Chuyển sát hạch giấy phép lái xe sang Bộ Công an: Quan ngại sự… xáo trộn

Diendandoanhnghiep.vn Xoay quanh Dự thảo Luật Giao thông đường bộ (sửa đổi), nhiều ý cho rằng, đề xuất chuyển sát hạch giấy phép lái xe sang Bộ Công an là không cần thiết và dễ gây xáo trộn…

>>Tách Luật Giao thông đường bộ bị phản đối – vì đâu nên nỗi?

Theo đó, dù chưa có trong chương trình xây dựng Luật, pháp lệnh năm 2022 của Quốc hội, thế nhưng, Dự thảo Luật Giao thông đường bộ (sửa đổi) vẫn nhận được sự quan tâm của dư luận, trong đó, ngoài việc tách Luật thành hai thì đề xuất chuyển sát hạch giấy phép lái xe sang Bộ Công an đang nhận được sự quan tâm hơn cả.

Nhiều quan ngại xung quanh đề xuất chuyển sát hạch giấy phép lái xe sang Bộ Công an - Ảnh minh họa

Nhiều quan ngại xung quanh đề xuất chuyển sát hạch giấy phép lái xe sang Bộ Công an - Ảnh minh họa

Mới đây, tại Nghị quyết số 13/NQ-CP phiên họp chuyên đề về xây dựng pháp luật tháng 01/2022, Chính phủ thống nhất đổi tên Dự án Luật Giao thông đường bộ (sửa đổi) thành Dự án Luật Đường bộ và Dự án Luật Bảo đảm trật tự an toàn giao thông đường bộ thành Dự án Luật Trật tự an toàn giao thông đường bộ.

Riêng về thẩm quyền quản lý đào tạo, sát hạch, cấp giấy phép lái xe, Chính phủ yêu cầu, cần tiếp tục tổng kết, phân tích, đánh giá tác động đầy đủ, khách quan, toàn diện, kỹ lưỡng quá trình thực hiện trong thời gian qua; thuyết minh, giải trình về đề xuất giao Bộ Giao thông vận tải hoặc Bộ Công an quản lý cần thật sự thuyết phục, có đầy đủ cơ sở vững chắc; nghiên cứu cơ chế phối hợp theo hướng để Bộ Công an tham gia giám sát công tác đào tạo, sát hạch, cấp giấy phép lái xe, bảo đảm có sự phối hợp, kiểm soát chặt chẽ quyền lực.

Xoay quanh vấn đề này, trong một báo cáo gửi Chính phủ vào giữa tháng 01/2022, Bộ Giao thông vận tải cho biết, đã có cuộc làm việc cấp Bộ trưởng với Bộ Công an và phạm vi điều chỉnh của Luật Đường bộ (Bộ Giao thông vận tải chủ trì soạn thảo) gồm kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ, hệ thống báo hiệu đường bộ, tổ chức giao thông, quản lý an toàn kỹ thuật phương tiện giao thông đường bộ, vận tải đường bộ, quản lý Nhà nước về giao thông đường bộ.

Phía Bộ Công an cho rằng, ngành Công an thực hiện nhiệm vụ quản lý, đào tạo, sát hạch, cấp giấy phép lái xe là phù hợp, vì việc này và việc quản lý sau khi cấp giấy phép là quản lý hành vi của con người để đảm bảo an toàn tính mạng, sức khỏe, liên quan trực tiếp đến trật tự, an toàn xã hội, khác với các loại giấy phép khác.

Theo Bộ Công an, hiện nay, nội dung đào tạo còn chưa phù hợp, sát hạch lái xe còn chủ yếu phụ thuộc vào hệ thống chấm điểm tự động, phụ thuộc công nghệ dẫn đến “học mẹo, thi mẹo” không sát với thực tế đi đường, quản lý sau cấp giấy phép lái xe còn đơn thuần, không dựa vào quy trình chấp hành giao thông của người được cấp.

Bộ Công an cho rằng, ngành Công an thực hiện nhiệm vụ quản lý, đào tạo, sát hạch, cấp giấy phép lái xe là phù hợp - Ảnh minh họa

Bộ Công an cho rằng, ngành Công an thực hiện nhiệm vụ quản lý, đào tạo, sát hạch, cấp giấy phép lái xe là phù hợp - Ảnh minh họa

Ngoài những lý do đã nêu, Bộ Công an cũng đưa ra nhiều vấn đề khác để chứng minh quan điểm, ngành Công an thực hiện nhiệm vụ quản lý, đào tạo, sát hạch, cấp giấy phép lái xe và việc tách luật là tất yếu. Tuy nhiên, những lập luận này dường như vẫn chưa đủ sức thuyết phục.

Thông tin với báo chí, ông Lê Văn Tiến - Chủ tịch Hiệp hội vận tải Hải Phòng cho rằng, Luật Giao thông đường bộ đã ban hành và thực hiện ổn định, hiệu quả nhiều năm qua. Do đó, khi thay đổi lớn sẽ tác động rất rộng, nên việc tách luật, chuyển chức năng quản lý Nhà nước về đào tạo, sát hạch, cấp giấy phép lái xe... đều thu hút sự quan tâm của người dân, doanh nghiệp.

