Khơi thông kênh vốn trái phiếu doanh nghiệp: Minh bạch thị trường

GIA NGUYỄN thực hiện 24/09/2022 17:00

Nghị định 65/2022/NĐ-CP về chào bán trái phiếu riêng lẻ vừa ban hành được kỳ vọng sẽ gỡ khó cho các nhà phát hành, khai thông trở lại kênh huy động trái phiếu doanh nghiệp.

>>Bộ Tài chính công bố Nghị định 65/2022 về trái phiếu doanh nghiệp

Chia sẻ với DĐDN, ông Nguyễn Hoàng Dương - Phó Vụ trưởng Vụ Tài chính các ngân hàng và tổ chức tài chính (Bộ Tài chính) cho biết, Nghị định 65/2022 bổ sung nhiều quy định tăng cường quản lý, giám sát bao gồm cả giám sát liên thông giữa lĩnh vực thị trường tài chính, lĩnh vực tín dụng ngân hàng và các lĩnh vực khác của nền kinh tế.

- Minh bạch thông tin các tổ chức phát hành trái phiếu luôn là một đòi hỏi của thị trường, đặc biệt các nhà đầu tư cá nhân, thưa ông?

Tại khoản 16 Điều 1 Nghị định số 65/2022 quy định, doanh nghiệp phát hành phải báo cáo định kỳ 6 tháng, hàng năm về tình hình sử dụng số tiền thu được từ việc phát hành trái phiếu đối với trái phiếu còn dư nợ, báo cáo này phải được kiểm toán bởi tổ chức kiểm toán đủ điều kiện theo quy định tại Nghị định. Báo cáo định kỳ của doanh nghiệp phát hành được công bố thông tin cho nhà đầu tư mua trái phiếu và gửi cho Sở Giao dịch chứng khoán để tổng hợp, báo cáo.

Đồng thời, tại hồ sơ chào bán trái phiếu cũng quy định phải có các báo cáo định kỳ về tình hình sử dụng số tiền thu được từ việc phát hành trái phiếu đối với trái phiếu còn dư nợ theo quy định. Trên cơ sở đó, nhà đầu tư trước khi mua trái phiếu có đầy đủ tài liệu để đánh giá về việc sử dụng vốn trái phiếu của doanh nghiệp phát hành đối với các trái phiếu đã phát hành trước đây và còn dư nợ.

Từ đó, nhà đầu tư có thể đánh giá về tính tuân thủ và hiệu quả sử dụng vốn từ phát hành trái phiếu của doanh nghiệp phát hành, làm cơ sở để đánh giá kỹ trước khi quyết định đầu tư mua trái phiếu doanh nghiệp (TPDN) riêng lẻ.

>>Nghị định 65/2022: Khơi lại “huyết mạch” thị trường… trái phiếu doanh nghiệp

- Xếp hạng tín nhiệm (XHTN) là một trong những giải pháp cơ bản để phát triển lành mạnh thị trường, thưa ông?

Hoạt động XHTN là việc đánh giá khả năng trả nợ của tổ chức phát hành hoặc đối với một trái phiếu hoặc một công cụ tài chính cụ thể. XHTN có thể áp dụng đối với bất kỳ tổ chức nào có kế hoạch phát hành trái phiếu để huy động vốn. Đối với thị trường tài chính, thị trường trái phiếu nói chung, hoạt động XHTN giúp minh bạch thông tin, cung cấp các phân tích, đánh giá có chiều sâu về rủi ro của các chủ thể phát hành công cụ nợ. Cùng với hoạt động kiểm toán độc lập, hoạt động XHTN sẽ là một trong các công cụ giúp các hoạt động trên thị trường tài chính diễn ra minh bạch, công khai, thúc đẩy thị trường vốn phát triển bền vững hơn.

 Nghị định 65/2022/NĐ-CP bổ sung quy định về đại diện người sở hữu trái phiếu để tăng cường việc giám sát mục đích sử dụng vốn trái phiếu của doanh nghiệp phát hành. Ảnh: Quang Định

Nghị định 65/2022/NĐ-CP bổ sung quy định về đại diện người sở hữu trái phiếu để tăng cường việc giám sát mục đích sử dụng vốn trái phiếu của doanh nghiệp phát hành. Ảnh: Quang Định

Số liệu của Bộ Tài chính, thị trường TPDN sơ cấp trong 7 tháng đầu năm 2022 ghi nhận 46,14% nhà đầu tư là các tổ chức tín dụng, 22,43% là các công ty chứng khoán, trong khi đó nhà đầu tư cá nhân chuyên nghiệp chỉ chiếm 10,11%.

