Mới đây, Bộ Tài chính đã có văn bản gửi các bộ, cơ quan ngang bộ và Uỷ ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương về việc tăng cường kiểm soát hoạt động thẩm định giá của Nhà nước.
>>Nghị định số 12/2021/NĐ-CP: Quản chặt hoạt động kinh doanh dịch vụ thẩm định giá
Hàng loạt vụ án trong thời gian qua liên quan đến sai phạm trong việc thẩm định giá đã cho thấy những thiệt hại “khổng lồ” về kinh tế, Bộ Tài chính cũng phải thừa nhận những thẩm định viên về giá vi phạm tiêu chuẩn đạo đức, "thổi giá" gây thất thoát ngân sách, giảm hiệu quả đầu tư, tạo gánh nặng cho xã hội.
Điển hình là câu chuyện liên quan đến việc sản xuất và “thổi giá” kit xét nghiệm COVID-19 của Công ty Cổ phần Công nghệ Việt Á bị khởi tố hình sự vì vi phạm quy định về đấu thầu, gây hậu quả nghiêm trọng trong việc cung ứng kit xét nghiệm COVID-19 cho Trung tâm kiểm soát bệnh tật (CDC) Hải Dương và các đơn vị, địa phương liên quan. Theo lời khai ban đầu, Tổng giám đốc Việt Á móc ngoặc với các bên nâng khống giá kit xét nghiệm lên khoảng 45%.
Hay như trước đó hồi tháng 11/2021, cơ quan điều tra khởi tố, tạm giam 8 bị can, trong đó có bà Nguyễn Thị Loan, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty cổ phần Y dược Vimedimex về tội vi phạm quy định về hoạt động bán đấu giá tài sản liên quan đến đấu giá đất ở Huyện Đông Anh, Hà Nội.
Trong vụ án này, cơ quan điều tra xác định bà Loan thông đồng với cán bộ của Ban Quản lý dự án huyện Đông Anh và Công ty Thẩm định giá và đầu tư Hà Nội để can thiệp điều chỉnh giá trên chứng thư thẩm định nhằm biến hoá dìm kết quả thẩm định giá xuống hàng trăm tỷ đồng, từ 500 tỷ đồng xuống 300 tỷ đồng.
Nhiều vụ án khác cũng liên quan đến thẩm định giá, gây thiệt hại cho Nhà nước và nhân dân như vụ “thổi giá”, nâng khống thiết bị y tế xảy ra ở bệnh viện Tim Hà Nội, Bệnh viện Bạch mai, CDC Hà Nội… Trong các vụ án này đã có nhiều thẩm định viên, công ty thẩm định liên quan bị khởi tố bắt giam.
Liên quan đến các sai phạm về thẩm định giá nêu trên, các chuyên gia cho rằng, cần phải bổ sung chế tài hình sự để xử lý nghiêm minh, đủ sức răn đe, tương xứng với những hậu quả nghiêm trọng đã gây ra cho xã hội.
>>Bịt lỗ hổng thẩm định giá
Trao đổi với DĐDN, luật sư Tạ Anh Tuấn - Trưởng Văn phòng luật sư Bách Gia Luật và Liên danh, Đoàn Luật sư Hà Nội cho biết, mặc dù, thời gian qua đã có nhiều thẩm định viên vi phạm bị khởi tố hình sự. Tuy nhiên, chủ yếu bị khởi tố với vai trò đồng phạm, giúp sức, dẫn đến hệ quả là thiếu tính răn đe.
Cụ thể, luật sư Tạ Anh Tuấn cho biết, chế tài đối với những hành vi sai phạm trong thẩm định giá được quy định tại Nghị định số 109/2013/NĐ-CP quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực quản lý giá, phí, lệ phí, hóa đơn.
Theo đó, thẩm định viên về giá có vi phạm có thể bị phạt đến 40 triệu đồng đối với một trong các hành vi: Không thực hiện đúng hướng dẫn tại Tiêu chuẩn thẩm định giá Việt Nam về quy trình thẩm định giá, phương pháp thẩm định giá; Không áp dụng đủ các phương pháp thẩm định giá theo quy định của pháp luật về giá.
Nếu thực hiện hành vi: Thông đồng với chủ tài sản, khách hàng, người có liên quan khi thực hiện thẩm định giá nhằm làm sai lệch kết quả thẩm định giá; Làm sai lệch hồ sơ tài sản thẩm định giá hoặc sai lệch thông tin liên quan đến tài sản thẩm định giá dẫn tới sai lệch kết quả thẩm định giá… sẽ bị xử phạt đến 70.000.000 đồng.
Ngoài ra có thể chịu hình thức xử phạt bổ sung là tước Thẻ thẩm định viên về giá có thời hạn cao nhất đến 90 ngày. (Điều 19).
Đối với doanh nghiệp thẩm định giá, sẽ bị phạt tiền đến 30 triệu đồng đối với các hành vi: Thực hiện thẩm định giá mà không có hợp đồng cung cấp dịch vụ thẩm định giá đồng thời cũng không có văn bản yêu cầu thẩm định giá của khách hàng thẩm định giá; Phát hành Chứng thư thẩm định giá hoặc Báo cáo thẩm định giá không có đủ các thông tin cơ bản theo hướng dẫn tại Tiêu chuẩn thẩm định giá Việt Nam…
Có thể thấy dù những sai phạm trong thẩm định giá gây ra hậu quả vô cùng nghiêm trọng, gây thiệt hại, thất thoát tài sản Nhà nước hàng trăm thậm chí hàng nghìn tỉ đồng nhưng chế tài đối với hành vi sai phạm là quá nhẹ.
Để ngăn chặn thất thoát tài sản Nhà nước từ thẩm định giá, luật sư Tạ Anh Tuấn cho rằng, bên cạnh việc kịp thời chấn chỉnh các hoạt động thẩm định giá như: hoàn thiện quy định pháp luật về thẩm định giá; kiên quyết thu hồi giấy phép hành nghề, xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật đối với hành vi thông đồng, trục lợi, làm thất thoát tài sản nhà nước… cơ quan chức năng cần tăng nặng chế tài đối với hành vi vi phạm trong lĩnh vực thẩm định giá.
“Những nhà làm luật cần nghiên cứu bổ sung chế tài hình sự về tội danh vi phạm quy định về thẩm định giá, đảm bảo những hành vi sai phạm có thể được xử lý bằng một chế tài pháp luật nghiêm minh, đủ sức răn đe, thỏa đáng, tương xứng với những hậu quả nghiêm trọng đã gây ra cho xã hội” – Luật sư Tạ Anh Tuấn nói.
Có thể bạn quan tâm
Bịt “kẽ hở” thẩm định giá
03:50, 12/05/2022
“Lùm xùm” thẩm định giá đất tại Nam Từ Liêm, Hà Nội
03:30, 20/03/2022
Cần chế tài đủ sức “răn đe” đối với vi phạm trong thẩm định giá
04:10, 19/03/2022
Bịt lỗ hổng thẩm định giá
11:00, 23/11/2021
Dự thảo Thông tư thẩm định giá chưa đảm bảo tính hợp lý
04:30, 09/04/2021
Nghị định số 12/2021/NĐ-CP: Quản chặt hoạt động kinh doanh dịch vụ thẩm định giá
14:17, 03/03/2021
TIN NÓNG CHÍNH PHỦ: Siết chặt điều kiện hành nghề của doanh nghiệp thẩm định giá
19:15, 25/02/2021
VCCI: Xem xét lại điều kiện của người đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp thẩm định giá
05:00, 06/11/2019