Chuyển sát hạch giấy phép lái xe sang Bộ Công an: Nỗi lo chồng chéo, lãng phí

Diendandoanhnghiep.vn Không chỉ để lại nhiều quan ngại về sự xáo trộn, chuyên gia còn cho rằng, đề xuất chuyển sát hạch giấy phép lái xe sang Bộ Công an cần đảm bảo cơ sở khoa học, tránh chồng chéo, lãng phí...

>>Chuyển sát hạch giấy phép lái xe sang Bộ Công an: Quan ngại sự… xáo trộn

Như đã thông tin, mặc dù phương án trình Quốc hội khóa XIV tại Kỳ họp thứ 10 về chuyển chức năng quản lý Nhà nước về đào tạo, sát hạch, cấp giấy phép lái xe cơ giới đường bộ sang Bộ Công an, không được đa số đại biểu Quốc hội tán thành.

Thế nhưng đến nay, Bộ Công an vẫn khẳng định, ngành công an thực hiện nhiệm vụ này là phù hợp, bởi Bộ Giao thông Vận tải có chức năng quản lý Nhà nước về xây dựng, phát triển kết cấu hạ tầng, phương tiện và vận tải đường bộ; Bộ Công an có chức năng quản lý Nhà nước về bảo vệ an ninh quốc gia và bảo đảm trật tự, an toàn xã hội. Trong khi, việc đào tạo, sát hạch, cấp giấy phép lái xe là xác định điều kiện để một người được điều khiển phương tiện tham gia giao thông đường bộ và quản lý sau khi được cấp giấy phép lái xe - hoạt động liên quan đến trật tự, an toàn xã hội (quản lý hành vi của con người).

Đề xuất chuyển sát hạch giấy phép lái xe sang Bộ Công an vẫn nhận được nhiều ý kiến trái chiều - Ảnh minh họa

Đề xuất chuyển sát hạch giấy phép lái xe sang Bộ Công an vẫn nhận được nhiều ý kiến trái chiều - Ảnh minh họa

Tại hội thảo lấy ý kiến về Luật Giao thông đường bộ (sửa đổi) do Tổng cục Đường bộ (Bộ Giao thông Vận tải) tổ chức ngày 14/02 vừa qua, liên quan đến vấn đề Chuyển sát hạch giấy phép lái xe sang Bộ Công an quản lý, đa số đại biểu tham dự đều cho rằng, việc này cần tiếp tục lấy ý kiến thông qua các hội thảo, để đảm bảo cơ sở khoa học, tránh chồng chéo, lãng phí...

Ông Nguyễn Văn Thanh - nguyên Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ô tô Việt Nam kiến nghị, tiếp tục giao ngành giao thông quản lý về đào tạo, sát hạch cấp giấy phép lái xe. Bởi, từ năm 1995 khi tiếp nhận đào tạo, sát hạch, cấp giấy phép lái xe từ Bộ Công an, Bộ Giao thông Vận tải quản lý tốt, đã ổn định công tác này, nếu thay đổi sẽ gây xáo trộn xã hội rất lớn.

>>Chuyển sát hạch giấy phép lái xe sang Bộ Công an: Cần một giải trình thuyết phục

Việc sửa Luật Giao thông đường bộ đã được Chính phủ thống nhất tách thành 2 luật, Bộ Giao thông Vận tải chủ trì soạn thảo Dự án Luật Đường bộ, còn Bộ Công an chủ trì soạn thảo Dự án Luật Trật tự an toàn giao thông đường bộ, có nội dung về thẩm quyền đào tạo, sát hạch, cấp giấy phép lái xe cơ giới đường bộ. Chính phủ cũng dự kiến trình Quốc hội bổ sung cả 2 luật vào chương trình xây dựng luật năm 2022.

Theo ông Thanh, nếu Bộ Công an đảm nhận công tác này sẽ khép kín từ đào tạo, sát hạch, cấp bằng lái xe đến xử lý vi phạm, thì có thể thuận lợi cho ngành cgiaông an, nhưng có đảm bảo tính độc lập của 3 thành tố, lập pháp, hành pháp, tư pháp không? Có bảo đảm cơ chế giám sát quyền lực không?

“Quan điểm của chúng tôi là không tán thành chuyển công tác đào tạo, sát hạch, cấp giấy phép lái xe từ Bộ Giao thông vận tải về cho Bộ Công an”, ông Thanh nhấn mạnh.

Bên cạnh đó, nguyên Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ô tô Việt Nam cũng đề nghị Bộ Giao thông Vận tải hãy dũng cảm đảm nhận những chức năng, nhiệm vụ đã được xã hội và Nhà nước giao phó. Và đề nghị đại biểu Quốc hội khóa XV hãy cẩn trọng khi biểu quyết thông qua Luật giao thông đường bộ (sửa đổi) để không phụ lòng cử tri.

“Nếu chuyển đào tạo, sát hạch, cấp giấy phép lái xe sang Bộ Công an sẽ có hàng ngàn cán bộ nhân viên thuộc Bộ Giao thông Vận tải mất việc hoặc phải chuyển đổi ngành nghề khác. Trong khi đó Bộ Công an phải tuyển dụng và đào tạo lại đội ngũ cán bộ chiến sĩ mới làm nhiệm vụ này cùng việc phải đầu tư trang thiết bị mới. Từ đó dẫn tới tốn kém ngân sách rất lớn.

Công tác đào tạo, sát hạch, cấp giấy phép lái xe thuộc lĩnh vực dân sự, nên để cơ quan dân sự đảm nhận, không nên giao cho lực lượng vũ trang thực hiện. Quan điểm của chúng tôi là không tán thành chuyển công tác đào tạo, sát hạch, cấp giấy phép lái xe từ Bộ Giao thông Vận tải về cho Bộ Công an quản lý”, ông Thanh nêu quan điểm.

Nhiều đại biểu đề nghị không tách Luật giao thông đường bộ 2008 làm hai, không nên chuyển quản lý, đào tạo, sát hạch, cấp bằng lái xe sang Bộ Công an - Ảnh minh họa

Nhiều đại biểu đề nghị không tách Luật Giao thông đường bộ 2008 làm hai, không nên chuyển quản lý, đào tạo, sát hạch, cấp bằng lái xe sang Bộ Công an - Ảnh minh họa

Đồng tình quan điểm của nguyên Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ô tô Việt Nam, TS. Đào Huy Hoàng - Viện Khoa học và Công nghệ Giao thông vận tải cũng cho rằng, chưa thể khẳng định chuyển sang Bộ Công an thì công tác quản lý đào tạo, sát hạch cấp giấy phép lái xe sẽ tốt hơn những gì Bộ Giao thông Vận tải hiện nay đang thực hiện.

“Việc chuyển đào tạo sát hạch lái xe sang cho Bộ Công an cần tiếp tục nghiên cứu cơ sở khoa học vững chắc, xem xét, lấy ý kiến rộng rãi. Nếu còn nhiều ý kiến nên chăng cho phép việc đào tạo và sát hạch lái xe ở cả 2 Bộ, tăng cường xã hội hóa và kiểm tra giám sát chặt chẽ nhằm nâng cao chất lượng lái xe cơ giới đường bộ”, ông Hoàng đặt vấn đề.

Tại hội thảo, các chuyên gia cũng cho rằng, hiện cơ sở dữ liệu về giấy phép lái xe trên toàn quốc đã được hình thành, sẵn sàng liên thông giữa ngành giao thông và công an, đáp ứng yêu cầu xử lý vi phạm đối với lái xe của ngành công an. Để không phát sinh những xáo trộn liên quan đến hàng triệu người thì ngành giao thông vẫn cần quản lý về đào tạo, sát hạch, cấp giấy phép lái xe.

TS. Vũ Anh Tuấn - Trung tâm nghiên cứu giao thông vận tải Việt Đức đánh giá, 10 năm qua tỷ lệ người chết/100.000 giấy phép lái xe giảm 52 lần, tỷ lệ số người chết/10.000 phương tiện giảm 13 lần. Tỷ lệ tai nạn giao thông đã giảm hàng năm, dù số phương tiện tăng, cho thấy công tác sát hạch đào tạo lái xe đã đóng góp ít nhiều.

Ông Tuấn kiến nghị, không nên tách Luật Giao thông đường bộ thành 2 luật, bởi, việc này trên thế giới chưa có quốc gia nào làm.

Theo ông Tuấn, luật phải đảm bảo các thành tố, quy định. Còn phân cấp, phân quyền thực hiện cho bộ ngành nào do Quốc hội quyết định, không cần thiết tách để trao quyền cho mỗi bộ ngành một luật riêng. Hiện nhiều nước đang từng bước gộp các luật có mối liên hệ lại với nhau để công tác quản lý được thống nhất và hiệu quả hơn.

Cũng tại hội thảo, nhiều đại biểu đến từ các trường đại học, hiệp hội vận tải ô tô các địa phương cũng đề nghị không tách Luật Giao thông đường bộ 2008 làm hai, không nên chuyển quản lý, đào tạo, sát hạch, cấp bằng lái xe sang Bộ Công an.

Được biết, bên cạnh việc chuyển sát hạch giấy phép lái xe sang Bộ Công an, một phương án mới cũng đã được tính đến. Trong đó, Bộ Công an đã báo cáo Thủ tướng Chính phủ chỉnh lý theo hướng không quy định bộ, ngành cụ thể thực hiện chức năng đào tạo, sát hạch, cấp giấy phép lái xe vào Dự thảo và Chính phủ sẽ phân công theo đúng quy định của Luật Tổ chức Chính phủ sau khi Luật được ban hành.

Đánh giá của bạn:

Mời các bạn tham gia vào group Diễn đàn Doanh nghiệp để thảo luận và cập nhật tin tức.

Bạn đang đọc bài viết Chuyển sát hạch giấy phép lái xe sang Bộ Công an: Nỗi lo chồng chéo, lãng phí tại chuyên mục DIỄN ĐÀN PHÁP LUẬT của Tạp chí Diễn đàn doanh nghiệp. Liên hệ cung cấp thông tin và gửi tin bài cộng tác: email toasoan@dddn.com.vn, hotline: 0985698786,
Bình luận
Bạn còn /500 ký tự
Xếp theo: Thời gian | Số người thích
SELECT id,type,category_id,title,description,alias,image,related_layout,publish_day FROM cms_post WHERE `status` = 1 AND publish_day <= 1711713822 AND in_feed = 1 AND top_home <> 1 AND status = 1 AND publish_day <= 1711713822 ORDER BY publish_day DESC, id DESC LIMIT 0,11
1 2 3 4 5 6 7 8 9 10