Nghị định số 65/2022/NĐ-CP quy định hồ sơ phát hành phải có kết quả xếp hạng tín nhiệm đối với doanh nghiệp phát hành trái phiếu nếu doanh nghiệp phát hành thuộc các trường hợp phải XHTN và thời điểm áp dụng theo quy định tại khoản 2 Điều 19 và khoản 3 Điều 310 Nghị định số 155/2020/NĐ-CP. Theo đó, doanh nghiệp phải xếp hạng tín nhiệm nếu: Tổng giá trị trái phiếu theo mệnh giá huy động trong mỗi 12 tháng lớn hơn 500 tỷ đồng và lớn hơn 50% vốn chủ sở hữu căn cứ trên báo cáo tài chính kỳ gần nhất hoặc tổng dư nợ trái phiếu theo mệnh giá tính đến thời điểm đăng ký chào bán lớn hơn 100% vốn chủ sở hữu căn cứ trên báo cáo tài chính kỳ gần nhất... Quy định này áp dụng từ ngày 01/01/2023.

- Nghị định 65 tăng cường tính minh bạch, đảm bảo cho thị trường TPDN lành mạnh hơn. Mục tiêu này có đồng thuận với mục tiêu khơi thông thị trường vốn, thưa ông?

Nghị định số 65/2022 được ban hành theo nguyên tắc không bổ sung thêm các điều kiện phát hành so với quy định tại Luật Chứng khoán, Luật Doanh nghiệp. Nghị định chỉ bổ sung các quy định để tiếp tục phát triển thị trường TPDN minh bạch, bền vững, nâng cao chất lượng của trái phiếu phát hành, bảo vệ quyền lợi cho cả doanh nghiệp phát hành và nhà đầu tư, khắc phục bất cập trên thị trường thời gian vừa qua. Đồng thời, tăng cường quản lý, giám sát bao gồm cả giám sát liên thông giữa lĩnh vực thị trường tài chính, lĩnh vực tín dụng ngân hàng và các lĩnh vực khác của nền kinh tế.

Theo đó, các doanh nghiệp có tính tuân thủ cao, công bố thông tin minh bạch và đặc biệt là các doanh nghiệp có tình hình tài chính tốt, tình hình sản xuất kinh doanh tốt, có phương án phát hành trái phiếu khả thi, vẫn có thể phát hành TPDN riêng lẻ huy động vốn. Việc nâng cao chất lượng của trái phiếu, nâng cao tính công khai, minh bạch sẽ góp phần phát triển thị trường TPDN và thu hút thêm các nhà đầu tư chuyên nghiệp.

- Xin cảm ơn ông!

Có thể bạn quan tâm

  • “Xé nhỏ” kỳ hạn trái phiếu doanh nghiệp

    “Xé nhỏ” kỳ hạn trái phiếu doanh nghiệp

    04:00, 22/09/2022

  • Nghị định 65 giảm thiểu khả năng gian lận với trái phiếu doanh nghiệp

    Nghị định 65 giảm thiểu khả năng gian lận với trái phiếu doanh nghiệp

    15:04, 20/09/2022

  • Bộ Tài chính công bố Nghị định 65/2022 về trái phiếu doanh nghiệp

    Bộ Tài chính công bố Nghị định 65/2022 về trái phiếu doanh nghiệp

    18:00, 19/09/2022

  • Nghị định 65/2022: Khơi lại “huyết mạch” thị trường… trái phiếu doanh nghiệp

    Nghị định 65/2022: Khơi lại “huyết mạch” thị trường… trái phiếu doanh nghiệp

    04:00, 19/09/2022

  • Khơi thông vốn bất động sản qua thị trường trái phiếu doanh nghiệp

    Khơi thông vốn bất động sản qua thị trường trái phiếu doanh nghiệp

    15:00, 18/09/2022

GIA NGUYỄN thực hiện