Đề xuất phân loại giấy phép lái xe mới - Khó khả thi

Diendandoanhnghiep.vn Xoay quanh đề xuất phân loại giấy phép lái xe thành 11 hạng mới đây của Bộ Công an trong Dự thảo Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ, nhiều ý kiến cho rằng, còn bất cập, khó khả thi…

>>Chưa trình Quốc hội việc thay đổi cơ quan sát hạch, cấp giấy phép lái xe

Mới đây, Bộ Công an đã có dự thảo lần sáu về Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ. Trong dự thảo lần này, Bộ Công an đề xuất nhiều điểm mới về giấy phép lái xe (GPLX), bao gồm việc phân hạng, thời hạn và độ tuổi…

Cụ thể, Bộ Công an đề xuất phân loại GPLX thành 11 hạng, với các tên gọi có sự khác biệt so với hiện nay, gồm A01, A2, A3, B, C, D2, D, BE, CE, D2E và DE.

Đề xuất phân loại giấy phép lái xe mới của Bộ Công an khó khả thi - Ảnh minh họa

Đề xuất phân loại giấy phép lái xe mới của Bộ Công an được cho sẽ khó khả thi - Ảnh minh họa

Trong đó, hạng A01 cấp cho người lái mô tô hai bánh có dung tích xylanh từ 50 cm3 đến 175 cm3, hạng A2 cấp cho người lái mô tô hai bánh có dung tích xylanh trên 175 cm3 trở lên, hạng A3 cấp cho người lái mô tô ba bánh.

Hạng B cấp cho người lái ô tô chở người đến chín chỗ kể cả chỗ của người lái xe; ô tô tải có khối lượng hàng chuyên chở theo thiết kế không vượt quá 3.500 kg… (không chia thành B1 và B2 như hiện nay).

Đáng chú ý, Bộ Công an đề xuất người khuyết tật điều khiển phương tiện tham gia giao thông được cấp GPLX phù hợp với loại xe và tình trạng khuyết tật, thay vì được cấp hạng A1 như quy định hiện hành.

>>> Chuyển sát hạch giấy phép lái xe sang Bộ Công an: Nỗi lo chồng chéo, lãng phí

Dự thảo lần này cũng quy định rõ thời hạn của GPLX so với luật hiện hành. Cụ thể, GPLX hạng A01, A2, A3 không thời hạn; GPLX hạng B có thời hạn 10 năm kể từ ngày cấp; GPLX hạng C, D2, D, BE, CE, D2E, DE có thời hạn năm năm kể từ ngày cấp.

Ngoài ra, người điều khiển xe tham gia giao thông phải có sức khỏe phù hợp với từng loại xe được phép điều khiển. Bộ trưởng Bộ Y tế quy định chi tiết khoản này.

Trước đề xuất đã nêu, nhiều ý kiến cho rằng, trong bối cảnh hội nhập và toàn cầu hóa, Nhà nước ta cần đảm bảo pháp luật nội địa có sự tương thích với pháp luật quốc tế. Việc phân chia GPLX thành 11 hạng sẽ dẫn đến khó khăn trong công tác tổ chức đánh giá thi sát hạch và cấp GPLX, cũng như khó bảo đảm tính khả thi trong hoạt động xử phạt vi phạm hành chính đối với người điều khiển phương tiện trong thực tế.

Chuyên gia cho rằng, đối với dự thảo quy định về phân hạng bằng lái xe thành 11 hạng là không phù hợp với Công ước Viên về việc cấp, sử dụng GPLX quốc tế - Ảnh minh họa

Chuyên gia cho rằng, đối với dự thảo quy định về phân hạng bằng lái xe thành 11 hạng là không phù hợp với Công ước Viên về việc cấp, sử dụng GPLX quốc tế - Ảnh minh họa

Luật sư Nguyễn Thành Luân – Giám đốc Công ty TNHH luật Hà Việt cho rằng, Điều 41.2 (b) của Công ước về giao thông đường bộ năm 1968 (gọi tắt là Công ước Viên) quy định GPLX nội địa phù hợp với quy định của Phụ lục 6. Theo đó, Phụ lục 6, Mục 5 về hạng phương tiện được cấp GPLX thì chỉ có năm hạng về phương tiện được cấp giấy phép bao gồm từ hạng A đến hạng E. Nhưng, Mục 6 của Phụ lục 6 cũng quy định: “Pháp luật nội địa có quyền quy định những hạng phương tiện bổ sung khác với những hạng phương tiện từ A đến E như trên, loại phương tiện và tổ hợp phương tiện và phải được ghi rõ trên GPLX”.

“Như vậy, theo quy định này thì quốc gia thành viên có thể có nhiều hạng GPLX hơn so với năm hạng mà trong Công ước Viên quy định”, Luật sư Luân chia sẻ.

Tuy nhiên, theo Luật sư Luân, dự thảo lần sáu về Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ dự kiến phân loại GPLX thành 11 hạng, với các tên gọi có sự khác biệt so với hiện nay, gồm A01, A2, A3, B, C, D, D2, BE, CE, D2E và DE như đề xuất sẽ dẫn tới một số hạn chế, bất cập.

Cụ thể, đối với xe máy hạng A được quy định chi tiết thành các hạng A01, A2, và A3. Việc phân chia thành các hạng chi tiết này cần phải dựa trên đánh giá nghĩa của nó trong công tác quản lý cũng như sự cần thiết của việc phân hạng, bởi, khi đặt ra nhiều hạng chi tiết thì kèm theo đó cần có quy trình cụ thể cho việc đánh giá, sát hạch và cấp GPLX.

Thực tế, việc cấp GPLX không chỉ dựa vào phương tiện mà dựa trên việc đánh giá, sát hạch khả năng, năng lực điều khiển phương tiện để cấp GPLX. Do đó, cần phải làm rõ sự khác biệt và sự cần thiết trong việc phân loại chi tiết các hạng GPLX đối với xe máy. Nói cách khác, cần làm rõ cơ sở pháp lý và sự khác biệt cũng như cần đánh giá mức độ cần thiết của việc quy định chi tiết hạng A như trong dự thảo hiện nay.

Cũng theo Luật sư Luân, đối với GPLX hạng B, theo quy định trong dự thảo đối với GPLX hạng B và BE như sau: “Hạng B cấp cho người lái ô tô chở người đến chín chỗ (kể cả chỗ của người lái xe); xe tải có khối lượng hàng chuyên chở theo thiết kế không vượt quá 3.500 kg; các loại ô tô quy định cho GPLX hạng B có gắn kèm rơmoóc với khối lượng toàn bộ thiết kế của rơmoóc không vượt quá 750 kg”. Và “Hạng BE cấp cho người lái xe để lái các loại ô tô quy định cho GPLX hạng B khi kéo rơmoóc với khối lượng toàn bộ thiết kế của rơmoóc trên 750 kg”.

Như vậy, quy định này là không phù hợp với tinh thần của Công ước Viên, bởi theo quy định của Công ước Viên, đối với “xe có gắn kèm rơmoóc với khối lượng toàn bộ thiết kế của rơmoóc không vượt quá 750 kg” phải thuộc hạng mục E (tổ hợp phương tiện).

“Hơn nữa, việc chỉ dựa vào trọng lượng rơmoóc là 750 kg để phân loại hạng B và BE sẽ dẫn đến khó khăn trong công tác giám sát tổ chức thực hiện pháp luật trên thực tế, bởi, khi tiến hành xử phạt đối với chủ phương tiện vi phạm có thể tạo ra những “kẽ hở” trong áp dụng pháp luật khi lái xe hạng B sẽ được phép lái xe tổ hợp hạng BE”, Luật sư Luân cho hay.

Liên quan đến nội dung này, thông tin với báo chí, ông Nguyễn Văn Quyền - Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ô tô Việt Nam cũng cho biết, đối với dự thảo quy định về phân hạng bằng lái xe thành 11 hạng là không phù hợp với Công ước Viên về việc cấp, sử dụng GPLX quốc tế.

“Cụ thể, quá trình tham gia Công ước Viên, Chính phủ Việt Nam đã cam kết sẽ điều chỉnh quy định này vào thời gian phù hợp với Công ước Viên, tức là thời điểm sửa Luật Giao thông đường bộ. Như vậy, trong quá trình sửa luật này, Việt Nam cần phải điều chỉnh để không vi phạm các quy định đã cam kết”, ông Quyền chia sẻ.

Đánh giá của bạn:

Mời các bạn tham gia vào group Diễn đàn Doanh nghiệp để thảo luận và cập nhật tin tức.

Bạn đang đọc bài viết Đề xuất phân loại giấy phép lái xe mới - Khó khả thi tại chuyên mục DIỄN ĐÀN PHÁP LUẬT của Tạp chí Diễn đàn doanh nghiệp. Liên hệ cung cấp thông tin và gửi tin bài cộng tác: email toasoan@dddn.com.vn, hotline: 0985698786,
Bình luận
Bạn còn /500 ký tự
Xếp theo: Thời gian | Số người thích
SELECT id,type,category_id,title,description,alias,image,related_layout,publish_day FROM cms_post WHERE `status` = 1 AND publish_day <= 1714479041 AND in_feed = 1 AND top_home <> 1 AND status = 1 AND publish_day <= 1714479041 ORDER BY publish_day DESC, id DESC LIMIT 0,11
1 2 3 4 5 6 7 8 9 10