Sửa Luật Dầu khí: Cần bổ sung các quy định về lựa chọn nhà thầu

GIA NGUYỄN 03/10/2022 04:00

Xoay quanh nội dung Dự thảo Luật Dầu khí (sửa đổi), chuyên gia cho rằng, cần bổ sung các quy định cụ thể về việc lựa chọn nhà thầu cung cấp hàng hóa, dịch vụ dầu khí, tránh tạo khoảng trống pháp lý…

>> Sửa Luật Dầu khí: Cần rõ phân cấp, phân quyền

Theo đó, để Luật Dầu khí (sửa đổi) khi ban hành đi vào thực tế, giải quyết được các vướng mắc, cải thiện môi trường đầu tư, tăng cường thu hút nguồn lực, tạo khung pháp lý hoàn chỉnh thúc đẩy và phát triển hoạt động dầu khí; dựa trên thực tiễn hoạt động dầu khí, cũng như thông lệ quốc tế, hiện vẫn còn một số điều mà các doanh nghiệp, chuyên gia, nhà đầu tư mong muốn Dự thảo Luật sẽ tiếp tục tiếp thu, chỉnh lý để khi ban hành Luật đi vào cuộc sống, đáp ứng những kỳ vọng đặt ra.

cần xem xét bổ sung vào Dự thảo Luật Dầu khí (sửa đổi) các quy định cụ thể về việc lựa chọn nhà thầu cung cấp hàng hóa, dịch vụ dầu khí - Ảnh minh họa: PVoil

Cần xem xét bổ sung vào Dự thảo Luật Dầu khí (sửa đổi) các quy định cụ thể về việc lựa chọn nhà thầu cung cấp hàng hóa, dịch vụ dầu khí - Ảnh minh họa: PVOIL

Và để không tạo ra “khoảng trống pháp lý” giữa các quy định pháp luật hiện hành, Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PetroVietnam) kiến nghị, ở lần sửa đổi này cần xem xét bổ sung vào Dự thảo Luật Dầu khí (sửa đổi) các quy định cụ thể về việc lựa chọn nhà thầu cung cấp hàng hóa, dịch vụ dầu khí. Ngoài PetroVietnam, tại các phiên thảo luận lấy ý kiến đại biểu Quốc hội cũng như tại các buổi hội thảo về Dự thảo Luật Dầu khí (sửa đổi), nhiều đại biểu, chuyên gia cũng đã đưa ra ý kiến xoay quanh nội dung này.

Cụ thể, về vấn đề này, theo Ủy ban Thường vụ Quốc hội, dầu khí là tài sản công thuộc sở hữu toàn dân do Nhà nước đại diện chủ sở hữu và thống nhất quản lý, đa số được khai thác ở vùng biển, liên quan đến quốc phòng, an ninh, chủ quyền quốc gia. Vì vậy, cần có quy định bảo đảm chặt chẽ quá trình lựa chọn nhà thầu cung cấp dịch vụ, hàng hóa dầu khí phục vụ hoạt động dầu khí.

Đối với nhà thầu tư nhân ký kết hợp đồng dầu khí (nhà đầu tư dầu khí tư nhân), việc lựa chọn nhà thầu cung cấp dịch vụ, hàng hóa dầu khí để phục vụ hoạt động dầu khí được thực hiện theo quy chế riêng của nhà thầu.

Để bảo đảm quản lý chặt chẽ quá trình triển khai các dự án dầu khí trên lãnh thổ Việt Nam, ngoài quy định tại điểm h khoản 1 Điều 30 dự thảo Luật về một trong số những nội dung chính phải có trong hợp đồng dầu khí là nguyên tắc lựa chọn nhà thầu cung cấp dịch vụ, hàng hóa dầu khí và quy định tại khoản 12 Điều 59 Dự thảo Luật về nghĩa vụ của nhà thầu phải báo cáo PetroVietnam về việc tổ chức lựa chọn nhà thầu cung cấp dịch vụ, hàng hóa dầu khí phục vụ hoạt động dầu khí, Dự thảo Luật đã bổ sung tại khoản 12 Điều 59 về nghĩa vụ của nhà thầu phải bảo đảm nguyên tắc cạnh tranh, công bằng, minh bạch và hiệu quả trong lựa chọn nhà thầu cung cấp dịch vụ, hàng hóa dầu khí phục vụ hoạt động dầu khí.

>> Dự án Luật Dầu khí (sửa đổi): Tránh chồng chéo, đảm bảo tính khả thi

Với tính chất đặc thù của ngành dầu khí, cần thiết phải thể chế hóa để giảm thiểu những rủi ro cho các nhà đầu tư - Ảnh minh họa: PVOIL

Với tính chất đặc thù của ngành dầu khí, cần thiết phải thể chế hóa để giảm thiểu những rủi ro cho các nhà đầu tư - Ảnh minh họa: PVOIL

Đối với PetroVietnam và doanh nghiệp 100% vốn thuộc PetroVietnam là nhà thầu ký kết hợp đồng dầu khí, Ủy ban Thường vụ Quốc hội khẳng định, Luật Dầu khí không phải Luật cho PetroVietnam; Luật chỉ quy định quyền hạn, nhiệm vụ cụ thể của PetroVietnam gắn với nội dung quy định tại các khoản 2, 3, 4 và 5 Điều 60 Dự thảo Luật; còn khi PetroVietnam là nhà thầu ký kết hợp đồng dầu khí thì thực hiện các quyền và nghĩa vụ như các nhà thầu khác.

Ngoài các quy định này, PetroVietnam vẫn phải tuân thủ các quy định khác của pháp luật có liên quan về tổ chức và hoạt động của một tập đoàn kinh tế. Vì vậy, Luật Dầu khí không quy định về việc PetroVietnam và doanh nghiệp 100% vốn thuộc PetroVietnam lựa chọn cung cấp dịch vụ, hàng hóa dầu khí.

Theo Ủy ban Thường vụ Quốc hội, hiện tại, Dự thảo Luật không có quy định cụ thể đối với quá trình lựa chọn nhà thầu cung cấp hàng hóa dịch vụ phục vụ hoạt động dầu khí mà chỉ có duy nhất quy định mang tính nguyên tắc trong việc lựa chọn nhà thầu cung cấp hàng hóa, dịch vụ phục vụ hoạt động dầu khí mà nhà thầu dầu khí có nghĩa vụ phải thực hiện (khoản 12 Điều 59).

Đánh giá về quy định đã nêu, các chuyên gia cho rằng, quy định duy nhất này chưa thể hiện được việc lựa chọn nhà thầu cung cấp hàng hóa, dịch vụ phục vụ hoạt động dầu khí sẽ được thực hiện theo quy định của Luật Dầu khí. Trong khi Luật Đấu thầu không có quy định điều chỉnh về việc lựa chọn nhà thầu cung cấp hàng hóa, dịch vụ phục vụ hoạt động dầu khí nên cần thiết phải bổ sung quy định về lựa chọn nhà cung cấp hàng hóa, dịch vụ phục vụ hoạt động dầu khí để đảm bảo không tạo ra “khoảng trống pháp lý” giữa các Luật.

Xoay quanh vấn đề này, trước đó, TS Nguyễn Quốc Thập - Chủ tịch Hội Dầu khí Việt Nam cũng cho rằng, theo Dự thảo Luật Dầu khí (sửa đổi) dễ xảy ra xung đột với Luật Đấu thầu. Cụ thể như, dầu khí có đặc thù là có một số lô nằm trong vùng đặc biệt không được phép đấu thầu quốc tế, mà chỉ đấu thầu hạn chế trong nước; hay việc thực hiện lựa chọn nhà thầu theo thông lệ quốc tế;...

“Do đó, cần thiết điều chỉnh việc lựa chọn nhà thầu cung cấp hàng hóa, dịch vụ phục vụ hoạt động dầu khí thực hiện theo quy định Luật Dầu khí và hợp đồng dầu khí, bảo đảm nguyên tắc công bằng, cạnh tranh, minh bạch, hiệu quả và Chính phủ quy định chi tiết việc lựa chọn nhà thầu cung cấp hàng hóa, dịch vụ phục vụ hoạt động dầu khí”, TS Nguyễn Quốc Thập bày tỏ.

Luật Dầu khí hiện hành ra đời từ năm 1993 đến nay đã gần 30 năm, trong đó, từ lần sửa đổi mới nhất năm 2008 đến nay thì hệ thống pháp luật đã thay đổi rất nhiều, hàng loạt các luật mới ra đời, tạo ra sự chồng chéo, mâu thuẫn, cũng như có những khoảng trống, gây khó khăn, tắc nghẽn trong quá trình thực hiện.

Bởi vậy, theo các chuyên gia, không có hành lang pháp lý thì không thể hoạt động được, bởi thực tiễn quốc tế nói chung và với ngành dầu khí thế giới cũng thay đổi rất nhiều; cộng với những đặc thù ngành dầu khí như đầu tư lớn, rủi ro cao, cần thiết phải thể chế hóa để giảm thiểu những rủi ro cho các nhà đầu tư.

Có thể bạn quan tâm

  • Sửa Luật Dầu khí: Cần rõ phân cấp, phân quyền

    Sửa Luật Dầu khí: Cần rõ phân cấp, phân quyền

    04:00, 02/10/2022

  • Dự án Luật Dầu khí (sửa đổi): Tránh chồng chéo, đảm bảo tính khả thi

    Dự án Luật Dầu khí (sửa đổi): Tránh chồng chéo, đảm bảo tính khả thi

    04:00, 30/09/2022

  • Dự thảo Luật Dầu khí (sửa đổi): Cần cơ chế khuyến khích nhà đầu tư

    Dự thảo Luật Dầu khí (sửa đổi): Cần cơ chế khuyến khích nhà đầu tư

    03:50, 21/09/2022

  • Dự án Luật Dầu khí (sửa đổi): Cần đảm bảo quyền lợi cho các dự án đã tồn tại

    Dự án Luật Dầu khí (sửa đổi): Cần đảm bảo quyền lợi cho các dự án đã tồn tại

    04:00, 24/08/2022

  • Dự án Luật Dầu khí (sửa đổi): Cần “gỡ vướng” về thẩm quyền, trình tự thủ tục đầu tư

    Dự án Luật Dầu khí (sửa đổi): Cần “gỡ vướng” về thẩm quyền, trình tự thủ tục đầu tư

    04:00, 23/08/2022

GIA NGUYỄN