Thực tế công tác tổ chức đấu thầu thời gian qua cho thấy, đang có những lỗ hổng tạo cơ hội cho các tổ chức, cá nhân lợi dụng gian lận thầu, trong đó có nhiều vấn đề liên quan đến thẩm định giá.
>>Cần chế tài đủ sức “răn đe” đối với vi phạm trong thẩm định giá
Đó là chia sẻ của Luật sư Nguyễn Tiến Hoà, Đoàn luật sư Thành phố Hồ Chí Minh với Diễn đàn Doanh nghiệp.
Theo luật sư Nguyễn Tiến Hòa, thẩm định giá là khâu quan trọng trong các hoạt động đấu thầu, đấu giá, cổ phần hoá. Nghiên cứu các vụ việc gần đây liên quan đến hoạt động mua sắm các thiết bị y tế, đấu giá quyền sử dụng đất… cho thấy, nhiều trường hợp thẩm định viên và tổ chức thẩm định giá lợi dụng những kẽ hở của pháp luật để xác định mức giá cao hoặc thấp nhằm nâng khống hoặc dìm giá tài sản tùy theo lợi ích của các cá nhân, đơn vị liên quan.
- Ông có thể cho biết, nguyên nhân nào dẫn đến những sai phạm trong hoạt động thẩm định giá?
Các sai phạm trong hoạt động cung cấp dịch vụ thẩm định giá xuất phát từ nhiều nguyên nhân.
Về khách quan, là do hệ thống pháp luật đôi khi còn chồng chéo, chưa đồng bộ.
Hoạt động đấu giá tài sản chịu sự điều chỉnh của nhiều văn bản, liên quan đến nhiều khâu, thuộc quyền quản lý của nhiều cơ quan bộ, ngành, địa phương. Luật Đấu giá tài sản chỉ quy định về trình tự, thủ tục đấu giá do các tổ chức đấu giá tài sản thực hiện trong khi các yếu tố tiên quyết quyết định thành công của cuộc đấu giá như thẩm định giá, xác định giá khởi điểm, phê duyệt phương án đấu giá, giám sát quá trình tổ chức thực hiện việc đấu giá, nộp tiền trúng đấu giá… chịu sự điều chỉnh của các luật chuyên ngành (Luật Đất đai, Luật Quản lý sử dụng tài sản công…), thuộc thẩm quyền quản lý của nhiều cơ quan nhà nước khác nhau.
Cùng với đó, thông tin về thị trường tài sản, hàng hóa, dịch vụ còn hạn chế, ít công khai và minh bạch. Khách hàng thẩm định giá cung cấp thông tin về tài sản thẩm định giá chưa trung thực và đầy đủ. Việc đấu thầu, đấu giá chưa thực sự minh bạch, nảy sinh tiêu cực.
Về chủ quan, việc tổ chức thi hành pháp luật, áp dụng pháp luật về hoạt động đấu giá tài sản còn chưa nghiêm; vai trò, trách nhiệm quản lý tài sản trong quá trình xử lý tài sản, nhất là đối với tài sản công của một số người có tài sản, cơ quan, tổ chức, địa phương chưa được quan tâm, nhận thức đúng và đầy đủ.
Trong đó nguyên nhân chính và có ảnh hưởng không nhỏ dẫn đến các lỗ hổng trong hoạt động đấu giá, định giá tài sản là khuyết cơ quan giám sát, phản biện các Bộ và UBND tỉnh trong thẩm định về giá.
>>Nghị định số 12/2021/NĐ-CP: Quản chặt hoạt động kinh doanh dịch vụ thẩm định giá
- Các nước trên thế giới đã triển khai việc này như thế nào, Việt Nam có thể học gì từ họ, thưa ông?
Ở các nước, các thẩm định viên độc lập, các công ty nhà nước và tư nhân với nhiều hình thức sở hữu khác nhau muốn được hoạt động trong lĩnh vực thẩm định giá đều phải đạt những tiêu chuẩn nhất định do Chính Phủ quốc gia đó quy định. Nhiều nước đã ban hành những quy định để nâng cao tiêu chuẩn nhằm đối phó với những tiêu cực trong thẩm định giá.