“Mỗi thay đổi tạo ra xáo trộn cần được đánh giá hiệu quả, chứng minh rõ lý do phải thay đổi, và nếu thay đổi đó để tốt hơn thì hãy làm. Nếu không được như vậy nên giữ 1 luật và giữ cơ quan quản lý như hiện hành ”, ông Tiến nêu quan điểm.

Theo ông Tiến, hoạt động đào tạo, sát hạch giấy phép lái xe đã được xã hội hóa mạnh mẽ, cơ bản đáp ứng nhu cầu xã hội và doanh nghiệp. Tới nay, chưa có cơ sở để nói việc chuyển sang Bộ Công an quản lý sẽ tốt hơn Bộ Giao thông vận tải quản lý, nên đa số đại biểu Quốc hội nghiêng về giữ lại như cũ cũng phù hợp. Còn nếu điểm nào chưa tốt, có thể bổ sung quy định, tăng chế tài xử phạt, tăng kiểm tra, giám sát...

Còn theo ông Nguyễn Mạnh Hà - Phó chủ tịch Hiệp hội Vận tải ô tô Thái Nguyên, tài xế các doanh nghiệp vận tải sử dụng được đào tạo, sát hạch, cấp giấy phép lái xe thời gian qua đã đáp ứng được yêu cầu, chưa thấy gì quá bất cập. Việc Bộ Giao thông vận tải quản lý, Bộ Công an giám sát kiểm tra là rất tách bạch, tốt cho hoạt động chung tránh được tình trạng “vừa đá bóng, vừa thổi còi”.

thời gian qua, ngành giao thông đã quản lý tốt công tác sát hạch, cấp giấy phép lái xe - Ảnh minh họa

Thời gian qua, ngành giao thông đã quản lý tốt công tác sát hạch, cấp giấy phép lái xe - Ảnh minh họa

Trước đó, tại cuộc tọa đàm lấy ý kiến các địa phương và hiệp hội về Dự thảo Luật Giao thông đường bộ (sửa đổi) gần đây do Bộ Giao thông vận tải tổ chức, đề xuất chuyển sát hạch giấy phép lái xe sang Bộ Công an cũng nhận được nhiều ý kiến không tán thành từ các đại biểu tham dự.

Ông Nguyễn Văn Quyền - Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ô tô Việt Nam cho rằng, thời gian qua, ngành giao thông đã quản lý tốt công tác sát hạch, cấp giấy phép lái xe. Các trung tâm sát hạch được hiện đại hóa, tăng chất lượng giám sát, nhiều nước trên thế giới công nhận giấy phép lái xe của Việt Nam nên không có lý do gì để phải chuyển đổi cơ quan quản lý.

Còn theo đại biểu Hà Sỹ Đồng (Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Quảng Trị), ông vẫn giữ nguyên quan điểm là tách luật để quản lý chuyên sâu hơn là cần, nhưng thẩm quyền quản lý đào tạo, sát hạch, cấp giấy phép lái xe thì không nhất thiết phải thay đổi. Với chức năng của mình, Bộ Công an hoàn toàn có thể góp phần làm hạn chế những vi phạm, tiêu cực (nếu có) trong khâu đào tạo, sát hạch, cấp giấy phép lái xe và hiệu quả của việc kiểm soát quyền lực không phụ thuộc vào thay đổi thẩm quyền.

“Việc đào tạo, sát hạch, cấp giấy phép lái nên do cơ quan dân sự quản lý và về lâu dài, nên xã hội hóa mạnh mẽ hơn khâu này”, đại biểu Hà Sỹ Đồng nhấn mạnh.

Đồng tình quan điểm của đại biểu Hà Sỹ Đồng, đại biểu Nguyễn Đình Việt (Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Cao Bằng) cho biết, hiện nay, ở nhiều nước, việc đào tạo, sát hạch để cấp giấy phép lái xe hoàn toàn do cơ quan dân sự đảm nhiệm.

“Kiểm soát quyền lực là cần thiết, song công việc được vận hành theo quy định của pháp luật, giám sát của Quốc hội cũng là một khâu quan trọng của quy trình này. Do vậy, không nhất thiết phải tham gia trực tiếp vào công việc cụ thể nào đó thì mới có thể thực hiện việc kiểm soát quyền lực”, ông Việt phân tích.

Đánh giá của bạn:

Mời các bạn tham gia vào group Diễn đàn Doanh nghiệp để thảo luận và cập nhật tin tức.

Bạn đang đọc bài viết Chuyển sát hạch giấy phép lái xe sang Bộ Công an: Quan ngại sự… xáo trộn tại chuyên mục DIỄN ĐÀN PHÁP LUẬT của Tạp chí Diễn đàn doanh nghiệp. Liên hệ cung cấp thông tin và gửi tin bài cộng tác: email toasoan@dddn.com.vn, hotline: 0985698786,
Bình luận
Bạn còn /500 ký tự
Xếp theo: Thời gian | Số người thích
SELECT id,type,category_id,title,description,alias,image,related_layout,publish_day FROM cms_post WHERE `status` = 1 AND publish_day <= 1714357889 AND in_feed = 1 AND top_home <> 1 AND status = 1 AND publish_day <= 1714357889 ORDER BY publish_day DESC, id DESC LIMIT 0,11
1 2 3 4 5 6 7 8 9 10