Dự thảo Luật Đất đai sửa đổi: Làm rõ cơ chế hoạt động cho “Ngân hàng đất nông nghiệp”
Mô hình “Ngân hàng đất nông nghiệp” đem đến nhiều kỳ vọng trong việc nâng cao chất lượng sản xuất nông nghiệp.
>>Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi): Chưa thể hiện đầy đủ quyền giám sát của công dân
Nhưng để đạt được kỳ vọng từ mô hình này, cần tiếp tục nghiên cứu, bổ sung các quy định, làm rõ cơ chế hoạt động cho “Ngân hàng đất nông nghiệp”.
Đây là chia sẻ của PGS.TS Nguyễn Quang Tuyến - Phó Chủ tịch Hội đồng Trường Đại học Luật Hà Nội với Diễn đàn Doanh nghiệp.
- Thưa ông, để hoàn thiện chính sách quản lý, sử dụng đất nông nghiệp nhằm khuyến khích sử dụng đất đai hiệu quả, ông có đóng góp ý kiến gì vào Dự thảo Luật Đất đai sửa đổi hiện hành?
Theo tôi, điều đầu tiên cần làm trong Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) lần này là phải giải thích một cách chính thức khái niệm tích tụ và tập trung đất nông nghiệp nhằm khắc phục những cách hiểu khác nhau, hạn chế sai lệch không cần thiết. Do đó, trong sửa đổi Luật cần bổ sung quy định giải thích cụ thể về khái niệm tích tụ đất nông nghiệp; khái niệm tập trung đất nông nghiệp để có cách hiểu thống nhất tạo điều kiện thuận lợi cho quá trình tích tụ, tập trung đất nông nghiệp đạt hiệu quả.
Sửa đổi, bổ sung quy định về hạn mức sử dụng đất nông nghiệp theo hướng không nên quy định về hạn mức giao đất, cho thuê đất nông nghiệp mà thay thế bằng việc bổ sung quy định chính sách thuế để điều chỉnh quy mô sử dụng đất nông nghiệp. Đồng thời, cần bỏ quy định về thời hạn sử dụng đất nông nghiệp bằng việc bổ sung quy định giao, cho thuê đất nông nghiệp sử dụng ổn định lâu dài như đối với đất phi nông nghiệp.
Mặt khác, cần sửa đổi, bổ sung Luật Đất đai hiện hành theo hướng cho phép các tổ chức kinh tế, hộ gia đình, cá nhân trong nước không trực tiếp sản xuất nông nghiệp được nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất trồng lúa đi kèm điều kiện như phải có kế hoạch sử dụng đất cụ thể, phải đảm bảo sử dụng đúng mục đích đất nông nghiệp, phải đảm bảo quy trình sản xuất nông nghiệp, phải có trụ sở hoặc chi nhánh của doanh nghiệp gần vùng sản xuất…
>>GÓP Ý DỰ THẢO LUẬT ĐẤT ĐAI: Luật hóa bất động sản logistics
- Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) lần này có quy định mới về “Ngân hàng đất nông nghiệp”, ông đánh giá sao về quy định này?
Đây là một trong những sửa đổi, bổ sung lớn nhất, lần đầu tiên xuất hiện trong Dự thảo Luật Đất đai sửa đổi lần này. Việc ra đời mô hình này đem đến nhiều kỳ vọng sẽ giải quyết được các vấn đề còn tồn tại trong sử dụng, quản lý đất nông nghiệp.
Như chúng ta đã biết, việc sử dụng đất nông nghiệp ở nông thôn hiện nay rất nhỏ lẻ, mỗi hộ gia đình có 4-5 mảnh ruộng nhưng lại ở 4-5 nơi khác nhau, từ đó dẫn đến tình trạng gia tăng thời gian, chi phí đầu vào, đặc biệt là việc khó đưa máy móc, công nghệ vào sản xuất.
Cùng với đó là tình trạng nhiều người dân bỏ quê lên thành phố làm ăn, tìm kiếm cơ hội nhưng lại có tâm lý giữ đất phòng thân khi ở thành phố không kiếm được công ăn, việc làm sẽ về quê sản xuất, canh tác, dẫn đến tình trạng lãng phí nguồn lực đất nông nghiệp.
Trong khi đó, Luật hiện hành lại hạn chế việc tiếp cận đất nông nghiệp, đặc biệt là đất trồng lúa khi quy định, không cho phép các tổ chức kinh tế trong nước nhận chuyển nhượng đất ruộng lúa, đất rừng đặc dụng, đất người dân trực tiếp sản xuất nông nghiệp. Còn đối với doanh nghiệp nước ngoài không được nhận chuyển nhượng đất của hộ gia đình, cá nhân… dẫn đến những khó khăn cho các doanh nghiệp trong việc tiếp cận đất nông nghiệp để sản xuất và thực hiện các dự án trong diện tích lớn áp dụng máy móc, công nghệ trong lĩnh vực nông nghiệp.
Vì vậy mô hình “Ngân hàng đất nông nghiệp” được hy vọng sẽ giải quyết được nhưng thực trạng đang tồn tại, đây cũng là mô hình tiên tiến đã được nhiều nước thực hiện từ trước đó. Với mô hình này người nông dân có đất có thể đưa đất vào “Ngân hàng đất nông nghiệp”, sau đó các “Ngân hàng đất nông nghiệp” sẽ cho các tổ chức, doanh nghiệp có nhu cầu thuê lại, từ đó, người dân không có nhu cầu sử dụng đất vẫn có lợi nhuận khi được trả chi phí từ hệ thống “Ngân hàng đất nông nghiệp”, hoặc có thể lấy lại đất để sản xuất, canh tác khi có nhu cầu.
- Vậy, để mô hình “Ngân hàng đất nông nghiệp” đáp ứng các mục tiêu trên, ông có kiến nghị, đề xuất gì?
Đây là quy định rất mới, từ trước đến nay chưa hề có ở Việt Nam nên Dự thảo Luật cần tiếp tục được nghiên cứu, bởi đã gọi là “Ngân hàng đất nông nghiệp” thì ngoài thực hiện theo quy định của luật, liệu có phải chịu sự điều chỉnh theo các quy định liên quan của tổ chức tín dụng hay không? Có chịu sự quản lý của Ngân hàng Nhà nước hay không?
Đáng nói, trong Dự thảo Luật cũng chưa quy định rõ các cơ quan Nhà nước nào chịu trách nhiệm đứng ra thành lập “Ngân hàng đất nông nghiệp”, điều kiện để phê chuẩn và cho thuê lại của tổ chức này như thế nào? “Ngân hàng đất nông nghiệp” sẽ do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Tài nguyên và Môi trường hay UBND các tỉnh thành lập? Cơ chế sẽ hoạt động ra sao? Nguồn tiền hoạt động lấy ở đâu, ngân sách Nhà nước hay nguồn vốn huy động?
Như đã nêu, đây là quy định mới, trong khi Dự thảo Luật sửa đổi vẫn còn nhiều điểm đang bỏ ngỏ, nên theo quan điểm của tôi, Ban soạn thảo cần trao đổi với Ngân hàng Nhà nước và các đơn vị liên quan để tiếp tục nghiên cứu, bổ sung các quy định, cơ chế một cách rõ ràng để khi “Ngân hàng đất nông nghiệp” ra đời sẽ hoạt động hiệu quả và đáp ứng được kỳ vọng.
- Xin cảm ơn ông!
Có thể bạn quan tâm
GÓP Ý DỰ THẢO LUẬT ĐẤT ĐAI: Luật hóa bất động sản logistics
03:30, 08/09/2022
GÓP Ý DỰ THẢO LUẬT ĐẤT ĐAI: Duy trì 2 kênh tạo quỹ đất phát triển nhà ở
05:00, 07/09/2022
GÓP Ý DỰ THẢO LUẬT ĐẤT ĐAI: Băn khoăn quy mô đấu thầu dự án
05:00, 06/09/2022
GÓP Ý DỰ THẢO LUẬT ĐẤT ĐAI: Bổ sung quyền sở hữu đất cho người nước ngoài
01:00, 29/08/2022
GÓP Ý DỰ THẢO LUẬT ĐẤT ĐAI: Rút ngắn thời gian thông báo thu hồi đất
03:00, 16/08/2022
GÓP Ý DỰ THẢO LUẬT ĐẤT ĐAI: Cần cơ quan độc lập quản lý giá đất
01:00, 15/08/2022
GÓP Ý DỰ THẢO LUẬT ĐẤT ĐAI: Bất cập nguyên tắc tính tiền sử dụng đất hộ gia đình
20:46, 10/08/2022