Giảm áp lực giá dầu - Cần chính sách hỗ trợ các ngành kinh tế chịu tác động
Trước nhiều tiềm ẩn hệ lụy khi giá dầu tăng mạnh, lần đầu cao hơn giá xăng, chuyên gia cho rằng, Chính phủ cần tính tới chính sách hỗ trợ các ngành kinh tế chịu tác động bởi giá dầu…
>> Ổn định thị trường xăng dầu: Cần thay đổi cơ chế tính chi phí
Theo đó, tại phiên điều hành giá ngày 12/9, giá xăng RON95 giảm 1.015 đồng/lít, bán ra mức 23.215 đồng/lít; xăng E5 RON92 giảm 1.128 đồng/lít, bán ra là 22.231 đồng/lít; dầu diesel giảm 1.008 đồng/lít, bán ra mức 24.180 đồng/lít. Tuy nhiên, dù đã “hạ nhiệt”, nhưng với mức giảm này, giá dầu diesel vẫn tiếp tục cao hơn giá xăng.
Việc giá dầu tăng mạnh, cao hơn giá xăng đã và đang tiềm ẩn nhiều hệ lụy đến một số ngành kinh tế, nhất là khi các dự báo mới đây cho thấy, nhu cầu về dầu diesel tiếp tục tăng cao do nhiều quốc gia EU và Mỹ tăng mua trữ cho sản xuất và sưởi ấm vào mùa đông, đồng nghĩa, giá mặt hàng nhiên liệu này sẽ tiếp tục đứng ở mức cao trong những tháng tới.
Trong khi, mặt hàng dầu được cho nếu ở mức cao sẽ tác động mạnh tới các ngành vận tải, dịch vụ/logistics, hoạt động sản xuất công nghiệp (nhất là ngành khai thác than) và các hoạt động khai thác, đánh bắt thủy sản trong ngành nông nghiệp…
Thông tin với báo chí mới đây, Phó Chủ tịch Hiệp hội Vận tải Ô tô Hà Nội - Đỗ Văn Bằng cho biết, giá dầu diesel hiện vẫn nằm trong biên độ giá cước mà doanh nghiệp vận tải đã tính toán, nên chưa tác động đến việc tăng giá cước vận chuyển. Nhưng việc giá nhiên liệu này liên tục biến động mạnh như thời gian vừa qua khiến các doanh nghiệp vận tải gặp nhiều khó khăn trong xây dựng chiến lược kinh doanh.
Không những thế, việc giá dầu neo cao kéo theo chi phí đầu vào của nhiều ngành sản xuất, đội giá sản phẩm lên cao, sức mua bị giảm sút, gián tiếp ảnh hưởng đến hoạt động vận tải hàng hóa của doanh nghiệp. Nhiều đơn vị vốn đã khó khăn vì giá xăng dầu nay lại “đói hàng” nên càng lao đao.
Trước đó, tại một số địa phương, khi giá dầu biến động mạnh trong những phiên điều hành gần đây, hàng loạt tàu cá của ngư dân cũng đã phải nằm bờ bởi chi phí cho mỗi chuyến ra khơi tốn gần gấp đôi…
>> Ổn định thị trường xăng dầu: Cần áp dụng sớm “công cụ” bình ổn giá
Từ thực trạng đã nêu, một số ý kiến đề xuất, trong thời gian tới, Nhà nước có thể áp dụng, việc sử dụng Quỹ bình ổn giá xăng dầu để giảm áp lực tăng giá dầu diesel.
Tuy nhiên, theo các chuyên gia, việc áp dụng Quỹ bình ổn đối với điều hành giá xăng dầu nói chung, các mặt hàng dầu nói riêng không có nhiều dư địa, do việc trích lập vào quỹ bình ổn đối với mặt hàng dầu là không nhiều. Ví như một số kỳ điều hành gần đây, cơ quan điều hành giá chỉ trích lập quỹ bình ổn đối với dầu diesel ở mức 90 đồng/lít, dầu hỏa ở mức 200 đồng/lít và dầu mazut ở mức 741 đồng/kg (như kỳ trước), trong khi biến động giá của mặt hàng này lại khá lớn.
