Kinh tế chia sẻ (Sharing Economy) được định nghĩa là mô hình kinh doanh peer to peer (P2P), hiểu đơn giản là hoạt động hợp tác giữa những người đồng cấp dựa trên một nền tảng trực tuyến.
Hoạt động kinh tế này được lấy ý tưởng từ việc tin rằng luôn có người dư dịch vụ/hàng hóa nào đó và luôn có người khác đang cần nó, thường trong ngắn hạn.
Chẳng hạn, nếu bạn dư một căn phòng, có thể đăng lên Airbnb cho ai đó đang du lịch/công tác đến khu vực bạn thuê; nếu bạn dư chỗ trên một chuyến đi, có thể dùng Lyft/Uber/Grab để tìm ai đó đi cùng; nếu bạn dư tiền, có thể cho người khác vay thông qua mạng lưới tín dụng ngang hàng; hay nếu bạn dư thời gian để làm việc, có thể tìm kiếm những người thuê mình trên Upwork.
1. Từ kinh tế chia sẻ
Theo dữ liệu của Viện Brookings, phương tiện giao thông cá nhân thường nhàn rỗi trong 95% cuộc đời của chính nó, và những nhà có dư phòng ngủ thường được để trống. Yếu tố lớn về nguồn cung này khiến giá cả hàng hóa trong phạm vi kinh tế chia sẻ thường thấp hơn nhiều so với ngoài thị trường. Chẳng hạn ở trường hợp Airbnb, dữ liệu từ Statista cho thấy giá phòng thuê ở Airbnb thấp hơn nhiều so với giá phòng khách sạn ở tất cả những thành phố lớn trên thế giới.
Sở dĩ có điều này vì kinh tế chia sẻ hoạt động nhờ nguồn lực từ cộng đồng mà ở đó, mỗi người tự lo tốt cho việc kinh doanh của chính mình - và khối lượng thường không quá lớn. Chẳng hạn ở ví dụ của Airbnb, việc xây dựng phòng ốc, đón trả khách, vệ sinh phòng, chụp ảnh chất lượng cao để đăng lên nền tảng… đều được thực hiện bởi người cho thuê.
Ở phía ngược lại, người đi thuê sẽ giữ vai trò giám sát, thông qua việc đánh giá sao, viết nhận xét hay báo cáo lên Airbnb để đảm bảo những phòng kém chất lượng luôn bị đào thải ra khỏi nền tảng. Airbnb chủ yếu lo những vấn đề kỹ thuật, công nghệ, kiểm soát rủi ro hay marketing - nhìn đi nhìn lại vẫn là lo cho chính họ.
Điều tương tự cũng đúng với Grab, khi tài xế sẽ là người chịu trách nhiệm đổ xăng, bảo trì xe, duy trì thái độ đúng đắn với khách hàng… Những người tạo lập nền tảng tất nhiên vẫn có những hoạt động đào tạo tài xế trong ngắn hạn nhưng trong phần lớn thời gian, tài xế là người chịu trách nhiệm chính cho công việc của họ.
Ở phía ngược lại, các công ty vận tải và tập đoàn khách sạn lớn trên thế giới phải lo dường như tất cả mọi thứ chỉ để cung cấp được dịch vụ tương tự. Họ phải có lượng vốn lớn để đầu tư xây dựng khách sạn, mua phương tiện; họ phải duy trì lượng lớn nhân lực, ở nhiều bộ phận và đảm bảo mọi bộ phận luôn trơn tru; phải chịu trách nhiệm cho mọi rủi ro, là pháp nhân trực tiếp đối diện với pháp luật và những việc tương tự thế.
Vì thế, khi bạn ở trong một phòng khách sạn 5 sao, số tiền bạn bỏ ra còn bao gồm chi phí duy trì những phòng trống và rất nhiều người khác trong khách sạn, từ nhân viên đứng quầy, cô lao công đến các cổ đông.
Mô hình phức tạp này khiến chi phí và quy trình khuyến mãi diễn ra một cách thận trọng và phức tạp hơn, trong khi ở phía ngược lại Grab/Uber/Airbnb dùng phần lớn tiền đầu tư của họ để đổ vào các chương trình khuyến mãi.
Mâu thuẫn trên là nguồn cơn của nhiều vụ kiện trên thế giới (bao gồm cả ở Việt Nam) trong đó các tập đoàn truyền thống đánh vào công ty công nghệ kinh doanh nền tảng (platform) trong kinh tế chia sẻ.
