Cuộc đua đốt tiền mới ở thị trường gọi xe

QUÂN BẢO 27/06/2024 02:30

Cudidi trở thành cái tên mới nhất trong làng gọi xe Việt Nam với những cam kết đánh trực tiếp vào “điểm nhói” của thị trường. Đây có vẻ sẽ là một cuộc đua dài và tốn kém.

>>Bước ngoặt mới cho thị trường gọi xe Việt Nam

Cudidi trở thành cái tên mới nhất trong làng gọi xe Việt Nam

Cudidi trở thành cái tên mới nhất trong làng gọi xe Việt Nam

Ngày 26/6, công ty C&U Vietnam chính thức ra mắt sản phẩm ứng dụng gọi xe công nghệ với tên gọi Cudidi, dịch theo tiếng Việt là Cứ đi đi. Dịch vụ cây nhà lá vườn 100% Việt Nam.

Ra mắt trong một lĩnh vực đã xuất hiện từ lâu tại thị trường Việt Nam và đã có một (vài) ông lớn có vị thế vững chắc, Cudidi biết rằng mình phải có thứ gì đó thật nổi bật. Và có vẻ họ đã chọn được khi tuyên bố khá nhiều quyền lợi cho khách hàng lẫn đối tác tài xế.

Theo thông tin từ Cudidi, tài xế sẽ không phải chia hoa hồng trên từng cuốc xe cho Cudidi, mà chỉ cần đóng 10% thuế cho hợp tác xã nơi đăng ký xe. Ngoài ra tài xế còn được hỗ trợ bảo dưỡng thay nhớt, sửa chữa chính hãng miễn phí từ các đối tác của Cudidi.

Về phía khách hàng, Cudidi đánh vào chiến lược giá. Cước trung bình của Cudidi cho xe máy là 3.500đ/km và xe ô tô là 8.500đ/km, thấp hơn 10 - 20% so với mức giá phổ biến trên thị trường gọi xe hiện nay. Bên cạnh đó, lãnh đại Cudidi tuyên bố sẽ không tăng giá trong khung giờ cao điểm và giữ mức giá ổn định trong ít nhất vài năm.

Những điểm cạnh tranh mà Cudidi khoe ra đều đang là “điểm nhói” (pain point) trên thị trường.

Chẳng hạn, lời hứa không tăng giá khung giờ cao điểm có vẻ rất có sức hút với khách hàng. Những ai đã dùng ứng dụng gọi xe đều biết rằng giá cước không bình ổn, mà sẽ tăng giá nếu chuyến xe rơi vào giai đoạn cao điểm. Cước có thể tăng thêm 10, 30% hoặc thậm chí 50%. Đôi khi đã chấp nhận cước tăng nhưng vẫn không tìm ra tài xế. Vậy nên khách hàng có vẻ sẽ không ngần ngại dùng một ứng dụng mới nếu không bị tăng giá giờ cao điểm.

Đối với đối tác tài xế, chính sách không cần chia hoa hồng của Cudidi là một miếng bánh ngon. Hiện nay gần như mọi ứng dụng gọi xe đều lấy chiết khấu trên từng cuốc xe. Thậm chí các tài xế còn phàn nàn rằng số tiền chiết khấu càng ngày càng cao, đôi khi số còn lại chẳng đủ bù tiền xăng xe. Do đó, một ứng dụng không lấy hoa hồng sẽ thu hút nhiều tài xế đăng ký.

Và trên hết là quyền lợi “giá rẻ”. Có thể nói đây là một chiến lược lợi hại. Bất kỳ ông lớn nào khi chào sân và tranh giành thị trường đều áp dụng triệt để.

Lấy ví dụ về Grab, bên đứng đầu thị trường gọi xe ở Việt Nam. Những năm đầu tiên, khi còn cạnh tranh với Uber, Grab liên tiếp tung mã giảm giá. Khi Uber rút lui, họ cũng ngừng chương trình này. Để rồi khi FastGo ra đời cạnh tranh mảng gọi xe ô tô (năm 2018), Grab liền tung nhiều mã giảm giá 10.000đ - 25.000đ cho khách hàng sử dụng Grab Car và kéo dài chương trình nhiều tuần liên tiếp.

Khi tham gia thị trường vào tháng 9/2018, Go-Việt cũng áp dụng chiêu giá rẻ để thu hút khách. Chẳng hạn các khuyến mãi cuốc xe 1.000đ, 6.000đ hay 10.000đ. Đáp lại, Grab tung khuyến mãi giảm 20.000đ - 25.000đ cho mỗi lượt xe, mỗi tuần khách hàng được sử dụng đến 10 lần.

Không chỉ các ông lớn như Grab hay Go-Việt, mà những tay chơi nhỏ lẻ hơn cũng đã từng áp dụng các chiêu đánh đến khách hàng và tài xế này.

Chẳng hạn, trong năm 2018, thị trường có ứng dụng Xeha với nhiều dịch vụ như Xeha Car 4 - 7 chỗ, Xeha Taxi, Xeha Bike, Xeha sang trọng. Vì là một đơn vị nhỏ lẻ, vậy nên họ không đủ khả năng khuyến mãi liên miên như các ông lớn. Thay vào đó, họ thu hút tài xế bằng cách không phí hay ăn chia phần trăm hoa hồng.

Trước Xeha một chút có FastGo, ứng dụng gọi xe từ tập đoàn NextTech. Họ không áp dụng tỷ lệ chia phần trăm mà thu phí dịch vụ tối đa không quá 30.000đ/ngày. Khi tuyển chọn tài xế, FastGo đưa ra các tiêu chí dễ dàng hơn. Đồng thời, FastGo cũng không tăng giá vào giờ cao điểm.

Tuy nhiên, kết quả chung của Xeha lẫn FastGo đều là thất bại. Tất cả vì họ không thể nào thắng được những ông lớn khác như Grab hay Go-Việt về mảng khuyến mãi. Thời điểm ấy, dù FastGo công bố việc nhận được vốn đầu tư tới vài triệu USD nhưng họ cũng chỉ thỉnh thoảng tung ra một vài mã khuyến mãi có hiệu lực trong 1 đến 2 ngày. Trong khi đó, Grab dù là người chiến thắng trong cuộc đua gọi xe ở Việt Nam, ít nhất đến thời điểm hiện nay, nhưng cũng phải đến đầu năm 2024 họ mới bắt đầu thoát lỗ.

Bức tranh này cho thấy thị trường gọi xe Việt Nam là nơi không dành cho những bên tài chính mỏng. Và đây sẽ là một bài toán không dễ giải của tân binh Cudidi.

Có thể bạn quan tâm

  • Tín hiệu tích cực của các hãng gọi xe

    Tín hiệu tích cực của các hãng gọi xe

    10:00, 06/02/2024

  • Thị trường gọi xe Đông Nam Á ra sao nếu Grab và GoTo sáp nhập?

    Thị trường gọi xe Đông Nam Á ra sao nếu Grab và GoTo sáp nhập?

    02:00, 11/02/2024

  • GSM toan tính “vẽ lại” bản đồ thị trường gọi xe công nghệ Việt Nam?

    GSM toan tính “vẽ lại” bản đồ thị trường gọi xe công nghệ Việt Nam?

    02:30, 12/03/2024

(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
Cuộc đua đốt tiền mới ở thị trường gọi xe
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO