Sửa Luật Dầu khí: Thêm quy định chuyển tiếp ưu đãi đầu tư là cần thiết

GIA NGUYỄN 04/10/2022 04:00

Để bảo đảm quyền lợi và nghĩa vụ của các nhà thầu, nhà đầu tư tại các dự án dầu khí đã và đang triển khai, chuyên gia cho rằng, Luật Dầu khí (sửa đổi) cần có thêm quy định chuyển tiếp ưu đãi đầu tư…

>> Sửa Luật Dầu khí: Cần bổ sung các quy định về lựa chọn nhà thầu

Với nguyên tắc xây dựng, sửa đổi bổ sung Luật Dầu khí dựa trên cơ sở 6 nhóm chính sách lớn mà Bộ Công Thương trình Chính phủ và đã được Chính phủ trình Quốc hội, theo các chuyên gia, về cơ bản, những nội dung sửa đổi, bổ sung của Dự thảo Luật Dầu khí (sửa đổi) đã khắc phục được khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai các hoạt động dầu khí.

những nội dung sửa đổi, bổ sung của Dự thảo Luật Dầu khí (sửa đổi) đã khắc phục được khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai các hoạt động dầu khí - Ảnh minh họa: PVOIL

Những nội dung sửa đổi, bổ sung của Dự thảo Luật Dầu khí (sửa đổi) được cho đã khắc phục được khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai các hoạt động dầu khí - Ảnh minh họa: PVOIL

Tuy nhiên, để thiết lập khung pháp lý hoàn chỉnh, đồng bộ và đảm bảo tính khả thi trong quá trình thực hiện Luật Dầu khí (sửa đổi) sau khi được Quốc hội thông qua, đặc biệt là việc tạo sức hấp dẫn cho môi trường đầu tư trong lĩnh vực dầu khí, các chuyên gia cho rằng, cần có thêm quy định chuyển tiếp ưu đãi đầu tư.

Bởi trên thực tế, một trong những vấn đề được các nhà thầu, nhà đầu tư băn khoăn trong Dự thảo Luật Dầu khí (sửa đổi) là các dự án dầu khí đã và đang triển khai trước ngày Luật mới có hiệu lực, liệu có được hưởng các ưu đãi theo quy định của luật mới hay không?

Nhất là khi trên thực tiễn triển khai hoạt động dầu khí hiện nay, có rất nhiều hợp đồng dầu khí đã được ký kết từ hơn 20 năm trước, cũng như có những hợp đồng dầu khí được ký kết trước khi Luật Dầu khí hiện hành có hiệu lực, trong khi hoạt động dầu khí những năm gần đây đã và đang có những thay đổi đáng kể. Nhưng đến nay Dự thảo luật vẫn chưa có quy định cho phép các dự án trước đây sẽ được hưởng các ưu đãi theo quy định Luật Dầu khí (sửa đổi).

>> Sửa Luật Dầu khí: Cần rõ phân cấp, phân quyền

Tuy nhiên, theo các chuyên gia kiến nghị, cần có thêm quy định chuyển tiếp ưu đãi đầu tư, để nhà thầu, nhà đầu tư được hưởng các ưu đãi đầu tư theo quy định của luật mới - Ảnh minh họa: PetroTimes

Tuy nhiên, các chuyên gia kiến nghị, cần có thêm quy định chuyển tiếp ưu đãi đầu tư, để nhà thầu, nhà đầu tư được hưởng các ưu đãi đầu tư theo quy định của luật mới - Ảnh minh họa: PetroTimes

Vì vậy, để bảo đảm quyền lợi và nghĩa vụ của các nhà thầu, nhà đầu tư tại các dự án dầu khí đã và đang triển khai, các chuyên gia kiến nghị, cần có thêm quy định chuyển tiếp ưu đãi đầu tư, để nhà thầu, nhà đầu tư được hưởng các ưu đãi đầu tư theo quy định của luật mới nếu ưu đãi cao hơn; còn trường hợp ưu đãi đầu tư thấp hơn luật sửa đổi thì tiếp tục được áp dụng theo quy định cũ.

Trong trường hợp chính sách thay đổi, nhà thầu, nhà đầu tư có quyền lựa chọn, áp dụng những chính sách mới, ưu đãi hơn; cần thiết rà soát để có phương án xử lý, tránh xung đột pháp luật.

Cơ sở của kiến nghị này dựa trên quy định tại khoản 1 và khoản 2 Điều 13 Luật Đầu tư năm 2020 về bảo đảm đầu tư kinh doanh trong trường hợp thay đổi pháp luật.

Cụ thể, theo quy định đã nêu: “Trường hợp văn bản pháp luật mới được ban hành quy định ưu đãi đầu tư mới, ưu đãi đầu tư cao hơn thì nhà đầu tư hưởng ưu đãi đầu tư theo quy định của văn bản pháp luật mới cho thời gian hưởng ưu đãi còn lại của dự án đầu tư, trừ ưu đãi đặc biệt đối với dự án đầu tư thuộc trường hợp quy định tại Điểm a Khoản 5 Điều 20 của Luật này. Trường hợp văn bản pháp luật mới được ban hành quy định ưu đãi đầu tư thấp hơn ưu đãi đầu tư mà nhà đầu tư được hưởng trước đó thì nhà đầu tư được tiếp tục áp dụng ưu đãi đầu tư theo quy định trước đó cho thời gian hưởng ưu đãi còn lại của dự án đầu tư”.

Vì vậy, để cải thiện môi trường đầu tư, nâng cao tính thực thi và hiệu lực của các chính sách khuyến khích đầu tư trong lĩnh vực dầu khí, các chuyên gia cho rằng, việc bổ sung thêm quy định chuyển tiếp ưu đãi đầu tư cần thiết. Điều này không chỉ giúp tiết kiệm được thời gian và tối ưu hóa việc đưa các phát hiện dầu khí được đánh giá có quy mô nhỏ, hiệu quả cận biên vào khai thác trên cơ sở điều chỉnh các điều khoản, điều kiện của hợp đồng dầu khí đã ký, mà còn phù hợp với chính sách đảm bảo đầu tư cho các nhà đầu tư theo quy định Luật Đầu tư, cũng như phù hợp với hệ thống pháp luật quốc tế về bảo đảm đầu tư.

Bên cạnh đó, một số ý kiến cũng cho rằng, việc có thêm quy định chuyển tiếp ưu đãi đầu tư trong Luật Dầu khí (sửa đổi), cũng cần thiết với Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PetroVietnam) trong việc đảm bảo thực hiện các nghĩa vụ của nước chủ nhà trong các hợp đồng dầu khí hoặc xử lý các chi phí liên quan đến việc tiêu thụ phần sản phẩm, cùng các chi phí quản lý khác. Bởi thực tế, Dự thảo Luật chưa có quy định chuyển tiếp để đảm bảo xử lý được các loại chi phí này đối với những hợp đồng dầu khí đã được thực hiện trước đó.

Theo các chuyên gia, việc bổ sung quy định này sẽ là cơ sở để giải quyết các vướng mắc về chi phí khi PetroVietnam thực hiện các công việc quản lý Nhà nước về dầu khí đã được phân công. Đồng thời, cũng đảm bảo tính thống nhất và tính khả thi trong quá trình thực hiện nhiệm vụ, tháo gỡ các vướng mắc hiện hữu đối với các hợp đồng dầu khí trước đây.

Thông tin với báo chí trước đó, ông Nguyễn Minh - Trưởng ban pháp lý và thương mại Eni Việt Nam cho rằng, mục đích của Luật Dầu khí (sửa đổi) là làm cho môi trường đầu tư dầu khí ngày càng tốt hơn để có thêm những nhà đầu tư mới và giữ lại những nhà đầu tư đang đầu tư tại Việt Nam, trong bối cảnh rất khó khăn của ngành dầu khí trên toàn thế giới, mặc dù giá dầu đang có cải thiện nhưng xu hướng chuyển dịch năng lượng chi phối rất lớn.

“Việc cho phép chuyển tiếp để áp dụng Luật Dầu khí (sửa đổi) nhằm tháo gỡ những vướng mắc, điểm nghẽn đang diễn ra trong hoạt động của ngành cũng đang được nhà đầu tư trông chờ”, ông Minh chia sẻ.

Có thể bạn quan tâm

  • Sửa Luật Dầu khí: Cần bổ sung các quy định về lựa chọn nhà thầu

    Sửa Luật Dầu khí: Cần bổ sung các quy định về lựa chọn nhà thầu

    04:00, 03/10/2022

  • Sửa Luật Dầu khí: Cần rõ phân cấp, phân quyền

    Sửa Luật Dầu khí: Cần rõ phân cấp, phân quyền

    04:00, 02/10/2022

  • Dự thảo Luật Dầu khí (sửa đổi): Cần sửa ngôn ngữ trong hợp đồng dầu khí

    Dự thảo Luật Dầu khí (sửa đổi): Cần sửa ngôn ngữ trong hợp đồng dầu khí

    19:07, 30/09/2022

  • Dự án Luật Dầu khí (sửa đổi): Tránh chồng chéo, đảm bảo tính khả thi

    Dự án Luật Dầu khí (sửa đổi): Tránh chồng chéo, đảm bảo tính khả thi

    04:00, 30/09/2022

  • Dự thảo Luật Dầu khí (sửa đổi): Cần cơ chế khuyến khích nhà đầu tư

    Dự thảo Luật Dầu khí (sửa đổi): Cần cơ chế khuyến khích nhà đầu tư

    03:50, 21/09/2022

GIA NGUYỄN