Ngành gỗ đối phó phòng vệ thương mại: Sẵn sàng trước các vụ kiện
Bộ Thương mại Mỹ (DOC) vừa có thông báo từ chối bản giải thích của gần 40 doanh nghiệp gỗ nội thất cho nội dung điều tra lẩn tránh phòng vệ thương mại.
>>Doanh nghiệp xuất khẩu gỗ dán cứng chưa bị Mỹ áp thuế lẩn tránh phòng vệ thương mại
Trao đổi với DĐDN, ông Ngô Sỹ Hoài, Phó Chủ tịch Hiệp hội Gỗ và lâm sản Việt Nam (VIFOREST) cho biết, việc DOC công bố kết luận sơ bộ về gỗ dán nhập khẩu từ Việt Nam một lần nữa nhắc nhở các doanh nghiệp Việt Nam phải có chiến lược trước các vụ kiện phòng vệ thương mại.
- Việc các doanh nghiệp gỗ Việt bị Mỹ “từ chối bản giải trình” phải chăng là hồ sơ giải trình chuẩn bị chưa tốt, thưa ông?
Năm 2020, Mỹ khởi xướng điều tra lẩn tránh biện pháp phòng vệ thương mại đối với gỗ dán sử dụng nguyên liệu gỗ cứng nhập khẩu từ Việt Nam là theo thống kê của Hải quan Hoa Kỳ. Việc điều tra này của Mỹ là bình thường trong bối cảnh xuất khẩu sản phẩm này của Việt Nam sang Hoa Kỳ liên tục tăng mạnh. So với năm trước khi khởi xướng điều tra là năm 2019, thì kim ngạch xuất khẩu gỗ dán sử dụng nguyên liệu gỗ cứng của Việt Nam sang Hoa Kỳ năm 2021 đã tăng 57,6%.
Kết luận sơ bộ của DOC cho rằng gỗ dán từ Việt Nam nếu có lõi sử dụng nguyên liệu là ván bóc nhập khẩu từ Trung Quốc sẽ bị áp dụng thuế chống bán phá giá (CBPG) và chống trợ cấp (CTC) như đang áp dụng với gỗ dán nhập khẩu từ Trung Quốc. Cụ thể mức thuế chống bán phá giá 183,36%, và chống trợ cấp từ 22,98%-194,90%.
Trong trường hợp gỗ dán từ Việt Nam lõi sử dụng nguyên liệu là ván bóc sản xuất tại Việt Nam hoặc tại các nước khác sẽ không bị áp dụng thuế CBPG và CTC. Tuy nhiên, kết quả sơ bộ của DOC vừa công bố cho thấy, có 22 doanh nghiệp đã gửi phản biện phản hồi chưa đầy đủ, thiếu nhất quán, 14 doanh nghiệp được cho là không hợp tác.
- Thưa ông, kết luận sơ bộ này sẽ gây nguy cơ khó khăn như thế nào cho các doanh nghiệp gỗ Việt Nam?
Căn cứ kết luận sơ bộ này, DOC sẽ đề nghị Cơ quan Hải quan và Bảo vệ biên giới Hoa Kỳ tiếp tục dừng thanh khoản và yêu cầu nhà nhập khẩu nộp tiền đặt cọc bằng mức thuế chống lẩn tránh tạm tính đối với các lô hàng nhập khẩu từ Việt Nam vào Hoa Kỳ kể từ ngày 17/6/2020 (ngày thông báo khởi xướng điều tra) đối với các trường hợp là đối tượng bị áp dụng biện pháp.
>>Nguy cơ tủ gỗ xuất khẩu bị khởi xướng điều tra chống lẩn tránh thuế phòng vệ thương mại
Theo tính toán, số lượng các doanh nghiệp được tham gia tự chứng nhận chiếm khoảng 80% kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam trong giai đoạn điều tra. Thông báo mới nhất, DOC gia hạn thời gian ban hành kết luận cuối cùng trong vụ việc này đến ngày 17/10/2022.
Tuy nhiên, hiện phía Mỹ vẫn tiếp tục nhận phản hồi và sẽ nhận điều trần trước khi đưa ra kết luận. Do đó, trước tình hình này Hiệp hội gỗ đang hướng dẫn doanh nghiệp làm tiếp bản giải trình. Trong khi nhiều doanh nghiệp cho biết nộp giải trình phản biện qua luật sư, mà luật sư chọn câu từ nên không nêu đầy đủ trong bản giải trình. Có thể do vậy mà DOC nhận định doanh nghiệp khai giải trình không nhất quán hoặc không đầy đủ.
Cần lưu ý, một số ít doanh nghiệp cho rằng mới dự kiến xuất khẩu vào Mỹ, thực tế chưa có hàng hoá xuất khẩu vào thị trường này nên không gửi phản biện. Tuy nhiên, doanh nghiệp nên có phản hồi cụ thể với Mỹ rằng chưa xuất khẩu, đảm bảo tính nhất quán trong các thông tin giải trình.
- Tần suất các vụ kiện tương tự có thể sẽ ngày càng dày hơn trong bối cảnh hiện tại. Các doanh nghiệp Việt Nam cần có giải pháp dài hơi cho vấn đề này, thưa ông?
Phải khẳng định việc điều tra này của Mỹ là bình thường trong bối cảnh xuất khẩu gia tăng cao, thậm chí tần suất các vụ việc tương tự sẽ ngày càng dày bởi các quốc gia đều cần các biện pháp phòng vệ để bảo đảm sản xuất nội địa.
Chúng ta có 2 biện pháp cần thực hiện. Thứ nhất là biện pháp mang tính kỹ thuật. Theo đó, các doanh nghiệp cần quan tâm gửi phản biện khi có khởi xướng điều tra. Khai báo đúng, đầy đủ có tư vấn của chuyên gia và luật sư tránh khai báo bị đưa vào không nhất quán hoặc che giấu. Bên cạnh đó, sử dụng phần mềm quản trị, kế toán hiện đại để cung cấp thông tin kịp thời và tin cây.
Thứ hai, doanh nghiệp cũng không nên “bỏ trứng quá nhiều vào một giỏ”, phải xây dựng thương hiệu và sản xuất nhiều nhóm hàng khác nhau. Hiện chúng ta xuất khẩu vào Mỹ chủ yếu là sản phẩm phổ thông giá tương đối rẻ. Nhóm này lợi thế khách hàng lớn, nhưng cần làm thêm các sản phẩm có giá trị cao hơn tránh rủi ro dồn xuất khẩu vào một mặt hàng.
Chiến lược lâu dài phải đa dạng hoá thị trường, hiện chúng ta xuất khẩu vào Mỹ nhiều và quá nhanh. Điều này dẫn tới các biện páp phòng vệ thương mại. Thực tế cho thấy thường cứ sau 2 năm Mỹ áp thuế chống bán phá giá vào 1 mặt hàng nào đó của Trung Quốc thì sẽ điều tra Việt Nam. Bởi họ cho rằng, có sự dịch chuyển từ Trung Quốc sang Việt Nam. Do đó, các địa phương khi cấp phép cho đầu tư và nhập khẩu phải có kiểm soát tốt vấn đề này.
-Xin cảm ơn ông!
Có thể bạn quan tâm
Doanh nghiệp xuất khẩu gỗ dán cứng chưa bị Mỹ áp thuế lẩn tránh phòng vệ thương mại
02:03, 24/08/2022
Liên tiếp "dính" kiện phòng vệ thương mại, doanh nghiệp thép gặp khó
06:12, 08/08/2022
Doanh nghiệp ứng phó ra sao với biện pháp phòng vệ thương mại?
01:00, 06/08/2022
Cần cải thiện năng lực ứng phó phòng vệ thương mại
04:00, 26/07/2022
Nguy cơ tủ gỗ xuất khẩu bị khởi xướng điều tra chống lẩn tránh thuế phòng vệ thương mại
17:00, 07/05/2022