Dự án Luật Dầu khí (sửa đổi): Tránh chồng chéo, đảm bảo tính khả thi

GIA NGUYỄN 30/09/2022 04:00

Mặc dù đã có nhiều nội dung tiếp thu, sửa đổi, thế nhưng, theo chuyên gia, vấn đề trong hợp đồng dầu khí vẫn để lại nhiều quan ngại, cần được xem xét, chỉnh lý để đảm bảo tính khả thi…

>> Dự thảo Luật Dầu khí (sửa đổi): Cần cơ chế khuyến khích nhà đầu tư

Theo đó, từ khi Dự thảo Luật Dầu khí (sửa đổi) được đưa ra lấy ý kiến góp ý, chỉnh sửa, đã có không ít ý kiến chuyên gia, doanh nghiệp cho rằng, ngôn ngữ trong hợp đồng dầu khí là vấn đề vô cùng bất cập, tiềm ẩn nhiều nguy cơ đe dọa đến sự phát triển của ngành dầu khí. Tuy nhiên, đến nay Dự thảo luật này đang vẫn chưa có sự tiếp thu, sửa đổi.

Dự án Luật Dầu khí (sửa đổi) vẫn tiếp tục nhận được những đóng góp xây dựng - Ảnh minh họa: PetroVietnam

Dự án Luật Dầu khí (sửa đổi) vẫn tiếp tục nhận được những đóng góp xây dựng - Ảnh minh họa: PetroVietnam

Theo ông Nguyễn Minh - Trưởng Ban pháp lý và thương mại Eni Việt Nam, nhà đầu tư nước ngoài muốn có hai ngôn ngữ khi ký kết Hợp đồng dầu khí. Bởi nếu Hợp đồng dầu khí giữa hai công ty Việt Nam ký kết với nhau là ngôn ngữ tiếng Việt nhưng đến khi công ty nước ngoài muốn tham gia vào thì lúc đó phải chỉnh sửa lại rất khó khăn.

“Còn nếu công ty nước ngoài muốn tham gia vào Hợp đồng dầu khí mà hợp đồng chỉ có ngôn ngữ tiếng Việt, hoặc được dịch sang tiếng Anh mà không được các bên ký thì họ rất lo ngại”, ông Minh chia sẻ.

Đồng quan điểm đã nêu, ông Vương Minh Đức - Giám đốc Kỹ thuật và An toàn sức khỏe môi trường Công ty TNHH Thăm dò và Khai thác Dầu khí ExxonMobil Vietnam và ông Đỗ Ngọc Thanh - Phó tổng giám đốc Công ty TNHH Dầu khí Việt Nhật cũng cho rằng, hoạt động của ngành dầu khí trên thế giới xoay quanh ngôn ngữ tiếng Anh. Trong đó, có rất nhiều từ ngữ chuyên ngành có thể sẽ không thể giải nghĩa một cách chính xác trong tiếng Việt. Hợp đồng dầu khí được ký kết ngay từ ban đầu bằng tiếng Anh là rất cần thiết, điều này cũng đã trở thành một thông lệ quốc tế, là một điểm tạo thuận lợi thu hút đầu tư nước ngoài, nếu không thì đây sẽ trở thành một rào cản mới trong thu hút đầu tư.

Thực tế, dầu khí là một trong những ngành hoạt động theo tính chất đặc thù, có sự phổ quát quốc tế cao. Vậy nên, khi sử dụng ngôn ngữ trong hợp đồng dầu khí bằng tiếng Việt và tiếng Anh là điều phù hợp, không gây ra các khó khăn, vướng mắc, trong quá trình thực thi.

Theo đó, các chuyên gia cho rằng, đây không phải là một điểm cần phải sửa đổi trong Luật Dầu khí. Vì vậy, cơ quan soạn thảo Dự thảo Luật Dầu khí (sửa đổi) đưa vào những quy định như hiện nay có thể coi là một bước đi lùi trong cơ chế chính sách đối với hoạt động dầu khí. Điều này không phù hợp với việc xây dựng hệ thống pháp luật nói chung và hệ thống pháp luật về dầu khí nói riêng, không cải thiện môi trường đầu tư trong lĩnh vực này.

>> Dự án Luật Dầu khí (sửa đổi): Cần đảm bảo quyền lợi cho các dự án đã tồn tại

Tuy nhiên, ngôn ngữ trong hợp đồng dầu khí là vấn đề vô cùng bất cập - Ảnh minh họa: NLĐ

Tuy nhiên, ngôn ngữ trong hợp đồng dầu khí là vấn đề vô cùng bất cập - Ảnh minh họa: NLĐ

Để phù hợp với đặc điểm của hoạt động dầu khí, tạo điều kiện cho các nhà thầu dầu khí tiềm năng tiếp cận với hợp đồng dầu khí hiện hữu thì tại thời điểm ký kết Hợp đồng dầu khí nên được ký kết bằng tiếng nước ngoài thông dụng (thường là tiếng Anh) ngay từ thời điểm ký kết hợp đồng mà không phụ thuộc vào quốc tịch của nhà thầu tại thời điểm ký hợp đồng.

Bên cạnh đó, nhằm giải quyết xung đột, chồng chéo trong quá trình áp dụng Luật Dầu khí với Luật Quản lý sử dụng vốn Nhà nước đầu tư vào sản xuất, kinh doanh tại doanh nghiệp, các chuyên gia cũng cho rằng, việc bổ sung quy định tại Điều 36 Dự thảo luật về quy trình thực hiện chuyển nhượng quyền lợi tham gia trong trường hợp Petrovietnam/doanh nghiệp 100% vốn của Petrovietnam là bên chuyển nhượng sẽ được thực hiện theo Luật Dầu khí là rất cần thiết.

Bởi trên thực tế triển khai việc chuyển nhượng này cho thấy, việc quy định nội dung này vào Luật Quản lý sử dụng vốn Nhà nước là không phù hợp vì đặc điểm của “tài sản dầu khí” chào bán là khác biệt nên việc phải tổ chức chào hàng cạnh tranh dựa trên kết quả thẩm định của một tổ chức độc lập về giá trị khởi điểm của tài sản là không khả thi và phù hợp.

Theo các chuyên gia, thứ nhất, không có tổ chức nào có thể định giá được tài sản dầu khí này; thứ hai, việc thuê các tổ chức thẩm định giá trị tài sản chào bán và tổ chức chào hàng cạnh tranh sẽ khó tránh khỏi việc không đảm bảo các yếu tố về quốc phòng, an ninh.

Bên cạnh đó, với quy định liên quan đến quản lý và sử dụng vốn Nhà nước trong hoạt động dầu khí (quản lý vốn của Petrovietnam và doanh nghiệp (DN) 100% vốn của Petrovietnam trong thực hiện đầu tư các dự án dầu khí), thì Dự thảo luật (Điều 63 và Điều 66) chỉ có quy định thẩm quyền của hội đồng thành viên và Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp liên quan đến việc sử dụng vốn của Petrovietnam và công ty 100% vốn của Petrovietnam tham gia các dự án/hoạt động dầu khí.

Cụ thể, giao toàn bộ việc phê duyệt sử dụng vốn của Petrovietnam và doanh nghiệp 100% vốn của Petrovietnam cho Hội đồng thành viên tập đoàn này (Điều 63 Dự thảo Luật Dầu khí sửa đổi); và trách nhiệm (thẩm quyền) của Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước chỉ gửi ý kiến về việc sử dụng vốn của Petrovietnam để Bộ Công Thương xem xét thẩm định (Điều 66 Dự thảo Luật Dầu khí sửa đổi).

Các chuyên gia cho rằng, quy định này không rõ về trình tự, thủ tục, hồ sơ để Hội đồng thành viên Petrovietnam phê duyệt trong trường hợp Petrovietnam/doanh nghiệp 100% vốn của Petrovietnam thực hiện hoạt động dầu khí theo các giai đoạn của hợp đồng phân chia sản phẩm (PSC) và dự án dầu khí; và không quy định rõ về các bước, trình tự để Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tham gia ý kiến về việc sử dụng vốn của Petrovietnam tại các dự án, hoạt động dầu khí.

Cụ thể, nếu trong trường hợp Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước có ý kiến “không đồng ý” hoặc “việc sử dụng vốn của Petrovietnam cần xem xét lại” thì Bộ Công Thương có thẩm định và quyết định trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt được không? Thêm nữa, khi triển khai dự án dầu khí có sự tham gia của Petrovietnam và doanh nghiệp 100% vốn của Petrovietnam thì Petrovietnam vẫn phải đồng thời thực hiện 2 quy trình.

Vì vậy, các chuyên gia kỳ vọng, những vướng mắc còn tồn tại sẽ tiếp tục được chỉnh lý trong Dự thảo hoặc trong các văn bản hướng dẫn thi hành Luật để Luật Dầu khí (sửa đổi) với những điểm mới, tiến bộ khi đưa vào thực thi sẽ đáp ứng được kỳ vọng của Đảng, Nhà nước, xã hội và doanh nghiệp.

Có thể bạn quan tâm

  • Dự thảo Luật Dầu khí (sửa đổi): Cần cơ chế khuyến khích nhà đầu tư

    Dự thảo Luật Dầu khí (sửa đổi): Cần cơ chế khuyến khích nhà đầu tư

    03:50, 21/09/2022

  • Dự án Luật Dầu khí (sửa đổi): Cần đảm bảo quyền lợi cho các dự án đã tồn tại

    Dự án Luật Dầu khí (sửa đổi): Cần đảm bảo quyền lợi cho các dự án đã tồn tại

    04:00, 24/08/2022

  • Dự án Luật Dầu khí (sửa đổi): Cần “gỡ vướng” về thẩm quyền, trình tự thủ tục đầu tư

    Dự án Luật Dầu khí (sửa đổi): Cần “gỡ vướng” về thẩm quyền, trình tự thủ tục đầu tư

    04:00, 23/08/2022

  • Dự án Luật Dầu khí (sửa đổi): Gỡ chồng chéo pháp luật

    Dự án Luật Dầu khí (sửa đổi): Gỡ chồng chéo pháp luật

    03:50, 19/08/2022

  • Dự án Luật Dầu khí (sửa đổi): Cần thêm nhiều yếu tố cải thiện môi trường đầu tư

    Dự án Luật Dầu khí (sửa đổi): Cần thêm nhiều yếu tố cải thiện môi trường đầu tư

    03:50, 18/08/2022

(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
Dự án Luật Dầu khí (sửa đổi): Tránh chồng chéo, đảm bảo tính khả thi
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO