù hợp...
Tuy nhiên, theo Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp, việc này không phải do Tổng cục đề xuất đổi tên mà theo quy định của Luật Giáo dục nghề nghiệp. Trong đó, luật định nghĩa thống nhất tên gọi tất cả “Trung tâm đào tạo lái xe” thành “Trung tâm giáo dục nghề nghiệp”…
Xung quanh nội dung này, thông tin với báo chí, ông Lê Như Tiến - nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa - Xã hội của Quốc hội cho rằng, việc yêu cầu đổi tên là chưa có sức thuyết phục. Bởi đây là Trung tâm dạy lái xe hoặc Trung tâm học lái xe, đừng hiểu Luật Giáo dục nghề nghiệp một cách máy móc, thành tất cả là giáo dục nghề nghiệp hết.
Theo ông Tiến, bản thân loại hình đào tạo các nghề nằm trong giáo dục hướng nghiệp theo đúng luật trước kia là Luật Dạy nghề, sau đó Quốc hội đổi thành Luật Giáo dục nghề nghiệp. Đấy là đổi tên Luật Dạy nghề thành Luật Giáo dục nghề nghiệp, chứ không hiểu máy móc là tất cả các Trung tâm giáo dục hay Trung tâm dạy nghề là Trung tâm giáo dục nghề nghiệp cả. Dạy nghề cũng chính là giáo dục nghề nghiệp nếu hiểu theo nghĩa rộng.
“Vì có hàng nghìn cái nghề nghiệp khác nhau, cho nên cái đấy không mâu thuẫn. Chỉ có 2 Bộ, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội với tư cách là quản lý Nhà nước về nghề nghiệp và Bộ Giao thông Vận tải với tư cách là quản lý Nhà nước về đào tạo lái xe thì nên ngồi với nhau để tìm ra một tiếng nói chung, không nên gây tốn kém, xáo trộn, để vừa đỡ lãng phí và mất thời gian”, ông Tiến bày tỏ.
Có thể bạn quan tâm
Đề xuất phân loại giấy phép lái xe mới - Khó khả thi
03:50, 22/03/2022
Chưa trình Quốc hội việc thay đổi cơ quan sát hạch, cấp giấy phép lái xe
10:20, 17/03/2022
Giao công tác quản lý, cấp giấy phép lái xe về Bộ Công an: Lãng phí nguồn nhân lực, cơ sở vật chất.
21:33, 16/02/2022
Chuyển sát hạch giấy phép lái xe sang Bộ Công an: Nỗi lo chồng chéo, lãng phí
04:00, 16/02/2022
Chuyển sát hạch giấy phép lái xe sang Bộ Công an: Cần một giải trình thuyết phục
04:00, 14/02/2022