Chính sách - Quy hoạch

Định giá đất vẫn tắc

Diệu Hoa 20/02/2025 05:00

Dù đã có hiệu lực thi hành gần 7 tháng nhưng Nghị định 71/2024/NĐ-CP về định giá đất vẫn chưa thể áp dụng thực tế bởi địa phương vẫn lúng túng.

Chia sẻ tại Diễn đàn bất động sản mùa Xuân do Tạp chí Reatimes tổ chức mới đây, ông Nguyễn Quốc Hiệp - Chủ tịch GP Invest cho hay, thời gian qua, Đảng và Chính phủ cũng đang rất quyết tâm trong cải cách thể chế, nhất là trong lĩnh vực bất động sản, trong đó cách thức thực hiện quy định pháp luật rõ ràng, minh bạch hơn. Song, nhiều doanh nghiệp đến nay vẫn gặp vướng mắc nhất định.

Định giá đất vẫn còn rất chậm. Ảnh: DH
Định giá đất vẫn còn rất chậm tại các địa phương. Ảnh: DH

Theo ông Hiệp, trong lĩnh vực bất động sản, doanh nghiệp có khi phải xin đến 38 - 40 con dấu để có thể thực hiện dự án. Hay việc xin điều chỉnh quy hoạch cũng gặp nhiều khó khăn.

Tính đến tháng 1/2025, có khoảng 25 tỉnh thành công bố bảng giá đất mới. Tuy nhiên, nội hàm việc tính giá đất là do cơ cấu tính giá đất, yếu tố đầu vào không đầy đủ dẫn đến việc giá đất tăng cao. Đây là khó khăn lớn nhất đối với doanh nghiệp, gây nhiều khó khăn.

Chủ tịch GP Invest nhận định, nhiều doanh nghiệp mất 1-2 năm vẫn không tính được giá đất, dẫn đến chi phí đầu vào tăng cao, việc này dẫn đến nếu tính giá đất không chuẩn xác sẽ có thể gây ra nhiều khúc mắc. "Đây là điều tôi mong muốn được các bộ ngành, địa phương tháo gỡ cho doanh nghiệp. Nếu tháo gỡ được, khả năng triển khai các dự án bất động sản sẽ nhanh hơn" - ông Nguyễn Quốc Hiệp cho biết.

Cũng ghi nhận tình trạng trên, ông Lê Văn Bình, Phó Vụ trưởng Vụ Đất đai, Bộ Nông nghiệp và Môi trường cho hay, trước đây, theo Luật Đất đai 2013, Bộ đã ban hành Thông tư 36 dựa trên Nghị định 44.

Cụ thể, Nghị định số 44/2014/NĐ-CP đã quy định 5 phương pháp định giá đất, bao gồm so sánh trực tiếp, chiết trừ, thu nhập, thặng dư và hệ số điều chỉnh giá đất, đồng thời xác định rõ điều kiện áp dụng cho từng phương pháp. Thông tư 36 có nhiệm vụ quy định chi tiết về phương pháp định giá đất, trình tự thủ tục xây dựng bảng giá đất, định giá đất cụ thể và tư vấn xác định giá đất.

Tiếp theo, khi Luật Đất đai 2024 ra đời, Thông tư 36 đã được sửa đổi và nâng lên thành Nghị định 12. Sau một thời gian thực hiện Nghị định 12, Chính phủ tiếp tục ban hành Nghị định 71, quy định cụ thể trình tự và nội dung xác định giá đất theo 4 phương pháp. Ngoài ra, Nghị định 102 cũng được ban hành để tạo cơ sở pháp lý cho việc thu hồi đất đối với các dự án mà chủ đầu tư chậm nộp tiền sử dụng đất hoặc tiền thuê đất.

Đề xuất áp thuế cao với bất động sản sở hữu ngắn nhận nhiều ý kiến trái chiều. Ảnh: DH
Thống nhất quy trình thực hiện định giá đất là vấn đề cần sớm được giải quyết. Ảnh: DH

Theo đó, đã đủ cơ sở pháp lý để chính quyền địa phương tháo gỡ cho các dự án còn “nợ” định giá đất trước đó.

Tuy nhiên, vị lãnh đạo Vụ đất đai cho hay, hiện khúc mắc ở địa phương là tranh cãi giữa tư vấn định giá đất, hội đồng thẩm định giá đất và cơ quan có thẩm quyền quyết định giá đất. "Vấn đề là thực thi và sợ trách nhiệm" - ông Bình nói và cho biết tới đây Bộ sẽ đồng hành cùng các địa phương để tháo gỡ vướng mắc trong định giá đất.

Đồng quan điểm, ở cương vị hiệp hội đã đồng hành cùng các Bộ để góp ý xây dựng các luật, nghị định, ông Nguyễn Văn Khôi - Chủ tịch Hiệp hội bất động sản Việt Nam (VNREA) cũng đề nghị Bộ Nông nghiệp và Môi trường sắp xếp các buổi làm việc với UBND các tỉnh để giải quyết vướng mắc về quy trình định giá đất, xác định trách nhiệm của đơn vị tư vấn, của hội đồng thẩm định giá. "Trước khi tư vấn đưa ra giá cụ thể thì phải có khâu cấp chính quyền thống nhất phương pháp thực hiện với dự án đó, cơ sở để áp dụng" - ông Khôi đề xuất.

(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
Định giá đất vẫn tắc
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO