Nghiên cứu - Trao đổi

Thúc đẩy đổi mới sáng tạo: Cần hoàn thiện cơ chế, chính sách

Bài: Gia Nguyễn - Ảnh: Quốc Tuấn 26/09/2024 11:00

Để thúc đẩy hoạt động đổi mới sáng tạo, theo chuyên gia, cần hoàn thiện cơ chế, chính sách nhằm tạo thêm “chất xúc tác” cho hoạt động này phát triển…

Việt Nam hiện xếp thứ 46/132 quốc gia, nền kinh tế về Chỉ số đổi mới sáng tạo toàn cầu (GII). Đồng thời, cũng là một trong 7 quốc gia thu nhập trung bình đạt được nhiều tiến bộ nhất về đổi mới sáng tạo trong thập kỷ qua.

thuc-day-doi-moi-sang-tao-24.3.1.1.jpg
Việt Nam hiện xếp thứ 46/132 quốc gia, nền kinh tế về Chỉ số đổi mới sáng tạo toàn cầu (GII) - Ảnh minh họa

Để đạt được những kết quả đã nêu, những năm qua, Việt Nam đã có nhiều hành động thiết thực, hiệu quả nhằm thúc đẩy đổi mới sáng tạo như: xây dựng cơ chế chính sách ưu tiên để thúc đẩy đổi mới sáng tạo và lập nghiệp; xây dựng các chiến lược, chương trình phát triển, tập trung vào kinh tế số, kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, kinh tế chia sẻ, kinh tế tri thức, các ngành mang lại giá trị gia tăng cao như dữ liệu lớn, điện toán đám mây, trí tuệ nhân tạo, chip bán dẫn...

Bên cạnh các kết quả đạt được, trong thực tiễn triển khai thực hiện các chủ trương, đường lối, chính sách về khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo còn gặp nhiều khó khăn, vướng mắc, thiếu sự đồng bộ, thống nhất trong cách hiểu cũng như trong thực thi các chính sách, pháp luật.

Chia sẻ về bất cập này, Thứ trưởng Khoa học và Công nghệ - Hoàng Minh cho biết, trong các văn bản quy phạm pháp luật, văn bản hành chính hiện đang sử dụng các thuật ngữ đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp sáng tạo theo các cách hiểu khác nhau gây ra sự không chuẩn xác, lúng túng, không thống nhất, chồng chéo... trong thực thi các hoạt động chuyên môn và trong công tác quản lý Nhà nước.

thuc-day-doi-moi-sang-tao-24.3.1.2.jpg
Theo chuyên gia, để thúc đẩy đổi mới sáng tạo, cần hoàn thiện cơ chế, chính sách nhằm tạo thêm “chất xúc tác” - Ảnh minh họa

Việc định danh, phân định chức năng, nhiệm vụ của các tổ chức liên quan đến đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp sáng tạo đang không có sự thống nhất. Trong các văn bản quy phạm pháp luật và các văn bản hành chính sử dụng rất nhiều tên gọi khác nhau và nhiều quy định khác nhau về điều kiện, tiêu chí, thẩm quyền, cơ chế, chính sách đối với việc thành lập và hoạt động của các tổ chức, cá nhân hoạt động hoặc hỗ trợ hoạt động đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp sáng tạo.

Ngoài ra, các văn bản quy phạm pháp luật có phạm vi và đối tượng điều chỉnh liên quan đến đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp sáng tạo được xây dựng, ban hành bởi nhiều cơ quan chủ trì khác nhau nhưng chưa có sự thống nhất xuyên suốt dẫn đến sự khó khăn, thậm chí không thực hiện được các cơ chế, chính sách ưu đãi, hỗ trợ cho đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp sáng tạo

Và từ thực tiễn đã nêu, để phát triển hệ sinh thái đổi mới sáng tạo, nhiều ý kiến cho rằng, cần phải nhanh chóng xây dựng và hoàn thiện hành lang pháp lý, tạo sự thống nhất và đồng bộ trong xây dựng, sửa đổi, bổ sung các cơ chế, chính sách, bố trí nguồn lực để thúc đẩy đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp sáng tạo.

Theo bà Nguyễn Thy Nga - Viện trưởng Viện Quản trị chính sách và Chiến lược phát triển, Liên hiệp các hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam, hiện nay các cơ chế, chính sách về chuyển đổi số, đổi mới sáng tạo có sự phân tán, với sự tham gia của nhiều bộ, ngành, trong khi sự kết nối giữa các đơn vị này còn không ít hạn chế, thách thức. Điều này khiến doanh nghiệp gặp khó khăn, lúng túng khi muốn triển khai các hoạt động đổi mới sáng tạo trong bối cảnh chuyển đổi số, bởi không biết làm theo bộ, ngành nào.

Để khuyến khích phong trào đổi mới sáng tạo, bà Nguyễn Thy Nga cho rằng, cần hoàn thiện cơ chế, chính sách nhằm tạo thêm “chất xúc tác” cho đổi mới sáng tạo phát triển mạnh mẽ hơn. Trước hết, cần tạo ra sự kết nối 2 chính sách quan trọng là thu hút nguồn lực tri thức, hỗ trợ nâng cao vai trò của doanh nhân trong thời đại mới. Bên cạnh đó, các bộ, ngành phải ngồi lại với nhau để tạo ra sự liên kết, liên thông về cơ chế, chính sách đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số.

Còn theo Giám đốc Đại học Bách khoa Hà Nội - Huỳnh Quyết Thắng, cần có chính sách ưu đãi cho việc thành lập các doanh nghiệp khoa học công nghệ, doanh nghiệp Start-up, Spin-off. Mặt khác, xây dựng cơ chế về tài chính, đặt hàng cho việc phát triển các sản phẩm kỹ thuật thông qua các dự án sản xuất thử nghiệm từ nguồn ngân sách Nhà nước.

Cùng với các đề xuất, kiến nghị đã nêu, một số ý kiến cũng cho rằng, để thúc đẩy đổi mới sáng tạo, chính sách hỗ trợ phát triển cần tập trung vào hoàn thiện nội dung đề xuất cơ chế, chính sách cụ thể về khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo. Đồng thời, có chính sách phù hợp để tập trung nguồn lực nhằm hình thành các cơ sở, các tổ chức trung gian để sớm hình thành thị trường khoa học và công nghệ.

(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
Thúc đẩy đổi mới sáng tạo: Cần hoàn thiện cơ chế, chính sách
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO