Nới thêm quyền tự quyết giá cho EVN: Quan ngại việc… lạm quyền
Trước đề xuất, Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) tự quyết tăng giá bán lẻ điện bình quân ở mức 1%-5%, chuyên ra cho rằng, nếu không có cơ chế giám sát sẽ dẫn đến lạm quyền…
>> Trung Nam Group kêu "bất công" vì bị EVN dừng 40% công suất điện mặt trời
Mới đây, Bộ Công Thương vừa công bố Dự thảo quy định về cơ chế điều chỉnh giá bán lẻ điện bình quân để lấy ý kiến nhằm sửa đổi Quyết định 24/2017/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ.
Theo đó, một điểm mới đáng chú ý được đưa vào trong Dự thảo là việc phân cấp cho EVN được tự quyết tăng giá bán lẻ điện bình quân ở mức 1%-5% (trong khi quy định hiện hành ở mức 3% đến dưới 5%); đối với thẩm quyền của Bộ Công Thương vẫn giữ nguyên mức tăng giá bán lẻ điện bình quân là từ mức 5 - 10% và từ 10% trở lên xin ý kiến Thủ tướng.
Quy định này được cho sẽ nới thêm quyền cho EVN được tự quyết định tăng giá với biên độ nhiều hơn mỗi khi có biến động giá đầu vào.
Trước đề xuất tại Dự thảo, nhiều chuyên gia quan ngại, khi doanh nghiệp được trao nhiều quyền mà không có cơ chế giám sát sẽ dẫn đến lạm quyền, thậm chí có thể xuất hiện lợi ích nhóm, nhất là khi ngành điện vốn đã độc quyền.
Thông tin với báo chí, PGS.TS Ngô Trí Long - nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu giá cả (Bộ Tài chính) cho rằng, Dự thảo cho phép EVN được chủ động quyết định tăng giá bán điện bình quân nếu thông số đầu vào tăng từ 1% đến dưới 5% là sự mở rộng thẩm quyền tương đối lớn đối với EVN.
“Với ngành kinh doanh độc quyền như ngành điện thì tăng giá 1% cũng cần cân nhắc, tránh trường hợp liên tục điều chỉnh. EVN là đơn vị đang sản xuất, kinh doanh điện nên nếu giao quyền tự quyết giá điện cho doanh nghiệp sẽ dễ làm nảy sinh tình trạng “vừa đá bóng vừa thổi còi”. Nhà nước vẫn phải định giá hoặc quy định giá trần nhưng theo cơ chế thị trường”, ông Long bày tỏ.
Đồng quan điểm với ý kiến đã nêu, PGS. TS Định Trọng Thịnh - Giảng viên cao cấp Học viện Tài chính cũng cho rằng, câu chuyện thiếu công khai, minh bạch, không rõ ràng về giá điện từ lâu đã được đề cập. Ngoài ra, tính độc quyền của ngành điện xưa nay vốn không “được lòng” dư luận, rất nhiều ý kiến muốn Nhà nước phá thế độc quyền này. Do đó, cần cân nhắc việc trao quyền tự quyết điều chỉnh giá điện cho EVN, nếu không muốn bị người tiêu dùng phản đối.
Ông Thịnh phân tích, việc EVN được tự điều chỉnh giá bán lẻ khi thông số đầu vào thay đổi 1% là yếu tố cần cân nhắc kỹ, bởi từ trước đến nay, nguồn nguyên liệu nhập khẩu cũng như giá nhập là thông tin không được công bố rộng rãi. Vậy người dân sẽ so sánh ra sao để biết được EVN đang thua lỗ do giá đầu vào cao? Đối tượng chịu tác động chính là người tiêu dùng mà họ không được biết những thông tin đó thì họ sẽ không phục.
>>Thị trường năng lượng tái tạo - Bài 2: Cần xây dựng cơ chế giá mua điện phù hợp
Thực tế, theo các chuyên gia, Việt Nam đang có thị trường bán buôn cạnh tranh, nhưng mới chỉ có một người mua là EVN, nên vẫn chưa hình thành một thị trường điện cạnh tranh hoàn chỉnh.