Từ đó, thay vì giải pháp sử dụng Quỹ bình ổn, các chuyên gia cho rằng, Chính phủ cần tính tới các chính sách hỗ trợ cụ thể cho những ngành kinh tế chịu tác động trực tiếp bởi giá dầu, qua đó giảm áp lực lên giá hàng hóa.
Theo PGS.TS Đinh Trọng Thịnh – Giảng viên cao cấp Học viện Tài chính, dầu diesel là nhiên liệu phổ biến cho hoạt động vận tải, đánh bắt thủy hải sản, sản xuất chế tạo… Khi giá dầu tăng quá cao sẽ tiếp tục đẩy giá cả hàng hóa đi lên và áp lực lạm phát ngày càng lớn. Đây sẽ là cú sốc kép đối với người tiêu dùng bởi giá dầu diesel được chuyển sang tay người tiêu dùng thông qua giá bán hàng hóa. Vì vậy, Nhà nước nên xem xét hỗ trợ các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh lớn, những đơn vị sử dụng nhiều dầu.
Tuy nhiên, PGS.TS Đinh Trọng Thịnh cho rằng, nên hỗ trợ theo ngành, theo mức tiêu thụ cho các doanh nghiệp dùng nhiều dầu, như vậy mới thúc đẩy hồi phục sản xuất, kinh doanh.
Còn theo PGS.TS Ngô Trí Long - nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu giá (Bộ Tài chính), giá dầu tăng kỷ lục, đắt hơn cả xăng đang tác động rất lớn đến hoạt động vận tải, sản xuất, chế tạo, đánh bắt hải sản... Để có thể ổn định sản xuất kinh doanh và hạn chế tác động của giá dầu diesel, Nhà nước có thể tính đến giải pháp hỗ trợ giá dầu.
“Dầu là chi phí đầu vào của hầu hết ngành sản xuất, chế tạo... và dịch vụ vận tải nên khi giá dầu tăng cao sẽ tác động rất lớn đến mặt bằng giá cả thị trường. Trường hợp giá dầu tiếp tục tăng mạnh, kéo dài các giải pháp giảm thêm thuế phí chưa thể thực hiện ngay được, Nhà nước có thể hỗ trợ trực tiếp người dân, doanh nghiệp để duy trì cuộc sống và hồi phục kinh tế”, PGS.TS Ngô Trí Long bày tỏ.
Bên cạnh các giải pháp đã nêu, các chuyên gia cũng khuyến nghị, cùng với các biện pháp hỗ trợ từ Chính phủ thì sử dụng tiết kiệm và hiệu quả năng lượng nói chung, xăng dầu nói riêng là giải pháp quan trọng của các ngành nghề, doanh nghiệp, vừa góp phần giảm chi phí cho doanh nghiệp, tăng sức cạnh tranh của sản phẩm, hàng hóa, vừa góp phần giảm áp lực phải nhập khẩu xăng dầu.
Được biết trước đó, để kiểm soát lạm phát và đưa nền kinh tế tăng trưởng, nhiều ý kiến cho rằng, cần tính toán các dư địa để tiếp tục giảm thuế, phí trong giá bán lẻ xăng dầu. Đồng thời cân nhắc giảm thuế VAT với mặt hàng xăng dầu đến hết năm 2022 và thuế tiêu thụ đặc biệt với xăng dầu như kinh nghiệm của một số nước.
Có thể bạn quan tâm
Ổn định thị trường xăng dầu: Cần thay đổi cơ chế tính chi phí
11:30, 16/09/2022
Ổn định thị trường xăng dầu: Cần áp dụng sớm “công cụ” bình ổn giá
15:00, 15/09/2022
Ổn định thị trường xăng dầu: Cần cơ chế đặc biệt hỗ trợ lưu thông
04:00, 14/09/2022
Quản lý thị trường xăng dầu: Thấy gì từ việc tước giấy phép doanh nghiệp đầu mối?
04:00, 11/09/2022
Quản lý thị trường xăng dầu: Lộ thêm… “lỗ hổng”
04:00, 10/09/2022