Bất cập trong thẩm định giá
Sau 9 năm thi hành, Luật Giá 2012 đã và đang cho thấy những “kẽ hở” về thẩm định giá, cần được cân nhắc, xem xét đưa vào Dự thảo Luật (sửa đổi)…
>>Vi phạm thẩm định giá: Cần bổ sung chế tài hình sự
Đây là chia sẻ của Luật sư Nguyễn Trọng Hiệp – Giám đốc Công ty Luật HPVN với Diễn đàn Doanh nghiệp.
- Một số ý kiến cho rằng, Luật Giá 2012 được ban hành đã thể hiện tư duy đổi mới phương thức quản lý giá trong nền kinh tế,… Luật sư đánh giá sao về nhận định này?
Nếu như Pháp lệnh Giá ban hành năm 2002 chỉ có 1 Mục với 6 Điều quy định về thẩm định giá thì đến Luật Giá năm 2012 đã có 1 Chương, với 19 Điều quy định về thẩm định giá. Sau đó, hàng loạt các văn bản các văn bản quy phạm pháp luật được ban hành, làm tiền đề quan trọng cho sự tăng trưởng và phát triển của nền kinh tế khi khuyến khích cạnh tranh về giá, tôn trọng quyền tự định giá của các tổ chức, cá nhân sản xuất kinh doanh, tôn trọng các quy luật kinh tế khách quan chi phối sự hình thành và vận động của giá cả thị trường; đồng thời bảo đảm vai trò của Nhà nước.
Trong thời gian qua, công tác điều hành, quản lý giá đã góp phần kiểm soát lạm phát hàng năm theo mục tiêu, ổn định kinh tế vĩ mô; hệ thống giá điện, nước sạch cho sinh hoạt, xăng dầu, dịch vụ công từng bước được điều hành theo cơ chế thị trường có lộ trình; thu hẹp danh mục hàng hóa do Nhà nước định giá (chỉ định giá đối với một số hàng hóa, dịch vụ quan trọng, tác động lớn đến kinh tế - xã hội); không thực hiện bù lỗ, bù giá, bao cấp qua giá; phát triển nghề thẩm định giá theo hướng chuyên nghiệp, minh bạch hơn... góp phần thúc đẩy sự chuyển biến tích cực trong hoạt động sản xuất kinh doanh theo thị trường, tạo nên tốc độ phát triển cao của nền kinh tế, cải thiện đời sống xã hội.
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, thực tiễn sau 9 năm thi hành, Luật Giá cũng đã phát sinh một số tồn tại, hạn chế, đặc biệt là vấn đề liên quan đến thẩm định giá.
- Cụ thể những tồn tại, hạn chế ở đây là gì, thưa Luật sư?
Luật Giá hiện hành còn nhiều quy định không rõ ràng thiếu minh bạch, thiếu quy định giám sát, kiểm tra quy trình thực hiện thẩm định. Đặc biệt, định giá không sát giá thị trường… đây là “kẽ hở” cho tiêu cực, gây thất thoát ngân sách Nhà nước.
Quy định tại Điều 29 và Điều 42 Luật Giá 2012 cho thấy, pháp luật đã trao quyền cho doanh nghiệp có chức năng thẩm định giá quá lớn như: được quyền cung cấp dịch vụ thẩm định giá và nhận thù lao dịch vụ thẩm định giá theo giá thỏa thuận với khách hàng đã ghi trong hợp đồng; và hoạt động theo nguyên tắc độc lập về chuyên môn nghiệp vụ và chỉ chịu trách nhiệm trước khách hàng về tính chính xác, trung thực, khách quan của kết quả thẩm định giá.
Tuy nhiên, lại không hề có quy định cơ quan nào, cấp nào có quyền hậu kiểm kết quả thẩm định; giám sát, kiểm tra quy trình thực hiện của thẩm định viên có đảm bảo theo luật định… từ đó, dẫn đến tình trạng câu kết, móc ngoặc “thổi giá” hàng hoá nhằm hưởng lợi.
Đây là hiện trạng có thể nhìn thấy rõ nét thông qua hàng loạt những vụ án liên quan đến đấu thầu, mua sắm trang thiết bị y tế tại CDC Hà Nội, Bệnh viện Bạch mai, Bệnh viện Tim Hà Nội… các đối tượng đã thông đồng, móc ngoặc với nhau để đưa ra các chứng thư thẩm định giá của các thiết bị, vật tư y tế cao gấp nhiều lần so với giá thị trường. Đặc biệt là vụ án Công ty Việt Á “bắt tay” với giám đốc CDC một loạt địa phương nâng khống giá kit xét nghiệm COVID-19 lên đến 45% để trục lợi hàng nghìn tỷ đồng.
Không chỉ lĩnh vực y tế, “kẽ hở” của Luật Giá cũng được các đối tượng lợi dụng thực hiện hàng loạt các vụ việc vi phạm trong hầu hết tất cả các lĩnh vực khác thời gian qua.
Chưa kể, việc phát triển nóng về số lượng các doanh nghiệp thẩm định giá trong thời gian gần đây dẫn đến tình trạng nhiều doanh nghiệp thay đổi người đại diện theo pháp luật liên tục trong thời gian ngắn hoặc thẩm định viên về giá có hiện tượng không làm toàn thời gian tại doanh nghiệp dẫn đến khó khăn cho công tác quản lý Nhà nước cũng như làm giảm hiệu quả hoạt động, trách nhiệm nghề nghiệp của doanh nghiệp.
>>Bịt “kẽ hở” thẩm định giá
Khi Luật Giá hiện hành chưa có quy định chặt chẽ để đảm bảo tính ổn định về nhân sự của doanh nghiệp thẩm định giá, nhất là người đại diện theo pháp luật; chưa có quy định định tính về chất lượng hành nghề của thẩm định viên trong trường hợp phải đình chỉ hành nghề khi không đảm bảo chất lượng. Các quy định về đình chỉ, thu hồi Giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh dịch vụ thẩm định giá của doanh nghiệp chưa bao quát đầy đủ các trường hợp trong thực tiễn phát sinh hoặc chưa cụ thể. Các quy định về đình chỉ, thu hồi Thẻ thẩm định viên còn thiếu và chưa rõ nên khó khăn cho khâu thực hiện.
Hoạt động thẩm định giá của Nhà nước hiện chưa rõ phạm vi áp dụng thực hiện. Các trường hợp phải thực hiện thẩm định giá Nhà nước còn quy định chung chung dẫn đến khó xác định trường hợp cụ thể trong thực tế để thực hiện; chưa rõ phạm vi, chưa cụ thể danh mục các hàng hóa, dịch vụ thực hiện thẩm định giá Nhà nước để tạo sự minh bạch, rõ ràng trong thực tiễn áp dụng hình thức thẩm định giá Nhà nước…
- Từ thực tế đã nêu, Luật sư có đề xuất, kiến nghị gì?
Để bịt “kẽ hở” về mặt pháp lý, ngăn chặn hành vi tình trạng thông đồng “thổi giá” hàng hóa để trục lợi, Dự thảo Luật Giá (sửa đổi) cần quy định cụ thể về cơ chế, trách nhiệm giám sát, kiểm tra quy trình thực hiện thẩm định đảm bảo theo luật định, đảm bảo giá trị của hàng hoá, dịch vụ không bị thổi lên và đúng với giá trị thực tế. Đặc biệt có quy định rõ cơ quan nào, cấp nào chịu trách nhiệm hậu kiểm kết quả thẩm định; trách nhiệm cũng như chế tài đủ sức răn đe đối với tổ chức cá nhân để xảy ra sai phạm…
Đồng thời, cần quy định thời gian tối thiểu 1 năm để được tiếp tục là người đại diện theo pháp luật, Giám đốc hoặc Tổng giám đốc của doanh nghiệp thẩm định giá này sang doanh nghiệp khác. Cùng với đó, yêu cầu người đại diện theo pháp luật doanh nghiệp thẩm định giá phải có ít nhất 36 tháng là thẩm định viên về giá hành nghề trước khi trở thành người đại diện theo pháp luật, nhằm hạn chế tình trạng quản lý kém, trình độ chuyên môn yếu của một số đại diện pháp luật.
- Xin cảm ơn Luật sư!
Có thể bạn quan tâm
Dự thảo Luật Giá (sửa đổi): Vì sao chưa bỏ Quỹ Bình ổn giá xăng dầu?
22:06, 19/09/2022
Dự thảo Luật Giá (sửa đổi): Sửa nhóm chính sách về hiệp thương giá
00:06, 18/07/2022
Sửa Luật Giá: Đề xuất bỏ quỹ bình ổn giá xăng dầu
04:00, 26/06/2022
Vi phạm thẩm định giá: Cần bổ sung chế tài hình sự
11:00, 24/07/2022
Bịt “kẽ hở” thẩm định giá
03:50, 12/05/2022
“Lùm xùm” thẩm định giá đất tại Nam Từ Liêm, Hà Nội
03:30, 20/03/2022
Cần chế tài đủ sức “răn đe” đối với vi phạm trong thẩm định giá
04:10, 19/03/2022