Nan giải đấu thầu thuốc
Dự thảo Luật Đấu thầu (sửa đổi) có thiết kế một chương riêng về đấu thầu thuốc, nhưng chưa đi đến tận cùng của vấn đề, còn tâm lý sợ sai nên vẫn phải đấu thầu.
>>Đấu thầu thuốc, thiết bị y tế: Bất cập quy định về lập giá kế hoạch
Đây là chia sẻ của đại biểu Quốc hội Phạm Khánh Phong Lan (TP. HCM) với Diễn đàn Doanh nghiệp.
- Theo bà, việc bổ sung một chương riêng về đấu thầu thuốc trong dự thảo Luật Đấu thầu lần này, liệu có tháo gỡ được những nút thắt đang làm khó cho bệnh viện trong mua sắm thuốc hay không?
Cho đến nay, chúng ta vẫn tranh cãi với nhau trên lý thuyết. Bởi vì, đối với ngành y tế từ những vấn đề nóng nhất như tự chủ bệnh viện, xã hội hoá cho đến thuốc giá rẻ và chất lượng điều trị vẫn chưa có một nghiên cứu nào cho đến tận cùng.
Trong khi đây là một ngành kỹ thuật nên phải thông qua số liệu, như trước đây làm sao, sau này như thế nào, có lợi hay có hại… Nhưng tôi không hiểu tại sao cho đến bây giờ chúng ta vẫn né tránh và không có một đánh giá nào. Bệnh viện nào cũng “kêu” đấu thầu, người ủng hộ đấu thầu thì lý luận, thuốc được cấp GMP, đạt “chuẩn này, chuẩn kia”.
Nhưng chỉ có bác sĩ khám bệnh cho bệnh nhân với kinh nghiệm trị liệu của mình mới hiểu, cũng mặt hàng đó thì nên mua ở đâu, dùng như thế nào, và tại sao chất lượng lại khác nhau. Thuốc có nhiều trên thị trường, nhưng trong quá trình sử dụng cho bệnh nhân, bác sĩ tự đánh giá cho bệnh nhân riêng của mình, từ đó mới rút ra được kinh nghiệm trị liệu. Cho nên mới có bác sĩ giỏi, bác sĩ “dở”.
- Có ý kiến cho rằng, đấu thầu thuốc là để chống tiêu cực. Bà bình luận như thế nào về vấn đề này?
Nếu nói đấu thầu thuốc để chống tiêu cực, tôi xin khẳng định chính đấu thầu đã làm cho tiêu cực “len lỏi” một cách “dữ dội”.
Chưa kể, bản chất của đấu thầu với đặc thù mặt hàng thuốc thì sẽ trở thành đấu giá làm sao cho giá rẻ nhất. Vì trong quá trình xây dựng hồ sơ kỹ thuật, thuốc có đặc thù, đặc biệt với mặt hàng thuốc generic (thuốc sao chép).
Cụ thể, thuốc phân làm hai loại, một loại là thuốc đặc trị độc quyền. Thuốc này do các hãng dược độc quyền phát minh ra, chỉ có một hãng bán trên thế giới cho một người. Như vậy, đấu thầu ở đây là vô nghĩa. Bởi họ muốn đặt giá bao nhiêu cũng được, và việc này đòi hỏi phải có vai trò của nhà nước trong tiến hành đàm phán giá để lấy được giá thích hợp nhất cho người dân của mình.
Đa số những hãng dược đa quốc gia này họ rất giàu có và cũng hay đối thoại với các nước. Mặt hàng thuốc này có đặc thù, nếu so sánh với những thuốc khác thì đây là thuốc có chất lượng cao.
Vì đây là kết quả của quá trình nghiên cứu độc quyền, nhưng đi cùng với đó là giá rất cao, vì họ cũng phải bỏ ra rất nhiều tiền của để nghiên cứu. Và giá cao là trên toàn thế giới mà không chỉ cao riêng ở Việt Nam.
Cho nên, nếu là người bệnh thì ai cũng muốn dùng thuốc này. Nếu người bệnh tự chi trả thì không nói làm gì, nhưng nếu là của bảo hiểm y tế thì chúng ta phải tính toán lại, và không phải chỉ riêng Việt Nam, mà tất cả các nước kể cả những nước giàu họ cũng không thể dùng quỹ bảo hiểm y tế để chi trả 100% những loại thuốc độc quyền này.
>>Gỡ vướng đấu thấu thuốc
Cho nên phải “xoay” sang phương án hai, đó là những thuốc chất lượng “thua” thuốc độc quyền một chút, nhưng vẫn đáp ứng được yêu cầu trị liệu với giá rẻ hơn rất nhiều. Đó là thuốc thuốc generic.
Thuốc generic sau 20 năm độc quyền, theo luật tất cả các hãng dược trên thế giới đều có quyền khai thác, tức là có quyền mua nguyên liệu về làm ra viên thuốc của riêng mình, đương nhiên họ sẽ không có được bí mật của các nhà phát minh ban đầu của hãng độc quyền kia. Như vậy, chúng ra sẽ có rất nhiều thuốc generic.
Ở đây cho thấy điều gì? Cái khó của chúng ta là khi phiên những tiêu chí, kỹ thuật của các thuốc để đấu thầu thì hầu như giống nhau, ở đây tôi nói đến thuốc generic, còn thuốc band name (biệt dược gốc) không nói đến đấu thầu vì nó vô nghĩa.
Đối với thuốc generic đều như nhau, vì nguyên liệu như nhau, nhà máy phải đạt chuẩn… do đó rất khó phân biệt. Từ đây, thuốc đã “bay” thẳng đến “ phân khúc” thứ hai là đấu giá. Và cuối cùng chỉ chọn giá rẻ nhất.
- Vậy, bà có kiến nghị gì cho dự thảo lần này?
Thứ nhất, đấu thầu không phải biện pháp duy nhất.
Thứ hai, trong đấu thầu cũng có chỉ định thầu, mua sắm cạnh tranh, đấu thầu rộng rãi… Đấu thầu rộng rãi cũng không phải là biện pháp duy nhất, cho nên theo tôi cần để mở phương án này.
Thứ ba, tăng cường tính tự chủ của bệnh viện, bác sĩ với mục tiêu cao nhất là phục vụ cho chất lượng khám chữa bệnh. Không phải mục tiêu “nhăm nhăm” giá rẻ nhất để tiết kiệm cho quỹ bảo hiểm y tế. Bởi vì tiết kiệm chỗ này nhưng kỳ thực lại lãng phí chỗ khác, như lãng phí sức lao động, con người. Đặc biệt, niềm tin sẽ bị mất mát đi rất nhiều.
Thứ tư, chúng ta phải trải qua đấu thầu ở bệnh viện thì mới thấy hết được sự “bạc bẽo” như thế nào. Đấu thầu rất mất thời gian, trong khi có nhiều trường hợp “kêu thầu” nhưng không có ai đến tham gia thầu, do sau nhiều lần đấu thầu bị thiệt hại nên họ “nản”.
Có trường hợp khi đấu thầu trúng giá, nhưng một thời gian sau ở nơi khác giá trúng thầu thấp hơn thì bảo hiểm y tế lại “xoay” sang thanh toán với giá thấp hơn, bỏ mặc mọi quy luật thị trường, mọi pháp luật, pháp lý khác. Cuối cùng chúng ta “tung hô” mỗi năm tiết kiệm được “tỷ này, tỷ kia” thông qua đấu thầu. Vấn đề này rất cần sớm tháo gỡ.
Thứ năm, ngành này đang phải đối phó với tình trạng nhập khẩu “vô tội vạ”, cái gì chúng ta cũng cho phép nhập, trong khi với các nước thuốc vào thị trường của họ rất khó khăn, vì những ràng buộc hàng rào kỹ thuật.
Thứ sáu, thị trường lớn nhất cho bệnh nhân trong bệnh viện nhưng cuối cùng chỉ theo hướng là giá. Khi chúng ta chỉ làm một sản phẩm với mục tiêu làm sao cho giá rẻ nhất thì làm sao có thể phát triển bền vững.
Thứ bảy, phải có sự thay đổi trong tâm thức của lãnh đạo. Tâm lý hiện nay là sợ “vỡ” quỹ bảo hiểm. Mà không vỡ mới lạ, vì giá đóng thì thấp nhất thế giới, đóng một lần cơ bản nhưng lại muốn “bao hết” 100% tiền viện phí, tiền thuốc, trừ thuốc ung thư đắt quá chịu không nổi thì “bao” 50%. Tuy nhiên, đây là một tỷ lệ “kinh hoàng” đối với các nước.
- Trân trọng cảm ơn bà!
Có thể bạn quan tâm
Nhiều vướng mắc liên quan đến đấu thầu thuốc và vật tư y tế
12:00, 08/07/2022
“Trị bệnh” loạn giá trong đấu thầu thuốc, vật tư y tế
04:00, 12/02/2022
Dự thảo Quy chế về Hội đồng tư vấn quốc gia về đấu thầu thuốc còn thiếu rõ ràng
04:00, 07/11/2021
Đấu thầu thuốc, thiết bị y tế: Bất cập quy định về lập giá kế hoạch
03:00, 09/10/2022
Ngành Y tế: Vẫn “nóng” vấn đề tự chủ
03:00, 04/10/2022
Bộ Y tế: Đốc thúc "xóa" tình trạng thiếu thuốc, thiếu trang thiết bị tại bệnh viện
22:56, 01/10/2022
Bài toán thiếu thuốc, vật tư y tế: Cần sớm tìm lời giải
03:30, 23/09/2022