Trong khi thị trường điện hiện có 4 khâu: sản xuất, truyền tải, phân phối, bán lẻ. Các phân khúc thị trường này tạo ra thị trường điện nói chung và mỗi phân khúc lại có 1 thị trường riêng, dù thị trường sản xuất đang mở cửa cạnh tranh, nhưng EVN vẫn chiếm khoảng 2/3 thị trường.
Từ đó, các chuyên gia cho rằng, chỉ có tạo ra thị trường cạnh tranh, thu hút được nguồn lực của tất cả các thành phần kinh tế thì các lĩnh vực kinh tế mới thành công, trong đó có ngành điện. Do đó, ngành điện không thể giữ mãi độc quyền, việc cho EVN quyền tự quyết tăng giá bán điện bình quân nếu không được kiểm soát hiệu quả sẽ dễ làm tăng thêm sự độc quyền của tập đoàn này.
Thông tin với báo chí, Đại biểu Phạm Văn Hoà - Ủy viên Ủy ban Pháp luật của Quốc hội cho hay, ngành điện vốn đã độc quyền, nếu lại được tự quyết tăng giá điện bình quân thì sự độc quyền e rằng càng tăng thêm.
“Theo tôi, vấn đề này cần phải được cân đong, đo đếm, tính toán chi tiết, dựa trên tổng thể phát triển kinh tế xã hội chứ không chỉ cho riêng ngành điện, bởi ngành điện không đóng góp toàn bộ vào phát triển của nền kinh tế”, ông Hòa nêu quan điểm.
Còn theo ông Hà Đăng Sơn - Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu năng lượng và tăng trưởng xanh, việc trao thêm quyền cho EVN giúp việc điều chỉnh giá được linh hoạt hơn, đặc biệt, khi chi phí tăng lên quá lớn thì phải bù đắp.
Tuy nhiên, ông Sơn cho rằng, vẫn còn nhiều câu hỏi đặt ra là tại sao lại lựa chọn 1% trong khi trường hợp nào EVN được tự quyết tăng giá thì cũng không quy định rõ. Mức biến động 1% giá thành đầu vào hoàn toàn có thể được tạo ra từ “cơ chế trong sổ sách kế toán”, nếu không làm rõ được mức tăng 1% là do đâu thì việc tăng sẽ rất khó thuyết phục (giá bán lẻ điện bình quân hằng năm được lập trên cơ sở chi phí của các khâu phát điện, truyền tải điện, phân phối - bán lẻ điện, điều hành - quản lý ngành và cung cấp dịch vụ phụ trợ hệ thống điện, chi phí khác được phân bổ và chỉ bao gồm những chi phí phục vụ trực tiếp cho việc sản xuất, cung ứng điện).
“Điều gì xảy ra nếu doanh nghiệp lãng phí, làm tăng chi phí? Ví dụ như không hợp lý trong một khâu, một hoạt động nào đó, làm chi phí tăng lên vượt qua 1% và yêu cầu tăng giá điện, như vậy có hợp lý hay không? Nếu trường hợp tăng chi phí nguyên liệu là yếu tố khách quan thì việc tăng giá là hợp lý. Song nếu các chi phí nội bộ khác khó kiểm soát, không được cơ quan chuyên môn thẩm định thì việc cho phép tăng 1% khi đầu vào tăng có thể bị lạm dụng”, ông Hà Đăng Sơn cảnh báo.
Có thể bạn quan tâm
Trung Nam Group kêu "bất công" vì bị EVN dừng 40% công suất điện mặt trời
03:50, 23/09/2022
EVN đề xuất các dự án điện gió, điện mặt trời chuyển tiếp tham gia thị trường điện
11:00, 20/09/2022
EVNNPC: Cung cấp điện ổn định cho phục hồi và phát triển kinh tế
12:50, 15/08/2022
EVNNPC hướng tới mục tiêu doanh nghiệp số năm 2025
06:53, 01/08/2022