Đấu thầu thuốc, thiết bị y tế: Bất cập quy định về lập giá kế hoạch

KHÔI NGUYÊN 09/10/2022 03:00

Theo các chuyên gia, một trong những bất cập nổi cộm dẫn đến khó khăn trong công tác đấu thầu thuốc, vật tư y tế, gây thiếu thuốc cục bộ ở nhiều cấp cơ sở là do quy định về lập giá kế hoạch…

>>Bài toán thiếu thuốc, vật tư y tế: Cần sớm tìm lời giải

hihihik

 một trong những bất cập nổi cộm dẫn đến khó khăn trong công tác đấu thầu thuốc, vật tư y tế, gây thiếu thuốc cục bộ ở nhiều cấp cơ sở là do quy định về lập giá kế hoạch. Ảnh minh họa

Cụ thể, quy định này tại Thông tư số 15/2019/TT-BYT (Thông tư 15) và Thông tư số 14/2020/TT-BYT (Thông tư 14). Các chuyên gia cho rằng, đây là vấn đề Bộ Y tế cần sửa đổi trong quá trình rà soát và xây dựng thông tư thay thế, trong đó thời hạn góp ý đối với Dự thảo Thông tư thay thế Thông tư 15 là đến ngày 22/10/2022.

Theo đó, hướng dẫn về việc lập kế hoạch lựa chọn nhà thầu cung ứng thuốc, Thông tư 15 quy định: “Khi lập kế hoạch lựa chọn nhà thầu, đơn vị phải tham khảo giá thuốc và dược liệu trúng thầu trong vòng 12 tháng trước của các cơ sở y tế do Bộ Y tế công bố trên trang điện tử để làm cơ sở xây dựng đơn giá của từng thuốc, dược liệu”. Theo đó, về nguyên tắc, “giá kế hoạch của từng thuốc, dược liệu không được cao hơn giá trúng thầu cao nhất của thuốc, dược liệu đó trong mỗi nhóm tiêu chí kỹ thuật đã được công bố”. Quy định này cũng được áp dụng tương tự đối với việc mua sắm trang thiết bị y tế tại Thông tư 14.

Với quy định giá năm sau phải giảm so với năm trước, lãnh đạo Bệnh viện Bạch Mai từng chua xót cho rằng, tới một lúc nào đó, giá thuốc, trang thiết bị y tế sẽ được đưa về mức… 0 đồng. Điều này là không phù hợp với biến động thị trường, chưa tính tới yếu tố trượt giá, nhất là trong các tình huống khẩn cấp như đại dịch COVID-19, lạm phát tăng cao, tỷ giá chênh lệch lớn...

Còn theo chia sẻ từ Sở Y tế và một số bệnh viện ở tỉnh Khánh Hòa, Hậu Giang…, nhiều loại thuốc có dải giá trúng thầu rất rộng, khiến nhiều đơn vị mua sắm loay hoay và mất nhiều thời gian để xác định giá kế hoạch. Sau khi có kết quả lựa chọn nhà thầu, cơ quan Bảo hiểm Xã hội lại tiến hành so sánh giá giữa các địa phương trên toàn quốc hoặc giữa các nhóm, hàm lượng, dạng bào chế khác nhau và đề nghị thương thảo giảm giá về giá thấp nhất. Thực tế đã có nhiều trường hợp bị “treo” thanh toán. Do đó, để an toàn, tránh rủi ro hậu kiểm, bị xuất toán, đa số thường lấy mức giá trúng thầu thấp nhất để xây dựng giá kế hoạch phục vụ đấu thầu.

Trong khi đó, ở một số mặt hàng thuốc, dù có nhà thầu tham dự, nhưng họ đều chào vượt giá kế hoạch. Hệ lụy là bên mời thầu phải mời các nhà thầu vào thương thảo, nhưng thường không đạt được thỏa thuận, dẫn đến đấu thầu lại, mất rất nhiều thời gian. Có những gói thầu tổ chức đấu thầu tới 3 - 4 lần vẫn “ế”.

Chưa hết, một số mặt hàng tại thời điểm lập kế hoạch chưa được công bố đầy đủ và kịp thời theo quy định tại Thông tư 15 và Thông tư 14, thiếu cơ sở dữ liệu để làm căn cứ xét thầu (đặc biệt là kết quả trúng thầu vị thuốc y học cổ truyền). Vì vậy, các đơn vị phải tham khảo báo giá, hoặc hóa đơn bán hàng của 3 đơn vị cung cấp thuốc trên thị trường, dẫn đến giá kế hoạch chênh lệch nhau giữa các đơn vị trên cùng địa bàn tỉnh, gây khó khăn cho công tác thẩm định kế hoạch.

>>Ngành Y tế và cuộc đại phẫu không thuốc tê

Không chỉ bên mời thầu, không ít nhà thầu cũng “tiến thoái lưỡng nan” vì giá kế hoạch bất hợp lý. Theo chia sẻ của Tổng giám đốc Công ty CP Dược phẩm Trung ương CPC1 Công Việt Hải cho biết, giá thuốc biến động theo quy luật của thị trường, đặc biệt là nguồn nguyên liệu sản xuất thuốc chủ yếu là nhập từ nước ngoài, do vậy rất khó kiểm soát. Một số thuốc, nếu chào thầu thấp hơn hoặc bằng giá kế hoạch thì chắc chắn nhà thầu sẽ không có lãi, thậm chí lỗ, còn nếu chào vượt giá kế hoạch thì bị loại.

Theo một chuyên gia y tế, kể cả giá trúng thầu hay giá do doanh nghiệp tự kê khai, hiện chưa có đơn vị nào kiểm soát độc lập, nên chưa có mức chuẩn chung để đối chiếu, so sánh giá thuốc sau khi trúng thầu giữa các địa phương, từ đó gây tranh cãi kéo dài. Mặt khác, đơn giá chào thầu còn tùy thuộc vào nhu cầu về số lượng, chi phí vận chuyển, bảo quản, thời hạn giao hàng…, do vậy, không thể có một mặt bằng thống nhất về giá. Việc dựa vào giá trúng thầu, giá kê khai, giá tham chiếu đều không chính xác, tạo rủi ro pháp lý cao và cũng không thể đạt được mục tiêu kiểm soát tham nhũng, tiêu cực trong hoạt động đấu thầu mua sắm công.

Để đưa giá thuốc về sát giá thị trường, tạo thuận lợi trong đấu thầu mua sắm thuốc và trang thiết bị y tế, nhiều chuyên gia đề xuất, thay vì quy định chặt về giá kế hoạch như Thông tư 15 và Thông tư 14, Bộ Y tế cần cụ thể hóa hơn các tiêu chí trong hồ sơ mời thầu, để làm sao cho nhà thầu càng chào chi tiết càng tốt, giải trình được sự khác biệt về giá. Để tránh tình trạng mua bán lòng vòng, đẩy giá lên cao, hồ sơ mời thầu có thể yêu cầu nhà thầu tham dự phải là đại lý được nhà sản xuất ủy quyền phân phối cấp I, cấp II. Giá kê khai phải có thông tin cụ thể về tính năng kỹ thuật cơ bản, cấu hình, xuất xứ…

Có thể bạn quan tâm

  • Bài toán thiếu thuốc, vật tư y tế: Cần sớm tìm lời giải

    Bài toán thiếu thuốc, vật tư y tế: Cần sớm tìm lời giải

    03:30, 23/09/2022

  • Ngành Y tế và cuộc đại phẫu không thuốc tê

    Ngành Y tế và cuộc đại phẫu không thuốc tê

    04:00, 25/06/2022

  • “Lò” tham nhũng cháy ở ngành Y tế (Bài cuối): Trả giá vì quên lời thề y đức

    “Lò” tham nhũng cháy ở ngành Y tế (Bài cuối): Trả giá vì quên lời thề y đức

    11:10, 25/02/2022

(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
Đấu thầu thuốc, thiết bị y tế: Bất cập quy định về lập giá kế hoạch
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO