Quản lý thị trường xăng dầu: Cần một cuộc… “đại phẫu”

Diendandoanhnghiep.vn Trước những tồn tại, bất cập của thị trường xăng dầu thời gian qua, nhiều ý kiến cho rằng, đã đến lúc Bộ Công Thương cần thẳng thắn nhìn lại cơ chế điều hành, quản lý để có sự điều chỉnh phù hợp…

>> Quản lý thị trường xăng dầu: Bỏ Quỹ bình ổn giá trước khi Luật Giá sửa đổi

Theo đó, thời gian qua, tình trạng cửa hàng xăng dầu thông báo hết hàng, bán nhỏ giọt tiếp tục xảy ra ở nhiều địa phương trên cả nước. Điều này không chỉ chỉ tiềm ẩn nguy cơ ảnh hưởng đến đời sống của người dân, mà còn đe dọa đến hoạt động sản xuất, kinh doanh của cộng đồng doanh nghiệp, khi xăng dầu được cho là một trong những trụ cột của an ninh năng lượng, “huyết mạch” lưu thông cho nền kinh tế.

Nhiều ý kiến cho rằng, đã đến lúc cần nhìn thẳng vào công tác quản lý

Nhiều ý kiến cho rằng, đã đến lúc cần nhìn thẳng vào công tác quản lý, điều hành để có giải pháp phù hợp ổn định thị trường xăng dầu - Ảnh minh họa: TN

Trước sự bất thường của thị trường vừa qua, Bộ trưởng Bộ Công Thương - Nguyễn Hồng Diên đã thành lập 3 tổ công tác do 3 Thứ trưởng đảm nhiệm để kiểm tra thị trường ngay trong dịp nghỉ lễ 2/9, đồng thời cơ quan Quản lý thị trường cũng khẳng định giám sát 24/24 giờ các cửa hàng xăng dầu.

Thế nhưng, kết quả ban đầu ghi nhận, một số cửa hàng được kiểm tra hết hàng, thiếu xăng hoặc dầu cục bộ, thậm chí truy đến tận nguồn cung là các thương nhân đầu mối, phân phối... nguồn hàng cũng thiếu hụt hoặc không còn. Trong khi trước đó, Bộ Công Thương luôn khẳng định, tổng nguồn cung xăng dầu đủ đáp ứng nhu cầu.

Nếu việc thiếu xăng dầu diễn ra hồi đầu năm 2022 được lý giải do Nhà máy lọc dầu Nghi Sơn giảm công suất vì các vấn đề liên quan tài chính, thì lúc này hiện trạng đứt gãy nguồn cung xăng dường như chưa thể đưa ra được nguyên nhân cụ thể vì thực tế đã và đang tồn tại thực trạng “thiếu thật”.

Vậy, nguyên nhân từ đâu? Với hơn 30 doanh nghiệp đầu mối, phân phối xăng dầu mà thiếu nguồn cung liệu có thỏa đáng?

Không phủ nhận trong quá trình hoạt động có những doanh nghiệp vi phạm, đầu cơ, làm ăn bất chính nên hệ quả là có những doanh nghiệp bị xử phạt, tước giấy phép. Nhưng khi thị trường có quá nhiều doanh nghiệp vi phạm và sự đứt gãy chuỗi lưu thông, phân phối xăng dầu ngày càng nhiều hơn thì liệu đã đến lúc cần phải xem lại cơ chế điều hành?

>> Quản lý thị trường xăng dầu: Không thể để doanh nghiệp bán lẻ ký với nhiều đầu mối

Thời gian vừa qua, lực lượng chức năng tại các địa phương cũng liên tục tăng cường kiểm tra, giám sát hoạt động kinh doanh xăng dầu - Ảnh minh họa: BTN

Thời gian vừa qua, lực lượng chức năng tại các địa phương cũng liên tục tăng cường kiểm tra, giám sát hoạt động kinh doanh xăng dầu - Ảnh minh họa: BTN

Thực tế, vừa qua, 25 doanh nghiệp, đại lý bán lẻ xăng dầu cũng đã cùng ký vào văn bản khẩn thiết gửi chính quyền sở tại và Bộ Công Thương - cơ quan quản lý Nhà nước về lĩnh vực xăng dầu để “trải lòng về những bất cập của đại lý bán lẻ trong kinh doanh xăng dầu ở thời điểm thực tại”.

Trong đó, các doanh nghiệp đã dẫn chứng về sự điều hành bất cập, khi bối cảnh giá xăng dầu thế giới biến động mạnh với chiều hướng tăng cao suốt nhiều tháng qua khiến các doanh nghiệp, đại lý bán lẻ xăng dầu (hầu hết là doanh nghiệp nhỏ, doanh nghiệp tư nhân) phải chịu lỗ liên tục do đầu mối, thương nhân phân phối chiết khấu mức hoa hồng rất thấp, không đủ chi phí vận tải, thuê nhân công; Thậm chí, có thời điểm mức hoa hồng trên mỗi lít xăng dầu chỉ là “0 đồng” nhưng vẫn không được cấp đủ nguồn, không được đóng cửa. Khiến hệ quả là các đại lý “lỗ nặng, càng bán càng lỗ nhưng vẫn phải mở cửa…”.

