Bên cạnh những tồn tại của chính sách, theo các chuyên gia, sự bất ổn của thị trường xăng dầu thời gian qua cũng đến từ việc cơ chế tính chi phí xăng dầu hiện nay đã lạc hậu, không còn phù hợp…
>> Ổn định thị trường xăng dầu: Cần áp dụng sớm “công cụ” bình ổn giá
Theo đó, mặc dù Bộ Công Thương liên tục khẳng định, không thiếu xăng dầu, luôn sẵn sàng các phương án đảm bảo đáp ứng đầy đủ nguồn cung từ nay đến cuối năm, đồng thời, tăng cường kiểm tra, giám sát hệ thống bán lẻ xăng dầu và xử lý nghiêm các vi phạm,… Tuy nhiên, không chỉ trước thời điểm điều chỉnh giá xăng dầu tăng, mà ngay khi giá các mặt hàng xăng dầu đã được điều chỉnh giảm, thị trường bán lẻ xăng dầu vẫn tiếp tục chứng kiến cảnh nhiều cây xăng đóng cửa, hoặc treo biển hết hàng, nghỉ bán, hoặc chỉ bán cầm chừng, giảm/bỏ cột bơm… trong thời gian qua.
Vậy nguyên nhân nào dẫn tới thực trạng đã nêu? Ngoài chính sách, điều gì khiến thị trường xăng dầu liên tục rơi vào tình trạng bất ổn?
Theo các chuyên gia, một trong những nguyên nhân khiến thị trường xăng dầu luôn đứng trước trạng thái bất ổn thời gian qua xuất phát từ cách tính chi phí đã lạc hậu, không còn phù hợp tình hình thực tế.
Cụ thể, một số chi phí, phụ phí nhập khẩu xăng dầu hiện đã tăng 2 - 3 lần so với trước nhưng cách tính chi phí xăng dầu không thay đổi. Điều này khiến doanh nghiệp đầu mối bị giảm lợi nhuận, thậm chí gánh lỗ nên buộc họ phải giảm chiết khấu cho các đại lý, tổng đại lý, hoặc bán nhỏ giọt cho các cây xăng bán lẻ. Đến lượt mình, đại lý, cửa hàng bán lẻ không có hàng để bán, hoặc cũng phải bán cầm chừng để giảm lỗ. Từ đó dẫn tới chuỗi cung ứng xăng dầu bị ảnh hưởng khiến thị trường bất ổn thời gian qua.
Thông tin với báo chí, chuyên gia kinh tế - Vũ Vinh Phú cho rằng, nghiên cứu điều chỉnh cách tính chi phí xăng dầu là trách nhiệm của Bộ Tài chính. Do đó, Bộ Tài chính cần phải tính toán lại chính sách về chi phí định mức kinh doanh xăng dầu sao cho phù hợp với sự thay đổi tình hình xăng dầu thế giới, vừa đảm bảo quyền lợi cho doanh nghiệp, bởi ngành nghề nào cũng vậy, kinh doanh là phải có lợi nhuận.
“Bộ Tài chính cần nghiên cứu lại cách tính chi phí sao cho hợp lý, phù hợp quy định, hài hòa giữa lợi ích của doanh nghiệp và người tiêu dùng. Nếu những tồn tại này được gỡ bỏ, sẽ giải quyết từ gốc nguy cơ cây xăng đóng cửa, khan hiếm xăng dầu”, chuyên gia Vũ Vinh Phú nhấn mạnh.
>> Ổn định thị trường xăng dầu: Cần cơ chế đặc biệt hỗ trợ lưu thông
Thực tế, vấn đề liên quan đến cách tính phí với xăng dầu không phải mới được đề cập, trước đó, tại cuộc họp tổ điều hành thị trường trong nước thường kỳ tháng 8 diễn ra mới đây, ông Bùi Ngọc Bảo - Chủ tịch Hiệp hội Xăng dầu Việt Nam (VINPA) cho biết, VINPA đã nhiều lần kiến nghị Bộ Tài chính tính toán lại khoản premium trong nước và chi phí đưa xăng dầu từ nhà máy trong nước về đến cảng để tính giá xăng dầu.
Theo Chủ tịch VINPA, thời gian qua, do ảnh hưởng của xung đột giữa Nga và Ukraine, giá xăng dầu thế giới đã tăng lên mức rất cao. Trong công thức tính giá, cơ quan Nhà nước đã quy định rất rõ việc tính toán theo giá thế giới trong vòng 10 ngày. Tuy nhiên, những chi phí nằm trong công thức giá vẫn áp dụng và sử dụng những chi phí được xác lập từ năm 2014 mà chưa được rà soát lại, chưa được hiệu chỉnh lại.
Trong khi đó, từ năm 2014 đến nay, những yếu tố như lạm phát, chi phí gia tăng trong vận tải, chi phí về tỷ giá, lãi suất đã có những thay đổi, đặc biệt là có những phụ phí vẫn chưa đầy đủ, dẫn đến việc tính thiếu cho các doanh nghiệp. Trong khi để vận hành thị trường xăng dầu một cách trơn tru, phù hợp, ngoài yếu tố thực hiện theo pháp luật, thì cần làm sao để doanh nghiệp đủ chi phí kinh doanh. Doanh nghiệp xăng dầu cũng phải tính toán đến lợi nhuận, nếu lỗ kéo dài, nhiều doanh nghiệp sẽ phải rời thị trường, ảnh hưởng đến hệ thống cung ứng và gây bất ổn thị trường.
“Đối với mặt hàng xăng, chúng ta đang tính phụ phí trên cơ sở giá dầu/giá xăng chỉ ở mức 85 USD/thùng, nhưng trong quý I/2022 và hiện tại, giá xăng dầu đã lên đến hơn 110 - 120 USD/thùng. Do đó, có thể nói là những phụ phí trong công thức giá không theo kịp đó dẫn đến việc các doanh nghiệp đầu mối thiếu phần chi phí và đương nhiên sẽ tác động đối với hệ thống của đầu mối là đại lý hoặc là thương nhân phân phối, dẫn đến chiết khấu giảm mạnh”, ông Bảo chia sẻ.
Từ đó, Chủ tịch VINPA kiến nghị, cần sớm rà soát lại chi phí kinh doanh định mức. Ngoài ra, xăng dầu là mặt hàng Nhà nước quản lý, vì vậy, nên đưa ra mức giá trần, doanh nghiệp sẽ cân đối để điều chỉnh giá mà không tính toán theo biến động ngày.
Đồng tình với quan điểm của Chủ tịch VINPA, nhiều chuyên gia cũng cho rằng, vấn đề của thị trường xăng dầu hiện nay nằm ở cách quản lý, điều hành, trong đó có cơ chế tính giá chưa hợp lý. Ví dụ về chi phí vận chuyển, trước đây phí vận chuyển từ Singapore về Việt Nam khoảng 1 USD/thùng, nay lên gấp 2 – 3 lần song vẫn giữ định mức 1 USD/thùng là không ổn. Hay về tiêu chuẩn khí thải, Việt Nam điều hành giá với xăng dầu theo tiêu chuẩn khí thải Euro 3, trong khi thế giới áp dụng tiêu chuẩn Euro 5 (chênh lệch khoảng 7 – 8 USD/thùng).
Như vậy, với mức chênh lệch đã nêu, nếu không thay đổi cơ chế tính chi phí đảm bảo hài hòa lợi ích cho các bên liên quan, thì việc ổn định thị trường xăng dầu sẽ là rất khó.
Có thể bạn quan tâm
Ổn định thị trường xăng dầu: Cần áp dụng sớm “công cụ” bình ổn giá
15:00, 15/09/2022
Ổn định thị trường xăng dầu: Cần cơ chế đặc biệt hỗ trợ lưu thông
04:00, 14/09/2022
Quản lý thị trường xăng dầu: Thấy gì từ việc tước giấy phép doanh nghiệp đầu mối?
04:00, 11/09/2022
Quản lý thị trường xăng dầu: Lộ thêm… “lỗ hổng”
04:00, 10/09/2022
Quản lý thị trường xăng dầu: Cần thiết kế lại để đảm bảo tính cạnh tranh
04:00, 09/09/2022