Cân nhắc khung pháp lý cho kinh tế chia sẻ

GIA NGUYỄN thực hiện 24/09/2022 11:00

Hoàn thiện khung pháp lý cho kinh tế chia sẻ, sẽ giúp mô hình này “đi đúng đường ray”, tạo điều kiện thu hút đầu tư lớn cho đổi mới sáng tạo, đồng thời loại bỏ những biến tướng, gây hệ lụy cho xã hội…

>>Kinh tế chia sẻ và sự bắt nhịp của tư duy

Đây là chia sẻ của Luật sư Nguyễn Trọng Hiệp – Giám đốc Công ty luật HPVN với Diễn đàn Doanh nghiệp.

- Thưa Luật sư, ông đánh giá sao về mô hình kinh tế chia sẻ tại Việt Nam hiện nay?

Những năm gần đây, dưới tác động của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 đã tạo nên một thời đại “công nghệ số”, việc ứng dụng công nghệ vào mọi lĩnh vực đời sống trở thành xu hướng phát triển tất yếu của xã hội.

Tại Việt Nam, mặc dù kinh tế chia sẻ chưa phát triển mạnh như ở nhiều nước trên thế giới, nhưng mô hình kinh tế mới này cũng đã xuất hiện và có nhiều tiềm năng để phát triển. Một số loại hình kinh tế chia sẻ đã xuất hiện ở Việt Nam, bao gồm: Dịch vụ chia sẻ phương tiện giao thông như Grab, Go Viet, Dichung, Fastgo, Be...; Dịch vụ lưu trú như Airbnb, Travelmob, Luxstay,…; Dịch vụ cho vay ngang hàng, chủ yếu tập trung vào các doanh nghiệp Fintech.

Ngoài ra, nhiều dịch vụ khác cũng đã được hình thành như dịch vụ du lịch, chia sẻ không gian làm việc, gửi xe, chia sẻ lao động và việc làm,… Và trong tương lai, dự kiến còn nhiều ngành nghề hoặc nhóm ngành, dịch vụ khác phát triển theo mô hình kinh tế chia sẻ.

Tuy nhiên, sự phát triển của mô hình kinh tế chia sẻ tại Việt Nam cũng làm nảy sinh một số vấn đề về pháp lý, dẫn đến các rủi ro tiềm ẩn về an toàn xã hội và cạnh tranh không lành mạnh.

- Cụ thể ở đây là gì, thưa Luật sư?

Về mặt quản lý Nhà nước, các loại dịch vụ kinh tế chia sẻ hiện nay chưa có một quy định chung mà chỉ là những chính sách thể hiện cụ thể ở từng lĩnh vực. Việc cấp giấy phép kinh doanh còn gặp vướng mắc dẫn đến lúng túng trong việc xác định bản chất giao dịch để áp thuế do hoạt động này vẫn chưa có trong danh mục ngành nghề kinh doanh. Luật Công nghệ thông tin cũng chưa có quy định đối với các cá nhân hay tổ chức nước ngoài có hợp tác, kinh doanh không có văn phòng đại diện tại Việt Nam.

Các mô hình kinh tế chia sẻ mới chỉ bắt đầu hoạt động tại Việt Nam trong khoảng 5 - 6 năm trở lại đây, nhưng quy mô thị trường của các mô hình kinh tế này đã hết sức lớn mạnh.

Các mô hình kinh tế chia sẻ mới chỉ bắt đầu hoạt động tại Việt Nam trong khoảng 5 - 6 năm trở lại đây, nhưng quy mô thị trường của các mô hình kinh tế này đã hết sức lớn mạnh.

Đơn cử như mô hình của Grab, đã gần chục năm kể từ khi vào Việt Nam, nhưng đến nay doanh nghiệp cung cấp dịch vụ công nghệ này vẫn bị áp vào mô hình kinh doanh truyền thống - doanh nghiệp cung cấp dịch vụ vận tải. Nguyên do là chưa đánh giá được tác động đối với những mô hình kinh doanh truyền thống cũng như người tiêu dùng, chưa rõ những lợi ích và hậu quả kinh tế - xã hội của các mô hình kinh doanh mới.

Và hệ quả của sự chậm trễ này đã làm tuột mất cơ hội của doanh nghiệp, của quốc gia. Việc doanh nghiệp tiếp tục hoạt động mà không có hành lang pháp lý rõ ràng sẽ khiến Nhà nước thất thu thuế, môi trường kinh doanh gặp rào cản và người tiêu dùng không được bảo vệ.

>>Kinh tế chia sẻ: Liệu lợi ích trước mắt có đi cùng định hướng bền vững?

Về mặt thuế, bất kể là theo mô hình kinh tế chia sẻ hay theo mô hình kinh doanh truyền thống, Bộ Tài chính cũng có thể thu đủ theo loại hình kinh doanh. Tuy nhiên, hiện nay đối với các doanh nghiệp có trụ sở ở nước ngoài kinh doanh tại Việt Nam, có doanh thu tại Việt Nam, chỉ nộp được thuế thu nhập doanh nghiệp theo phương thức trực tiếp do không quản lý được đầu vào ở nước ngoài và không có trụ sở thường trú tại Việt Nam. Do vậy, gây ra sự bất bình đẳng giữa doanh nghiệp trong nước và doanh nghiệp nước ngoài.

Ngoài ra, với các loại hình kinh tế chia sẻ, người cung ứng dịch vụ cũng không được đóng bảo hiểm xã hội và bảo hiểm thất nghiệp; người lao động tham gia vào hình thức kinh doanh này không sở hữu bất kỳ quyền lợi lao động nào; không có một đơn vị nào đứng ra bảo vệ quyền lợi người lao động khi xảy ra vấn đề tranh chấp với đơn vị cung ứng nền tảng.

- Vậy, những giải pháp nào có thể đưa mô hình kinh tế chia sẻ “đi đúng đường ray”, đồng thời khuyến khích đổi mới sáng tạo, ứng dụng công nghệ số và phát triển kinh tế số, thưa Luật sư?

Hoàn thiện khung pháp lý cho kinh tế chia sẻ, sẽ giúp mô hình này “đi đúng đường ray”, tạo điều kiện thu hút đầu tư lớn cho đổi mới sáng tạo, đồng thời loại bỏ những biến tướng, gây hệ lụy cho xã hội, vì vậy, về quản lý Nhà nước, cần thay đổi tư duy, chấp nhận cái mới, đồng thời cho phép thử nghiệm các mô hình tiên phong, mạnh dạn dỡ bỏ các rào cản pháp lý không phù hợp, tuy nhiên, không nhất thiết phải xây dựng một luật cụ thể quy định về mô hình kinh tế chia sẻ.

Rà soát, nghiên cứu sửa đổi, bổ sung các quy định liên quan tới điều kiện kinh doanh và hoạt động của doanh nghiệp trong một số luật và văn bản hướng dẫn thi hành theo hướng tạo quy định rõ ràng, tạo thuận lợi cho đăng ký và hoạt động của doanh nghiệp.

Nghiên cứu, rà soát, sửa đổi, bổ sung các quy định pháp luật bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng như, Bộ luật Dân sự, Luật Thương mại điện tử, Luật Doanh nghiệp và Luật Đầu tư cùng các văn bản hướng dẫn thi hành, theo đó hướng tới mục tiêu đảm bảo quyền lợi, trách nhiệm và lợi ích hợp pháp của các bên tham gia mô hình kinh tế chia sẻ bao gồm người cung cấp dịch vụ, người sử dụng dịch vụ và doanh nghiệp cung cấp nền tảng; khuyến khích đổi mới sáng tạo, ứng dụng công nghệ số và phát triển nền kinh tế số.

Cùng với đó, rà soát, sửa đổi, bổ sung các quy định pháp luật trong Luật Doanh nghiệp và Luật Đầu tư cùng các văn bản hướng dẫn thi hành, với mục tiêu đảm bảo môi trường kinh doanh bình đẳng giữa các doanh nghiệp kinh doanh theo mô hình kinh tế chia sẻ và kinh tế truyền thống.

- Xin cảm ơn Luật sư!

Có thể bạn quan tâm

  • Wikipedia: Nhà tiên phong của nền kinh tế chia sẻ

    Wikipedia: Nhà tiên phong của nền kinh tế chia sẻ

    03:08, 15/01/2021

  • Uber vừa cứu cả nền kinh tế chia sẻ California

    Uber vừa cứu cả nền kinh tế chia sẻ California

    05:08, 06/11/2020

  • Kinh tế chia sẻ: Liệu lợi ích trước mắt có đi cùng định hướng bền vững?

    Kinh tế chia sẻ: Liệu lợi ích trước mắt có đi cùng định hướng bền vững?

    13:19, 26/06/2020

  • Chia sẻ trong kinh tế chia sẻ

    Chia sẻ trong kinh tế chia sẻ

    04:38, 29/03/2020

GIA NGUYỄN thực hiện