Không chỉ có doanh nghiệp và đại lý bán lẻ xăng dầu kêu khó, bản thân những đầu mối nhập khẩu, phân phối xăng dầu lớn cũng đang tỏ rõ sự lo lắng cho thị trường xăng dầu nội địa.

Mới đây, Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam (Petrolimex) cũng đã có văn bản khẩn gửi liên Bộ Công Thương - Tài chính và Uỷ ban Quản lý vốn Nhà nước trong đó nêu rõ, các yếu tố cấu thành trong giá cơ sở như chi phí đưa xăng dầu về đến cảng (premium) và chi phí vận tải tại nguồn trong nước chưa được tính đủ từ chu kỳ điều hành giá ngày 11/7 đến nay đã tạo ra khó khăn rất lớn về nguồn lực tài chính của các thương nhân đầu mối kinh doanh xăng dầu trong việc chia sẻ thù lao/chiết khấu cho các thương nhân nhượng quyền bán lẻ...

Bên cạnh đó, theo quy định tại Nghị định 95/2021, do thời điểm điều hành giá trùng vào lễ 2/9 nên thời gian điều hành giá phải lùi lại đến ngày làm việc đầu tiên tiếp theo.

“Sự cộng hưởng của các yếu tố trên đã tác động rất lớn đến thị trường xăng dầu trong nước. Thậm chí đã xảy ra hiện tượng nhiều cửa hàng dừng bán hàng, dẫn tới nhu cầu dồn về Petrolimex và sản lượng tiêu thụ của tập đoàn tăng mạnh trên các kênh bán hàng, nhất là kênh bán lẻ trực tiếp”, Petrolimex nhấn mạnh.

Từ thực tế đã nêu, nhiều ý kiến cũng cho rằng, thị trường xăng dầu như đang trong vòng luẩn quẩn từ cơ chế điều hành, vận hành thị trường cho đến các quy định ngày càng bộc lộ sự chưa theo kịp với thực tiễn. Vì vậy, cần thiết phải có một cuộc “đại phẫu” trong quản lý ngành xăng dầu, để đánh giá xem xét lại các quy định và cơ chế quản lý để thẳng thắn nhận diện bất cập, mới có thể giúp thị trường lành mạnh hơn và mối nguy mất an ninh năng lượng mới có thể được giải tỏa từ gốc.

Trên thực tế, chỉ riêng việc quy định về thời gian điều hành giá cố định vào các ngày 1; 11 và 21 hàng tháng và có gia hạn khi trùng thời điểm nghỉ lễ Tết, trong khi nhu cầu tiêu dùng xăng dầu diễn ra thường nhật, giá xăng dầu thế giới biến động hàng ngày đã cho thấy rõ những bất cập, cần sớm được nghiên cứu, điều chỉnh.

Để ổn định thị trường xăng dầu trong bối cảnh hiện nay, thông tin với báo chí PGS.TS Đinh Trọng Thịnh – Giảng viên cao cấp Học viện Tài chính cho rằng, Bộ Công Thương nhận định xăng dầu không thiếu, điều này đúng nếu cân đối về sản lượng tiêu thụ và sản lượng nhập. Tuy nhiên, lại xảy ra tình trạng thiếu cục bộ theo thời điểm, địa bàn. Do đó, Bộ cũng cần ghi nhận, nắm bắt các phản hồi từ doanh nghiệp cũng như thực tiễn của thị trường để từ đó có những điều chỉnh cho phù hợp.

Đánh giá của bạn:

Mời các bạn tham gia vào group Diễn đàn Doanh nghiệp để thảo luận và cập nhật tin tức.

Bạn đang đọc bài viết Quản lý thị trường xăng dầu: Cần một cuộc… “đại phẫu” tại chuyên mục DIỄN ĐÀN PHÁP LUẬT của Tạp chí Diễn đàn doanh nghiệp. Liên hệ cung cấp thông tin và gửi tin bài cộng tác: email toasoan@dddn.com.vn, hotline: 0985698786,
Bình luận
Bạn còn /500 ký tự
Xếp theo: Thời gian | Số người thích
SELECT id,type,category_id,title,description,alias,image,related_layout,publish_day FROM cms_post WHERE `status` = 1 AND publish_day <= 1714136115 AND in_feed = 1 AND top_home <> 1 AND status = 1 AND publish_day <= 1714136115 ORDER BY publish_day DESC, id DESC LIMIT 0,11
1 2 3 4 5 6 7 8 9 10