Quản lý thị trường xăng dầu: Cần thiết kế lại để đảm bảo tính cạnh tranh
Bên cạnh sự cần thiết phải nghiên cứu, sửa đổi sớm các bất cập về chính sách kinh doanh xăng dầu, chuyên gia cho rằng, Bộ Công Thương cũng nên xem xét sớm thiết kế lại thị trường này…
>> Bất ổn thị trường xăng dầu - Vì đâu nên nỗi?
Theo đó, sự bất ổn của thị trường xăng dầu thời gian qua đã và đang bộc lộ nhiều hạn chế, bất cập trong công tác quản lý, bên cạnh những quy định được cho là lỗi thời, chưa theo kịp với thực tế phát triển, thì một số ý kiến cũng cho rằng, cơ quan quản lý cũng nên làm rõ hơn ở nhiều góc độ khác nhau như đi sâu vào mối quan hệ giữa doanh nghiệp bán lẻ và đầu mối dựa trên các hợp đồng thương mại để có thể thấy được “góc khuất”.
Thực tế, thị trường xăng dầu được đánh giá là “màu mỡ” nên không ít doanh nghiệp đã dốc tiền đầu tư, tìm mọi cách để xin được giấy phép tham gia kinh doanh xăng dầu từ làm đầu mối nhập khẩu cho đến tổng đại lý, thương nhân phân phối, cửa hàng bán lẻ...
Theo Thông tư số 104/TT-BTC năm 2021 của Bộ Tài chính (hướng dẫn các yếu tố cấu thành công thức giá cơ sở) thì khoản lợi nhuận định mức được Nhà nước tính trong giá bán xăng dầu là 300 đồng/lít, có nghĩa doanh nghiệp luôn có khoản lãi này. Trong khi, ngoài khoản lợi nhuận định mức, còn có chi phí kinh doanh là 950-1.250 đồng/lít cũng được Nhà nước tính vào giá bán xăng dầu.
Mức chiết khấu là do đầu mối tự thỏa thuận với đại lý, nhưng để ràng buộc đại lý lấy hàng, các đầu mối thường có mức chiết khấu đủ cạnh tranh. Khi lợi nhuận tăng, đầu mối phải chia sẻ lợi nhuận cho đại lý, và trong trường hợp khó khăn nhất, các đầu mối vẫn phải trả chiết khấu cho đại lý, bởi lợi nhuận định mức và chi phí kinh doanh đã được tính vào giá xăng dầu và tổng mức này không hề thấp, đủ để đầu mối và bán lẻ chia sẻ.
Từ đó, một số ý kiến cho rằng, Bộ Công Thương cần phải vào cuộc điều tra làm rõ lợi nhuận của các đầu mối, vì sao không trả chiết khấu cho đại lý để dẫn đến hiện trạng hàng loạt các doanh nghiệp bán lẻ bức xúc đòi nghỉ bán, tiềm ẩn đe dọa đến nguồn cung của thị trường thời gian qua?... Đồng thời, cũng cần nghiên cứu quy định bắt buộc các đầu mối phải chiết khấu tối thiểu cho đại lý bán lẻ.
Theo nhiều chuyên gia, đáng lo ngại nhất hiện nay không còn là ở hệ thống bán lẻ, mà chính là các đầu mối, cùng với cách quản lý, điều hành thiếu linh hoạt của cơ quan chức năng, từ việc cấp phép nhập khẩu, các tiêu chí về hệ thống, đến lịch điều chỉnh giá xăng dầu, mức trích lập và chi sử dụng, cách vận hành quỹ bình ổn giá,…
>> Quản lý thị trường xăng dầu: Cần một cuộc… “đại phẫu”
Thông tin với báo chí mới đây, nguyên Cục trưởng Cục Quản lý giá (Bộ Tài chính) - Nguyễn Tiến Thỏa cho rằng, nếu không trị tận gốc rễ, giải quyết bản chất vấn đề thì tình trạng hiện nay là tiền lệ xấu, sẽ còn tái diễn trong thời gian tới.
Ông Thỏa đề xuất, trước hết, cần điều chỉnh lại Nghị định số 95/2021/NĐ-CP (về kinh doanh xăng dầu) theo hướng: Đối với doanh nghiệp xuất nhập khẩu xăng dầu thì không bắt buộc phải sở hữu hệ thống cửa hàng bán lẻ, để giúp nhiều doanh nghiệp có thể tham gia xuất nhập khẩu; tạo môi trường cạnh tranh, có nhiều đầu mối tham gia nguồn cung, ngăn chặn nguy cơ độc quyền, lũng đoạn thị trường (thậm chí có thể mở cửa cho các doanh nghiệp xăng dầu nước ngoài vào hoạt động).
Và trên hết, cơ quan quản lý cần xem lại hiệu quả điều hành giá, nguồn cung, sự minh bạch và chịu trách nhiệm nếu tiếp tục để xăng dầu thiếu hụt trong thời gian tới, dù chỉ là “thiếu giả”.
Còn theo chuyên gia kinh tế - TS Vũ Đình Ánh, vừa rồi, Bộ Công Thương tước giấy phép 5 doanh nghiệp xăng dầu đầu mối nhưng chưa thực hiện và doanh nghiệp vẫn được tiếp tục kinh doanh là thất bại trong quản lý. Điều này cho thấy Bộ Công Thương cần phải thiết lập lại thị trường xăng dầu, đặc biệt trong bối cảnh nguồn cung xăng dầu trong nước chiếm đa phần.
“Báo cáo mới nhất được Bộ Công Thương công bố gần đây cho thấy Tập đoàn Dầu khí Việt Nam đã có kế hoạch sản xuất xăng dầu của 2 nhà máy lọc dầu trong nước (Nhà máy Nghi Sơn và Nhà máy Bình Sơn) trong 6 tháng cuối năm.
Cụ thể, quý III dự kiến sản xuất 3,9 triệu m3 (chiếm 72% tổng nhu cầu) và quý IV dự kiến sản xuất 4,4 triệu m3 (chiếm 80% tổng nhu cầu). Về cơ bản, lượng sản xuất theo kế hoạch đề ra để cân đối cung cầu từ đầu năm 2022 và đã được phân giao thực hiện cho các thương nhân đầu mối kinh doanh xăng dầu trong nước để bảo đảm nguồn cung cho thị trường.
Vì vậy, tôi cho rằng Bộ Công Thương chịu trách nhiệm quản lý cả hệ thống sản xuất, lẫn giấy phép xuất nhập khẩu, cũng như quản lý kinh doanh của doanh nghiệp đầu mối đến tận cây xăng cuối cùng thì hoàn toàn có quyền thiết lập lại thị trường xăng dầu”, vị chuyên gia này chia sẻ.
Cũng theo TS Vũ Đình Ánh, hệ thống cung cấp do một vài doanh nghiệp đầu mối lớn chiếm thị phần chi phối quyết định, thống lĩnh thị trường nên không có sự cạnh tranh lẫn nhau, dẫn tới khi Bộ Công Thương tước giấy phép một vài doanh nghiệp đầu mối, lập tức nảy sinh ra tình trạng là cây xăng của họ thiếu nguồn, dừng bán.
Trước mắt, chúng ta không bàn tới câu chuyện giá, bởi vì giá đi theo thị trường. Thị trường thế nào thì sẽ có chính sách giá, quản lý giá như vậy.
“Vì vậy, cần thiết kế lại thị trường xăng dầu làm sao đảm bảo tính cạnh tranh của các doanh nghiệp đầu mối và đảm bảo tính linh hoạt của hệ thống bán lẻ xăng dầu khi mà có biến động từ phía doanh nghiệp đầu mối. Không để tình trạng như hiện nay, tức là các thương nhân gắn bó với nhau quá chặt, một vài doanh nghiệp đầu mối dừng lại thì lập tức thị trường xăng dầu gặp khó”, TS Vũ Đình Ánh bày tỏ.
Có thể bạn quan tâm
Bất ổn thị trường xăng dầu - Vì đâu nên nỗi?
15:00, 08/09/2022
Quản lý thị trường xăng dầu: Cần một cuộc… “đại phẫu”
05:30, 07/09/2022
Bộ Công Thương tước giấy phép thêm 5 doanh nghiệp đầu mối xăng dầu
08:00, 06/09/2022
Quản lý thị trường xăng dầu: Bỏ Quỹ bình ổn giá trước khi Luật Giá sửa đổi
04:00, 04/09/2022
Quản lý thị trường xăng dầu: Không thể để doanh nghiệp bán lẻ ký với nhiều đầu mối
03:50, 02/09/2022