Những tập đoàn truyền thống được pháp luật ràng buộc trong những khuôn khổ nhất định và chịu thuế trong khuôn khổ ấy trong khi những startup kinh doanh platform vẫn chưa được xếp nhóm rõ ràng và không chịu nhiều thuế vì họ không sở hữu bất kỳ bất động sản hay phương tiện sản xuất nào cả [6].
Tập đoàn truyền thống còn phải chịu trách nhiệm cho hàng loạt giấy tờ pháp lý liên quan đến hợp đồng, bảo hiểm và cứ mỗi nhân viên tăng thêm, là mỗi trách nhiệm tăng thêm. Trong khi đó, Grab/Uber/Airbnb và những nền tảng kinh tế chia sẻ tương tự chỉ làm việc với các “đối tác” với trách nhiệm rất hạn chế.
Vậy, tuy cả hai cùng cung cấp một loại hình dịch vụ đến người tiêu dùng cuối, nhưng quá trình phía sau đó có khá nhiều sự khác biệt.
2. Cho đến sẻ chia chi phí và rủi ro
Trong hầu hết những vụ kiện tụng liên quan, công chúng thường đứng về phía những công ty công nghệ. Điều này tương đối dễ hiểu, vì Airbnb vừa đem lại những căn phòng đẹp, chủ nhà thân thiện, không gian riêng tư lại vừa có mức phí thấp hơn nhiều so với khách sạn; còn Grab/Uber/Lyft đem đến hình thức di chuyển có mức phí thấp, lại có tài xế thân thiện dễ chịu hơn. Đó là chưa kể đến hàng loạt những ưu đãi dường như không bao giờ kết thúc.
Kinh tế chia sẻ có mọi lợi thế để cạnh tranh với những loại hình truyền thống, như đã phân tích ở phần 1 và tất nhiên người tiêu dùng không cần quan tâm quá nhiều đến cách vận hành của mỗi loại. Điều đáng quan tâm là ai cũng thấy rằng kinh tế chia sẻ đang giúp chất lượng dịch vụ được cải thiện tốt hơn.
Tuy vậy, ta nên bắt đầu lo lắng thì hơn.
Quy trình chặt chẽ của những công ty truyền thống, với hàng loạt luật lệ từ nhà nước đến hiệp hội giúp đảm bảo rủi ro được hạn chế thấp nhất có thể. Ngược lại, ở những nền kinh tế chia sẻ, sức mạnh cộng đồng tuy mạnh nhưng không đủ để chống lại những tiêu cực nguy hiểm. Ý tôi là, đánh giá sao hay để lại lời than phiền chỉ có tác dụng khi bạn… còn khả năng làm thế.
Airbnb nhiều lần gặp bê bối khi các phòng cho thuê gắn camera giấu kín, hay Uber và Grab liên tục dính đến những vụ việc như tài xế/khách bị cướp, đe dọa tính mạng, xâm hại tình dục...
Một báo cáo đã dẫn nghiên cứu cho thấy sự phát triển của kinh tế chia sẻ cũng tạo ra dòng chuyển dịch nhân sự từ những tập đoàn truyền thống - nghĩa là sau một khoảng thời gian ngắn, tài xế công nghệ sẽ đông hơn, chất lượng tài xế giảm đi, số tiền tài xế kiếm được ít hơn kết hợp cùng quỹ khuyến mãi dần cạn sẽ dẫn đến phí dịch vụ tăng.
Thực tế đây là điều đang diễn ra và bạn có thể cảm nhận được ở thị trường Việt Nam. Các hãng xe công nghệ đã bắt đầu nhiều đợt cắt thưởng tài xế, tăng phí dịch vụ, hạn chế khuyến mãi cũng như thường xuyên xuất hiện những lời than phiền về tài xế trên mạng xã hội.
3. Những thứ chúng ta có thể, và không thể thay đổi
Lợi ích của kinh tế chia sẻ nhìn chung có hai điểm lớn nhất. Một là, dưới góc độ người tiêu dùng, loại hình mới này đang cho thấy sự cải thiện đáng kể chất lượng dịch vụ và chi phí - vừa rẻ vừa tiện lợi.
Và hai, ở góc độ vĩ mô, kinh tế chia sẻ đang giải quyết được công việc cho lượng lớn nhân công nhàn rỗi, người thất nghiệp trong xã hội, cũng như tạo ra cú hích bắt buộc những tập đoàn truyền thống phải thay đổi, chủ động áp dụng công nghệ cũng như quan tâm nhiều hơn đến chất lượng dịch vụ cho người dùng cuối thay vì chỉ quy trình nội bộ.