Ở Singapore, những định giá viên về giá làm việc cho Chính phủ, cho tổ chức hoặc khu vực tư nhân nhưng có liên quan chặt chẽ với Chính phủ thì không được cấp giấy phép hành nghề thẩm định giá. Họ được phép định giá nhưng không được phép thu phí dịch vụ định giá của mình. Ngoài ra, tất cả các hội viên của Hiệp hội đều phải tuân thủ quy tắc đạo đức nghề nghiệp của Hiệp hội, nếu vi phạm, tùy trường hợp cụ thể có thể bị khiển trách, đình chỉ hoạt động hoặc khai trừ khỏi hiệp hội.
Ở Trung Quốc, để thành lập công ty thẩm định giá phải đảm bảo những tiêu chuẩn sau: Phải có ít nhất 03 chuyên gia đã được cấp phép hành nghề thẩm định giá và một số cộng tác viên ở các ngành có liên quan đến chuyên môn cần thẩm định như xây dựng, chế tạo máy, …; Phải có nhân sự để tổ chức đủ 5 bộ phận, bao gồm: thẩm định tài sản, kiểm toán, pháp chế, thẩm định máy thiết bị, giám định công trình xây dựng; Phải có đủ vốn theo luật quy định trong thành lập doanh nghiệp.
Ở Đức, để đảm bảo tính khách quan, việc định giá động sản hay bất động sản đều do các công ty tư vấn, các tổ chức trung gian thực hiện. Những doanh nghiệp và tổ chức trung gian này phải tuần thủ những tiêu chuẩn nghiêm ngặt Uỷ ban các tiêu chuẩn chuẩn thẩm định giá tài sản quốc tế (TIVSC) và Hội đồng thẩm định giá Châu Âu (TEGoVA).
Việt Nam có thể học hỏi các nước về các vấn đề liên quan đến việc nâng cao tiêu chuẩn thành lập công ty định giá và điều kiện hành nghề của thẩm định viên. Ngoài ra có thể học tập những nguyên tắc chuyên môn và nguyên tắc đạo đức của các tổ chức và Uỷ ban thẩm định giá uy tín trên thế giới.
- Vậy, làm thế nào bít được kẽ hở thẩm định giá, thưa ông?
Để bịt được kẽ hở thẩm định giá, trước hết phải hoàn thiện hệ thống pháp luật làm sao cho đồng bộ, hoàn chỉnh. Hiện tại, pháp luật về hoạt động thẩm định giá vẫn còn những mâu thuẫn chồng chéo với các luật chuyên ngành khác.
Tiếp theo, cần phải định lượng được các tiêu chuẩn thẩm định giá, xây dựng các cơ sở dữ liệu giá để tránh sự chênh lệch và thiếu thống nhất. Định lượng được chính xác tiêu chuẩn về thẩm định giá có thể giúp các doanh nghiệp, các hội đồng thẩm định tính được giá đúng khi tiếp cận với bất kì góc độ nào.
Có thể sử dụng những phương pháp mà các nước phát triển đang sử dụng hiện nay như phương pháp so sánh hoặc phương pháp giá thành thay cho phương pháp đang có nhiều tồn tại mà nước ta đang sử dụng như phương pháp thặng dư và phương pháp dòng tiền chiết khấu.
Cuối cùng, cần phải điều chỉnh những vấn đề về quản lý điều kiện hành nghề thẩm định giá của doanh nghiệp, thẩm định viên. Có thể nâng số lượng thẩm định viên về giá để có thể thành lập doanh nghiệp khi mà điều kiện hiện nay là tương đối dễ để đáp ứng (03 thẩm định viên).
Pháp luật về hoạt động thẩm định giá cần xem xét quy định thêm về việc kiểm tra hoạt động hành nghề của thẩm định viên tại mỗi doanh nghiệp để đảm bảo chất lượng của hoạt động thẩm định giá.
- Xin cảm ơn ông!
Có thể bạn quan tâm
“Lùm xùm” thẩm định giá đất tại Nam Từ Liêm, Hà Nội
03:30, 20/03/2022
Cần chế tài đủ sức “răn đe” đối với vi phạm trong thẩm định giá
04:10, 19/03/2022
Dự thảo Thông tư thẩm định giá chưa đảm bảo tính hợp lý
04:30, 09/04/2021
Nghị định số 12/2021/NĐ-CP: Quản chặt hoạt động kinh doanh dịch vụ thẩm định giá
14:17, 03/03/2021
TIN NÓNG CHÍNH PHỦ: Siết chặt điều kiện hành nghề của doanh nghiệp thẩm định giá
19:15, 25/02/2021