Tuy vậy, bên cạnh những lợi ích ngắn hạn, vẫn còn khá nhiều tiêu cực trong tương lai. Tất nhiên bất kể thứ gì trên thế giới này đều có mặt tiêu cực, và việc chúng ta nhắc đến những hạn chế ấy không nhằm hạ bệ hay loại bỏ nó, mà để tìm xem có thể sửa chữa trong tương lai hay không.
Như đã nhắc đến ở đầu bài, cũng như trong một bài đăng mới đây, kinh tế chia sẻ đang tạo ra một lượng lớn precariat và gig worker (người lao động bấp bênh) ở hiện tại và tương lai.
Trái với ý tưởng về việc “chia sẻ nguồn lực nhàn rỗi”, sự phát triển của kinh tế chia sẻ về bản chất là sử dụng công nghệ và loại hình kinh doanh mới để tạo lợi thế cạnh tranh trong thị trường lao động. Hoạt động trong kinh tế chia sẻ yêu cầu ít giấy phép hơn, ít quy định hơn, thời gian chờ xét duyệt nhanh hơn, nhiều khách hàng hơn và thậm chí thu nhập cao hơn, khiến chúng thu hút lượng lớn lực lượng lao động.
Theo lý thuyết, những người tham gia Airbnb hay chạy Uber “lẽ ra” chỉ tham gia nền tảng này trong ngắn hạn, chẳng hạn tạm thời dư phòng để cho thuê, hay tạm thời rỗi nên muốn chạy xe kiếm thêm thu nhập, nhưng thực tế đang cho thấy mọi người thực sự nghiêm túc xem việc kiếm tiền trên Airbnb hay Uber/Grab là nghề chính.
Điều này chứa đựng khá nhiều rủi ro. Vì nền tảng này không được thiết kế ra để bảo vệ những người lao động toàn thời gian. Đại đa số các nền tảng hiện nay không đóng bảo hiểm, không có chế độ nghỉ phép, không giới hạn thời gian làm việc cho “đối tác” và không đáp ứng những yêu cầu cơ bản khác trong sở hữu lao động. Bên cạnh đó, các "đối tác" cũng không được nhận trợ cấp thất nghiệp hay các phúc lợi xã hội khác. Họ đã và đang bị đẩy ra khỏi xã hội, theo đúng nghĩa đen.
Những “đối tác” đang bị đồng tiền trong ngắn hạn làm mờ mắt và không biết rằng tương lai họ đầy bấp bênh. Khi xảy ra tai nạn, đau ốm, hay thành phố lớn cấm xe máy, hay nền tảng gặp vấn đề, họ sẽ nhận ra họ không thực sự sở hữu bất kỳ khả năng cạnh tranh nào, mà dường như chỉ là mắt xích cho những nền tảng kiếm tiền bằng thuật toán. Những tài xế Grab ngày nay đang mải mê chạy 12h/ngày ngoài đường, sau 10 năm nữa sẽ dùng kỹ năng lái xe ấy để làm gì?
Theo một thống kê, gần 50% số tài xế Uber có bằng đại học, nghĩa là thực sự có người chạy Uber như một công việc kiếm thêm thu nhập, hoặc nhiều người đã gác bằng đại học của mình để làm tài xế, hoặc cả hai. Đây là một đặc điểm khác của precariat/gig workers - những người phải làm công việc dưới trình độ của mình.
Một hạn chế khác, nhiều quan điểm cho rằng kinh tế chia sẻ rất dễ dẫn đến tình trạng độc quyền. Lợi thế của những startup công nghệ trong lĩnh vực này là thuật toán và tiền để tung các chương trình khuyến mãi. Khi một công ty thành công vươn lên, rất dễ để công ty ấy nhanh chóng trở thành người đứng đầu và tạo ra khoảng cách lớn với đối thủ.
Hầu hết những startup đứng đầu về kinh tế chia sẻ hiện nay đều cho thấy quan điểm này đúng gần như 100%. Và khi tình trạng độc quyền xảy ra, quyền lợi của người tiêu dùng có lẽ không còn được đảm bảo nữa. Hãy nhớ lại câu chuyện về Grab sau khi đánh bại Uber ở thị trường Việt Nam.
Một điều khác, vì là nền tảng kết nối những người ngang hàng, cùng với sự can thiệp sâu của thuật toán, những ứng dụng kinh tế chia sẻ đang chịu nhiều cáo buộc liên quan đến phân biệt đối xử. Theo nhiều nghiên cứu, người da đen, Hồi giáo và châu Á ở những ứng dụng như Uber hay Airbnb thường có tỷ lệ bị từ chối phục vụ cao hơn người da trắng.
Những hạn chế trên đều có thể giải quyết được. Các ứng dụng có thể thay đổi thuật toán sao cho hiển thị ít hơn thông tin của người sử dụng dịch vụ để hạn chế tình trạng phân biệt chủng tộc; các nhà hoạch định chính sách có thể đưa ra các quy định về sở hữu lao động áp lên những công ty này để bảo vệ người lao động.
Tuy nhiên, kinh tế chia sẻ tuy mới xuất hiện gần đây nhưng đang tạo ra nhiều tác động sâu sắc hơn thế.
Airbnb đang bị nhiều thành phố ở EU kêu gọi tẩy chay, vì ứng dụng này tạo ra sự thay đổi sâu sắc trong bộ mặt cộng đồng đô thị. Sự hấp dẫn của Airbnb đã khiến giá nhà thuê dài hạn tăng, vì nhiều bất động sản đã được chuyển đổi để phục vụ cho thuê ngắn hạn.
Đất thì không thể nở ra được, đặc biệt đất ở các thành phố châu Âu, do đó, khi ngày càng nhiều căn hộ gia nhập Airbnb, nghĩa là ngày càng ít căn hộ phục vụ cư dân địa phương. Hay nói cách khác, ngày càng ít nhà ở và ngày càng nhiều nhà trọ.
Một điều nữa, sự phát triển của Airbnb đang phá vỡ lối sống cộng đồng. Lối sống đến và đi trong ngắn hạn của khách thuê, chỉ ở từ vài ngày đến vài tháng đang khiến những cộng đồng cư dân đô thị đã khó gắn bó nay càng rời rạc hơn - và có phần phức tạp.
Điều này cũng khiến công tác quản lý trở nên khó khăn, tạo ra những rủi ro về dân cư. Và một điều khá kỳ lạ, nghiên cứu chỉ ra Airbnb thực tế đã làm giảm chất lượng khách sạn địa phương.
Một báo cáo dẫn nhiều nghiên cứu cho thấy phần lớn những người tìm đến dịch vụ kinh tế chia sẻ quan tâm đến yếu tố kinh tế (người bán cảm thấy dễ dàng kiếm tiền hơn trong khi người mua cảm thấy có thể mua dịch vụ với mức thấp hơn), điều này dẫn đến việc những yếu tố về giao tiếp và tương tác xã hội dần bị xem nhẹ. Nghĩa là, mọi người đang dùng tiền nhiều hơn để giải quyết các vấn đề của họ, và dần xem nhẹ những mối quan hệ người - người với những người như tài xế hay.
Bên cạnh đó, trái với kỳ vọng rằng sự tương tác giữa những người lạ sẽ khiến niềm tin xã hội tăng, khảo sát từ báo cáo trên cũng chỉ ra rằng nhiều người cảm thấy bất an khi phải đón tiếp và phục vụ người lạ.
Cùng với đó, mọi chuyện còn thậm chí tệ hơn vì lợi ích kinh tế của kinh tế chia sẻ đã làm xói mòn nhiều giá trị xã hội, chẳng hạn nhiều chủ nhà cho biết họ cảm thấy bực bội khi họ hàng ghé thăm và ở lại vì điều đó ảnh hưởng đến công việc kiếm tiền của họ.
Tóm lại, đặc điểm nổi bật nhất khiến kinh tế chia sẻ thu hút vì chúng giải quyết được nhu cầu kinh tế của đại đa số người dân (kể cả người cung cấp lẫn sử dụng dịch vụ). Tuy nhiên, có vẻ chúng ta chưa có cái nhìn khách quan, đầy đủ và sâu sắc về ảnh hưởng của chúng, mà mới chỉ quan tâm đến lợi ích nhỏ nhặt là vài đồng bạc lẻ trong từng giao dịch.
Kinh tế chia sẻ được kỳ vọng sẽ là cú hích định hình lại xã hội, nhưng theo hướng nào, chúng ta chưa thể biết được. Sẽ có gì đó biến mất, sẽ có gì đó xuất hiện, nhưng thật khó để biết được rằng đó có phải thứ ta truy cầu và kỳ vọng hay không.
Nhưng đây cũng không phải điều mới mẻ, chúng ta lúc nào chẳng bị đặt vào trạng thái “phải bước tiếp”, dù rằng chẳng biết bước đi ấy sẽ dẫn đến đâu, đúng không?